Trước khi viết bài này, tôi có lướt qua blog của nhạc sĩ – nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đọc bài anh viết nhan đề: Câu thơ hay được tôn vinh là của ai? Nguyễn Trọng Tạo kể chuyện hai câu thơ hay (trong số 50 câu thơ hay nhất từ cổ chí kim) được Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh mới đây, ghi là của VT [VHNA viết tắt] nhưng thật ra hai câu thơ ấy được in trong tập thơ Mùa na chín của Lê Thái Sơn – in từ năm 1997: Những mùa hoa Đại trắng/ Tiếng mõ chừng cũng thơm. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn cho biết rằng khi hỏi VT, T nói “hình như em cũng có làm hai câu thơ đó”(!) Thế nhưng sự thật thì chính VT đã “biên tập“chúng rồi nhận vơ “chúng nó” chính là của… mình!
Tôi dẫn câu chuyện trên để nói với HBK rằng vấn đề không phải là khó quy kết chuyện đạo văn mà chúng ta đã sai trong cách thiết lập lộ trình pháp lý của nguyên tắc thẩm định và khẳng định sự “đạo” đó.
Lịch sử phát minh nhân loại từng chứng kiến không biết bao nhiêu phát minh chỉ công bố chậm hơn người khác vài tiếng đồng hồ đã biến thành quả tâm huyết hàng chục năm trời nghiên cứu của mình thành cát bụi, mây bay. “Lỗi” giản dị thôi: Đã đến sau, dẫu chỉ vài phút,thì mọi phát minh chỉ là đạo. Dù vô tình hay cố ý thì vẫn là đạo. Bất khả tư nghị. Người đời thông cảm cho những con người bất hạnh đó nhưng cũng phải tin rằng như thế là đúng bởi chẳng hơi đâu tranh cãi là ai đạo của ai. Một khi đã chấp nhận công bố sau, in hay phát thanh sau là lỗi thuộc về mình thì cãi để làm gì? Luật pháp hay ở chỗ này: Nó không phân giải những éo le, uẩn khúc của cuộc đời mà nó căn cứ vào tính xác thực của chứng cứ trước và sau. Một khi chúng ta mặc nhiên công nhận định đề hay nguyên tắc trên thì mọi chuyện thật dễ dàng. Còn cái gọi là sự trùng lặp, “các tư tưởng lớn gặp nhau” chỉ là ngụy biện mà thôi.
Không thể có chuyện hai nhà thơ ‘bỗng dưng’ nghĩ ra hai câu thơ giống hệt nhau. Cũng không thể có chuyện tư tưởng lớn cỡ nào đi nữa lại giống nhau đến từng chữ, từng dấu phẩy trong một đoạn văn. Chuyện đó là cổ tích viết lại cho những ai thích đạo văn, thích vơ vào cho mình sáng tạo của người khác. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, có không ít trường hợp khó phân xử khi tác giả (thứ hai) không còn sống nữa để chúng ta có thể kiểm chứng về một sự thật rạch ròi. Chẳng hạn, câu thơ cách đây hơn một ngàn năm: Dạ tĩnh, thủy hàn ngư bất thực/ Không thuyền mãn tải nguyệt minh quy (Đêm yên lặng quá, nước sông lạnh quá nên cá không cắn câu/ Ta đưa chiếc thuyền không trở về mà chở đầy, chở nặng cả ngàn vạn ánh trăng); và câu: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay? Rõ ràng không thể nói chắc chắn là thi sĩ họ Hàn không đọc hai câu thơ cổ ở trên, nhưng cũng rất chắc chắn rằng – chở trăng “nặng” đến nỗi gần như chìm thuyền, để ánh trăng “rơi” ra cả mặt sông thì thi sĩ họ Hàn chưa đạt đến tầm của nhà thơ tiền bối. Sáng tạo ư? Có “sáng tạo” kiểu gì đi chăng nữa thì về thực chất, “tư tưởng” của hai câu thơ trên là gàn giống nhau. Vấn đề còn lại chỉ là ai làm ra trước? Dám thừa nhận thực tế đó mới là trí thức, mới là không đạo. Tất nhiên, là một người có tham gia viết lách, không ít lần tôi băn khoăn là mình có nên thừa nhận câu này, chữ nọ là của tác giả ấy không? Mình lơ đi thì ai biết đó là đâu? Vả chăng, nếu như bị phát hiện thì cái “nền” tư tưởng lớn gặp nhau là bức bình phong diệu tuyệt của sự mù lòa… Sự đấu tranh đó là có thực trong tôi. Chỉ có điều tôi… sợ, vì nghĩ rằng bể học không cùng lắm, sớm muộn gì người ta cũng biết thôi.
