Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần ba: Duy tân và mở cửa Thời đại Meiji)[6]

Tiết II: Thu hồi đất phong và bố trí quận huyện

2.1 Nội dung của chính sách “Bản tịch phụng hoàn”:

Sau khi dành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh Boshin (Mậu Thìn), có thể nói tân chánh phủ đã hoàn thành việc thống nhất lãnh thổ.Thế nhưng, mang tiếng là quan quân (quân của nhà vua), quân đội chẳng qua là quân sĩ thuộc các thế lực từ 4 phiên trấn đồng minh với tân chánh phủ. Đó là Satsuma, Chôshuu, Tosa và Hizen. Nói cách khác đi, chính 4 phiên đó đã tập họp lại với nhau để trở thành quan quân chứ tân chính phủ chẳng có một người lính nào. Sau khi cuộc chiến tranh Boshin chấm dứt thì quan quân cũng rã đám. Ai nấy đều lên đường trở lại phiên trấn của mình. Lúc đó đã xảy ra một chuyện khó tin: khoảng từ giữa năm 1869 (Meiji 2) trở đi, hầu như tân chính phủ không có quân đội.

Hơn nữa, mạc phủ tiếng là đã giải thể nhưng dù sao họ cũng là một thực thể chính trị với sự hiện diện của trên 270 phiên trấn. Họ vẫn tiếp tục dùng cách này đến cách khác để cai trị dân trong lãnh địa và thực thi chính trị theo ý mình không khác chi dưới thời Edo.

Khi ấy, những người lãnh đạo tân chính phủ mới nghĩ đến việc phải tổ chức chính trị với hình thức nhà nước trung ương tập quyền như các quốc gia Âu Mỹ. Tình trạng hiên tại là một nước Nhật triệt để địa phương phân quyền, chia năm xẻ bảy và mạnh ai nấy lo. Nếu không chóng vánh làm việc đó thì trước sau Nhật Bản sẽ trở thành thuộc địa của liệt cường. Khốn nỗi, tân chính phủ còn một mối lo sợ khác nữa là từ khi chiến tranh Boshin kết thúc, họ không có dưới tay một tổ chức quân sự nào cho riêng mình.Thế thì làm sao họ có thể khống chế được các lãnh chúa địa phương như mạc phủ Tokugawa đã làm nhờ có thế lực quân sự hùng mạnh sau lưng dưới thời Edo! Trong một tình huống như vậy, câu chuyện xây dựng một hệ thống hành chính trung ương tập quyền thật chẳng khác nào mơ mộng hão huyền. Muốn xây dựng một đất nước như người Âu Mỹ, điều bức thiết nhất là có trong tay một lực lượng quân sự mạnh để xoá bỏ sự tồn tại của các phiên trấn.

Thế nhưng, thử hỏi sau cùng, tân chính phủ có thực hiện được giấc mộng ấy hay không?

Lúc đó đã có một cuộc thảo lụận khá sôi nổi và gay cấn trong nội bộ chính phủ. Họ chia ra làm hai phái. Một phái chủ trương duy trì hiện trạng, một phái cho rằng phải đánh đổ chế độ phiên trấn một lần cho trót. Cuối cùng lựa chọn của họ là thực thi chính sách Hanseki hôkan (Bản tịch phụng hoàn), một giải pháp có tính chiết trung giữa luận điểm của hai bên.

Theo từ điển, “bản” có nghĩa là bản đồ và “tịch” là sổ sách hộ tịch. Như vậy “bản” tức lãnh địa của phiên, tượng trưng bằng bản đồ, “tịch” túc dân cư sinh sống trong lãnh địa ấy.Tóm lại, theo tinh thần “bản tịch phụng hoàn”, các phiên phải trao trả cho Thiên hoàng (thông qua chính phủ) đất đai và cư dân hiện đặt dưới quyền cai trị của mình.  

Tháng 1 năm 1869 (Meiji 2), bốn phiên Satsuma (cực nam đảo Kyuushuu), Chôshuu (cực nam Honshuu), Tosa (nam Shikoku), Hizen (nam Kyuushuu) đã dâng sớ lên Thiên hoàng xin trả lại “bản tịch” cho tân chính phủ[1]. Đó là phương án tác chiến hay kịch bản do nhóm quan lại của chính phủ mới mà trung tâm là hai trọng thần là Kido Takayoshi (vốn xuất thân từ phiên Chôshuu) và Ôkubo Toshimichi (phiên Satsuma) dàn dựng lên.Họ nghĩ rằng, nếu có kẻ xung phong làm như vậy thì những người khác sẽ bắt chước làm theo. Đúng như sự tiên liệu của họ, các phiên khác cũng lục tục trao trả chính quyền cho trung ương. Tính toán thời cơ đã chín muồi, tháng 6 năm ấy, chính phủ ra lệnh cho tất cả các phiên phải có hành động tương tự.

Như thế kể từ đây, đất đai và dân cư toàn quốc phải được tập trung dưới trướng của Thiên hoàng và như một hệ luận, quyền cai trị Nhật Bản phải nằm trong tay tân chính phủ. Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực tế hãy còn có một khoảng cách. Việc trao trả quyền lực của các phiên nặng về hình thức nhiều hơn là ta nghĩ.

