Diễn đàn

Thưa thầy Văn Như Cương

Thưa thầy
Khi gõ tên thầy với đầy đủ dấu tiếng Việt, trong vòng 0,41 giây, anh “Google” cho 7,690,000 kết quả. Theo Wikipedia, "Văn Như Cương (sinh
1937) là một nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học, được phong học hàm phó giáo sư. Nhiều bài báo có ghi ông là Nhà giáo Nhân dân, tuy nhiên ông đã chính thức phủ nhận việc ông có danh hiệu này. Ông là người đầu tiên lập ra trường dân lập tại Việt Nam vào thời kỳ đổi mới[2] là trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh-Hà Nội.”

Năm 2001, con trai em thi tốt nghiệp trung học cơ sở với tổng số trên 50 điểm cho sáu môn. Cháu đỗ vào chuyên Pháp hệ B trường Amsterdam và hệ A trường Chu Văn An, nhưng em vẫn quyết tâm nộp hồ sơ cho cháu vào trường Lương Thế Vinh của thầy. Ơn giời, cháu đủ điểm vào lớp A1 – nghĩa là “chọn của chọn”. Tỷ lệ đỗ đại học ở các lớp này thường đạt từ 90 đến 100%. Đến tận thời điểm này, em chưa hề ân hận về quyết định đó của mình, mặc dù con trai em và các bạn nó luôn nói: “Mẹ muốn biết về trường LTV thì phải hỏi con”. Gần đây nhất, khi cô bạn em nhờ tư vấn về các trường cấp 3 trong nội thành Hà Nôi, em lại khuyên cô ấy cho con thi vào Lương Thế Vinh. Kể dài dòng như vậy chỉ cốt để nói rằng em đã ngưỡng mộ và kính trọng thầy biết nhường nào.
Thưa thầy Văn Như Cương, cách đây vài ngày, báo chí lề phải và dân cư mạng rộ lên chuyện thầy Đỗ Việt Khoa xin nghỉ việc.Sẽ chẳng có lý do gì để nhắc đến tên thầy trong “sự kiện ĐVK” nếu không có lời hứa của thầy cách đây bốn năm. Mặc dù đã xác định với báo chí sẽ “ở nhà giúp đỡ vợ chăm sóc, dạy 2 đứa con cho tốt, phụ vợ đi chụp ảnh, cài đặt máy tính, internet”, nhưng em tin trong thâm tâm, thầy Khoa vẫn trông chờ vào sự ủng hộ của dư luận xã hội, của ban lãnh đạo Bộ GD-ĐT và cả của ông hiệu trưởng trường Dân lập danh tiếng LTV. Việc thầy Khoa lên gặp lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông báo quyết định của mình được xemnhư cố gắng cuối cùng của người bơi ngược dòng đã đuối sức, hy vọng một chiếc phao sẽ được quăng ra trước khi bị dòng nước nhấn chìm.

Thưa thầy Văn Như Cương, thầy hoàn toàn có quyền rút lại lời hứa khi nhận thức của thầy về Đỗ Việt Khoa thay đổi. Bốn năm đủ để cho một tân sinh viên trở thành cử nhân, đủ để cho một nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ, và cũng đủ để cho một người từng ở vị trí “đương thời” ngã ngựa trở thành kẻ thất thế vì thiếu thức thời. Em và nhiều người có thể tin Đỗ Việt Khoa đã quá ấu trĩ và ‘dại dột’ khi quyết định đơn thương độc mã chống lại tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục. Nhưng em không tin Đỗ Việt Khoa “không bình thường cả về tư duy, nhận định và đánh giá mình” như thầy đã trả lời phóng viên Kiều Oanh trên báo Vietnamnet.

Nếu một diễn viên điện ảnh có thể ứng cử để trở thành tổng thống Mỹ như ngài Ronald Reagan, hay thống đốc bang California - Arnold Schwarzenegger thì tại sao một giáo viên tâm huyết với nghề không thể tự ứng cử đại biểu quốc hội? một luật sư tài cao, học rộng như Cù Huy Hà Vũ không thể tự ứng cử vào vị trí Bộ trưởng? Nếu do “không bình thường” mà ngài luật sư CHHV phát đơn kiện Thủ tướng trong dự án Bô-xit, mà thầy Đỗ Việt Khoa kiện BGH trường Vân Tảo vì những thu chi tài chính thiếu minh bạch thì em kính trọng lòng dũng cảm đến “bất bình thường” của họ.
.
Thưa thầy, thầy nói sở dĩ Đỗ Việt Khoa bị bạn bè đồng nghiệp cô lập là vì anh luôn kè kè máy ghi âm và máy ảnh ở mọi lúc mọi nơi. Nếu phải sống ở môi trường mà đi chậm 2 phút sẽ không được vào họp Hội đồng; gọi hết hơi khản tiếng không thấy ai, nhưng chỉ vừa trèo qua cổng thì hai ông bảo vệ lập tức xuất hiện (như đã rình sẵn) áp tải đi trước con mắt của đồng nghiệp và học trò như một kẻ tội phạm thì liệu Đỗ Việt Khoa có nên tìm mọi cách để tự bảo vệ mình không? Bẫy giăng ra khắp nơi: từ nhà đến trường, từ cổng trường lên lớp. Sống trong môi trường như vậy mà Đỗ Việt Khoa không bị “tâm thần” mới là chuyện lạ.

