Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo) [20]

3- Cuộc cải cách năm Kansei (Khoan Chính):

3.1 Matsudaira Sadanobu bước lên vũ đài. Bản lĩnh chính trị của ông:

Chúng ta bước vào phần trình bày về cuộc cải cách năm Kansei (1789-1801, nhưng kỳ thực nó đã bắt đầu từ tháng 6 năm 1787 hay Tenmei 7) dưới sự chỉ đạo của đại thần Matsudaira Sadanobu (Tùng Bình, Định Tín, 1758-1829). Ông con nhà Tayasu, một trong “tam khanh” [113]. Xuất thân là con trai Tayasu Munetake (Điền An Tông Vũ) và là cháu nội Shôgun đời thứ 8 Yoshimune. Nhân vì dinh thự của Munetake là điện Tayasu bên cửa thành cùng tên nên gia đình này lấy đó làm họ. Sadanobu được gửi làm con nuôi lãnh chúa phiên Shirakawa (phía nam Fukushima), sau đó đã thừa kế phiên này nên còn có biệt hiệu là Shirakawa Rakuô (Bạch Hà Lạc Ông). Ông có thiên tự truyện nhan đề Uge no hitogoto (Vũ hạ nhân ngôn = Nói một mình dưới mái nhà, 1793), viết khi đã qui ẩn. Biệt hiệu đó là chiết tự từ 2 chữ Định Tín (bộ vũ + hạ, nhân + ngôn), tên của ông vậy.

Trong đoạn trước, chúng ta nhắc đến trận đói năm Tenmei (từ Tenmei 2 đến 7, 1782-88). Tai họa ấy đã làm cho xã hội càng thêm dao động và người bị coi là có trách nhiệm là Tanuma Okitsugu đã bị hất khỏi cái ghế Rôjuu. Chuyện này xảy ra vào tháng 8 năm 1786 (Tenmei 6).

Thế nhưng sau vụ bãi nhiệm này, Matsudaira Sadanobu chưa có thể trở thành Rôjuu ngay. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc đưa Sadanobu lên thế Tanuma Okitsugu đã vấp phải sự chống đối của phe phái ông ta còn ngồi lại trong chính quyền. Chính vì thế mà có một thời kỳ trống vắng chính trị, nước Nhật không có ai đứng ra lèo lái.

Trong tình trạng như vậy, ở Edo đã có nhiều vụ bạo dộng đập phá đại qui mô, gây ra một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn. Để trấn an quần chúng, mạc phủ bắt buộc phải mở những trạm tế bần (tên là osukui-goya) để thi hành nhân chính (jinsei). Ở đấy, họ cung cấp lương thực cho dân nghèo. Họ cũng đặt ra chế độ bán gạo với giá rẻ. Trong khi những giải pháp nói trên hãy còn chưa đủ sức để giải quyết tình hình thì Sadanobu đã nhậm chức Rôjuu để thi hành chính trị của mạc phủ.

Trong chế độ của mạc phủ Tokugawa và ở Nhật nói chung, người lên đến chức cao thường được thăng tiến từ trong nội bộ. Kẻ lên đến vai trò Rôjuu theo thông lệ phải từng là wakadoshiyori (như thứ trưởng), Kyôtosho-shidai (đô trưởng Kyôto) hay sôjaban (tấu giả ban, người thay mặt các quan để tâu trình) ...chứ không ngang nhiên ngày một ngày hai từ phiên trấn Shirakawa vùng Tôhoku (Đông Bắc) và về Edo đứng đầu chính phủ. Do đó việc bổ nhiệm nhân sự trong trường hợp của Sadanobu là một ngoại lệ.