Lý do là các lãnh chúa (gọi là hanshu = phiên chủ) - hễ trao trả lãnh địa và cư dân trong lãnh địa cho Thiên hoàng và tân chính phủ - sẽ được bổ nhiệm làm chihanji (tri phiên sự) tức chức quan hành chính đứng đầu phiên của chính phủ. Như thế, họ vẫn có thể cai trị lãnh địa cũ và cư dân trên đó như xưa.Tình trạng này không khác chi lúc trước khi chính sách bản tịch phụng hoàn được đề ra.    

Nếu có một sự khác biệt cần nêu lên thì có lẽ là việc các chihanji (tri phiên sự) cựu lãnh chúa này sẽ được tân chính phủ trả lương. Lương ấy có tên là karoku (gia lộc). Mục đích của chế độ này là phân cách hoàn toàn lãnh chúa với tài chánh của phiên, không cho phép cựu lãnh chúa nhúng tay vào ngân sách nhà nước mỗi khi họ bị túng thiếu và muốn xoay xở. Thế nhưng trên thực tế, các cựu lãnh chúa và tân quan lại này vẫn tiếp tục thu thuế dân chúng và duy trì quân đội của phiên như trước.Xin nhớ cho đến lúc này, tên gọi “phiên” như một đơn vị hành chính vẫn còn được duy trì.

2.2 Đại cải cách “Phế phiên trí huyện”:

Đương thời, nhân vì tân chính phủ không có quân đội trong tay nên nhiều phiên đã tự mình làm những cuộc cải cách chính sách nhằm tăng cường binh lực. Tình hình bất ổn và cái nguy cơ của “một trận chiến tranh Boshin thứ hai” (các lãnh chúa chống triều đình) không phải là không có.Thực tế đã cho thấy những mầm mống đó. Phiên Kii (vùng Wakayama bây giờ) chẳng hạn tổ chức được chế độ trưng binh rất sớm. Họ đã thành lập một quân đội với sức mạnh đáng kể. Ngoài ra, những phiên như Satsuma, từng là lực lượng cơ sở của quan quân trong chiến tranh Boshin, vì có binh lực mạnh mẽ nên không chịu nghe lời chính phủ và hành sử như một quốc gia độc lập.

                 

 

Ôkubo Toshimichi, “Tể tướng thép” Bismarck của Nhật Bản (1830-1878)

Trước tình huống đó, các quan chức cao cấp trong tân chính phủ mới cho rằng nếu để nguyên như vậy, trong một tương lai rất gần, chính phủ sẽ đi đến chỗ băng hoại. Thà rằng làm một cuộc cải cách toàn diện, cho dầu có thất bại thì cũng cam. Do đó, họ bèn mạo hiểm đưa ra quyết định Haihanchiken (Phế phiên trí huyện). Đó là một chính sách có tầm cỡ rất lớn bởi vì nó bãi bỏ toàn bộ cơ cấu hành chánh phiên trấn (han) và đặt để những đơn vị mới gọi là ken (huyện). (Xin nói trước là chữ “ken” (prefecture) của tiếng Nhật không phải là một đơn vị nhỏ như huyện ở Việt Nam. Trong tiếng Việt, nếu gọi là tỉnh thì tương xứng hơn)[2]. Trong những “ken” này, chính phủ sẽ bổ nhiệm quan cai trị (hành chánh quan, địa phương quan) từ trung ương. Được như vậy, họ sẽ hoàn toàn kiểm soát trên thực chất toàn bộ đất nước.

Ôkubo và Kido đã yêu cầu hai nhân vật có thực lực đương thời là Saigô Takamori (phiên Satsuma) và Itagaki Taisuke (phiên Tosa) cộng tác với mình. Ba phiên Satsuma, Chôshuu và Tosa nhân đó tập hợp tại Tôkyô được một binh lực là 1 vạn người. Lực lượng ấy có tên là Goshinpei (Ngự thân binh) hay Lính thân cận nhà vua. Nhờ có binh lực này mà vào tháng 7 năm 1871 (Meiji 4), chính phủ đã triệu tập 56 chihanji (tri phiên sự) tức cựu lãnh chúa đang sống ở Tôkyô đến nghe tuyên đọc sắc chiếu “phế phiên trí huyện” của Thiên hoàng. Những chihanji nào đang ở địa phương thì hạn đến tháng 9 phải có mặt ở Tôkyô.

Như vậy từ đấy, khi phiên đã được thay bằng huyện thì các Chihanji (tri phiên sự) bắt buộc phải bị miễn chức. Họ được thay bằng một vị quan địa phương có danh hiệu là Kenrei (huyện lệnh) do trung ương chỉ định.Các lãnh địa của mạc phủ mà chính phủ đã chiếm được từ hồi chiến tranh Boshin đã được đổi tên, nơi quan yếu gọi là phủ còn các nơi khác thì gọi là huyện. Cộng với đợt này, sau khi cuộc “phế phiên trí huyện” hoàn tất, toàn quốc được chia thành 3 phủ (Tôkyô, Ôsaka, Kyotô) và 302 huyện. Cho đến cuối năm đó, chính phủ lại cấp tốc gom thành 72 huyện. Thế rồi vào năm 1888 (Meiji 11), họ lại đổi chúng thành 1 đạo, 3 phủ và 43 huyện. Con số này tạm ổn cho đến đời Shôwa. (1926-1989). Năm 1943, (Shôwa 18), phủ Tôkyô trở thành (kinh) đô Tôkyô[3].Còn đạo chỉ còn Bắc Hải Đạo (Hokkaidô), hòn đảo lớn trên miền Bắc.

