Bão chạy như bướm liệng, dự báo rùa!
Cơn bão số 10 được các chuyên gia đánh giá là cơn bão mạnh nhất đổ vào Miền Trung kể từ 6 năm nay, với sức gió mạnh đến cấp 13, tức là từ 134-149km/h (giật cấp 15-16).
Số liệu trên đủ cảnh báo mức độ tàn phá nguy hiểm đối với hàng triệu người từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh.
Thế nhưng, đọc bản tin của Trung tâm, phát đi lúc 23h30 phút ngày 29.9.2013, người đọc có cảm giác như đó chỉ là bản thông báo… họp công đoàn(!)? Tin tức có trước khi phát tin 90 phút, tức lúc 22h và, tệ hại hơn, những người ăn lương theo dõi thời tiết công nhiên nhấn mạnh rằng bản tin tiếp theo sẽ được phát lúc… 3h30 sáng 30.9!
Người dân không thể hiểu nổi tại sao “tin bão khẩn cấp” lại có thể chậm đến 330 phút (từ 22h đến 3h30 sáng hôm sau)?
Bên cạnh đó, cách dự báo chứng tỏ vừa kém, vừa… sợ sai nên mức độ chung chung của thông tin là cực kỳ kém giá trị: “Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 10 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Đến 22 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 01/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 100,6 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ)”.
Nói “vùng tâm bão” mà trải dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, thà không nói đừng hơn, bởi tâm bão không thể bao gồm một địa bàn rộng đến 450km – tính từ đèo Hải Vân đến Bến Thủy. Đáng phải bàn hơn nữa là bản tin nói “bão có khả năng đổi hướng” khi vào đến đất liền (lại do kém và do sợ) nên phán bừa mà không cần biết đến các bản tin quốc tế khác, chẳng hạn như Bản tin của Hải quân Hoa Kỳ (HQHK).
Tại sao không đưa ra các tham chiếu quốc tế?
Không ai không rõ dự báo bão là một công việc phức tạp nhưng để giảm thiểu sự phức tạp ấy, có nghĩa là giảm được sự lãng phí thời gian, công sức của hàng triệu người, đồng thời tập trung được nguồn lực vào vùng nguy hiểm nhất, là một điều cần thiết.
Từ nhiều năm nay, các bản tin dự báo bão của HQHK luôn có độ chính xác trên 90%, tại sao Trung tâm không coi đó là một nguồn tham chiếu có độ tin cậy cao, công bố rộng rãi để các cơ quan có trách nhiệm và người dân xem xét?
Nhìn vào bản đồ dự báo bão Wutip của HQHK, chúng ta thấy rõ bão không hề chuyển hướng, kể từ khi nó tràn tới quần đảo Hoàng Sa. Hướng đi của nó là Tây và hơi chếch Tây-Tây Bắc. Cần lưu ý rằng “hơi chếch” hoàn toàn khác với cụm từ “hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc”. Sai số mà Trung tâm đưa ra lên đến hàng trăm km.
Cũng nên nhấn mạnh là, theo HQHK, trước khi vào đất liền, tâm bão đã ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc, thuộc địa phận Nam Quảng Bình. Đó là chưa nói đến cách hiểu về từ ngữ của Trung tâm không chính xác: Hướng đi của con bão không đổi (theo đúng nghĩa đen của từ ĐỔI) mà chỉ hơi chếch lên phía Tây Bắc thôi…
Chung chung để dễ hòa cả làng
Tác phong làm việc nói ba phải, nói rào trước đón sau, nói để “phòng thân” luôn được biện minh là để không sinh ra sự chủ quan cho các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của bão. Có thật hoàn toàn như vậy không?
Nếu sợ nhân dân chủ quan tại sao không cập nhật liên tục bản tin mà phải chờ đúng thời gian sau một buổi làm việc (4 tiếng) mới thông báo, để đến nỗi tất cả hàng trăm tờ báo trong nước chỉ có thể ăn theo tin cũ đó trong khi bão tiến sát từng giờ? Tại sao có thể ăn no ngủ kỹ khi hàng vạn người dân Quảng Bình ít giờ nữa sẽ chịu những thiên tai thảm khốc? Hàng triệu giờ công, hàng trăm tỷ đồng huy động sơ tán người dân ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… có thể giảm bớt nếu có ai đó ở Trung tâm đủ thông minh và dám chịu trách nhiệm – ít nhất là có trách nhiệm… thức (không ngủ) để cập nhật mỗi 30 phút hay một giờ. Có thể yêu của người dân đối với cái chuyện thức (nỏ ngủ, làm việc) của cán bộ và nhân viên của Trung tâm là cao quá chăng khi cha ông nói “nhất thủy nhị hỏa” – chữa lụt bão còn cần nhanh hơn, chính xác hơn chữa lửa. Mỗi năm chỉ có dăm bảy ngày trực theo dõi bão mà không làm được thì quả thật là không hiểu nổi. Càng khó hiểu hơn nữa khi Trung tâm cảnh báo “có khả năng đổi hướng” nguy hiểm nhưng riêng Trung tâm không thèm đổi… thói quen bưng tai, nhắm mắt nếu… cháy nhà hàng xóm!
Dĩ nhiên có những cơn bão đổi hướng thật sự (từ bắc quay ngược vào nam) nhưng xác suất đó chỉ khoảng 1-2% và, xác suất từ sự thất thường đó cũng được báo trước nếu theo dõi liên tục từng phút, từng giờ.
Trách nhiệm của công bộc là phục vụ tận tâm, tận sức theo đúng khả năng và trách nhiệm của mình. Đặc biệt, khi bão lớn, bão nguy ập đến, không thể chấp nhận cung cách làm việc đủng đỉnh, chung chung, nửa vời theo kiểu tát gió theo… mưa bão như thế!
(Bản đồ của Hải quân Hoa Kỳ, lúc 8h10, giờ Guam; tức 3h10 sáng 30.9, giờ Việt Nam)