Như thế thì hẳn là trong việc bổ nhiệm Sadanobu phải có một lý do đặc biệt.Lý do ấy chính là việc vào cuối thời kỳ Tanuma Okitsugu chấp chánh, nạn đói đã hoành hành trên một vùng Tôhoku (Đông Bắc) từ Yonezawa, Akita, Aizu cho đến Shônai (Tsuruoka). Lúc ấy, người ta đói đến nỗi ăn cả rễ cây. Con số người chết nhiều vô kể, đúng là một thảm họa. Thế nhưng lúc ấy ở phiên Shirakawa, nơi Sadanobu làm lãnh chúa, ông đã chỉ đạo người trong phiên thi hành jinsei (nhân chính) tức chính sách tế bần hữu hiệu nên “không có người chết đói”. Những ruộng vườn hoang phế đều được tái sử dụng kịp thời. Tiếng đồn tốt về tài cai trị của ông đã khiến cho người bố đẻ của Shôgun đời thứ 11 Tokugawa Ienari (Gia Tề, tại chức 1787-1837, 1773-1841) [114] là Hitotsubashi Harunari (Nhất Kiều, Trị Tế) [115] đề nghị vời ông về làm chức Rôjuu để giúp đỡ Ienari trị nước. Vì vậy, thiên hạ thời ấy vẫn thường kháo nhau về Sadanobu như là “cái ông Rôjuu do những cuộc bạo động phá hoại (uchikowashi) đẻ ra”. Nhân đây cũng nhắc thêm là Sugita Genpaku, người dịch cuốn sách về cơ thể học nhan đề Kaitai shinsho (Giải thể tân thư) nổi tiếng kia, đã có lần nhắc đến cuộc bạo động thời đó trong một trước tác khác như sau: “Nếu những cuộc bạo động không xảy ra, e rằng chính sách nhà nước vẫn giữ nguyên như cũ”.

Chính trị của Sadanobu trên nguyên tắc là đi theo đường lối của ông nội mình tức Shôgun đời thứ 8 Yoshimune trong cuộc cải cách năm Kyôhô (Hưởng Bảo). Lý tưởng của ông là phục hồi lại quyền uy của nhà chúa. Do đó, không gì quan trọng đối với ông hơn là chấn chỉnh lại nông nghiệp vì nông thôn từng là nguồn huê lợi chính cho tài chánh của mạc phủ. Chính sách của ông như thế đặt trọng tâm vào việc phục hưng nông thôn để ổn định ngân sách. Tuy nhiên, Sadanobu cũng không quên lưu ý đến các chính sách đô thị và chính sách xã hội. Sau đây, chúng ta sẽ đi vào chi tiết cụ thể của những chính sách ấy.

3.2 Chính sách phục hưng nông thôn:

Trước tiên, hãy bàn về chính sách phục hưng nông thôn. Chính sách trọng nông của Maitsudaira Sadanobu tuy có tương phản với đường lối trọng thương của Tanuma Okitsugu, người tiền nhiệm, nhưng ông đã tỏ ra quyết tâm trong nhận thức xem nông dân (hyakushô) là cơ sở của chế dộ. Trước tiên phải làm sao cho nông dân có cuộc sống ổn định, dù có mất mùa vẫn không lo đói kém. Hơn nữa, tình hình nông thôn ổn định sẽ giúp cho mạc phủ bảo đảm được nguồn thu nhập từ tuế cống và như thế, sẽ tái thiết lại tài chánh của nhà nước. Sadanobu như vậy đã đứng trên quan điểm kinh tế có tính truyền thống mà mạc phủ chủ trương cho đến bấy giờ.

Đại biểu cho tư duy ấy là Kyuuri kinôrei (Cựu lý qui nông lệnh) nghĩa là bắt nông dân phải ở lại làng cũ cấy cày.Những vùng như Mutsu (Lục Áo) ở đông bắc đảo Honshuu (Tôhoku) cũng như phía bắc Kantô đã xảy ra sự giảm sút nhân khẩu một cách đáng lo ngại. Lệnh này giới hạn việc dân chúng bỏ quê hương sang vùng khác kiếm ăn.Nhà nước nhắm mục đích khôi phục lại những ruộng vườn bị bỏ hoang. Những ai từ nông thôn lên Edo kiếm ăn mà không có một nghề chính trong tay (chính nghiệp = seigyô) thì được chính phủ cấp tiền và khuyến khích trở về làng cũ.

Chính sách kinô (qui nông) lại đi kèm với chính sách kakoimai (hay kakoigome, vi mễ = gạo dự trữ). Chính sách này qui định rằng mỗi khi mùa màng thất bát thì trong vùng phải có sẳn một số gạo dự trữ để tránh việc thiếu thốn lương thực. Lối suy nghĩ này mang tên bikôchokoku (bị hoang trữ cốc) nghĩa là để dành gạo nhỡ khi mất mùa đói kém (cơ hoang). Cho đến thời điểm đó, chính ra cả mạc phủ và các phiên trấn đều có dự trữ gạo hoặc dùng cho việc quân, hoặc để điều chỉnh giá gạo nhưng dưới thời Sadanobu, việc để dành gạo cứu đói đã trở thành một chính sách áp dụng cho cả nước, bất luận nông thôn hay thành thị.