 

Tuy các viên quan địa phương nhà nước phái đến cai trị các huyện được gọi là Kenrei (huyện lệnh) nhưng người trông coi phủ thì lại có tên là Chifuji (tri phủ sự).

 

Các Chihanji (tri phiên sự) tức cựu lãnh chúa, sau khi bị bãi chức đều được lệnh phải ở lại sinh hoạt tại Tôkyô.Có thể xem như đây là một hình thức giữ con tin để tránh phản loạn, một việc đồ chừng có thể xảy ra nếu cho phép họ trở về bản quán. Thế nhưng thực tế cho thấy các nhà lãnh đạo chính phủ có khi quá lo xa. Diễn biến của cuộc “phế phiên trí huyện” đã xảy ra rất thông suốt và êm thắm. Điều đó cũng nhờ tân chính phủ biết thi hành nhiều chính sách khá quảng đại về mặt vật chất đối với họ.Trước tiên, chính phủ chấp nhận trả hộ những món nợ mà các phiên đã vay trước đó (hansai = phiên trái, công trái do phiên phát hành). Ngoài ra, lương bổng (gọi là gia lộc = karoku) của các cựu phiên sĩ (công chức của phiên) cũng được chính phủ thay mặt phiên (đã mất) mà trả cho họ.

                   

Kido Takayoshi ( 1833-1877)

Quyết tâm phế phiên trí huyện đã làm cho chế độ hành chánh kiểu phong kiến này biến mất khỏi sân khấu chính trị Nhật Bản, đúng như ao ước của tân chính phủ.Từ giờ phút ấy, chính phủ mới có thể đổi mới chính trị một cách mạnh dạn và qui mô hơn.

Cải cách tiếp theo đó là việc thành lập Daijôkan (Thái chính quan), một tổ chức gồm 3 viện: Chính viện (Sei-in), Tả viện (Sa-in) và Hữu viện (U-in). Dưới Daijôkan là các tỉnh sảnh (shôchô) tức lá các bộ và các cục. Chính viện là cơ quan cao cấp nhất của chính phủ. Nó được cấu thành bởi 3 chức Daijin (đại thần) là Dajôdaijin (Thái chính đại thần), Sadaijin (Tả đại thần) và Udaijin (Hữu đại thần) và các Sangi (Tham nghị). Nói theo kiểu thời nay, Chính viện tương đương với nội các theo nghĩa hẹp. Còn như Tả viện thì nó là cơ quan lập pháp và tư vấn, thành viên của nó là một số nghị viên (gi-in) được tuyển từ hàng quan lại. Điều này có nghĩa là khi Chính viện muốn ấn định một số luật lệ gì quan trọng thì sẽ đi hỏi ý kiến chuyên môn của Tả viện. Hữu viện là nơi tập hợp các trưởng quan (gọi là kyô = khanh, ngang với bộ trưởng) các tỉnh sảnh và các phụ tá của người ấy gọi là taifu (đại phụ, ngang với thứ trưởng). Đó là cơ quan họp bàn những vấn đề cụ thể và đa dạng về chính sách.

Nói chung, quan chế mới này được gọi là San.insei (Tam viện chế). Trước kia, bên cạnh Daijôkan còn có Shingikan nhưng đến thời này, tổ chức Shingikan bị bãi bỏ. Nó bị giáng xuống thành một bộ gọi là Shingishô (Thần kỳ (chỉ) tỉnh). Và ta cũng có thể nhận thấy rằng Minbushô (Dân vụ tỉnh) trước lo hộ tịch, thuế khoá, sau đổi nhiệm vụ lo giao thông, bưu điện..., cũng không còn thấy bóng dáng nữa vì đã sáp nhập vào các bộ khác.

Trong ba đại thần giữ Chính viện thì Sanjô Sanetomi (Tam Điều, Thực Mỹ) chức Daijôdaijin, Iwakura Tomomi (Nham Thương Cụ[4] Thị) chức Udaijin là thành phần công khanh. Tuy nhiên những nhân vật trọng yếu khác trong tân chính phủ dều là người của các hùng phiên thuở xưa. Hơn phân nửa số xuất thân từ Satsuma và Chôshuu, kỳ dư là người của Tosa và Hizen. Lý do là việc “phế phiên trí huyện” vốn do các nhân vật Satsuma-Chôshuu chủ xướng. Nay đường lối trung ương tập quyền thành công, họ nghĩ là công lao thực hiện cuộc đại cải cách này thuộc về mình nên muốn nắm ưu thế trong chính phủ nếu không nói là sẽ tiến dần tới địa vị độc tôn. Việc làm của họ về sau sẽ là cái đích của mọi chê trách nhưng phải nói lúc đó thành phần chủ yếu của tân chính phủ chỉ là người của 4 phiên Satsuma-Chôshuu-Tosa-Hizen hay Satchôdohi (sau thì chỉ khép lại trong vòng 2 phiên Satsuma và Chôshuu). Hiện tượng này gọi là hanbatsu (phiên phiệt).