Thầy tin rằng Đỗ Việt Khoa “có vấn đề” bởi chẳng thể nào tất cả mọi người từ thanh tra của Sở tới bạn bè đồng nghiệp, từ ông hiệu trưởng cũ bị “gặp hạn” đến ông phó phòng giáo dục mới được điều về đều chống lại Khoa.Nếu phải bỏ ra ba chục triệu để “chạy” một suất biên chế trong hệ thống trường công; nếu phản đối cán bộ lãnh đạo sẽ bị trù dập, mất việc làm thì em tin khi ông hiệu trưởng gọi “con bò” là “giống lợn ăn cỏ”, đa số giáo viên cũng sẽ ồ à “lợn, lợn”. Người không đồng tình sẽ cúi mặt lặng thinh.Nếu ông hiệu trưởng trường Vân Tảo tổ chức bỏ phiếu “bất tín nhiệm” với Đỗ Việt Khoa bằng cách giơ tay biểu quyết, em đồ rằng chẳng có ai dám cả gan ngồi im.

Thầy từng là người tiên phong đi đầu trong việc mở trường Dân lập để được thực hiện ý tưởng của mình, sao thầy vẫn còn tin vào “tâm lý đám đông”?

Thưa thầy, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, có 1001 lý do khiến các trường dân lập ngại nhận Đỗ Việt Khoa. Họ bị áp lực từ phía các cổ đông, từ phía cha mẹ học sinh và cả từ phía báo chí. Bên cạnh những trường dân lập có chất lượng cao như LTV, Marie-Cuirie, Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) được “quyền” tuyển sinh ngang ngửa với hệ thống trường chuyên lớp chọn Amsterdam, Chu Văn An, chuyên Sư phạm, chuyên Tổng hợp… nhiều trường dân lập chỉ nhằm mục đích “trông trẻ” và “xóa mù” cho tất cả những “cậu ấm, cô chiêu” không có chỗ trong các trường công đúng tuyến và trái tuyến.

Dù trường LTV của thầy được biết đến như một “trại lính” vì tính kỷ luật cao: Không có học sinh nhuộm tóc “hi-lite”, móng chân móng tay tô vẽ, mặc áo hai dây, mặc quần trễ cạp tới trường; Nổi tiếng về nghiêm túc trong thi cử: đề thi kiểm tra 1 tiết, cuối học kỳ đều do các chuyên gia giáo dục soạn thảo; bài thi của học trò được giao cho một cơ quan độc lập đánh giá, cho điểm; bàn học được thiết kế như ở các nước phát triển, không có ngăn bàn để ngăn chặn quay cóp… thì các vị phụ huynh vẫn không muốn có thêm gánh nặng tâm lý cho con em mình khi có một vị “hắc tinh” của bệnh thành tích và những thói tiêu cực trong Hội đồng nhà trường. Các cổ đông sẽ không để cho ngài chủ tịch Hội đồng quản trị yên ổn khi “thượng đế” của mình ùn ùn kéo nhau đến chuyển con em mình sang trường khác. Nhận Đỗ Việt Khoa, ông hiệu trưởng sẽ được báo chí tung hô như “người đương thời” một thưở, để rồi trường họ trở thành “điểm đến”cho những đoàn thanh tra giáo dục, của phóng viên hàng trăm tờ báo giấy và báo “net” với nhưng tiêu đề giật gân câu khách.

Nhiều khi “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”.

Đỗ Việt Khoa đã mệt mỏi sau bốn năm làm chàng Đon Kihôtê. Con gái anh từng không muốn nhận là “con bố Khoa”, vợ từng muốn dắt con bỏ đi khỏi làng vì sự ghẻ lạnh của đồng nghiệp của chồng và cộng đồng. “Tôi không xin nghỉ thì họ cũng sẽ cho thôi việc”.

Theo pháp lệnh công chức, hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc. Đằng này bốn năm liền Đỗ Việt Khoa là giáo viên duy nhất không hoàn thành nhiệm vụ. BGH trường Vân Tảo chưa buộc anh thôi việc chắc còn vì “nể người anh hùng” của ngài cựu bộ trưởng NTN.

Đỗ Việt Khoa đã tự nhận mình thua cuộc, đã buông xuôi mọi thứ.Đối thủ của anh phủi tay, thở phào nhẹ nhõm.Người khôn ngoan rút được kinh nghiệm cho mình, rút sâu vào trong vỏ ốc. Kẻ “non gan” từng ngấm ngầm ủng hộ anh nay lại ngấm ngầm đau khổ.

Giáo dục nước nhà như cỗ pháo tuột dây đang trôi xuống dốc.
.
Thêm một Tô Vĩnh Diện nữa hy sinh.
.
Thưa thầy Văn Như Cương, thầy hoàn toàn có lý khi không ném ra một sợi dây cho Đỗ Việt Khoa lúc anh sắp trôi vào vùng nước xoáy.Nhưng giá như không có bài trả lời phỏng vấn của thầy trên Vietnamnet ngày 23 tháng 5 vừa rồi, số người cho rằng anh “dại dột” sẽ cao hơn số người bị thuyết phục rằng anh “có vấn đề về tâm thần”.Độc giả tin tưởng vào “vị Phó giáo sư lẫy lừng VNC” là chuyện đương nhiên.
.
Chỉ có em tự nhiên lẩn thẩn, thấy như kẻ vừa bị ngã ngựa đã bị vó ngựa hất thêm xuống vực. Buồn!
                                                                                                                            (Nguồn: Blog Thanh Chung)
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511094

Hôm nay

293

Hôm qua

2359

Tuần này

21468

Tháng này

217967

Tháng qua

121356

Tất cả

114511094