Diễn đàn

Văn hoá không phải trò chơi

Hiện nay, trong đời sống xã hội, thường xuyên có nhiều hoạt động rất ồn ào, ầm ĩ và thường được gán cho là hoạt động văn hóa, từ tân gia đến thôi nôi, giỗ chạp đến cưới hỏi, từ động thổ, khai trương đến khánh thành, từ lễ hội mới đến lễ hội cũ…Những năm gần đây lại rộ lên cái gọi là tổ chức các sự kiện để xúc tiến du lịch và kỉ niệm đủ các loại ngày chẵn lẻ khác nhau. Tỉnh thành nào, huyện nào, xã phường nào cũng làm, ngành nào cũng làm. Tiền của đổ vào những việc này không hề ít. Có những cuộc đến hàng mấy chục tỷ đồng. Riêng tiền cho hát hò đã là hàng tỷ. Đó là chưa tính tiền làm sân khấu, tiền kịch bản, tiền đạo diễn, tiền diễn viên. Muốn cho sang, cho hơn thiên hạ, khối nơi cố mời cho bằng được các nghệ sỹ của cái gọi là trung ương, anh em địa phương làm là không đủ tầm. Đạo diễn một chương trình khoảng 90 phút đã là mấy trăm triệu. Rồi ca sỹ cũng vậy, nghệ sỹ nhà không thích, phải là hàng hot, hát một bài dăm sáu chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Chưa hết, phải mời khách, mời nhiều, phải có khách bề trên, càng trên cao càng quý. Khách về thì phải có ăn nghỉ đàng hoàng, phải có quà tử tế. Có những cuộc riêng tiền mua túi đựng quà cũng đã đủ để xây mấy căn nhà cho người nghèo.

Chúng tôi nghĩ, tổ chức các sự kiện cũng là cần thiết nếu là có ích, thiết thực và phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, tổ chức…Thế nhưng thực tế cho thấy rất nhiều các sự kiện là vô bổ, lãng phí…Khởi công nâng cấp một đoạn đường, khánh thành một cây cầu cũng làm lễ rất to, phải có một chương trình ca múa nhạc, và phải mời bằng được quan chức càng cao cấp càng tốt. Rồi có vụ chỉ để kịp khánh thành với sự có mặt của hàng “tứ trụ triều đình” mà cố đẩy tiến độ đến mức phản khoa học, phản quy trình quy thuật. Hậu quả là chưa sử dụng được mấy bữa mà công trình đã hỏng, phải làm lại, vô cùng tốn kém. Vừa tốn tiền làm lễ khánh thành lại tốn thêm nhiều tỷ đồng cho việc sửa chữa chắp vá lại. Mỗi lần thấy chuẩn bị khởi công hoặc khánh thành to là công nhân lại một lần lo lắng buồn phiền vì thực chất là họ bị móc túi cho các hoạt động khoa trương vô lối đó của các sếp. Nhiều nội dung, nhiều vấn đề thiết nghĩ là chưa cần hoặc chưa nên tổ chức các sự kiện rình rang trong lúc tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố làm lấy được. Ví dụ như mấy năm nay đã có hàng loạt các địa phương tổ chức kỷ niệm ngày thành lập. Chúng tôi nghĩ hình như họ chưa hoặc không cần quan tâm đến thái độ của người dân và mức chi phí tốn kém khi tổ chức các sự kiện này. Tất cả các nhà tổ chức sự kiện đều nêu lý do là đáp ứng nguyện vọng của người dân, và, giáo dục này nọ… cho người dân. Nhưng thực tế chưa hẳn là vậy. Đáng tiếc, rất nhiều sự kiện diễn ra trong sự thờ ơ của người dân. Họ bảo: Đó là các ông ấy làm chứ dân bọn tôi biết gì đâu. Lo ăn chả đủ nữa là kỉ niệm.

 

Rồi lại có các doanh nghiệp khuyếch trương quá đáng, tổ chức giải thể thao nội bộ cũng truyền hình trực tiếp. Đành rằng tiền của doang nghiệp, họ mua được sóng của đài thì họ phát. Nhưng họ quên rằng, sóng của đài cũng là từ ngân sách, từ thuế của dân, từ tiền bán tài nguyên của nước mà ra. Và tiền của các doanh nghiệp làm rình rang đó xét cho cùng cũng là tiền của dân, có thể là vốn ODA, nhưng khoản nợ này dân phải trả chứ không ai khác. Đó là chưa nói cái bệnh sĩ với bệnh cơ hội nó kết hợp với nhau để tạo nên “hội chứng truyền hình” rất tai hại, từ tiền bạc cho đến kỉ luật công vụ. Chưa có mấy ông quay camera đến là cuộc họ chưa bắt đầu, giờ giấc như dây cao su. Rồi có dạo, có nơi chưa truyền hình trực tiếp được là chưa yên, kể cả nhà đài và đối tác, đối tượng.

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng là vô cùng cần thiết. Nếu không cóp nó, quan hệ cộng đồng sẽ trở nên lỏng lẻo, đời sống tinh thần của cộng đồng trở nên đơn điệu, nghèo nàn, lâu dần sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng và mỗi thành viên sẽ bị thui chột và đi đến triệt tiêu. Ngày xưa, khi cách tổ chức xã hội chưa như bây giờ, chưa có hệ thống, lang lớp, nhất là các cơ quan văn hóa chuyên trách thì các cụ vẫn có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú không ồn ào náo nhiệt nhưng để lại giá trị và dấu ấn sâu sắc. Hãy cứ so sánh cái hội lễ cổ truyền với cái cung cách tổ chức hội hè bây giờ là rõ. Chúng ta hô hào bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc nhưng chính các cuộc phô diễn rình rang bây giờ đã và đang đi ngược lại với quy luật tồn tại của văn hóa. Bảo tồn không ra bảo tồn, tiếp thu cái mới, sáng tạo ra cái mới cũng không nên, không phải. Rồi cái tư duy dự án chen chân vào các sự - cuộc văn hóa, và thể thao, làm cho nó càng chệch ra xa hơn các chuẩn mực của văn hóa.

Các hoạt động cộng đồng – xã hội, nhất là tổ chức các sự kiện văn hóa rình rang, phô diễn hình thức không đáp ứng đượcnhu cầu và phù hợp với các điều kiện của cộng đồng thì sẽ không có tác dụng, thậm chí phản tác dụng. Bởi một lẽ giản dị nhất: Văn hóa không phải là trò chơi vô nghĩa, vô bổ./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513174

Hôm nay

2275

Hôm qua

2436

Tuần này

21111

Tháng này

220047

Tháng qua

121356

Tất cả

114513174