Đất Nghệ

Núi sông ở Anh Sơn, một cái nhìn

Núi sông ở Anh Sơn hoà quyện quấn quýt bổ sung cho nhau làm nên cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú ít có nơi nào sánh được. Nằm hai bên tả ngạn sông Lam, núi non ở Anh Sơn nơi thì nhấp nhô trùng điệp, nơi thì dàn trải đan xen với đồng bằng, với những bãi phù sa và làng xóm yên bình. Núi sông ở Anh Sơn không chỉ là yếu tố địa hình có tác động lớn đến môi trường khí hậu, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội mà còn là yếu tố quan trọng làm nên đặc sắc văn hoá của vùng đất này. Cảnh quan sông núi ở đây đã khiến người dân tự hào yêu mến, dẫu đi xa lâu đến mấy cũng vẫn giữ mãi trong tim hình ảnh quê hương. Nhắc đến núi non của Anh Sơn, trước hết người ta nghĩ ngay đến ngọn núi Kim Nhan mà từ xưa đã được coi là “An Nam tiểu Thái Sơn” kèm theo những huyền thoại và thơ ca ca ngợi. Núi Kim Nhan cao 1340 mét, từ thế kỷ XIX đã từng được tiến sỹ Bùi Dương Lịch trong tác phẩm “Nghệ An Ký” của mình viết rằng “Núi nằm ở sách Kệ Trường, xã Tri Lễ tại biên giới phía tây huyện. Mạch của nó chảy từ trong dãy núi lớn lại, đến đó đột nhiên nổi lên một ngọn, đầu nhọn đẹp, cao ngất trời, trông như một búp măng mà xung quanh lại bao bọc bởi các núi nhỏ, lại trông giống một đoá hoa sen, trên cùng có một hang đá, đến gần trông như miệng cá. Hang rất sâu chưa có dấu chân người” (Nghệ An Ký quyển I trang 68 – Bản dịch của Nguyễn Thị Thảo NXB KHKT 1993). La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cũng có bài thơ vịnh về núi Kim Nhan trong đó có hai câu: “Thần bút xung tiên bản. Tiên hồ lạc thế gian” (Như ngọn bút trỏ lên trời. Như hồ tiên rời xuống thế gian” và hai câu kết là: “Thu tận tinh anh khí. An Nam tiểu Thái Sơn” (Thu hết khí tinh anh. Thực là núi Thái Sơn nhỏ ở An Nam) bởi như Nghệ An Ký có chép huyền thoại về cái hang trên đỉnh giống như miệng cá mà “xưa này thường có một luồng ánh sáng hồng rọi xuống núi đó, có khi dài như dải lụa, có khi to như tán xe, xuyên từ miệng vào trong hang. Đến gần thì thấy sáng rực trời, lại có khi có tiếng như sấm. Có lẽ các bậc vua chúa, các vị tướng văn, tướng võ lúc chết thì khí tinh anh quy tụ ở đây cho nên người đời gọi là núi thu tinh” . Mặc dầu, Bùi Dương Lịch bác bỏ chuyện hoang đường xung quanh ngọn núi này nhưng ông vẫn ca ngoại núi Kim Nhan trong bài thơ “Vịnh núi Kim Nhan”: Thạc cốt trùng tầng kính Kim Nhan nhất thốc thanh Cô tiêu hùng địa trấn Thần bút điểm thiên kinh Thiên Nhẫn thao toàn thế Tam Giang lãm thắng hình Thu tinh truyền vọng đản Chung cổ hoặc nan tinh Dịch thơ: Xương đá nhiều tầng cứng Xanh xanh một ngọn trồi Nêu cao trấn hùng địa Bút thần điểm sách trời Thiên Nhẫn khống chế trọn Tam Giang hình thế tươi Thu tinh là chuyện bịa Mê hoặc vẫn chưa thôi. (Bạch Hào dịch) Tiến sỹ Dương Thúc Hạp (1835 – 1920) từng làm tri phủ Anh Sơn cũng ca ngợi “Kim Nhan sơn” trong tập “An Tĩnh sơn thuỷ vịnh” như sau: Kệ Trường lạc hạ thử Kim Nhan Hùng trấn Thanh Chương nhất thắng quan Thương thuý vọng trung