Như vậy, sự “đạo” văn, kiến thức là miễn bàn về thủ tục pháp lý vì giống như con voi, “hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau, còn cái đuôi đi sau rốt” là chuyện của cái nóng giữa nắng nực mùa hè. Phần còn lại là xử lý như thế nào? Theo tôi, cứ học theo cách của người: Ít thì xin lỗi công khai, nhiều thì phải nhận kỷ luật, nặng hơn nữa thì phải tước bằng, đuổi việc; thậm chí truy tố về tội ăn cắp trí tuệ. Trong pháp luật phương Tây, có một nguyên tắc là do biết rõ việc khảo tội quan chức cao cấp trong chính phủ là rất khó nên việc này không giao cho tòa án mà giao cho Nghị viện xét xử. Gọi là đàn hạch. Các nhà văn, hay các GS, TS cũng như quan chức cao cấp, khó luận tội họ lắm. Vậy, tại sao lại không sinh ra đàn hạch để phân biệt rõ trắng đen chuyện đạo văn hay không? Một khi đã có kết luận từ đàn hạch rồi thì kẻ có lỗi lo mà tự xử. Nếu không tự xử được thì đừng làm trí thức nữa. Hãy thành lập một cơ quan với thành phần là các “nghị sĩ” uy tín trong giới trí thức. Cơ quan đó sẽ đàn hạch để phân định đúng sai. Tại sao không làm được? Chúng ta đừng ‘thông cảm’ rồi đổ vấy cho nền “văn minh phương Đông xuê xoa” mà cả vú khóa miệng em bằng sự lừa gạt ỡm ờ. Tôi đang đọc cuốn Thể chế chính trị các nước châu Âu của PGS.TS Thái Vĩnh Thắng, PGS.TS Nguyễn Đăng Dung và Nguyễn Chu Dương (Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2008). Trang 129 viết rằng: … “tại các nước phương Đông, do chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng – Mạnh trong nếp nghĩ và hành xử, người ta ít khi cần đến sự xét xử của Tòa án mà thường giải quyết vụ việc bằng các con đường khác”.
Câu trên đúng một và sai một. Đúng là nói về chuyện “giải quyết vụ việc bằng các con đường khác”; còn sai là ở chỗ không phải phương Đông nào cũng chịu tư tưởng Khổng – Mạnh. Người Ả rập có biết Khổng Tử không và, ở Éthiopie, đã bao giờ người dân nghe nói đến Mạnh Tử chưa? Cái “đúng” của cuốn sách tôi vừa dẫn nói lên rằng chúng ta cố tình “chín bỏ làm mười” mọi sự dối trá, lọc lừa. Cái câu “chín bỏ làm mười” là một trong những thành ngữ gieo rắc nhiều tai họa nhất đối với lịch sử loài người. “Ù xọe”, “huề tiền”, “nhà ngói như nhà tranh”… là cội nguồn của mọi sự tha hóa về đạo đức trí thức. Thử hình dung một người thầy, một nhà văn mà cứ đạo lung tung thì nói, ai còn nghe nữa? Thầy đã vậy thì trò sẽ hư hỏng, dối trá đến mức nào?
Không thể tha thứ cho mọi sự đạo văn, đạo học thuật bằng bất kỳ cách thức biện minh nào. Bởi, nếu chúng ta dung túng và khỏa lấp mọi chuyện nhức nhối như thế cũng là đồng ngĩa với việc mở đường cho con hươu lọc lừa với đủ thứ gạc, sừng tha hồ nhảy múa và nhởn nhơ gặm cỏ thật thà! Làm sao có thể tha thứ chi những mũ áo cao sang, khệnh khạng cứ lừa dối con người hết thế hệ này đến thế hệ khác? Đó là con đường ngắn nhất để vùi dập sự trong sáng và tốt đẹp của sáng tạo, nhận thức.