Đã trọn 600 năm kể từ ngày Nguyễn Biểu tử tiết ở đất Lam thành [1.7. Quý Tỵ/ 1413]. Năm đó, Thái học sinh [tiến sĩ] Nguyễn Biểu, từng làm quan làm quan Điện Tiền Thái sử (Ngự Sử) rồi tham gia kháng chiến chống giặc Minh cùng với nhà Hậu Trần đã vâng mệnh vua làm sứ sang tận bản doanh của tướng giặc Trương Phụ đóng ở Lam Thành khi thế trận đang muôn vàn khó khăn. Không kinh sợ cỗ đầu người mà tướng giặc bày ra để uy hiếp và thử thách, Nguyễn Biểu vừa móc mắt nhúng giấm ăn vừa vừa mắng Trương Phụ là kẻ "Trong bụng thì mưu đánh lấy nước, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần, lại đặt quận huyện, không chỉ cướp lấy vàng bạc châu báu, lại còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược".Ông ngạo nghễ coi thường giặc, coi thường cái chết, chấp nhận cái chết và làm thơ Cỗ đầu người làm cho quân giặc phải kinh hồn bởi phí phách của một bậc quân tử nước Nam. Cái chết của Ông là tự giác, là ngộ ra chân lý của một bậc trí thức quân tử, của một nghĩa binh vì nước, vì dân. Cái chết của ông không cứu vãn được cuộc thế gian nan của cuộc kháng chiến, của đất nước lúc bấy giờ nhưng đã nhóm lên trong lòng dân Việt một ngọn lửa âm ỉ cháy cho 5 năm sau bùng lên khởi nghĩa Lam Sơn và để 10 năm sau đó hát khúc khải hoàn, đánh đuổi hoàn toàn bọn giặc phương Bắc tàn bạo, dựng lên triều đại mới, thời đại mới tốt đẹp hơn cho nước, cho dân.