nham sắc tú Siêu nghiên thiên tế bút phong toàn Hồi loan nhã thổ liên hoa trạng Triều bích như du trúc duận ban Bất giả “Thu tinh” hoang đản thuyết Thần kỳ tối thị nhất danh san Dịch thơ: Kệ trường nổi dậy dải Kim Nhan Vững trấn Thanh Chương một cảnh quan(1) Trước mắt động lèn màu thắm biếc Lưng trời ngọn bút dáng chon von Chân như sen nở hoa ươm nhuỵ Đỉnh trổ măng non đá kẻ vằn Chuyện nhảm thu tinh không kể đến Thần kỳ núi vẫn một danh san. (Võ Hồng Duy dịch) (An Tĩnh Sơn thuỷ vịnh – Dương Thúc Hạp Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Tĩnh xuất bản) Hippolite Le Breton trong “An Tĩnh cổ xưa” (Le Vieux An Tĩnh) cũng viết: “Lèn Kim Nhan nằm trên địa phận xã Xuân Trường, tổng Đặng Sơn, một trong những núi đá giống hình cái “măng tre” và toàn bộ lèn Kim Nhan tựa như một “hoa súng nở”. Trên đỉnh lèn có hai tảng đá châu lại với nhau vì thế người ta gọi là hai hàm cá. Giữa hai hàm cá mở ra một cái hang không đáy, không ai dám xuống hang ấy. Theo các truyền thuyết địa phương thì chính cái hang này, hồn của các ma khi chết nhập vào đây để đi xuống âm phủ. Lúc ấy, một vệt sáng màu hồng xuất hiện trên nền trời tựa hình một tấm lụa giải ra và một cái lọng vua (nghĩa là màu vàng) che cho cửa hang. Cái hiện tượng này, kèm theo những tiếng sấm dữ dội. Vì những lý do đó, hang Kim Nhan đã mang tên “hang đón linh hồn”. (An Tĩnh cổ xưa – tài liệu in rõ rệt tại thư viện Nghệ An ). Dân gian thì căn cứ vào hình miệng cá trên đỉnh mà đặt tên là lèn Mẻ. Người địa phương từ xưa cũng có nhiều bài thơ câu ca về núi Kim Nhan. Có thể kể thêm một bài thơ của một hương sư đã góp thêm cảm nghĩ về ngọn núi lớn của quê hương: Giang Sơn chúng tú khí Ngất tầng xanh một dải Thái Sơn Phải chăng đây là đỉnh Kim Nhan Phong cảnh ấy thần tiên ai xếp đặt Mây vờn cửa động hồn man mác Rêu vẽ sườn non ánh mập mờ Gió êm ru, hoa cỏ sẽ phất phơ Đá ngũ sắc trơ trơ cùng tuế nguyệt Cây cổ kính ngòng ngoèo xanh biêng biếc Sương lam mờ điểm xuyết non tươi Giọng chim ca trong vất vẻo lưng trời Hoà địch vượn đu người vào cõi mộng Ngọn tháp bút từng không cao sừng sững Miệng thu tinh lối thẳm tói mò mờ Hỡi ngàn xưa ! Ai anh hùng, ai nữ kiệt Ai nghệ sĩ, ai văn nho Hồn phảng phất bay giờ nào những kẻ Phải chăng lối đào nguyên đấy nhỉ Cùng khen cho tạo hoá khéo an bài Anh Sơn một cảnh bồng lai Tô thêm cẩm tú sắc hoài quê hương. 1937 Nguyễn Đình Đâng Từ Kim Nhan ngược lên phía tây, liên tiếp trùng điệp núi non hang động, có hang to rộng đủ cho một nhà máy cơ khí, có hang đủ rộng để cất giấu một lúc mấy máy bay của không quân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là : Lèn Thung có động hay Tiên Đá chen Thạch nhũ buông rèm màu lam Đó là hang Động Bàn với những dòng thạch nhũ tạo nên cảnh thắm nghiêm, cửa hang rộng mở hướng ra một vùng đất bằng phẳng rộng lớn đến mấy ha, dân địa phương quen gọi là già Ao Các. Đi lại trên dốc Dừa quốc lộ 7, khách thập phương cũng phải tấm tắc khen thắng cảnh và ai đó đã nhắc đến bài thơ: Uy nghi trấn giữ cạnh