Đài Loan tập trận dài ngày, Philippines kiện Bắc Kinh ra tòa án, chủ tịch Việt Nam úy lạo ngư dân… Trung Quốc càng phô diễn cơ bắp, các quốc gia và lãnh thổ càng giảm lòng tin vào cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” của đại lục.
Đài Loan tập trận dài ngày, Philippines kiện Bắc Kinh ra tòa án, chủ tịch Việt Nam úy lạo ngư dân… Trung Quốc càng phô diễn cơ bắp, các quốc gia và lãnh thổ càng giảm lòng tin vào cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” của đại lục.
Từ ngày 18 đến 22/4, Đài Loan tiến hành tập trận qui mô lớn, để chứng tỏ khả năng tự vệ trước những cuôc tấn công Trung Quốc có thể thực hiện. Cuộc thao diễn được tiến hành một ngày sau khi Bắc Kinh công bố “Sách trắng quốc phòng” cho rằng, độc lập của Đài Loan là mối đe dọa lớn nhất cho sự phát triển quan hệ giữa hai bờ Eo biển. Tổng thống Mã Anh Cửu đích thân giám sát cuộc tập trận bắn đạn thật. Phát biểu với các binh sĩ, ông Mã Anh Cửu nói, mục tiêu của cuộc diễn tập là nhắc nhở mọi người về nguy cơ của một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trong khi đối mặt với đe dọa, Ông Mã nói phải tăng cường xây dựng quân đội và nâng cao khả năng tác chiến. Chỉ có như vậy mới có thể duy trì hòa bình/ổn định giữa Đài Loan với Trung Quốc.
Sách trắng quốc phòng hôm 16/4 ngầm chỉ trích Hoa Kỳ gây mất ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, qua việc tăng cường các liên minh quân sự và gửi thêm chiến hạm, chiến đấu cơ và quân lính đến khu vực này. Công khai chủ trương đa dạng hóa các lực lượng vũ trang, bộ Quốc phòng nước này nhấn mạnh: “Quân đội Nhân dân Giải phóng với 2,3 triệu binh sỹ sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia”. Sách trắng phiếm chỉ: “Một số quốc gia đang tăng cường các liên minh quân sự trong khu vực và điều này thường xuyên khiến căng thẳng gia tăng”. Tuy không chỉ rõ đó là nước nào, nhưng rõ ràng Trung Quốc ám chỉ Hoa Kỳ, bởi vì gần đây Washington đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Úc và Đông Nam Á, đồng thời củng cố liên minh quân sự với những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí thắt chặt quan hệ với những nước không là đồng minh như Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (Hongkong) mới đây đăng ý kiến của học giả Trung Quốc về chuyến thăm làng chài Đàm Môn của ông Tập Cận Bình cùng những phát biểu đầy ẩn ý đe dọa các bên tranh chấp trên Biển Đông. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ của người vừa được bầu làm Chủ tịch nước. Chuyên gia thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Vương Hàn Lĩnh coi chuyến thăm của ông Tập là nhằm vào các nước có tranh chấp ở Biển Đông như Brunei, Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Chủ tịch nước hứa “tìm giải pháp”
Chuyến thăm đảo Lý Sơn mới đây của Chủ tịch Trương Tấn Sang được dư luận khu vực xem như một phản ứng tức thời đối với việc Chủ tịch Tập Cận Bình thăm ngư dân đảo Hải Nam. Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung là nơi có nhiều ngư dân bị các tàu Hải giám Trung Quốc cản trở/sách nhiễu khi hành nghề. Chủ tịch Trương Tấn Sang ra đây một ngày sau khi có buổi nói chuyện với ngư dân Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Chuyến thăm được tiến hành chiều 15/4 đã thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận vốn đang theo dõi chặt chẽ các tranh chấp trên Biển Đông. Khi nghe ngư dân than phiền về tình trạng bị Trung Quốc đuổi bắt và cướp bóc tài sản, chủ tịch Trương Tấn Sang hứa “sẽ tìm giải pháp”. Ông Sang cũng đã có buổi làm việc với binh lính và sỹ quan Vùng cảnh sát biển 2. Tại đây, ông kêu gọi lực lượng cảnh sát biển bảo vệ vững chắc chủ quyền. Truyền thông được dẫn lời ông nói: “Bằng mọi cách phải bảo vệ hoạt động bình thường của ngư dân. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của đất nước… Các hoạt động đánh bắt hải sản, hoạt động khai thác dầu khí, các hoạt động của các doanh nghiệp, vận tải biển, nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam phải hết sức an tâm. Điều này hết sức hệ trọng.”
Trước đó, ngày 9/4, phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đến thăm quân khu Năm, khẳng định Việt Nam luôn kiên trì giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình dựa trên công ước quốc tế về luật biển. Ngày 10/4, bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đến thăm và kiểm tra tại Cục Cảnh sát biển Việt Nam. Tại đây, Bộ trưởng Thanh nhắc nhở cảnh sát biển phải “tạo mối quan hệ đoàn kết với các nước ASEAN” láng giềng và nhấn mạnh việc “nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và xử lý có hiệu quả các tình huống trên biển Đông”. Ngày 8/4 bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng ra thăm và làm việc tại Lý Sơn. Ông Minh nói đảo này có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, được xem như đảo tiền tiêu của Việt Nam. Do đó quân và dân huyện đảo cần “hết sức cảnh giác với những âm mưu của kẻ thù về chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, về các hoạt động trên biển”.
Đài Loan tập trận năm ngày, Philippines kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, chủ tịch nước Việt Nam úy lạo ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Trung Quốc càng phô diễn cơ bắp trên Biển Đông, các quốc gia và lãnh thổ liên quan càng giảm lòng tin vào cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình” của đại lục. Trong khi đó thì học giả Greg Torode tiếp tục cảnh báo, trong thời gian qua, với việc sở hữu tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, Bắc Kinh đã trở nên “không e ngại” trong việc tăng cường cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Trung Quốc “nói một đằng làm một nẻo” trên Biển Đông không lừa mị được ai! Dư luận khu vực và quốc tế không đồng tình với việc Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Phản ứng trước chính sách bành trướng của Bắc Kinh đang diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng./.
2150
2369
21164
222747
129483
114564223