Nhân ông GĐ đề cập chuyện lí & tình, xin lạm bàn một đôi điều.
Trước hết, hành động tạt a xít của thầy giáo Nguyễn Minh Tiên là một hành đồng dã man, cần phải nghiêm trị theo pháp luật. Cả tuần qua, dư luận cũng đã lên án một cách nghiêm khắc. Thầy Tiên phải trả giá cho tội ác của mình.
Nhưng điều làm cho dư luận băn khoăn là liệu có còn những vụ việc đau lòng như thế xảy ra đối với ngành giáo dục trong tương lai nữa hay không ?
Câu hỏi đó buộc chúng ta phải suy ngẫm sâu xa hơn một chút, để mai kia không còn ai phạm phải tội trọng như thầy Tiên. Tôi nghĩ điều đó mới là quan trọng, còn chuyện xử thầy Tiên, luật pháp đã có khung hình cả rồi.
Đó chính là cái lí & cái tình mà chúng ta sẽ bàn đến.
Câu chuyện không đơn giản như ông GĐ sở nói: quy trình luân chuyển thầy Nguyễn Minh Tiên từ THCS Thanh Bình sang THCS Tân Phú là hợp lý, giảng dạy đúng chuyên môn. Hình như bây giờ chúng ta đang quá lạm dụng cái gọi là “đúng qui trình” cho dù cả khi cái qui trình ấy đem đến một hệ quả xấu cho cá nhân hay xã hội. Và vì vậy, mọi người nghĩ đấy là một sự ngụy biện hòng che đậy cho một mưu đồ xấu.
Theo tìm hiểu của báo chí, trước khi gây án, thầy Tiên cho rằng việc chuyển công tác của mình là do Hiệu trưởng “trả đũa” chuyện thầy Tiên nhiều lần tố cáo những sai phạm liên quan đến tài chính. Cụ thể, thầy Tiên đấu tranh, buộc Hiệu trưởng Chiến phải trả lại số tiền 800.000đ từ nguồn hỗ trợ giáo viên (thay vì 1,2 triệu đồng/giáo viên, nhưng chỉ phát một triệu đồng/giáo viên) cho mình và ba đồng nghiệp khác. Nghi vấn trên chưa được tháo gỡ, thì thầy Tiên tiếp tục bị ức chế khi vợ thầy đang làm hiệu trưởng một trường mầm non bị kỷ luật, đưa xuống làm giáo viên đứng lớp vì những nguyên nhân chưa rõ ràng, thầy gửi đơn khiếu nại nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng.
Nếu quả đúng như vậy thì cái gốc của tội ác đâu phải từ thầy Tiên, một người thầy đã dám đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình và đồng nghiệp bị hiệu trưởng cắt xén trắng trợn ? Đáng lẽ ra Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình phải tìm hiểu cho rõ ngọn ngành để xử lí một cách thấu đáo. Nhưng, như một bạn đọc đã thổ lộ: “Tôi cũng từng bị ban giám hiệu nhà trường chèn ép, gửi đơn lên phòng GD thì phòng GD bênh vực BGH, gửi đơn lên chính quyền thì chính quyền bênh PGD. Bức xúc lắm các bạn ạ”. Đó phải chăng là thực tế đáng buồn hiện nay (có thể không phải là phổ biến) của ngành giáo dục ở các địa phương ?
Bàn thêm về chuyện luân chuyển. Đây là một chủ trương tốt, nhưng từ cái tốt trên lí thuyết đến thực tiễn là cả một khoảng cách xa vời. Trong thực tế có nơi, có lúc “luân chuyển” trở thành mảnh đất màu mỡ để một số quan chức lãnh đạo và “cò” kiếm ăn nhất là đối với một ngành như Giáo dục có số lượng viên chức đông đảo, địa bàn công tác lại trải rộng. Cho nên luân chuyển vô tình trở thành nỗi ám ảnh đối với giáo viên nhất là khi năm học sắp kết thúc và đỉnh điểm của sự âu lo là khi chuẩn bị bước vào năm học mới. Người ta “bắn tin” luân chuyển, bổ nhiệm ông nọ bà kia. Và điều tất yếu sẽ đến, những cuộc “chạy” âm thầm diễn ra bởi ai mà chẳng có đôi chút khiếm khuyết, ai mà chẳng muốn yên ổn làm ăn, ai mà chẳng muốn lên chức.
Tôi xin kể một câu chuyện có thực, xảy ra đầu năm học này ở một huyện vùng sâu vùng xa. Chị HT năm nay đã U50, dăm năm nữa là nghỉ hưu, đang dạy trường gần nhà. Thế mà đùng một cái, đầu năm học vừa rồi chị bị chuyển đi vùng xa với lí do thừa biên chế, mặc dù thời trẻ chị cũng đã từng mấy năm dạy ở vùng sâu. Anh chồng không dám kêu ca vì đương chức Hiệu trưởng, “sợ” lắm. Điều bất hợp lí là sau khi chị chuyển đi mấy bữa, cả trường ngạc nhiên bởi trên bổ về một cô giáo trẻ, thế chỗ của chị. Biết rõ cái sự tréo ngoe nhưng ai nào dám kêu ?
Nhìn bề ngoài, cái lí có vẻ đúng. Đúng thủ tục, đầy đủ giấy tờ, văn bản hợp lệ…Tóm lại là “đúng qui trình” nhưng cái nội dung thì bị áp đặt bởi ý chí của ai đó. Biết thế nhưng chẳng ai dám phản đối vì nó hết sức…tế nhị (!). Cái lí chuyển thầy Tiên cũng đúng nhưng nó không làm cho thầy tâm phục, khẩu phục để rồi nỗi bức bách cứ tích tụ và bùng nổ khi vợ thầy bị kỉ luật cách chức vì nguyên nhân không rõ ràng, đơn khiếu nại của thầy không được cơ quan chức năng “ngó” tới.
Phải chăng, cái mà ông GĐ sở bảo "chưa hợp tình” là đây ? Thực ra tôi nghĩ, chả có cái tình gì ở đây hết. Những người dám đấu tranh như thầy Tiên là “cái gai” trong con mắt lãnh đạo. Người ta không muốn có một nhân viên dám “ngáng” đường như thế. Cho nên họ quyết nhổ bằng được và cũng là để răn đe kẻ khác. Đấu tranh tránh đâu là thế.
Trong vụ án này, dư luận trách thầy Tiên vì một phút bức xúc mà tàn độc với cấp trên và đồng nghiệp, nhưng ngẫm lại cũng phải trách cả những người nắm quyền lực trong tay mà hành xử thiếu công tâm.
Muốn ngăn chặn, diệt trừ cái ác thì phải xây dựng một môi trường làm việc minh bạch và dân chủ thực sự.