Xin kể tên một số nhân vật đã đóng vai trò quan trọng trong chính trị phiên phiệt và sau đó, chúng ta nên để mắt theo dõi về bước thăng tiến cũng như số phận của họ trong những trang tiếp đến.

Phiên Satsuma: Saigô Takamori, Ôkubo Toshimichi, Kuroda Kiyotaka. Phiên Chôshuu: Kido Takayoshi, Itô Hirobumi, Inoue Kaoru, Yamagata Aritomo. Phiên Tosa: Itagaki Taisuke, Gotô Shôjirô, Sasaki Takayuki. Phiên Hizen: Ôkuma Shigenobu, Ôki Takatô, Suejima Taneomi, Etô Shinpei.

Duy Tân tam kiệt: Saigô, Ôkubo và Kido[5].

Saigô và Ôkubo của phiên Satsuma cũng như Kido của phiên Chôshuu, ba nguyên huân của thời mở nước, thường được người đời xưng tụng là “Duy Tân tam kiệt”. Họ là những anh hùng nhưng đều vắn số (chết giữa cái tuổi 40-50) hoặc vì tự sát, bị ám sát chính trị hay mang bệnh hiểm nghèo. Thực ra, nói chung thì trong thập niên Meiji thứ 10, tình hình chính trị rất sôi động cho nên các nhà hoạt động phần lớn đều gặp những cái chết đột ngột hoặc bất thường.

Saigô Takamori sinh năm 1827 (Bunsei 10) trong một gia đình võ sĩ cấp thấp ở một xóm dưới chân thành Kagoshima (phiên Satsuma). Ôkubo Toshimichi cũng cùng thuộc một giai cấp với ông và là người chòm xóm, thua Saigô ba tuổi. Hai ông là đôi bạn thuở thiếu thời.

Saigô được lãnh chúa Shimadzu Nariakira thu dụng, sai giúp mình mưu đồ chuyện Shôgun nối nghiệp. Thế nhưng sau khi Nariakira mất, vì không ăn ý với Hisamitsu, cha của người kế nghiệp và là một nhân vật có thực lực, ông nhiều lần bị tội lưu ngoài đảo. Đến năm 1864 mới được gọi về làm tham mưu trong đạo quân thảo phạt Chôshuu khi cuộc biến loạn ở Cấm môn xảy ra. Năm 1866, nhờ có sự trung gian của chí sĩ người Tosa là Sakamoto Ryôma, ông liên kết được với Kido để thành lập liên minh Satsuchô. Năm 1867, ông lại liên kết được với Gotô Shôjirô của phiên Tosa. Gotô là người chủ trương xúc tiến việc bàn giao êm thắm chính quyền giữa mạc phủ và triều đình (Đại chính phụng hoàn) qua đại hội các chư hầu. Thế nhưng tháng 10 năm ấy, Saigô lại cùng Ôkubo và công khanh là Iwakura Tomomi mưu việc xin Thiên hoàng hạ mật chiếu thảo mạc để chiếm lấy chính quyền bằng võ lực. Tuy Shôgun Yoshinobu đã dâng biểu xin trả lại chính quyền, làm cho việc thảo mạc không còn ý nghĩa nữa nhưng Saigô và Ôkubo vẫn làm một cuộc đảo chánh bằng cách ra Tuyên ngôn (Daigôrei) vương chính phục cổ vào tháng 12 (có nghĩa loại hẳn Yoshinobu ra khỏi guồng máy chính quyền).Sau việc đó, Saigô còn giữ trọng trách tham mưu quân đội trong Chiến tranh Boshin tiêu diệt tàn binh mạc phủ và thương thuyết thành công với Katsu Kaishuu để kẻ địch phải mở cửa thành Edo ra hàng.Sau khi thắng lợi, ông về quê (Kagoshima) sống nhưng được gọi ra tham gia vào việc phế phiên trí huyện cũng như trông coi việc nước, lo tổ chức trưng binh và cải cách tô thuế trong lúc Iwakura, Ôkubo và Kido đi sứ. Năm 1873, vì chủ trương Chinh Hàn quá khích của ông đi ngược với ưu tiên chỉnh đốn nội chính theo ý kiến của Ôkubo và Kido nên buộc phải từ chức, rút lui về quê. Ở đây, ông mở trường dạy học, săn bắn nhưng chẳng bao lâu lại cầm đầu cuộc tranh đấu cho quyền lợi giới sĩ tộc là những chiến hữu cũ nay sa cơ thất thế trong cuộc đổi đời, gây ra cuộc Chiến tranh Tây Nam (1877) mà ông là kẻ chiến bại, phải tự sát (ở tuổi 50).

Công lao lớn nhất của Saigô là đánh đổ được mạc phủ nhưng để rồi lạc lõng giữa tân chính quyền, rốt cuộc trở thành kẻ nghịch thần. Tuy vậy, những trí thức đương thời như Fukuzawa Yukichi khen ngợi tinh thần đề kháng của ông, còn Uchimura Kanzô tán dương ông như “người samurai vĩ đại cuối cùng”. Vào năm 1891, có tin đồn ông thoát thân được và còn sống bên Nga. Điều đó chứng tỏ trong dân chúng người ta vẫn thầm yêu mến ông, xem ông như kẻ không tham tiền bạc, quyền lực, sống đời cao khiết. Họ tung tin đó có lẽ vì không ưa hai nhà lãnh đạo đương thời là Itô Hirobumi và Yamagata Aritomo. Năm 1898, nhà điêu khắc Takamura Kôun (cha của nhà thơ Takamura Kôtarô) đã tạc tượng đồng kỷ niệm ông dắt chó săn. Tượng đó ngày nay hãy còn được dựng trong Công viên Ueno ở Tôkyô.  