Sở dĩ có chế độ kakoimai là vì ở thành phố Kyôto, trước đó người ta đã thực hiện điều này. Nhân lúc Sadanobu đi tuần tra, ông được một học giả nho học là Nakai Chikuzan (Trung Tỉnh, Trúc Sơn), giáo sư của ngôi trường bán công Kaitokudô (Hoài Đức Đường) do dân chúng Ôsaka bỏ vốn thành lập năm 1724, báo cáo cho ông biết. Sadanobu đã tiếp nhận đề án ấy. Đến năm 1790 (Kansei 2), ông hạ lệnh cho các lãnh chúa các phiên trong nước, đến năm 1794 (kansei 6) thì trong vòng 5 năm, cứ mỗi 1 vạn thạch thóc có được phải để dành ra 50 thạch cho chương trình cứu trợ.

Các sách vở ở Nhật khi nói về kakoimai, thường không tiết lộ nhưng kỳ thực, dù mang tiếng là gạo (mai, kome) nhưng kakoimai chỉ được dự trữ bằng momi (tức là thóc còn nguyên vỏ, momigome). Để dự trữ thóc đó, các địa phương đã dựng những nhà kho có tên là shasô (xã thương, thương = nhà kho) hay gisô (nghĩa thương). Shasô là nhà kho để trữ lượng thóc mà dân chúng đóng góp, còn gisô là nhà kho chứa thóc mà những người giàu có gửi vào thay cho việc nộp thuế. Ngoài hai lại nhà kho nói trên còn có jôheisô (thường bình thương, kho trữ thóc với mục đích dùng để điều chỉnh giá gạo cho nó được quân bình). Cả ba loại kho họp lại thành sansô hay “tam thương”. Nói về kakoimai, xin nhớ rằng nó là sản phẩm của chính sách nông nghiệp năm Kansei, khác với agemai vốn là sản phẩm của chính sách thời Kyôhô.

3.3 Chính sách đô thị - Chính sách xã hội:

Tiếp đến xin trình bày về chính sách đô thị và chính sách xã hội của đại thần Sadanobu. Trước tiên, về chính sách phòng đói (bị hoang = bikô) thì có qui chế shichibu kintsumitate (lập quỹ 70% tiền để dành). Nó có nghĩa là lập một cái quĩ gom lại những tiền để dành được từ việc tiết giảm kinh phí vận doanh (chô.nyuuyô) của thành phố Edo. Bảy mươi phần trăm (sichibu) của món tiền ấy phải được Edo machikaisho (Hội đồng hàng phố Edo) cất giữ. Số tiền này được dùng để mua gạo và vàng làm phương tiện cứu giúp người gặp cảnh khốn cùng khi có đói kém hay tai họa gì xảy tới. Cho đến nay thì mỗi lần có đói kém, dân nghèo không ngớt làm mất an ninh công cộng vì hành vi bạo động đập phá của họ. Vì vậy quĩ cứu trợ này có mục đích giúp tiền cho những người nông dân bỏ xứ ra Edo kiếm ăn. Họ chính là những cùng dân hay quậy phá trước ai hết trong các cuộc bạo động (uchikowashi). Tóm lại, quĩ ấy cứu giúp, tạo điều kiện cho họ về quê nhưng cùng lúc, giảm bớt cho Edo một mối lo.

Thật vậy, nông dân bỏ ruộng vườn lên Edo đã gây ra một vấn đề nan giải bởi vì họ không có cơ sở kinh tế để có thể sống lâu dài giữa một thành phố lớn. Câu hỏi đặt ra ở đây là phải đối xử với họ thế nào, nhất là giữ cho được trị an. Những người dân nghèo này nhà cửa không mà nghề nghiệp cũng không. Vì thế, năm 1790 (Kansei 2), mạc phủ đã mở một khu vực tập trung họ lại gọi là Ninsoku yoseba (Nhân túc ký trường), khu dừng chân cho kẻ không nhà, trên đảo Ishikawajima thuộc Edo. Sadanobu đã cố gắng xử lý vấn đề bằng cách thực thi chính sách dạy nghề, giúp những người này một chút kỷ thuật để họ có thể đi kiếm ăn.

