Tôi còn thấy thêm một tính xấu nữa, đó là: gian
Trí thức & Nhân sỹ là nội dung cuộc trao đổi giữa Thảo Nguyên và tiến sỹ Hồ Bất Khuất đăng tải trên VHNA số 178 (10/8/2010). Tôi chưa gặp ông/bà Thảo Nguyên và tiến sỹ Hồ Bất Khuất nhưng tôi rất ủng hộ quan điểm nói thẳng, nói thật của các vị.
Tuy nhiên, xung quanh đề tài tri thức và nhân sỹ, có một vài vấn đề tôi không thống nhất với cách đánh giá, cách nhận xét của tiến sỹ Hồ Bất Khuất và Thảo Nguyên.
Thứ nhất: Theo tiến sỹ Hồ Bất Khuất thì: “Giới trí thức Việt Nam hiện nay có 2 nhược điểm: Tham và hèn”. Anh nói như vậy quả là vơ đũa cả nắm. Đúng là tham và hèn là có thật nhưng không phải tất cả trí thức Việt Nam ngày nay đều là như vậy cả. Nếu nói một cách đúng nhất thì trong giới trí thức chúng ta hiện nay có một số ít người vừa tham lại vừa hèn.
Ngoài 2 nội dung anh nói tham và hèn, tôi còn thấy thêm một tính xấu nữa, đó là: Gian. Gian có nghĩa là gian dối, gian lận, gian tham và thậm chí lừa trên, dối dưới, nịnh bợ, lừa thầy phản bạn. Đây cũng là những con người chơi bời, thoái hóa biến chất... Phàm những con người này họ rất giàu có, đặc biệt là những người có chức, có quyền. Nhưng đây chỉ là một số rất ít, một tỷ lệ rất nhỏ trong giới trí thức nước ta hiện nay. Vì vậy không thể nói giới trí thức ngày nay là: Gian, tham và hèn. Đọc xong nội dung cuộc trao đổi, tôi giật mình vì sợ rằng rất dễ có ai đó là người nước ngoài khi họ đọc được câu nói của tiến sỹ Hồ Bất Khuất rằng: “Giới trí thức Việt Nam hiện nay có 2 nhược điểm: tham và hèn” thì thật là xấu hổ cho cả đất nước nói chung, cho giới trí thức Việt Nam nói riêng. Từ đây họ sẽ đánh giá đất nước ta, giới trí thức của ta chẳng ra cái gì.
Chúng ta phải thấy rằng trừ một số ít người như tiến sỹ Hồ Bất Khuất đã nói, còn lại đại bộ phận giới trí thức của chúng ta hiện nay là những người đang say sưa lao động, học tập, nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực mà nhân dân và đất nước cần đến họ.
Đất nước ta ngày nay đã và đang phát triển vượt bậc trên tất cả mọi mặt mà cả thế giới phải khâm phục. Kết quả đó tất yếu có sự đóng góp rất lớn của giới trí thức Việt Nam mà không phải là của giới trí thức của một nước ngoài nào đem đến.
Thứ hai: Cũng theo tiến sỹ Hồ Bất Khuất tại phần nói về nguyên nhân thì tiến sỹ cho rằng “Nguyên nhân thì có rất nhiều đấy. Con người là sản phẩm, của hoàn cảnh, môi trường. Vì vậy nguyên nhân bao trùm có lẽ nằm ở bối cảnh, không khí, tinh thần, cách tổ chức xã hội mà ta đang sống có lẽ trong điều kiện hiện cái tham và cái hèn được giới trí thức tìm đến để mong có được sự bình yên về tinh thần và bảo đảm về vật chất cho mình và con cái”
Theo tôi, tiến sỹ Hồ Bất Khuất nói trí thức là sản phẩm của hoàn cảnh, môi trường là không logic, không biện chứng. Con người hoàn toàn có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh sống và cải tạo môi trường theo ý muốn. Vì vậy không thể nói con người là sản phẩm của hoàn cảnh, môi trường. Nói như vậy chỉ đúng được với một bộ phận rất nhỏ, một tỷ lệ rất ít trong số hàng vạn, hàng triệu, triệu con người thuộc giới trí thức ở Việt Nam hiện nay. Xin nói thêm rằng những người này họ còn được che chở, thậm chí được coi trọng nên họ càng coi thường dư luận. Nhưng tôi tin rằng sớm muộn gì xã hội sẽ vạch mặt họ.
Cũng trong phần nguyên nhân này Thảo Nguyên cho rằng: “… bởi vậy mà ăn theo nói leo gần như trở thành một thuộc tính của một bộ phận người Việt ta, kể cả trí thức và không trí thức”. Theo sự hiểu biết của tôi nói như vậy là sai mà chỉ có thể nói là:...trở thành một thói quen…
Thói quen là một hiện tượng được lặp đi lặp lại nhiều lần và có thể xoá bỏ được nếu biết được thói quen ấy là không hay không tốt. Còn thuộc tính là đặc tính vốn có của sự vật, nhờ đó sự vật tồn tại và qua đó con người nhận được sự vật, phân biệt sự vật này với sự vật khác, là tính chất không thể tách rời của sự vật, là đặc tính, đặc điểm đánh dấu sự tồn tại của sự vật. Nếu là một thuộc tính thì không thể xoá bỏ được. Vì vậy trong trường hợp nói trên không thể chỉ việc ăn theo nói leo gần như trở thành một thuộc tính.