Ôkubo Toshimichi sinh năm 1830 trong cùng một xóm với Saigô Takamori. Cũng như Saigô, ông được chủ quân Nariakira thu dụng. Có điều ngược với trường hợp Saigô, Hisamitsu tin dùng ông, năm 1861, giao cho việc tổ chức trong phiên. Đặc điểm của Ôkubo là biết chen chân vào chính quyền, lợi dụng thế lực của cấp trên để thực hiện những chính sách cá nhân mình mong muốn. Khi Saigô được phiên xá tội và gọi về làm việc, hai người đã cùng nhau hợp tác. Từ đó, họ đi với nhau một chặng đường dài qua những lúc bàn bạc kế sách thảo mạc, trải qua cuộc Chiến tranh Boshin, đi đến thắng lợi hoàn toàn và thành lập được tân chính phủ.

Năm 1869, Ôkubo đề nghị thực hiện“bản tịch phụng hoàn”, năm 1871, “phế phiên trí huyện”. Đó là 2 chính lớn.Sau đó ông lại cho thi hành “sản thực hưng nghiệp”, một chính sách lớn khác. Về ngoại giao, ông tổ chức và tham gia Sứ bộ Iwakura , vừa đi thương thuyết vừa học hỏi. Đến Đức, ông tỏ ra đồng cảm với chính sách cứng rắn của “Tể tướng thép” Bismarck, một thứ “độc tài sáng suốt”. Về nước, ông chủ trương dành ưu tiên cho việc ổn định tình hình quốc nội nên đã xung đột với cánh Saigô, vốn đề xướng Chinh Hàn luận. Sau khi đánh bại Saigô trên mặt trận chính trị, năm 1873, ông tổ chức lại chính phủ và đề bạt Ôkuma Shigenobu trông coi bộ tài chánh, Itô Hirobumi trông coi bộ công (xây dựng, giao thông, khai thác quặng mỏ) nhưng riêng mình nắm giữ phần việc quan trọng nhất là nội chính nghĩa là công kỹ nghệ, cảnh sát và hành chính địa phương.

Năm 1874, khi vụ phản loạn ở Saga xảy ra, Ôkubo đã thẳng tay trừng trị đối lập. Tuy nhiên, năm 1875, ông tỏ ra hòa hoãn hơn, chịu hội đàm với Kido (Chôshuu) và Itagaki Taisuke (Tosa) ở Ôsaka và chấp nhận việc tiến từ từ đến một thể chế lập hiến. Thiên hoàng Meiji rất ưu ái đối với ông và đến lúc đó, danh vọng của ông chẳng thua gì hai công khanh cao cấp là Iwakura Tomomi và Sanjô Sanetomi. Ông lại thành công trong việc đàn áp những cuộc phản loạn của các nhóm sĩ tộc, nhất là đã chiến thắng ở Tây Nam (1877) trước Saigô, người bạn thời niên thiếu nay trở thành địch thủ một mất một còn. Từ đó, chính quyền trung ương của ông hoàn toàn ổn định nhưng không dè, ngày 14 tháng 5 năm 1878, khi đang lấy xe ngựa đến công quán, ông đã bị một sĩ tộc người tỉnh Ishikawa là Shimada Ichirô tấn công và giết chết. Lúc đó ông mới 49 tuổi.

Ôkubo luôn luôn đứng ở trung tâm quyền lực. Trên ông có Thiên hoàng, bên ông có các thế lực phiên trấn nhưng có thể nói, tất cả quyền lực đều nằm trong tay ông.Chẳng những thế ông có óc phán đoán bén nhạy và hành động một cách hết sức hiện thực. Để phục vụ cho tiêu chí “phú quốc cường binh” và “sản thực hưng nghiệp”, ông đã biết gầy dựng nên một thế hệ quan lại ưu tú và sử dụng họ. Hể là người có tài thì bất luận là thuộc nhóm Satsuchô hay không, ông đều trọng dụng. Ông đã căn dặn Itô Hirobumi, người thừa kế: “Phải có đầu óc rộng rải, phải công chính vô tư, dùng người theo tiêu chuẩn con người chứ không theo xuất thân hay môn phiệt”..

Kido Toshiyoshi sinh năm 1833 (Tenpô 4) trong một gia đình y sĩ họ Wada ở Hagi thuộc phiên Chôshuu. Trở thành dưỡng tử nhà Katsura cho nên lúc trẻ, khi hoạt động ở Kyôto, được biết dưới cái tên Katsura Kogorô. Ông theo học Yoshida Shôin ở trường Shôka Sonjuku, rồi sau đó lên du học ở Edo. Như Takasugi Shinsaku, ông là nhân vật trung tâm của phái tôn nhương phiên Chôshuu. Cũng từng giao lưu với Sakamoto Ryôma và Katsu Kaishuu. Năm 1865, thoát được những cuộc biến loạn và thanh toán lẫn nhau giữa hai phái tá mạc và đảo mạc ở Kyôto, ông về quê nương náu, đổi tên thành Kido.Năm sau, nhờ trung gian của nhóm Sakamoto Ryôma mà lập nên liên minh Satsuchô, mua được khí giới từ Satsuma về. Vì biết chuẩn bị như thế nên năm 1867, đã có thể sẳn sàng hiệp nghị với Saigô và Ôkubo mưu việc thảo mạc.  

