Do bản thân tôi chưa được học và chưa từng nghiên cứu về ngôn ngữ học mà lại dám đề cập đến bài viết của một Nhà giáo nhân dân, một học giả nổi tiếng về ngôn ngữ học như cụ Nguyễn Lân nên chắc chắn các ý kiến tiếp cận sẽ không tránh khỏi sai sót, có khi còn lẩn thẩn. Kính mong cụ Nguyễn Lân và bạn đọc chỉ giáo.
Trước hết, xin được bàn về cái gạch nối. Sở dĩ trước đây có cái gạch nối trong các danh từ riêng là do phiên âm các danh từ riêng tiếng nước ngoài đa âm tiết, phải tách các nguyên âm ra để dân ta dễ đọc. Ngày nay, đối với các danh từ riêng tiếng nước ngoài, báo Nhân Dân và một số ấn phẩm vẫn dùng gạch nối, ví dụ như nước Bun - ga - ri, còn nhiều sách báo, ấn phẩm khác lại phiên âm liền tù tì, ví dụ như Bungaria. Việc thêm gạch nối giữa các từ tố của một tên riêng người Việt Nam (hoặc tên người Trung Quốc phiên âm Hán Việt) vẫn thường dùng trước đây đã được bỏ dần và nay thì gần như mất hẳn. Do vậy, nếu theo góp ý của cụ Nguyễn Lân mà đem so sánh Lê - nin với Trường Chinh rồi cho rằng chữ “nin” không viết hoa thì chữ “chinh” cũng không viết hoa và đều phải có gạch nối ở giữa thì e rằng sự so sánh sẽ rất khập khiễng. Đó là chưa kể đến các bút danh, tên tự đều có nghĩa riêng của chúng vì chúng hầu hết là từ Hán Việt. Trường Chinh nếu không viết hoa sẽ là danh từ chung để chỉ một cuộc chinh chiến kéo dài, nhưng nếu viết hoa cả hai từ thì người đọc sẽ nhận biết ngay đó là bút danh hoặc tên riêng của một người, của một địa điểm nào đó. Hay nói cách khác, khi viết hoa tất cả các từ của một danh từ nào đó, thì danh từ đó chỉ có thể là họ tên của một người hay là một địa danh. Do vậy, quy định viết hoa tất cả các từ tố đối với danh từ riêng sẽ giúp người đọc nhận biết ngay đó là địa danh hoặc tên người, dù là tên họ, tên đệm hay tên tự, bút danh. Cũng cần nói thêm là trước đây, tên họ và tên riêng được viết hoa, còn tên đệm thì không. Nhưng tên đệm được quy định không viết hoa như trước đây đã gây ra những phiền toái không đáng có. Ví dụ có người mang họ “Nguyễn Văn” thì “văn” có thể không viết hoa, nhưng nếu có người có họ chỉ là họ Nguyễn, nhưng tên của người đó là “Văn Huy” chẳng hạn thì anh ta sẽ yêu cầu chữ “Văn” phải được viết hoa. Thế nhưng theo cụ Nguyễn Lân với đề xuất trong bài viết nói trên thì “Văn Huy” phải được viết là “Văn huy”. Viết đến đây, tôi liên tưởng đến tên của các con trai của cụ Nguyễn Lân. Như vậy thì tên của các anh Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Trung... theo đề xuất của cụ phải được viết là Nguyễn Lân dũng, Nguyễn Lân hùng, Nguyễn Lân trung....? Liệu các anh ấy có chịu không hở cụ? Dám chắc rằng các anh ấy sẽ không chịu nghe theo cụ đâu!
Thực ra thì ngôn ngữ vừa mang tính kế thừa vừa mang tính quy ước rồi mới đến quy định để đi đến thống nhất. Các quy định ghi trong Điều 3, Điều 4 của “Bản quy định tạm thời về viết hoa” là quy định để thống nhất cách viết trên cơ sở hình thành cách viết quy ước đã được số đông chấp nhận và trở thành thói quen của mọi người từ gần 30 năm nay. Nếu như theo góp ý của cụ mà bây giờ viết là Trần Hưng đạo thì chắc chắn mọi người sẽ ngạc nhiên, phản đối và nói ngay là viết sai, mặc dầu họ đều biết Hưng Đạo ở đây là Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Đối với địa danh cũng vậy. Các tên đất, tên làng... của Việt Nam hầu hết đều có nghĩa riêng và trong tiến trình của lịch sử đã được “tên chữ hóa” từ các tên Nôm bằng các từ Hán Việt. Cũng không thể khẳng định rằng cách viết này hay cách viết kia là “hợp lí” hay “không hợp lí” như cụ góp ý đối với việc viết hoa từ tố đầu, không viết hoa các từ tố cuối hoặc quy định viết hoa tất cả các từ tố. Nhất là khi sáp nhập các địa phận, hình thành địa danh mới thì lại càng không đơn giản. Ở đây cũng gặp lại vấn đề danh từ ghép như tên của các con trai của cụ Nguyễn Lân. Mà đã là tên ghép thì cũng không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh. Hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh trước đây sáp nhập thành một tỉnh mà lại viết là Quảng ninh như đề xuất của cụ thì chắc rằng dân Hải Ninh sẽ có ý kiến ngay.
Do vậy, việc quy định viết hoa tất cả các từ tố đối với danh từ riêng bao gồm họ và tên của một người cho dù đó là 2, 3 hay nhiều từ ghép lại, tên hiệu, bút danh, miếu hiệu, địa danh... là một việc cần thiết. Vấn đề này theo thiển ý của tôi là không nên quá câu nệ, không nên khẳng định là các quy định này là “không hợp lí” hay phê phán “là việc làm không khoa học” và lại càng không phải là chuyện các quy định này phải đảm bảo sao cho “giữ gìn và phát huy để cho tiếng Việt ngày càng trong sáng và chuẩn xác” như cụ Nguyễn Lân đã lớn tiếng trong bài viết nói trên.
Các quy ước khi đã được số đông chấp nhận thì cần phải được quy định bằng một văn bản pháp quy nhằm tiêu chuẩn hóa chúng để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản. Cũng xin thưa với cụ Nguyễn Lân rằng, trong các văn tự viết trên thế giới thì duy nhất chỉ có tiếng Đức là quy định tất cả danh từ đều phải viết hoa để phân biệt với các từ loại khác. Còn các chữ viết tượng hình của Trung Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên thì lại không thể viết hoa bất cứ chữ nào cả, dù đó là đầu câu đi nữa. Nếu như theo cụ Nguyễn Lân thì cách viết của những quốc gia này là “không hợp lí”, “không khoa học” hay sao?
Vĩ thanh
Những ý kiến xin được bàn thêm này đã được gửi cho báo Lao Động vào ngày 3-3-1999 nhưng không được hồi âm. Thế nhưng ngày 24-3-1999 báo Lao Động lại đăng tiếp bài “Lại bàn đến Bản quy định tạm thời về viết hoa” của cụ Nguyễn Lân. Trong bài viết tiếp theo này, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân lại tiếp tục nhận định “.... sau những năm 70 cho đến ngày nay, các sách báo dùng chữ hoa một cách lung tung và luộm thuộm” rồi so sánh và cho rằng “các nhà báo, nhà văn từ đầu thế kỉ hai mươi đã sử dụng thành thạo chữ quốc ngữ và đã đưa cách viết chữ quốc ngữ vào nền nếp” (?).
Đúng là botay.com