đường quan Hỏi trẻ chi đây ? Núi Động Bàn Hang đá lô nhô xem cũng lạ Khen ai khéo tạc cảnh trần gian (Đầu xứ Phiên) Chưa kể hang Trương ở lèn Trương là một di chỉ thuộc tầng văn hoá Sơn vi với nhiều mảnh tước, cổ vật, công cụ ghè đẽo, rìu mài nhẵn và nhiều mộ táng di cốt của người Việt cổ. Từ Kim Nhan xuống phía đông theo “Nghệ An Ký” của Bùi Dương Lịch là “các núi Khai Lạng, Lạng Thạch, Tri Lễ và Nam Cai chia thành hai nhóm nhỏ: làm thành các núi ở Đặng Sơn là Cát Ngạn, một làm núi Mại Lâm, La Mạc bắc ven theo sông Lam, nam giáp sông Giăng”. ở vùng Dừa (xã Tường Sơn ngày nay) lại có một quần thể núi non như có sự xếp đặt của tạo hoá kèm theo một huyền thoại rằng: Người dân nơi đây vốn có truyền thống hiếu học, thích chữ nghĩa đã cầu tiên về giúp, đắp lên các núi động tượng trưng cho sự học nào là lèn Bút tên chữ là Bút nhạc Nghiên Sen tên chữ là Nghiên trì - nào là lèn Vú, lèn Voi. Hùm thiêng chầu tước miếu thờ Lèn Voi còn đứng chơ vơ giữa trời. ở Anh Sơn, xã nào cũng có núi lèn, người dân địa phương cứ xem hình thù mà đặt tên, nào là lèn Voi, lèn Tượng, lèn Bút, núi Nhất Tự... và coi đó là biểu tượng của quê hương mình. Núi ở Anh Sơn còn được các dòng sông tôn thêm cảnh đẹp để “Sơn thuỷ hữu tình”, non xanh nước biếc. Anh Sơn có đến ba con sông chảy qua. Đó là sông Lam, sông Giăng và sông Hiếu mà dân vùng này quen gọi là sông Con đi với sông Cả. Sông Lam là con sông lớn nhất chảy qua địa phận huyện Anh Sơn với chiều dài 92km. Địa đầu của Anh Sơn là Tam Giang nay là xã Tam Sơn - điểm hợp lưu của hai nguồn sông: Nguồn Tương và nguồn Hiếu. Nguồn Tương từ dòng Nậm Mộ chảy qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông về. Nguồn Hiếu chảy qua các huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ về. Hai nguồn gặp nhau ở Tam Giang, hợp lại thành sông Lam. Từ đây sông Lam mải miết chảy về xuôi qua các làng xóm đông vui, trù phú hai bên bờ. Nếu từ Kỳ Sơn về, dòng sông đã phải qua bao nhiêu thác ghềnh chồm xô sỏi đá rhì về đến địa phận Anh Sơn, sông Lam trở nên hiền hoà thơ mộng mềm mại như một dải lụa xanh mà hai bên là những bãi phù sa bao phủ một màu xanh mướt của hoa màu, cây cối và xóm làng trù phú cùng với bao nhiêu chiến tích lịch sử và thơ ca, câu hò điệu ví. Sông Lam chảy qua Anh Sơn đã mang trong mình nó bao nhiêu chiến công trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Nơi đây từng nhấn chìm bao nhiêu tướng tá, quân lính giặc Minh trước uy danh của nghĩa quân dưới cờ khởi nghĩa của Lê Lợi. Các chiến công ở Khả Lưu, Bồ ải khiến cho tướng giặc Hoàng Thành phải bỏ mạng, đô ty Chu Kiệt và hơn 1000 tên giặc bị bắt làm tù binh. Trần Trí thoát chết chạy về thành Nghệ An. Đại Việt sử ký toàn thư đã chép về trận này: “Quân giặc bị giết không biết bao nhiêu mà kể, thuyền giặc trôi ngổn ngang, thây chết đuối tắc cả sông, khí giới bỏ chồng chất khắp núi. Đến nay, dân Anh Sơn vẫn còn nhắc mãi câu ca: Trèo lên đỉnh núi Kim Nhan Quân reo Bồ ải, sóng tràn Khả Lưu Bờ sông Lam còn là nơi vua Hàm Nghi