Năm 1789 (Kansei nguyên niên), mạc phủ đã ban Kienrei (Khí quyên lệnh, khí = bỏ, quyên = thu, Debt Moratoriums).Chính sách này nhằm giúp đỡ đám bầy tôi thân tín của mạc phủ tức là những người hatamoto và go-kenin đang gặp khó khăn kinh tế. Những món nợ nào họ ký trước đây thì cho phép thương lượng để thay đổi khế ước, còn các món nợ họ có đối với các tay fudasashi (hay kurayado) tức là những kẻ chuyên làm nghề đem tiền đổi lấy gạo trong kho của mạc phủ, hay cho vay nặng lãi, thì họ được xóa nợ. Trong thành phố Edo, có khoảng 96 con buôn fudasashi kiểu đó. Toàn văn lệnh này có đến 9 điều khoản nhưng quan trọng nhất là điều khoản qui định; “Những món nợ có từ xưa thì hũy bỏ đã đành, nhưng những món nợ cho đến năm Thìn vừa qua (nghĩa là 6 năm trước) thì tất cả cũng coi như bị hũy bỏ”. Lệnh này được ban ra vào năm 1789 (Kansei nguyên niên). Năm Thìn tức thời điểm 6 năm về trước là 1784 (Tenmei 4) vậy. Đùng một cái, các tay fudasashi đã mất trắng một món nợ lớn là 118 vạn lạng.

Những dòng nói trên liên quan đến chính sách đô thị của Sadanobu. Như thế chúng ta đã thấy chính quyền Tokugawa – qua Sadanobu – đã đánh giá tầm quan trọng của chính sách đối với những dân vô gia cư và người cùng khổ là như thế nào.

3.4 Sự khống chế tự do ngôn luận, tư tưởng, xuất bản, phong tục:

Cũng không thể không nhắc đến những chính sách chấn chỉnh kỹ cương phong hóa của xã hội cũng như phục hồi đạo đức của người võ sĩ trong thời gian Sadanobu lãnh chức Rôjuu. Sadanobu là người nổi tiếng thanh liêm trong sạch, đến nổi bị người đương thời trêu chọc:

  • Ban đêm ngủ không được vì lời khuyên bảo phải trau dồi văn võ của ngài Sadanobu cứ như tiếng muỗi vo ve bên tai. Tiếng Nhật, văn võ (bunbu) đọc lên nghe như tiếng muỗi rung cánh (buubuu).
  • Nước trong quá cá sống sao nổi, nước đục như thời trước thì may ra. Sadanobu vốn là lãnh chúa vùng Shirakawa (Bạch Hà, sông nước trong) trong khi người tiền nhiệm Tanuma là Điền Chiểu (ao ruộng, nước đục)

Một con người coi trọng phong hóa như vậy thì sẽ đẻ ra một chính sách ngôn luận, xuất bản như thế nào? Chính sách nổi tiếng nhất của Sadanobu có lẽ là qui chế về việc học ban hành vào năm 1790 (Kansei 2). Theo đó, ông ra lệnh cấm tất cả những gì gọi là “dị học”. Việc ấy nhằm cổ võ cho Chu tử học (được gọi là Seigaku = Chính học hay cái học đúng đắn) bởi vì nó đề cao “đại nghĩa danh phận”, điều mà mạc phủ nghe rất xuôi tai. Ngoài đạo lý của Chu Hi thì tất cả những học phái khác đều bị nhà nước xem như là “dị học” (igaku), không được nghiên cứu hay đem ra giảng ở nhà học chính thức là Yushima seidô (Thang Đảo thánh đường) tức Khổng miếu nằm ở khu Yushima (khu Bunkyô bây giờ) thuộc Edo.

