Hiện nay, bên cạnh những trường thực hiện qui chế dân chủ cơ sở khá nghiêm túc, vẫn còn một số trường phổ thông chưa thực sự xây dựng được môi trường giáo dục dân chủ. Vậy đâu là là nguyên nhân của hiện tượng này và cần làm gì để khắc phục
Hiện nay, bên cạnh những trường thực hiện qui chế dân chủ cơ sở khá nghiêm túc, vẫn còn một số trường phổ thông chưa thực sự xây dựng được môi trường giáo dục dân chủ. Vậy đâu là là nguyên nhân của hiện tượng này và cần làm gì để khắc phục
Những khoảng trống dân chủ...
Hiện tượng phổ biến nhất là thiếu dân chủ trong khâu qui hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lí giáo dục. Tháng 10/2012, ông Trần Tử Quảng, Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên “bỗng dưng” bổ nhiệm cô Phạm Thị Hằng làm tổ trưởng tổ Ngữ văn, mà không hỏi ý kiến của các thành viên trong tổ. Việc làm nói trên của ông Quảng trái với qui định của Bộ GD – ĐT; mặt khác cô Hằng còn có nhiều vi phạm nghiêm trọng về nề nếp chuyên môn (bỏ dạy, dạy trái chương trình lên gần 50 tiết); năng lực chuyên môn chưa xứng đáng với cương vị tổ trưởng. Cũng trong năm 2012, Hiệu trưởng trường THPT Nam Đàn 1 bổ nhiệm một số tổ trưởng, tổ phó không dựa trên đề xuất của các thành viên trong tổ, “bỏ sót” một số giáo viên có danh hiệu và thành tích cao, bị Sở GD – ĐT yêu cầu làm lại theo qui định của Bộ GD - ĐT. Năm 2012, thầy Lê Văn Minh trường THCS Thanh An (Thanh Chương) mặc dù chỉ được 34,3% phiếu tín nhiệm nhưng vẫn được bổ nhiệm phó Hiệu trưởng; sau khi phát hiện sai phạm Chủ tịch UBND huyện phải kiểm điểm. Hiện tượng cơ cấu, “chạy chọt” để được bổ nhiệm cán bộ quản lí giáo dục rất phổ biến, có thể coi là một căn bệnh đang ngày đêm làm tiêu hao sinh lực của bộ máy giáo dục vốn đã không thực sự khỏe mạnh.
Thứ hai là sự áp đặt trong một số qui định của các trường, không dựa trên sự bàn bạc, thống nhất tập thể, mà xuất phát từ ý chí của người đứng đầu. Năm 2012, trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An tự đề ra qui định một số đối tượng giáo viên phải viết tay giáo án, không được sử dụng giáo án đánh máy; sau khi báo chí phản ánh mới xóa bỏ. Một số trường Hiệu trưởng tự cho mình có quyền định đoạt chế độ ngày lễ, ngày Tết, tiếp khách, mua sắm trang thiết bị, sách vở...muốn “cho” bao nhiêu thì “cho”. Vì vậy mới có hiện tượng đều là một trường phổ thông trên cùng địa bàn, nhưng tiền Tết của giáo viên chênh lệch khá lớn, tùy theo độ “thoáng” của Hiệu trưởng. Hoặc cùng loại hình trường, nhưng có trường thư viện nghèo nàn, có trường thư viện rất phong phú, tất cả đều tùy thuộc vào sự quan tâm của Hiệu trưởng. Một số cá nhân Hiệu trưởng có biểu hiện lạm quyền, tham nhũng. Từ năm 2007 đến năm 2011, ông Võ Thanh Hoa, Hiệu trưởng trường THPT Nghi Lộc 3 không dạy (2 tiết/tuần) nhưng vẫn ung dung hưởng phụ cấp “đứng lớp”, với số tiền sai phạm hơn 43 triệu đồng. Cũng ông này đã tự ý cho một giáo viên nghỉ hơn 18 tháng nhưng vẫn nhận lương; thu tiền % dạy thêm của giáo viên để ban giám hiệu và tổ hành chính chia chác.
Trong mối quan hệ với phụ huynh học sinh, nhiều trường còn thiếu công khai, minh bạch trong việc sắp xếp lớp, bố trí giáo viên, thu chi tài chính, áp đặt các khoản thu.
