Diễn đàn

PGs.Ts Phan Huy Dũng [Đại học Vinh]:Không phải đến lúc này ta mới biết rõ về dã tâm của họ

Từ 1.5.2014 đến nay Trung Quốc đã ngang ngược đưa dàn khoan cùng rất nhiều tàu chiến hộ tống, kể cả tàu tên lửa, vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông có nhận định gì về hành vi này của người TQ?

PGs. Ts Phan Huy Dũng:Tất nhiên, từ phía người Việt Nam vốn biết rõ đâu là nhà mình, đâu là lãnh hải của mình thì đó là hành động ăn cướp. Nhưng theo tôi hai chữ ăn cướp không đủ miêu tả bản chất hành động này của Trung Quốc.  Nếu chú ý lời lẽ trâng tráo của Trung Quốc, rằng họ chỉ tiến hành việc khai thác bình thường trên lãnh hải của mình, thì phải gọi đó là hành động ăn cướp vô liêm sỉ. Nó không chỉ gây cho người ta cảm giác lo lắng, bất bình, phẫn uất mà còn gây cảm giác ghê tởm, ghê sợ, thậm chí cảm giác bất lực khi thấy rõ rằng ta không thể đối thoại theo kiểu văn minh với họ.


Theo ông thì quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào sau hành vi trắng trợn này của phía TQ?

PGs. Ts Phan Huy Dũng: Sau hành vi trắng trợn này của Trung Quốc thì quan hệ Việt  - Trung cũng sẽ… thế thôi, bởi xét từ trong bản chất, từ trước đến nay giữa ta và họ đâu có quan hệ thật lòng hữu nghị (xét ở cấp độ nhà nước). Vấn đề không phải từ phía ta, vì ta có muốn hữu nghị cũng không được, đành phải gượng nói và gượng tin như thế. Không phải đến lúc này ta mới biết rõ hơn về dã tâm của họ, mà biết từ xưa rồi. Sự biến thái chút ít khi thế này khi thế khác chỉ là bề nổi, không đụng gì đến bản chất của quan hệ cả. Thực ra, câu hỏi này cần được sửa lại để có vấn đề hơn: Việt Nam nên có chiến lược hành động như thế nào sau hành vi này của Trung Quốc?


Tại sao các nước ASEAN không có phản ứng gì về sự kiện này? Liệu cuộc họp cấp cao sắp tới của ASEAN có cải thiện được tình hình quan hệ của tổ chức này.

PGs. Ts Phan Huy Dũng:Nói các nước ASEAN không có phản ứng gì thì không hẳn đúng hoặc không đúng. Làm sao không có phản ứng được khi đây là một sự kiện xảy ra trong không gian sống của chính ASEAN?  Có điều, họ không có được phản ứng như ta mong muốn, theo hướng ta mong muốn mà thôi. Vì sao như thế? Vì ASEAN chỉ là tổ chức của những nước nhỏ, được tập hợp trong nỗi lo về mối nguy cơ Trung Quốc và trong nỗi lo về vận mệnh của chính từng quốc gia (ở đây không xét toàn diện về nhu cầu hình thành, xây dựng tổ chức ASEAN). Rõ ràng sự đoàn kết ở đây mới chỉ có ý nghĩa tượng trưng hoặc phô trương bề mặt. Trong khi tham gia vào tổ chức chung, mỗi nước chỉ thấp thỏm lo cho riêng mình. Xưa nay, sự liên kết giữa các nước nhỏ vốn thường vẫn thế. Tạm thời thì có thể tự trấn an mình và trấn an nhau nhưng khi gặp thử thách thật sự mới biết sự cố kết đó là thiếu hẳn cơ sở vững chắc. Chính câu hỏi của tạp chí gần như đã hàm chứa câu trả lời: Tại sao các nước ASEAN không có phản ứng gì? Khi hỏi thế, rõ ràng ta đã thấy giữa ta và các nước trong khối có một khoảng cách. Trách nhau mà không trách chính mình thì có bao giờ cải thiện được tình hình!   


Ông hiểu gì về Trung Hoa? Về chủ nghĩa Đại Hán?

PGs. Ts Phan Huy Dũng:Thật khó nói rằng ai đó đã hiểu hết Trung Hoa, hiểu hết chủ nghĩa Đại Hán. Hiểu ở đây không chỉ là vấn đề của phân tích lý trí mà còn là, chủ yếu  là vấn đề nghiệm sinh. Với mỗi người Việt Nam, ta đã nghiệm sinh bằng toàn bộ lịch sử giữ nước của cha ông. Chỉ biết than rằng sự bành trướng của Trung Hoa, của chủ nghĩa Đại Hán hoàn toàn là vấn đề nằm trong quy luật. Nguy cơ bị thôn tính của các nước nhỏ không may phải làm láng giềng nước lớn là nguy cơ thường trực. Ngay cả khi ta đưa ra tuyên bố hỉ hả rằng hai nước là láng giềng tốt của nhau, ta vẫn sống trong mặc cảm. Láng giềng tốt thật thì không phải quảng cáo nhiều, không phải cứ lúc nào cũng phải “nhấn mạnh”!


Đại Hán Trung Hoa hiện đại có gì khác với Đại Hán Trung Hoa cổ đại?

PGs. Ts Phan Huy Dũng:Khác mà không khác. Khác chỉ là cái thuộc về bên ngoài, thuộc về sự thích ứng với những dữ kiện mới do thời đại đưa đến. Không khác là cái thuộc về bản chất. Như virut cúm gia cầm, nó là mối nguy, càng nguy hơn khi nó biến đổi thành chủng này chủng nọ, phải căng mình ra để chống đỡ. Bởi vậy trên vấn đề đang bàn, phải có chiến lược đối phó (nói thế này thì tình thế xem ra bị động quá), đúng hơn là phải có chiến lược khẳng định mình trước chủ nghĩa Đại Hán. Không mong nó thay đổi thì mình buộc phải thay đổi thôi.


Lịch sử Việt Nam cơ bản là lịch sử chống sự xâm lăng của các thế lực bành trướng Đại Hán Trung Hoa. Với hành động vừa rồi, ông/bà có nghĩ là một hành vi khiêu khích gây hấn, hay là khiêu chiến?

 

PGs. Ts Phan Huy Dũng:Thực ra gây hấn hay khiêu chiến chỉ là sự biến hóa của từ ngữ diễn đạt. Bản chất nó là một. Khi gặp điều kiện chưa hoặc không thuận lợi, hành động đó chỉ dừng ở phạm trù xích mích, khiêu khích. Khi không có cái gì ngăn cản hoặc chưa có sự đáp trả đủ mạnh, nó sẽ phình ra thành chuyện lớn (việc thành chuyện lớn không nhất thiết phải đi liền với hành động đáp trả bằng quân sự của ta). Nếu không xét hành động này trong những tương quan phức tạp với hàng loạt hành động tiếp theo của mọi bên, mọi phía (đã diễn ra và sắp diễn ra), ta khó gọi nó đúng tên được! 

PV thực hiện

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513085

Hôm nay

2186

Hôm qua

2436

Tuần này

21022

Tháng này

219958

Tháng qua

121356

Tất cả

114513085