Trên đây là một vài ý kiến trao đổi và thảo luận thêm về NộI DUNG TRAO ĐổI của Thảo Nguyên và Ts Hồ Bất Khuất. Tôi hy vọng rằng sẽ còn có nhiều bạn đọc có những ý kiến khác nhau trong các nội dung của bài viết nói trên.
Doãn Trí Tuệ
Bảo rằng tất cả trí thức đều hèn là không thỏa đáng
Tạp chí Văn hoá Nghệ An số 178 ra ngày 10-8-2010 có đăng bài phỏng vấn tiến sĩ Hồ Bất Khuất (HBK) Thảo Nguyên (TN) thực hiện. Tôi xin có vài ý kiến đồng tình và chưa đồng tình cần trao đổi thêm với TS HBK như sau:
Trước hết tôi nhất trí với ý kiến: “Giáo dục và giới trí thức liên quan chặt chẽ với nhau, giáo dục có vấn đề, đích thị phẩm chất của giới trí thức cũng có vấn đề” và “Mấy chục năm qua, VN tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng kết quả không được như mong muốn, tình hình giáo dục dường như càng xấu đi”. Tôi có thể dẫn chứng thêm: Chỉ nguyên việc tiến hành kỳ thi tốt nghiệp THPT &BTTH Bộ GD&ĐT đề ra bao nhiêu việc nào phát động “hai không”, rồi “thi cụm”, “chấm chéo” nhiêu khê, phức tạp, tốn kém, kết quả đều bị lừa dối, nhưng vẫn cứ tổng kết cho là đạt kết quả tốt! Điều này chưa ai dám công khai thừa nhận và cấp trên thì đều ảo tưởng. Sở dĩ giáo dục có vấn đề còn vì một thời gian dài chưa có người đúng tầm cỡ để lãnh đạo ngành giáo dục như thời giáo sư Nguyễn Văn Huyên hay giáo sư Tạ Quang Bửu.
ý kiến thứ hai: HBK khẳng định chung rằng: “Giới trí thức Việt Nam có hai nhược điểm: tham và hèn”. Điều này nếu TS nói rằng đa số thì đúng hơn là nói như thế, coi như “vơ đũa cả nắm” không thật thoả đáng. Bởi vì vẫn có một số người sẵn sàng từ bỏ công việc ở nước ngoài với mức lương rất cao để trở về nước phục vụ; vẫn có một số người làm trong lĩnh vực nhà nước với mức lương thấp nhưng vẫn không bỏ ra làm việc cho các công ty trách nhiệm hữu hạn của tư nhân. Vẫn có ông tiến sĩ là Vụ trưởng Vụ tiểu học Bộ GD&ĐT sẵn sàng từ chức khi buộc phải làm theo chương trình kế hoạch của Bộ giao mà ông không nhất trí. Bảo rằng trí thức tất cả đều hèn cũng không thoả đáng khi về cơ chế của ta hiện còn những quy định mà buộc những người có lòng tự trọng, có ý thức tổ chức kỷ luật phải tuyệt đối tuân theo, như là đảng viên thì phải chấp hành những quy định đảng viên không được làm. Còn một lý do nữa là người trí thức muốn phát biểu quan điểm ý kiến của mình cũng chẳng biết phát biểu ở đâu, có báo chí nào dám đăng ý kiến trái ngược với quan điểm của cấp trên? Chỉ riêng việc đăng một bài thơ châm biếm chẳng hạn nếu có địa chỉ cụ thể hay đụng chạm đến một nhân vật cấp trên, các báo cũng không dám đăng, trừ trường hợp những tổ chức hay cá nhân đó đã lộ diện và đã bị kỷ luật như Vinashin, hay Nguyễn Trường Tô; khác với thời thuộc Pháp, nhà thơ Tú Mỡ có làm những bài thơ châm biếm, đả kích vẫn được đăng trên các báo Phong hoá hay Ngày nay. Thời gian qua đã từng có người viết thơ châm biếm nhưng nói chung chung không nêu cụ thể tên đơn vị, cơ quan, cá nhân thì báo Văn nghệ có đăng, nhưng nếu chỉ ra đơn vị, cá nhân cụ thể thì báo không đăng.
HBK có phát biểu: “Nhân sĩ” trong quan niệm của tôi là những tri thức không mắc phải hai nhược điểm là tham và hèn”.Theo tôi, thời có ít, thời có nhiều chứ không thời nào ở nước ta không có các nhân sĩ. Vấn đề là xã hội cần phải đề cao các nhân sĩ, cấp trên cũng phải có cách để tạo điều kiện cho các nhân sĩ xuất đầu lộ diện và các phương tiện thông tin, truyền thông nên mạnh dạn đăng các ý kiến phản biện, nếu thấy sai thì có thể tổ chức bút chiến để phản bác lại, chứ không nên tìm cách hạn chế. Mặt khác những người trong hàng ngũ trí thức phải tự rèn luyện mình để có được phẩm chất xứng đáng là những nhân sĩ của thời đại hiện nay.
Hoàng Kỳ