Tại các tổ chuyên môn, các lớp học vẫn còn những biểu hiện thiếu dân chủ như sự thiên vị thành viên này, “trù dập” thành viên kia của một số tổ trưởng chuyên môn; việc giáo viên chủ nhiệm tự cử cán bộ lớp thay vì để học sinh bầu...Việc đánh giá, xếp loại giáo viên và học sinh ở một số tổ, một số lớp vẫn còn thiếu khách quan, công bằng.
Nguyên nhân từ đâu?
Trước hết là do sự tập trung quyền lực và thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu, nhất là đối với Hiệu trưởng. Hiệu trưởng được giao toàn quyền quản lí nhà trường, nếu kiêm thêm chức Bí thư chi bộ thì sự tập trung quyền lực càng lớn, trong khi cơ chế kiểm soát quyền lực không có hoặc không hữu hiệu. Bộ GD - ĐT có qui định thành lập Hội đồng trường, tạo cơ chế kiểm soát quyền lực của Hiệu trưởng, tuy nhiên hiện nay nhiều trường vẫn chưa thành lập hoặc tổ chức này không phát huy được tác dụng. Mặt khác, việc xử lí sai phạm của các Hiệu trưởng vẫn còn “giơ cao đánh khẽ”. Sai phạm nghiêm trọng nhưng ông Võ Thanh Hoa, Hiệu trưởng trường THPT Nghi Lộc 3 chỉ bị kỉ luật “nghiêm khắc” với mức... khiển trách; đến tháng 3/2013, vẫn được tái bổ nhiệm Hiệu trưởng thêm một nhiệm kì. Một số cán bộ quản lí sai phạm lại được thuyên chuyển sang đơn vị khác để tiếp tục làm lãnh đạo. Nhiều năm qua, nhiều trường học ở Nghệ An thu các khoản sai qui định, mặc dù đã có kết luận rõ của cơ quan thanh tra, nhưng không một cá nhân Hiệu trưởng nào bị kỉ luật ở mức cách chức. Sự bao che của cơ quan giáo dục cấp trên đối với sai phạm của cán bộ quản lí cấp dưới làm giáo viên mất niềm tin, góp phần làm cho tình trạng mất dân chủ càng thêm trầm trọng.
Đa số giáo viên, học sinh và người dân, cùng với tâm lí an phận thủ thường, “đấu tranh – tránh đâu”; là tình trạng thiếu cập nhật thông tin, thiếu hiểu biết về các qui định của pháp luật, của ngành giáo dục nên ngại/không biết đấu tranh. Hiện tượng một số người “mũ ni che tai”, vô cảm với cái sai, cái xấu đang có xung hướng lan rộng, và vô hình trung góp phần làm cho cái xấu ngày càng xấu hơn. Mô hình giáo dục “lấy giáo viên làm trung tâm”, quan niệm lệch lạc về quyền lực của nhà trường, của giáo viên cũng là một nguyên nhân làm cho môi trường giáo dục thiếu tính dân chủ.
Cần làm gì để có môi trường giáo dục dân chủ?
“Kẻ thù” của tình trạng mất dân chủ trong xã hội nói chung và trong nhà trường nói riêng là sự công khai, minh bạch. Do đó, môi trường giáo dục công khai minh bạch được bao nhiêu thì dân chủ được nâng cao bấy nhiêu. Chẳng hạn, để hạn chế hiện tượng “chạy chức chạy quyền”, cần thể chế hóa, cụ thể hóa các tiêu chuẩn chức danh cán bộ quản lí, từ cấp thấp nhất trở đi. Cần tạo ra môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh bằng việc thi tuyển các chức danh cán bộ quản lí, lãnh đạo, thay vì bổ nhiệm theo hình thức “cơ cấu” dễ tạo ra hiện tượng “xin – cho”, chạy chọt. Bên cạnh đó cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế kiểm tra, giám sát, chế tài nhằm phát hiện và xử lí kịp thời, đúng mức các hành vi vi phạm, sai phạm của cán bộ quản lí giáo dục. Cũng cần thiết có những cơ chế khuyến khích sự phản biện của đông đảo giáo viên, học sinh và người dân đối với các qui định, chính sách của ngành giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm” với nguyên lí “tất cả vì học sinh”.
28
2384
21969
225953
122920
114558410