Một lý do khiến cho lệnh đó được ban hành là vì vào thời điểm bấy giờ, lòng người chẳng còn lưu tâm đến đạo Nho nữa. Đặc biệt Chu tử học không còn lôi kéo được ai. Hầu như mọi sự quan tâm nếu có thì đã dồn về Dương Minh học và Cổ học cả rồi. Với pháp lệnh này, mạc phủ đã yêu cầu Hayashi Nobutaka (Lâm, Tín Kính), lúc ấy đang làm Daigaku no kami (Đại học đầu) tức chủ tể của trường Quốc tử giám, phải thôi thúc các mạc thần chăm chỉ học tập đạo lý Chu tử. Qua đó, nhà nước muốn triệt để lập lại kỷ cương cho chính trị mạc phủ. Cũng vì lý do trên, họ đã bổ nhiệm những nhà nho nổi tiếng làm nho quan ở Seidô gakumonsho (Thánh đường học vấn sở = Nhà học ở Khổng miếu). Đó là những học giả như Shibano Ritsuzan (Sài Dã, Lật Sơn), Bitô Nishuu (Vĩ Đằng, Nhị Châu), Okada Kansen (Cương Điền, Hàn Tuyền). Sau khi Okada Kansen ra làm quan cai trị thì Koga Seiri (Cổ Hạ, Tinh Lý) điền vào chỗ khuyết ấy. Ba người đầu tiên thường được đời ca tụng là Kansei no sanhakase (Ba vị bác sĩ đời Kansei).

Về mặt tư tưởng, Sadanobu ra lệnh kiểm soát gắt gao việc xuất bản. Những gì có tính phúng thích hay phê phán chính trị đều bị kềm kẹp. Phải nói thêm là mạc phủ cũng nhân đó mà chấn chỉnh phong tục. Đặc biệt, trong cuộc cải cách năm Kansei, như ta đã đề cập tới, về chính sách đối ngoại, việc tiếp cận với Nga được xem như là một điều quan trọng và chính phủ đang phải đối phó với diễn tiến ấy. Thế mà nhằm lúc đó, Hayashi Shihei (Lâm, Tử Bình, 1738-1793), một nhà kinh tế, trong khi đi dò la về người ngoại quốc ở Nagasaki, đã xuất bản sách Sangoku Tsuuran Zusetsu (Tam Quốc Thông Lãm Đồ Thuyết) và Kaikoku Heidan (Hải Quốc Binh Đàm), nội dung phê bình mạc phủ thiếu kế sách phòng thủ bờ biển. Nhất là trong Kaikoku Heitan, Hayashi Shihei viết: “Edo là đất thang mộc (hizamoto) của mạc phủ thế mà mạc phủ không nghĩ tới việc phòng thủ cửa biển Edo. Thật là một điều quái lạ. Từ khu Nihonbashi của Edo trở ra, tất cả chỉ là một con đường thủy nối đến tận Hà Lan và Trung Quốc chứ có thấy biên giới nào đâu!”. Mạc phủ nổi giận, cho rằng Hayashi đã mê hoặc lòng người, năm 1792 (Kansei 4) xử ông án cấm cố. Và để ông khỏi có thể xuất bản thêm một lần thứ hai, nhà nước đã tịch thu cả bản khắc gỗ (hangi).

Kaikoku heitan (Hải quốc binh đàm) của Hayashi Shihei[116]

Kaikoku heitan (xuất bản năm 1791) là tác phẩm buổi vãn niên (50 tuổi) của Hayashi Shihei (Lâm, Tử Bình, 1738-1793), một học giả Lan học. Sách gồm 16 quyển và như cái tên của nó, liên quan đến việc binh bị của một quốc gia hải dương (hải quốc), đó là Nhật Bản. Trong quyển đầu, Hayashi bàn về thủy chiến, những quyển sau nói về lục chiến, rồi đến các ý kiến liên quan đến quân pháp, phép dùng binh ban đêm (dạ quân), mưu lược trong chiến tranh (quân lược). Hayashi lấy chiến lược và chiến thuật “bảo vệ bờ biển” (hải phòng) làm nòng cốt cho quyển sách nhưng cũng không quên đề cập đến vai trò của giới quân nhân (vũ gia) trong xã hội.

