Không ai phủ nhận rằng thiếu năng lượng là nguy hiểm. Không ai phủ nhận thủy điện là một nguồn năng lượng rất quý, rất cần. Nhưng ai cũng biết tính hai mặt của thủy điện, lợi và hại đi liền nhau. Để làm thủy điện, đất nước phải hy sinh biết bao nhiêu là rừng. Người dân phải nhường lại không gian sinh tồn cho thủy điện, hy sinh biết bao nhiêu là ruộng vườn, nhà cửa.
Khi xây dựng, những người đại diện cho chính quyền và các doanh nghiệp ai cũng bảo cần thiết phải hy sinh vì dòng điện của Tổ Quốc, vì tương lai của đất nước. Không có bất kỳ ai nói vì lợi ích của các doanh nghiệp độc quyền. Họ nói xây dựng thủy điện không chỉ vì dòng điện mà còn để cắt lũ và biết bao nhiêu lợi ích trước mắt và lâu dài cho người dân. Nhưng thực tiễn cho người dân biết rằng , đó chỉ là mỹ từ, nhưng lời nói suông. Không những không cắt được lũ mà họ còn xả lũ về nhấn chìm cả tỉnh, cả huyện. Dời bản đi vì thủy điện mà gần chục năm nay biết bao người vẫn không thể an cư vì không có ruộng đất để cày cấy, để chăn nuôi. Hy sinh rừng, đất cho thủy điện nhưng các ông chủ vẫn ỷ thế độc quyền để nâng giá và muốn cúp điện lúc nào thì cúp. Các doanh nghiệp điện đã cầm đằng cán và người dân cầm đằng chuôi, đúng hơn là cầm lưỡi dao. Muốn không đứt tay chảy máu thì đừng cựa quậy!
Thủy điện đã trở thành thủy quái trong con mắt người dân. Tại sao vậy. Vì các doanh nghiệp thủy điện chỉ tôn trọng và bảo vệ lợi ích của họ chứ không hề quan tâm đến lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân. Vì các quan chức, các cơ quan công quyền chỉ hướng tới phục vụ và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư thủy điện chứ không mấy quan tâm đến lợi ích tổng thể và lâu dài của đất nước và của người dân. Họ nói nhiều đến phát triển bền vững nhưng lại làm cho môi trường sống trở nên mong manh và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Quy hoạch thủy điện quốc gia và sự quanh co chối bỏ trách nhiệm của ông bộ trưởng Bộ Công thương tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội là dẫn chứng rõ ràng nhất.
Thủy điện trở thành thủy quái vì con người vô tâm, vô trách nhiệm, chỉ coi trọng đồng tiền mà xa lánh các giá trị nhân văn, chối bỏ trách nhiệm với lợi ích lâu dài của đất nước và của nhân dân. Tầm nhìn hạn hẹp của các chiến lược gia cộng hưởng với lợi ích nhóm của giới chủ và tư duy nhiệm kỳ của các công bộc đã chôn rừng trong nước và nhấn chìm dân trong lũ.
Đã đến lúc cần phải xem lại về sự tồn tại của thủy điện nói riêng và lợi ích những nhà độc quyền về điện nói chung. Không thể hy sinh, lãng phí quá nhiều, hy sinh mãi lợi ích, tài nguyên của quốc gia, của nhân dân vì nhóm lợi ích này./.