Năm 1868, ông lãnh chức tham nghị thuộc Hữu viện, đóng một vai trò quan trọng trong trung tâm quyền lực.Soạn thảo “Năm lời thề” (Ngũ cá điều thệ văn), tích cực đề nghị các chính sách “bản tịch phụng hoàn”, “phế phiên trí huyện” để bãi bỏ chế độ lãnh địa. Ông từng làm phó sứ trong sứ bộ Iwakura nhưng có nhiều đụng chạm với Ôkubo vì đàn em của mình ở Chôshuu mà ông thương mến là Itô Hirobumi ngả về phía ông này.Năm 1874, nhân chuyện tiến binh đánh Đài Loan, lại phản đối Ôkubo nên xin về vườn.Năm 1875, được kêu gọi tham gia Hội đàm Ôsaka và phục chức tham nghị một lượt với Itagaki Taisuke.Tuy nhiên ông vẫn bất mãn trước thái độ độc đoán của Ôkubo nên lại từ chức.Năm 1877, trong khi cuộc chiến ở Tây Nam còn chưa ngã ngũ thì Kido lâm bệnh và mất ở Kyôto (ở tuổi 45). Trong tam kiệt, ông là người duy nhất được chết bình thường trong nhà.

Công lao đảo mạc chủ yếu là của Satsuma, Chôshuu và Tosa, công lao xây dựng đất nước nhất là trong lãnh vực tài chánh còn có thêm sự đóng góp của Hizen, một phiên giàu có. Do đó cuộc Duy Tân Minh Trị nếu nói là do 4 phiên Satchôdohi làm nên thì cũng không ngoa. Dù mỗi nhà lãnh đạo ý kiến khác nhau, sự việc có khi không diễn biến một cách suôn sẻ như người trong cuộc mong muốn và nhiều khi đã dẫn đến bi kịch nhưng nói chung, cuộc duy tân đã biến đổi hoàn toàn nước Nhật, đưa một quốc gia nghèo nàn, cô lập vào quỹ đạo của cuộc cận đại hóa. Trong đó, đóng góp của tam kiệt thật không nhỏ vậy.

Chỉ có hai năm sau khi thi hành chính sách “phế phiên trí huyện” thì đã nẩy ra một đề tài bàn cãi mới. Đó là Seikanron (Chinh Hàn luận) nghĩa là có nên đem binh đánh Triều Tiên hay không? Phái tán thành lúc đó có Saigô, Itagaki, Gotô, Soejima, Etô. Thế nhưng lý luận của họ bị chính phủ phủ quyết nên các ông 5 người tức giận bỏ việc. Về sau, Etô khởi loạn ở Saga (Saga no ran, 1874), Saigô cũng gây ra cuộc chiến tranh ở Tây Nam (Seinan sensô, 1877), dùng võ lực chống lại nhà nước. Hai ông đều thất bại, kẻ bị giết, người tự sát, chấm dứt cuộc đời một cách bi thảm.

Riêng Itagaki và Gotô thì lãnh đạo cuộc vận động tự do dân quyền và phát triển nó thành công trên một qui mô toàn quốc khiến cho chính phủ khốn đốn không ít. Sau đó các ông đã tổ chức đấu tranh dưới hình thức chính đảng (Jiyuutô = Đảng Tự Do) và với thế lực sẳn có, đã tiếp tục hoạt động chính trị hợp pháp và có cơ hội tham gia nội các.

Kido thì tuy là thủ lãnh của phiên phiệt Chôshuu nhưng không phát huy được một sức mạnh lớn. Ông qua đời vì bệnh tật giữa lúc chiến tranh Tây Nam còn đang tiếp diễn. Người có thực lực và chỉ huy được chính phủ là Ôkubo Toshimichi nhưng sau khi bình định được phản loạn vùng Tây Nam thì sang năm, ông cũng đã bị khủng bố ám sát chết ở dốc Kioizaka (Tôkyô). Tón lại, với cái chết của Ôkubô, Ishin sanketsu (Duy Tân tam kiệt) - những nhà hoạt động năng nỗ đã cống hiến rất nhiều cho sự đổi mới của Nhật Bản - Ôkubo, Saigô và Kido, kẻ trước người sau đều lần lượt ra đi.

Sau đó, những chính khách như Kuroda, Itô, Yamagata sẽ thay thế vào vị trí của họ và nhiều lần đứng ra nhận trọng trách như thủ tướng hoặc bộ trưởng. Inoue là bạn đồng chí của Itô, đã giữ vai trò bộ trưởng ngoại giao một cách năng nổ. Đặc biệt, ông có công thương thuyết với liệt cường, đòi hỏi tu chính lại những điều ước mà Nhật Bản ký trong điều kiện bất lợi. Điều này chúng ta sẽ trở lại bàn sau. Ôgi hết làm bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng giáo dục trở thành người cầm đầu Xu (Khu) Mật Viện. Suejima làm cố vấn cho Xu (Khu) mật Viện trước khi đổi qua nắm bộ nội vụ.Sasaki trở thành bề tôi thân cận của thiên hoàng và có nhiều quyền bính.

