Chủ trương xóa điểm trường lẻ đã có trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Quang Sơn nhiệm kỳ 2010 – 2015 với mục tiêu xây dựng trường tiểu học Quang Sơn đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Sau khi thông qua nghị quyết, xã đã có văn bản thông báo gửi chi ủy các xóm 8, 9, 10 và trường tiểu học. Chủ trương sáp nhập cũng được Phòng GD-ĐT Đô Lương nhất trí. Tuy nhiên, khi thực hiện thì hầu hết người dân đều phản đối, không cho con em đến trường chính học.
Vào cuối tháng 11/2013, sau 3 tháng khai giảng, chúng tôi tìm về xã Quang Sơn. Đường vào xã nhỏ hẹp, hết sức lầy lội, xe trầy trật mãi mới vào được đầu xóm 9. Nhiều người dân (các ông Nguyệt, Châu, Nhiên, bà Nguyễn Thị Kim xóm 9) cho rằng việc xã chủ trương xóa bỏ điểm trường mầm non mà dân không được bàn là thiếu dân chủ. Người dân cho biết điểm trường mầm non này đã có lịch sử mấy chục năm, gắn bó với dân làng. Trẻ em đi học rất thuận tiện, chất lượng giáo dục tại điểm trưởng lẻ không thua trường chính, thậm chí số học sinh giỏi còn nhiều hơn. 3 xóm 8 – 9 - 10 có đặc điểm là thường xuyên bị lũ lụt, mỗi năm vào dịp tháng 7 đến tháng 10 là nước thường dâng ngập đường, cao quá nửa thân người, ruộng chỉ cấy được 1 vụ. Nếu cho trẻ lên học trường chính thì mỗi ngày bố mẹ phải đi về đến 8 lượt, không còn thời gian để làm việc; các em còn nhỏ, mùa đông dễ bị ốm; nhất là mỗi khi mưa lụt không an toàn.
Chị Nguyễn Thị Nhàn, xóm 9 cho biết: “Vừa rồi tôi làm hồ sơ vay vốn ngân hàng thì ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Chủ tịch xã phê vào hồ sơ là “Gia đình không chấp hành nội qui của địa phương”, nên ngân hàng không cho vay. Một số người làm hồ sơ đi làm công nhân cũng bị phê như vậy”.
Từ hiện tượng này, thiết nghĩ các cấp chính quyền và ngành giáo dục cần xem xét lại việc xóa các điểm trường lẻ, đặc biệt đối với bậc tiểu học. Việc xóa điểm trường lẻ tạo thuận lợi cho việc quản lí, tổ chức giảng dạy, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, mặt trái của việc xóa điểm trường lẻ là gây khó khăn cho việc đến trường của trẻ. Việc xây dựng điểm trường lẻ là một chủ trương mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nếu xóa các điểm trường lẻ thì sẽ làm người dân đã khó càng thêm khó. Một lao động ngày đi về 8 lần để đưa đón con thì không còn thì giờ để làm việc, chưa nói đến chi phí xăng xe, đường sá khó khăn. Hiện nay có nhiều vùng học sinh bậc THCS và THPT phải đi về hàng chục km, còn đâu sức khỏe và thời gian để học tập, vui chơi. Trong khi đó, đối với bậc tiểu học, chỉ cần bố trí vài ba giáo viên là có thể đảm đương được công việc giảng dạy cho một điểm trường. Một vài giáo viên phải đi xa hơn dăm cây số so với hàng trăm phụ huynh phải đi về, việc lựa chọn xây điểm trường lẻ sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội tốt hơn so với chỉ tập trung một điểm trường chính. Chúng tôi cho rằng trong việc xóa điểm trường lẻ còn có biểu hiện của bệnh thành tích, quan liêu; chọn cách làm dễ cho ngành giáo dục, cho chính quyền, đẩy cái khó về cho dân (muốn đạt danh hiệu trường chuẩn và thuận lợi trong quản lí thì cách “đơn giản, gọn nhẹ” nhất là xóa điểm trường lẻ, thay vì đầu tư xây dựng và duy trì vất vả, tốn kém). Trong quá trình thực hiện cũng chưa bảo đảm tính dân chủ (người dân không được biết, không được bàn); việc phê vào hồ sơ của dân như trên là dùng quyền lực hành chính để ép người dân.
Một nghịch lí là trước đây, dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, các địa phương đã xây dựng rất nhiều điểm trường lẻ. Nhưng đến nay, hoàn cảnh kinh tế thuận lợi hơn trước nhiều thì ngành giáo dục lại tìm cách xóa bỏ. Trước đây, Đô Lương có 37 trường tiểu học với 58 điểm trường thì nay chỉ còn 35 trường với 38 điểm (chỉ còn 3 trường có điểm trường lẻ).
Tại Khoản a, Điều 42- Điều lệ trường tiểu học (Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) qui định độ dài đường đi của học sinh đến trường: đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu tái định cư không quá 500m; đối với khu vực ngoại thành, nông thôn không quá 1km; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 2km. Nguyên tắc đầu tiên của việc việc sáp nhập, chia, tách trường tiểu học là bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Như vậy, việc xóa điểm trường lẻ làng Văn Hà là trái với Điều lệ trường tiểu học. Chính quyền đưa ra lí do điểm trường lẻ xây dựng đã quá lâu, nay xuống cấp, không còn đủ tiêu chuẩn dạy học. Vấn đề đặt ra là tại sao chính quyền không đầu tư cho điểm trường lẻ mà để cho nó xuống cấp, tạm bợ bao nhiêu năm nay? Liệu những cán bộ chủ trương xóa điểm trường lẻ đã tự đặt mình vào vị trí người dân mà suy nghĩ? Danh hiệu trường chuẩn quan trọng hơn hay tạo điều kiện cho dân quan trọng hơn?
Việc người dân không cho con em đến trường là phản ứng cực đoan, tiêu cực, dẫn đến sự gián đoạn trong việc học tập của các em. Tuy nhiên, trong sự việc này, chính quyền và ngành giáo dục cũng cần xem lại việc xóa điểm trường lẻ đã thực sự cần thiết, cấp bách, thật sự vì dân và bảo đảm tính dân chủ hay chưa. Vấn đề trước mắt là cả hai bên cần nhanh chóng có tiếng nói chung để cho hơn 50 trẻ trở lại trường, tránh việc các em phải học lại một năm thêm vất vả, dở dang.