Tôi với anh là bạn bè cùng làng từ thời còn quần cộc, chân đất đi học. Chúng tôi cùng đam mê những cuốn truyện, bài văn, cùng nhau đánh vật với những bài toán khó, với bao nhiêu kỷ niệm của tuổi học trò dưới mái trường quê nghèo...
Tôi với anh là bạn bè cùng làng từ thời còn quần cộc, chân đất đi học. Chúng tôi cùng đam mê những cuốn truyện, bài văn, cùng nhau đánh vật với những bài toán khó, với bao nhiêu kỷ niệm của tuổi học trò dưới mái trường quê nghèo...
Lớn lên cùng vào đại học, rồi mỗi người mỗi ngả. Tôi nhập ngũ, vào chiến trường, cuốn hút theo cả những năm dài đạn lửa. Anh may mắn hơn tôi được đi học nước ngoài, rồi trở thành công chức Nhà nước. Ở tuổi ngoài ngũ tuần, tôi là cựu chiến binh hưu trí. Anh là cán bộ có tầm cỡ của tỉnh. Nhà anh ít người. Chị đã nghỉ hưu, anh chị chỉ có một cháu trai đang học năm cuối của Đại học Kiến trúc. Cháu thông minh, nhanh nhẹn, giống anh như đúc.
Ở với nhau cùng một phường, chúng tôi lại có dịp đi lại, trò chuyện. Mặc dù còn đương nhiệm, khá bận, anh vẫn tới nhà tôi luôn. Biết vợ chồng tôi còn phải nuôi hai cháu đi học đại học với đồng lương hưu ít ỏi, anh hay động viên và thi thoảng cho quà. Thấy tôi ái ngại, anh chân tình: “Cậu đừng ngại ! Bạn bè chia sẻ cho nhau được cái gì là hạnh phúc. Lứa chúng mình có còn... nhiều nữa đâu. Trong bốn thằng thân nhau ở trường đại học, chỉ còn hai anh em mình. Hùng và Báu đã nằm lại chiến trường!...”. Rồi anh nói với tôi những lời mà nghe như tự dặn: “Mong sao cánh mình đừng vướng víu gì !”.
Trẻ vạn chài Ảnh: Phan Thắng
Riêng tôi chẳng có gì để đáp lại lòng tốt của bạn. Nhiều hôm tôi đạp xe đưa ít rau quả tự trồng của nhà biếu anh chị. “Trời ! Quý lắm - rau quả sạch bây giờ còn hơn cá thịt”. Chẳng hiểu anh nói thật hay để động viên. Nghe anh nói vậy, tôi thấy lòng mình cũng nhẹ nhàng, thân thiện hơn, vơi đi cái mặc cảm sang nghèo giữa bạn bè…
Bẵng đi một thời gian không thấy anh đến chơi. Linh tính mách bảo tôi có một điều gì không bình thường. Chiều nay thứ bảy, đoán anh được nghỉ việc ở công sở, tôi lại sang anh. Anh tiếp tôi với ánh mắt buồn rười rượi. Lần đầu tiên tôi thấy sự đau khổ, thất vọng hằn sâu trên khuôn mặt bạn. Chị không cầm nổi nước mắt khi ngồi nói chuyện với tôi. Qua câu chuyện tôi mới biết: con trai của anh chị vừa tốt nghiệp đại học, trong một kỳ đi nghỉ ngơi du lịch, bị bạn bè lôi kéo, rồi dính vào nghiện hút! (Người ta vẫn nói: con nhà có, là mục tiêu lôi kéo của cánh nghiện !).
“... Đời mình cố gắng lắm mà trời không cho - coi như đổ xuống sông hết !”. Đó là lời tâm sự đau buồn anh nói với tôi chậm rãi từng tiếng một mà tôi nghe được, những câu sau chìm trong tiếng nấc! Tôi nắm chặt tay anh - là cánh đàn ông, mà cả hai anh em mắt đều ứa lệ! Lâu nay tôi cứ nghĩ đời mình khó khăn, lận đận. Tôi vẫn nhìn anh ở sự thành đạt. Bây giờ tôi thấy quá thương cháu, thương anh chị ấy! Tôi phải làm gì để sẻ chia? Quả thật, cuộc đời con người ta không dễ gì tìm ra được lời kết.
Rời nhà anh mà lòng tôi rối bời: Rau quả sạch thì ta có thể tưới tắm, chăm bón trong mảnh vườn đất sạch của mình được. Còn các cháu, tôi lại nghĩ đến đứa con trai của anh, rồi hai đứa con tôi và bạn bè cùng trang lứa... Đi học, các cháu ở trọ, ăn cơm bụi, sống xa bố mẹ. Mình chỉ nuôi dạy được một phần, phần nó phải bám rễ là nhà trường, xã hội này - với cuộc sống, môi trường như đang sôi lên, phát triển và đổi thay đến chóng mặt!... Sao nhãng, mãn nguyện, buông xuôi một tí là có thể đổ vỡ hết! Con người đâu phải như cây quả, có thể khoanh vùng để rồi gieo trồng, chăm bón.
Bây giờ anh chị ấy làm sao để tìm lại mảnh đất sạch cho đứa con trai của mình? Tội nghiệp thằng bé ! Lâu nay tôi cứ nghĩ: nó có đà rồi sẽ vươn xa hơn bố./.
2310
2436
21146
220082
121356
114513209