Người cuối cùng được nhắc tới ở đây là Ôkuma Shigenobu nhưng không phải vì thế mà kém phần quan trọng. Ông từng kêu gọi nhà nước phải cấp tốc thành lập quốc hội nhưng chính vì sự mau mắn đó mà bị phiên phiệt Satchô đuổi ra khỏi chính phủ vào năm 1881 (Meiji 14). Sử gọi là cuộc Chính biến năm Meiji 14 (Meiji juuyonnen no seihen). Sau đó Ôkuma đã tổ chức chính đảng mang tên Rikken kaishintô (Lập hiến cải tiến đảng) rồi trở lại chính quyền, lần lượt đóng những vai trò quan trọng như thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao. Người Việt Nam thường quen thuộc với tên tuổi ông (Bá tước Đại Ôi) vì ông có thời rất gần gủi các nhà cách mạng lưu vong nước ta. Cũng nên nhớ rằng ông là một nhà giáo dục lớn, đã sáng lập Đại học Waseda.

Sau khi điểm qua hành động của các nhân vật chính trị sáng giá thời Duy Tân, hãy xem chính phủ Nhật đã thi hành những chính sách nào để tăng cường sức mạnh quân sự, vấn đề then chốt mà thời cuộc lúc đó đã đặt ra cho họ.

Chúng ta đã thừa biết là sau cuộc chiến tranh Boshin, tân chính phủ hầu như không có một quân đội trong tay. Chỉ đến khi cần có một binh lực làm hậu thuẫn cho chính sách “phế phiên trí huyện” họ mới tụ tập được 1 vạn binh đến từ các phiên Satsuma, Chôshuu và Tosa để làm lính thân vệ cho thiên hoàng (goshinpei = ngự thân binh). Thế nhưng với vỏn vẹn 1 vạn người lính thì không thể nào bảo vệ nổi chính quyền. Biết thế, họ đã lập kế hoạch dể tăng cường sức mạnh quân sự.

Thực ra, cuộc “phế phiên trí huyện” đã được thực hiện song song với việc giải tán quân đội các phiên trấn. Nếu cho những thành phần tinh nhuệ trong đám người này gia nhập vào quân đội của chính phủ, nhà nước sẽ tăng cường được ngay đám quân nhân đang hiện dịch của họ. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản. Thế nhưng người nắm bộ Binh (quốc phòng) (Hyôbushô) trong chính phủ là Yamagata Aritomo (Sơn Huyện, Hữu Bằng, 1838-1922), giữ chức Taifu (Đại phụ), sau này sẽ cầm đầu Bộ Lục quân, không đồng ý với cách thức như vậy.Yamagata quyết tâm thực hiện chế độ “quốc dân giai binh” (kokumin kaihei) của Âu châu mà ông rất tâm đắc, nghĩa là bắt buộc mọi người dân đến tuổi thành nhân trở thành đối tượng trưng binh.   

Lời cáo dụ trưng binh năm 1872 (Meiji 5) định rằng mọi người thanh niên sẽ phải đi lính. Năm sau, chôheirei (trưng binh lệnh) được ban bố. Theo đó, thanh niên đến 20 tuổi phải làm nghĩa vụ quân sự trong một thời gian. Nghĩa vụ quân sự này này áp dụng cho mỗi quốc dân, có tên chung là hei.yaku (binh dịch). Chữ “dịch” này có ý là “hoàn thành lao động cưỡng bách”, nghĩa vụ mà nhà nước đòi hỏi nơi mỗi người dân.

Thực ra, đầu tiên có ý kiến trưng binh không phải chính bản thân Yamagata.Người đặt vấn đề là một đồng hương, xuất thân từ Chôshuu, Ômura Masujirô (Đại Thôn, Ích Thứ Lang). Ông này đã kết oán với các võ sĩ (giới sĩ tộc) vốn chống đối chế độ trưng binh và bị họ ám sát vào năm 1869 (Meiji 2). Phương án Ômura đã được Yamagata kế tục và thực hiện. Sở dĩ Yamagata thành công là nhờ chính sách “phế phiên trí huyện” đã tập trung được quyền lực vào tay chính quyền trung ương.

Tiếng là một chính sách áp dụng cho tất cả nhưng không phải ai ai cũng bị trưng binh. Có những trường hợp miễn dịch nghĩa là khỏi phải đi lính. Người đứng đầu một hộ (koshu = hộ chủ), con trai nối dõi (shishi = tự tử), con nuôi (yôshi = dưỡng tử, vì nhà đó không con trai nối dõi), quan lại và sinh viên học sinh. Dĩ nhiên những người đau ốm hoặc tật nguyền cũng được miễn trừ.

Nhưng trong một thế giới kim tiền, có tiền mua tiên cũng được, huống chi tấm giấy miễn dịch. Nhà nước lúc ấy qui dịnh nếu có tiền nộp (gọi là daininryô = đại nhân liệu, tiền thay cho người) là 270 Yen thì sẽ khỏi phải đi lính. Dĩ nhiên 270 Yen thời đó là một món tiền cực kỳ lớn nếu biết một tháng lương nhà giáo thời Meiji chỉ có 5 Yen. Do có chế độ ưu đãi như vậy, con nhà giàu và con trai cả không phải đi lính. Làm nghĩa vụ quân sự chỉ có con nhà nông và các anh con trai thứ.