lập đồn sơn phòng ở làng Mặc Điền, chuẩn bị kế hoạch chống Pháp lâu dài. Tuy Hàm Nghi chưa ra đến nơi đã bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai đón bắt. Nhưng Đò Rồng, Bến Ngự, Hoàng Điện, Bàu Mây vẫn còn sống mãi trong tâm trí nhân dân: Kìa mộ người dăng trà Bến Ngự Mà đền xưa đã phủ rêu đầy Hàm Nghi dựng luỹ bàu Mây Đò Rồng vực thẳm dựng cây gươm thần Hoặc: Cồn Thần núi vực thác ghềnh Danh thơm đỉnh núi tiếng tăm còn truyền Dấu sơn phòng rêu in Kẻ Mực Chí anh hùng bất khuất chưa nguôi.... Hai bên bờ sông là cả một vùng “thốn thổ thốn kim”. Từ địa đầu đất Anh Sơn nơi hợp lưu của hai dòng sông Cả và sông Con ta có thể bắt gặp cảnh: Đất Đào Giang ngong sang bên nọ Điện sinh từ Nguyệt tỏ làu làu Gió đưa mùi thuốc ngạt ngào Thượng Du là đó, lạch Đào là đây Đi xuôi mươi cây số nữa là ta đã gặp: Đò Rồng trông thấy đó kia Vực kia còn ẩn đợi bề gió mây Xuống dăm cây số nữa là vùng Dừa đô hội: Động bến Ván thẳng lên giữa trạm Khách mã xa ngang tạm liền liền Xuôi một đoạn nữa là: Bước qua đò Lạng, sang luôn đò Cày... Trên suốt dòng sông, không hiếm cảnh: Chài ngự phủ bên kia rả rích Gánh tiền phu xúc xếch giang tân Sông Lam một dải trong ngần Non xanh, nước biếc kinh luân có người. Trên các dòng sông ấy có biết bao nhiêu động bến để người dân ngày ngày ra gánh nước, rửa rau, những chiều hè sau buổi làm đồng, làm bãi về ra tắm rửa và những chú bé thả mình bơi lội, táp vụng cười đùa vang dậy lòng sông, bao nhiêu động bến để tập kết lâm sản, nơi gặp gỡ của những chủ gỗ, những thợ sơn tràng của địa phương và những lái buôn từ dưới xuôi lên, những bến cánh để lại bao nhiêu truyện kể, truyện trạng, câu hò điệu ví. Trên các dòng sông ấy có bao nhiêu bến đò ngang nối đôi bờ cho dân các vùng qua lại, sinh hoạt thăm hỏi nhau nhất là những ngày lễ, ngày hội rộn rã âm thanh và thắm đượm sắc màu trong cảnh thanh bình êm ả. Trên các dòng sông ấy còn có rất nhiều những con thuyền xuôi ngược chất đầy hàng hoá và vang lên những câu hò điệu ví: Anh về chặt nứa, chặt bè Cánh bè xuôi chợ mà nghe em hò .... Thuyền về chợ Lạng ba chèo Thuyền lên chợ Phủ cho leo gập ghềnh Sông Lam trên chợ dưới đò Thuyền bè qua lại hát hò rền vang Cùng với những đặc sản: “Cá mát sông Giăng, cá lăng sông Cả” cũng như những hội đua thuyền rộn vang cả dòng sông. Ngoài ra, hai bên bờ, gần những bến cánh là các xưởng cưa xẻ gỗ, xưởng đóng thuyền: Nốc đò xảm đóng luồn luôn Đã qua đò Lạng, lại khuôn đò Cày Cũng từ đây những đội thuyền vận tải của các xã Lạng Sơn, Bình Sơn mới ra đời và đóng góp không nhỏ cho những đợt vận tải lương thực thực phẩm, vũ khí cung cấp cho các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Hai bên bờ đi lên là những bãi phù sa màu mỡ quanh năm ngô đậu xanh tốt. Ngô Anh Sơn không chỉ đủ để nuôi sống con người địa phương mà còn cung cấp cho các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh bạn: Liên trì, Tượng Lĩnh rỡ ràng Sông Lam soi bóng ngô vàng đẹp thay Những dòng sông nuôi dưỡng con người từ tuổi thơ cho