Ông xem việc là một quốc gia có biển bao bọc bốn bên khiến cho nước Nhật cần áp dụng một chính sách quốc phòng đặc biệt. Kiến giải của ông hoàn toàn khác với các binh thư truyền đến từ Trung Quốc từ trước đến nay vốn không coi trọng hải chiến. Trước tiên, điều ông phát biểu có mục đích thay đổi cách nhìn của Mạc phủ Tokugawa vì họ không bao giờ tưởng tượng một ngày nào đó Nhật Bản có thể bị “ngoại khấu” (giặc nước ngoài) tấn công nên tỏ ra sơ hở trong việc phòng thủ bờ biển. Ông cho rằng, với chiến hạm thì biển cũng có thể xem như là đất liền và nguy cơ ngoại xâm rất lớn. Điều này đã được xác nhận khi đoàn tàu đen do Đề đốc Perry kéo đến đưa tối hậu thư vào tháng 7 năm 1853. Hai nữa, Hayashi đã đề nghị cụ thể với mạc phủ cả binh pháp dùng cho thủy chiến với chiến hạm và đại pháo. Ông khẩn khoản khuyên nhà nước phải gấp rút chuẩn bị, một việc mà vào thời đó, trừ vài học giả Lan học, chẳng có mấy ai quan tâm[117].

Tuy là người có viễn kiến và lòng yêu nước như thế nhưng Hayashi đã trở thành đối tượng của sự đàn áp với tội danh “ phỏng đoán về những chuyện chưa xảy ra, gieo sự sợ hãi”. Không những cấm cố ông, quan chức mạc phủ còn tịch thu bản khắc gỗ để in vào năm Kansei 4 (1792) làm sách tuyệt bản. Cùng năm ấy, có việc tàu Nga của sứ bộ Laxman đến Nemuro trên Hokkaidô đòi hỏi thông thương rồi kể từ đó áp lực của “ngoại khấu” càng ngày càng tăng và nó chính là một duyên cớ dẫn đến sự cáo chung của Mạc phủ Edo.

Nhà văn Santô Kyôden (Sơn Đông, Kinh Truyền, 1761-1816), viết sharebon tức loại tiểu thuyết diễm tình nói về cuộc sống lầu xanh như tác phẩm Shikakebunko (Chiếc rương quần áo diễn trò) lại bị nhà nước cho là đã làm rối loạn phong hóa. Tình cảnh tác giả loại sách bìa vàng kibyôshi nhan đề Kinkin sensei eiga no yume (Giấc mộng kê vàng của thầy Kinkin) là Koikawa Harumachi (Luyến Xuyên, Xuân Đính, 1744-1789) cũng chẳng khá hơn. Ngày cả người chỉ đóng vai trò chủ nhà xuất bản như Tsutaya Juuzaburô cũng bị đàn áp.

Ngoài ra, cải cách Kansei còn cấm cả phong tục onnna kamiyui (phụ nữ hành nghề bới tóc, cạo trán cho đàn ông) [118] hay danjo kon.yoku (đàn ông đàn bà tắm chung). Những qui chế này đã giúp quyền uy mạc phủ củng cố được một thời gian thế nhưng việc cưỡng ép dân chúng phải khắc khổ và kiệm ước đã sinh ra sự bất mãn nơi họ. Những câu vè, câu ca có ý phúng thích về Sadanobu đã nói lên điều đó.

Vào thời này, hãy còn có một điều đặc biệt đáng đề cập tới. Đó là mối liên hệ giữa mạc phủ và triều đình. Trước khi Sadanobu giữ chức Rôjuu thì ở Kyôto, Thiên hoàng Kôkaku (Quang Cách), lúc đó mới có 9 tuổi, đã lên ngôi (1779, An.ei 8). Năm 1789 (Kansei nguyên niên), vì muốn phong cho cha đẻ của mình là Kan.in no miya làm Thái thượng thiên hoàng dù ông này chưa một lần làm vua, Thiên hoàng Kôkaku mới hỏi ý mạc phủ.

Thực ra Thiên hoàng Kôkaku đã tức vị trong một tình huống đặc biệt. Lúc đó vì hoàng thất không tìm ra người thích hợp để đưa lên ngôi nên mới chọn Sachi no miya (Hựu Cung, tức Thiên hoàng Kôkaku), con thứ 6 của Kan.in no miya và cháu nội Thiên hoàng Higashiyama (Đông Sơn), là người thông minh, cần mẫn. Tuy nhiên điều mong mỏi của Thiên hoàng Kôtaku (xin miếu hiệu cho cha đẻ) tưởng như dễ giải quyết đã bị mạc phủ cho “ngâm” suốt 5 năm trời trước khi bị từ khước. Các công khanh làm nhiệm vụ liên lạc giữa triều đình và mạc phủ (chức gọi là bukedenso = vũ gia truyền tấu) lại cố nài cho được. Họ liền bị Sadanobu hỏi tội (vì ông cho rằng những viên chức ấy đã vượt qua phạm vi người trung gian liên lạc mà đứng về phía triều đình). Sự cố này gọi là Songô ikken (Tôn hiệu nhất kiện), nó làm cho liên hệ giữa mạc phủ và triều đình căng thẳng và trở thành một cái cớ để tư tưởng tôn vương được bùng lên.