Dĩ nhiên nếu có cách trốn tránh thì chẳng ai muốn đi lính. Vì vậy không thiếu chi những kẻ đào vong, dấu diếm tông tích. Nhiều người tìm cách đi làm con nuôi cho gia đình khác, dù chỉ trên danh nghĩa thôi, để trốn quân dịch. Có kẻ vờ ốm, có kẻ tự hũy hoại thân thể, chứng minh mình có thương tật.

Dùng những hành động bất hợp pháp để trốn tránh như thế được gọi là “trưng binh hồi tị” (chôhei kaihi). Có điều không thể tưởng tượng là thời ấy có người xuất bản cả sách chỉ cách thức để làm việc trốn lính đó như cuốn Chôhei no men.eki no kokoroe (Trưng binh miễn dịch tâm đắc = Những điều phải nằm lòng để được miễn dịch) và loại sách này bán rất chạy. Chính phủ rốt cuộc phải thu hẹp giới hạn những ngoại lệ dành cho việc miễn dịch.

Tuy vậy, quân chế từ đó đã thống nhất và quân đội quốc gia được hình thành.

Cùng vào một thời điểm, chế độ cảnh sát cũng được chỉnh đốn. Trước kia, trong lãnh địa, việc bảo vệ an ninh trật tụ nằm trong tay phiên binh, sau đó được bảo đảm bởi quân đội của chính phủ. Chế độ cảnh sát (police) kiểu Âu châu bắt đầu là ở vùng Kanagawa với mục đích kiểm soát các kiều dân vùng cư trú đặc biệt dành cho người ngoại quốc. Đến năm 1871 (Meiji 4) ngay ở vùng Tôkyô cũng đã có 3.000 viên gọi là Rasotsu (La tốt, la có nghĩa là tuần phòng) cảnh sát để duy trì trật tự. Họ không trang bị võ khí như đao kiếm nhưng thay vào đó là côn bổng (konbô) tức gậy dài. Vào năm 1874 (Meiji 7) thì nhà nước mới đặt ra Tokyô Keijichô (Đông kinh cảnh thị sảnh,thị có nghĩa là nhìn, trông chừng), còn chữ “La tốt” vì bí hiểm quá khó dùng nên đổi thành Junsa (Tuần tra) cho dễ hiểu hơn. 

Mặt khác, ở địa phương thì vào năm 1872 (Meiji 5), nhà nước tổ chức Keihoryô (Cảnh bảo liêu) tức Nha cảnh sát trực thuộc Bộ tư pháp để điều khiển cảnh sát các vùng. Nhưng chỉ đến năm sau thì Nha (tức Keihoryô) đã chuyển từ Bộ tư pháp (Shihôshô) qua Bộ nội vụ (Naimushô) và chịu sự quản lý của bộ này. Từ đó cho đến lúc Nhật Bản thất trận sau Chiến tranh Thái Bình Dương và Bộ nội vụ bị giải thể thì cảnh sát nằm trong quyền quản hạt của nó.

Người đã chỉ đạo việc thiết lập hệ thống cảnh sát thời cận đại là một phiên sĩ xuất thân từ Satsuma tên là Kawaji Toshiyoshi (Xuyên Lộ, Lợi Lương). Để nghiên cứu chế độ cảnh sát Tây phương, ông đã sang Âu châu du học một năm. Bên đó, ông đã triệt để học tư tưởng cảnh sát phục vụ nhà nước phúc lợi (welfare state) và đem về áp dụng cho Nhật Bản. Cũng nên nói thêm rằng, sau đó, Kawaji đã trở thành Tổng Giám Đốc (Keishichô = Cảnh thị trưởng, sau là Daikeishi = Đại cảnh thị, tên có từ 1872) của cảnh sát thủ đô Tôkyô.
 


[1]Xin chú ý đến tính cách “xa xôi” về vị trí địa dư của họ (nam, cực nam). Chính vì không được xem là thân cận với nhà chúa mà họ sớm đứng về phía Thiên hoàng.

[2]Trong tiếng Nhật, “tỉnh” để chỉ một bộ trong chính phủ (ministry, department). Cách dùng này có bên Trung Quốc từ đời Đường. Tỉnh như một đơn vị hành chính (province) có lẽ có từ đời Nguyên và đến từ chữ “hành tỉnh” nguyên là bộ chỉ huy các quan lại địa phương. Huyện (prefecture) thì có từ đời Xuân Thu Chiến Quốc. Lúc đó nhiều nước (tiểu quốc = state) tan rã, bị các nước lớn phối trí lại thành huyện.

[3]Có một giai đoạn, Tôkyô được gọi là Tôkei (Đông kinh) để đối lại Kyôto như là Saikei (Tây kinh) nhưng lối mệnh danh này không bao giờ được dùng chính thức và đã rơi vào quên lãng.

[4]Tuy mặt chữ Hán là Cụ nhưng Tomo có nghĩa như Câu (theo Hán Từ Hải)

[5]Theo Story Nihon no rekishi, Yamakawa xuất bản, tr. 10-13. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563197

Hôm nay

2138

Hôm qua

2299

Tuần này

2138

Tháng này

221721

Tháng qua

129483

Tất cả

114563197