đến lúc đầu bạc răng long, gắn bó với con người kể cả khi trời trong nước lặng và lúc lũ lụt chồm xô sóng dữ. Cũng nằm trên hai bên sông là các chợ. Đó là trung tâm kinh tế, văn hoá rất thuận lợi về giao thông cả về đường sông lẫn đường bộ. Trên đó không hiếm cảnh: Trên chợ dưới sông Nước mênh mông Trông đẹp lắm Sông Lam trên chợ dưới đò Thuyền bè qua lại hát hò rền vang Nằm bên bờ sông Con là các chợ Cầu Đất, Khe Loà nay thêm chợ Thọ Sơn. Nằm bên hữu ngạn sông Lam là các chợ Đồn, chợ Dừa, chợ Yên Phúc, chợ Tri Lễ, chợ Gay, mới đây có thêm các chợ Hội Sơn, thị trấn, chợ Long Sơn. Bên tả ngạn là các chợ Lạng, chợ Tuần nay có thêm chợ Hùng Sơn, chợ Lạng Sơn. Trong đó chợ Dừa, chợ Lạng, chợ Gay có từ lâu đời và nổi tiếng về hàng hoá và sinh hoạt văn hoá. ... Chợ Dừa họp người xưa, trấn ngược Khách trên ngàn dưới bể đông vui ...Chợ Lường, chợ Lạng, chợ Dừa Bày lụa ra bán, lụa chờ giá cao ... Chợ Gay phiên đại ngày rằm Bốn mùa hoa quả, quanh năm lụa là... Người dân Anh Sơn luôn tự hào về núi sông của quê hương. Từ xa xưa người dân Quan Lạng (nay là xã Tường Sơn) đã tự hào: Làng Quan Lạng hình tròn bầu dục Phía tây nam giáp núi Xuân Trường Có lèn, có núi Giăng Màn... ...Bắc thì tiếp Lạng Điền sông Cả Nước tứ thời xuân hạ thu đông ấy là “kiệt tác thiên công . 1936 Lê Quốc Khôi Người dân Lạng Thạch nay là xã Thạch Sơn lại tự hào: Đoái trông Thanh Lạng sơn hà Vì ai vẽ tạc cho ta mơ màng Lèn Tượng Lĩnh mấy hàng bay bổng Đá gập ghềnh gò đống thấp cao Lam Giang nước chảy rì rào Lờ đờ cá lặn xạc xào chim kêu 1937 Vùng nào cũng thấy cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, đời sống phồn thịnh ấm no: Đoái xem phong cảnh làng ta Dưới đò trên chợ sơn hà trước sau Ai cũng thấy cảnh quan sông núi ở quê mình thật đáng ngợi ca: Phong cảnh ấy thần tiên ai xếp đặt Hoặc: Khen cho tạo hoá khéo yên bài Anh Sơn một cảnh bồng lai... Đặc biệt là: Quê hương đất mẹ tuy nghèo Nghìn năm vẫn giữ trong veo nghĩa tình Núi sông Anh Sơn không chỉ là đặc sắc về địa hình có ảnh hưởng đến môi trường khí hậu, có nhiều tiềm năng về kinh tế, mà còn mang trong mình nó nhiều di tích danh thắng, nhiều tiềm năng du lịch và văn hoá đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của quê hương đất nước. Người dân Anh Sơn luôn tự hào về núi sông quê mình, coi đó là “kiệt tác thiên công”, là “giang sơn chung tú khí”, là “cảnh bồng lai” khiến khách thập phương qua lại cũng phải giữ mãi tình cảm với mãnh đất này. Chú thích: (1) Sách Kệ Trường sau đổi là xã Xuân Trường xưa thuộc tổng Đặng Sơn, huyện Thanh Chương. Từ năm 1840 vua Minh Mệnh đã trích phần đất phía trên tổng Đặng Sơn nhập với một số tổng khác của huyện Năm Đường thành huyện Lương Sơn nay thuộc huyện Anh Sơn.

Comments

{{ dataForm.errors().get('userId') }}
{{ dataForm.errors().get('content') }}

{{i.userId}}

{{i.content}}

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

Hôm nay

38460

Hôm qua

114261

Tuần này

395846

Tháng này

1110583

Tháng qua

2268048

Tất cả

114306989