Cuối cùng, trong thời gian mạc phủ thi hành những chính sách cải cách thì ở các phiên trấn có hiện tượng ruộng vườn bị bỏ hoang. Điều này khiến cho thu nhập tô thuế bị giảm sút rất nhiều và nền tài chánh lâm nguy. Để khắc phục những sự tiêu cực như vậy, các địa phương cũng có những cải cách riêng. Các lãnh chúa nổi tiếng là nhà cai trị giỏi được nhắc đến tên là Hoshikawa Shigekata (Tế Xuyên, Trọng Hiền) ở Kumamoto, Uesugi Harunori (Thượng Sam, Trị Hiến) ở Yonezawa, Satake Yoshimasa (Tá Trúc, Nghĩa Hòa) ở Akita. Họ đã tự đứng ra lèo lái để lập lại kỷ cương. Họ cũng biết tuyển dụng người tài. Bằng cớ là trong các phiên cai trị tốt, đã có nhiều trường học gọi là hankô (phiên hiệu) để giáo dục con cái các hanshi (phiên sĩ). Có tất cả 250 trường như vậy nhưng hầu hết chỉ xuất hiện vào thời Edo hậu kỳ. Dưới đây xin tham khảo tên một số trường hankô và những lãnh chúa đã chỉ đạo việc thành lập:

Một số cơ sở giáo dục tiêu biểu ở các phiên thời Edo hậu kỳ.

 

Tên phiên hiệu (hankô)

Địa phương

Lãnh chúa

Meitokukan (Minh Đức Quán)

Akita

Satake Yoshikazu

Kôdôkan (Hoằng Đạo Quán)

Mito

Tokugawa Nariaki

Jishuukan (Thời Tập Quán)

Kumamoto

Hosokawa Shigekata

Kôjôkan (Hưng Nhượng Quán)

Yonezawa

Uesugi Harunori (tái lập)

Hanabatake Kyôjô (Hoa Điền (*) Giáo Trường)

Okayama

Ikeda Mitsumasa

Sôjikan (Tạo Sĩ Quán)

Kagoshima

Shimadzu Shigehide

(*) Chính ra là một quốc tự đọc là hatake, không có âm on (Hán).

Khác với trường do các phiên thiết lập ra, nhiều nơi trong nước còn có các nhà Gôgaku (Hương học) mà mục đích là giáo dục con em xuất thân từ gia đình bình dân. Trong số đó, Shizutani Gakkô (Nhàn Cốc học hiệu) ở phiên Okayama là một thí dụ điển hình.

Việc học dưới thời Edo[119]

Tuy khó lòng biết đích xác nhưng theo những gì còn ghi lại được, người ta phỏng đoán số người biết chữ dưới thời Edo là 50% dân số, so với Âu châu vào cùng lúc ấy, số người biết chữ chỉ có độ từ 20% đến 30%.Sở dĩ số người biết chữ thời ấy ở Nhật cao như vậy là do hậu quả của chính sách “binh nông phân ly” và chế độ kokudaka (hộc, thạch cao) nhằm đánh thuế nông dân. Nhà nước cho nông dân được tự trị nhưng cùng lúc đòi hỏi họ phải liên đới làm tốt nghĩa vụ đóng thuế. Do đó, trong thôn xã, người ta bắt buộc phải rành mặt chữ để thông tin, tính toán cũng như đi khiếu kiện nếu cần. Thế rồi đến khi kinh tế hóa tệ phát triển, ở thành thị, người chônin cũng có nhu cầu biết đọc, biết viết và tính toán sổ sách. Vì thế, ở đô thị, rất nhiều terakoya (tự tử ốc = trường nhà chùa cho con em) đã được lập ra trong giai đoạn ấy. Giữa thế kỷ 19, đã có chừng 12.000 terakoya trên toàn quốc và riêng Edo chiếm độ 10%. Giáo viên thì ngoài các tăng lữ còn có các vũ sĩ vô chủ (rônin), các gokenin rỗi việc vì không phải trực ban, vợ samurai, thương nhân vv... cho nên nơi dạy học cũng không phải thuần túy là ở các chùa. Nội dung giảng dạy thì các môn tập viết tập đọc (tenarai) được coi là chính. Học trò tuổi từ 7,8, chia phiên nhau đi học chứ không đến lớp một lượt như chúng ta bây giờ.Nhập môn phải trả tiền bàn, tiền nghiên mực (khoảng 250 mon), bút lông (4 mon một cây), mực (12 mon một thỏi), giấy (10 mon một thếp) ...Học phí đóng bằng tiền, gạo hay rau quả. Trong trường cũng có chỗ riêng để dạy thêm các môn phụ có tính văn hóa như may vá. Chỗ ngồi của học trò trong lớp được chỉ định tùy theo trình độ học lực cao thấp.

Cái tên terakoya thực ra đã có từ đời Kamakura. Người ta mở trường trong các chùa để dạy con em các samurai cho nên mới gọi terakoya. Có nơi còn tồn tại mãi đến đời Taishô (1912-26). Như thế, terakoya có truyền thống lâu dài hơn các hankô (phiên hiệu) vốn chỉ mới ra đời sau này (thế kỷ 19).

Trong các hankô, Kôdôkan (Hoằng Đạo Quán) ở Mito là nổi tiếng hơn cả vì ảnh hưởng của nó lan ra khắp toàn quốc. Nó được sáng lập vào năm 1841 dưới thời Tokugawa Nariaki làm chủ phiên Mito và có qui mô rộng nhất nước. Nơi đây Dương học, đầu mối cho tư tưởng tôn quân, cũng được giảng dạy. Trong các hankô như nó, người ta không những dạy vũ nghệ và kỹ thuật mà còn dạy cách rèn luyện tâm thân, trau giồi nhân cách. Byakkotai (Bạch hổ đội), tập đoàn con em samurai của phiên Aizu đã tự sát tập thể sau khi bị quân triều đình đánh bại (1868) cũng xuất thân từ Nisshinkan (Nhật Tân Quán), cơ sở giáo dục của phiên.

Tuy nhiên, không phải giáo dục thời Edo tất cả đều dựa trên Nho học hiểu theo đường lối của nhà đương cục. Trong bài tiểu luận “Okina no fumi” (Lời của một lão già, 1746), Tominaga Nakamoto (Phú Vĩnh Trọng Cơ, 1715-1746), một học giả gốc chônin từng theo học ở Kaitokudô (Hoài Đức Đường, 1724-1869), một trường hương học ở Ôsaka, có viết: “Học vấn là những lời nghị luận về thời cuộc hiện tại sinh ra từ sự phê bình các học thuyết xuất hiện trước đó”[120]. Kaitokudô là một tư thục do 5 nhà buôn hiếu học góp tiền dựng lên trên mảnh đất Ôsaka. Sau khi dựng lên được 2 năm, tư thục này đã được mạc phủ công nhận.Hiệu trưởng đầu tiên là Miyake Sekian (Tam Trạch, Thạch Am), người chủ trương học vấn phải đi đối với thực dụng và nhu cầu chức nghiệp của đời sống. Đây là ngôi trường lần đầu tiên cho phép sinh viên đang ngồi học được ra sớm nếu bận việc buôn bán.

Các phiên trấn nói chung đã đầu tư nhiều vào giáo dục và cũng dành nhiều sức lực để phục hưng nông thôn, cứu vãn nền tài chánh. Họ vừa khuyến khích việc tăng gia sản xuất nông phẩm vừa đẩy mạnh chế độ buôn bán độc quyền dành cho phiên. Về sản phẩm nổi tiếng từng miền thì ta có đồ may dệt của Yonezawa, sắt thép và sâm Triều Tiên của Matsue, giấy của Tsuwano (tỉnh Shimane), gốm sứ của Saga, đường đen của Kagoshima. Ngay đến bây giờ chúng vẫn còn là biểu tượng cho đặc sản từng vùng.

Câu chuyện cải cách năm Kansei xin được tạm ngừng ở đây.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114571327

Hôm nay

2173

Hôm qua

2308

Tuần này

21076

Tháng này

229851

Tháng qua

129483

Tất cả

114571327