1.Bài viết Bàn về “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của tôi trên Tạp chí Dân tộc học là bài trao đổi học thuật bình thường. Tôi chỉ dùng một số từ nhẹ nhàng “băn khoăn”, “có quyền nghi ngờ”, “không thỏa đáng”, “chưa đủ sức thuyết phục” v. v. , chứ có “đao to búa lớn” gì đâu, có khép ông Tạ Đức vào chuyện này chuyện kia đâu. Vậy mà ông Tạ Đức đã dùng không thiếu từ xấu xa nào để bôi nhọ, xúc phạm tôi đủ điều; động chạm tới cả Nhà Dân tộc học đáng kính đã quá cố Nguyễn Từ Chi. Vậy có thỏa đáng không với một người làm khoa học, một bậc trí thức, thưa bạn đọc?
2.Việc tôi gửi thư lên Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (không phải “khiếu kiện” như tác giả Duy Minh viết theo kiểu giật gân câu khách trên một tờ báo mạng; cũng không phải tôi đến Trung tâm “lu loa” như ông Tạ Đức trả lời phỏng vấn tác giả Duy Minh) có tình tiết, bối cảnh riêng: bài viết của tôi cho Tạp chí Dân tộc học hoàn thành ngày 08/ 4// 2014 (và gửi luôn đến Tòa soạn), mục đích là để trao đổi khoa học bình thường. Theo kế hoạch, số tạp chí sẽ ra vào khoảng cuối tháng 4, song vì nhiều lý do nên không ra đúng dự định. Đùng một cái, nhà cầm quyền Trung Quốc “giở mặt”, xâm chiếm lãnh hải nước ta, khiến không chỉ nhân dân cả nước phẫn nộ mà dư luận thế giới cũng bất bình, phản đối. Đang lúc “nước sôi lửa bỏng”, ngày 09/ 5/, tôi đọc trên mạng biết tin 14h ngày 15/ 5/ 2014, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (tại Hà Nội) sẽ diễn ra buổi giới thiệu cuốn sách của ông Tạ Đức. Rồi liên tiếp các ngày 11, 12 (và cả ngày 13), một số báo đã nhanh chóng thông tin buổi nói chuyện này, thậm chí có bài báo ca ngợi cuốn sách của ông Tạ Đức một chiều (đọc các bài viết này trên các báo, tôi đoán ngay là ai viết). Là người nghiên cứu Dân tộc học, tôi nghĩ ngay đến hệ lụy của sự nhạy cảm có thể xảy ra: Trung Quốc có thể lợi dụng tư tưởng khoa học của ông Tạ Đức (dù tư tưởng của ông chỉ là thuần túy khoa học) để có thêm “đòn hỗ trợ” trong âm mưu và hành động chống nước Việt Nam ta. Tiếc rằng, vào chiều ngày 15/ 5, tôi và một vài bạn đồng nghiệp nữa đã có lịch làm việc bất khả kháng, nên không thể đến Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội để nghe và tranh luận với ông được. Vì thế, ngày 09/ 5/ và ngày 12/ 5 / 2014, tôi đã gọi điện và viết thư đến Trung tâm nêu rõ, trong bối cảnh phức tạp hiện nay do phía Trung Quốc ngang ngược gây ra, việc Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức giới thiệu cuốn sách "Nguồn gốc người Việt - người Mường" của tác giả Tạ Đức vào 14h ngày 15/ 5 / 2014 là không phù hợp, dễ bị nhà cầm quyền Trung Quốc lợi dụng, nên hủy bỏ. Tôi cũng gửi thư đến các báo đã đăng tin giới thiệu sách của ông nói rõ quan điểm của mình. Trong thư gửi Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội cũng như cho các báo, tôi đâu có ý khép ông Tạ Đức vào tội chính trị nọ kia. Vậy mà Tạ Đức đã ví tôi như là “những kẻ manh động, lợi dụng lòng yêu nước để phá phách, gây rối” và “sẽ bị trừng trị ...”; rồi yêu cầu tôi cho biết tư liệu về Trung Quốc lợi dụng vấn đề dân tộc để gây ly gián ở đâu. Xin trả lời ông câu hỏi này (trong vô vàn câu hỏi của ông): nhiều năm nay, tôi và các đồng nghiệp lăn lộn ở các vùng biên giới Việt - Trung, đã thu được không ít tư liệu, bằng chứng về việc Trung Quốc lợi dụng vấn đề “nguồn gốc Trung Quốc” của các tộc người thiểu số ở nước ta để gây ly gián, kích động, khiến cho tính hình chính trị và trật tự xã hội ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp, phải rất mất nhiều công sức mới ổn định được. Nếu bớt thì giờ ngồi vi tính tra mạng, để đến các bản làng của các tộc người thiểu số ở sát biên giới Việt - Trung, ông Tạ Đức sẽ thấy ngay thôi và khi đó sẽ thấy mưu mô của nhà cầm quyền Trung Quốc (không rõ trung ương hay địa phương) lợi dụng vấn đề “nguồn gốc Trung Quốc” để gây ly gián thâm độc và nguy hiểm đến mức nào.
Ông Tạ Đức coi việc tôi viết thư lên Trung tâm Văn hóa Pháp là “manh động, lợi dụng lòng yêu nước để phá phách”, là “làm xấu hình ảnh các nhà khoa học Việt Nam”… (cũng như một số người khác quy tôi là này nọ) là quyền của ông và của họ. Song, với tư cách một công dân của nước Việt Nam, tôi không thể ngồi yên khi đất nước đang bị “lâm nguy” trước hành động xâm lược, ngang ngược của phía Trung Quốc, lại có người đi diễn thuyết rằng, người Việt - tộc người chủ thể của quốc gia đa tộc người Việt Nam có gốc Trung Quốc, hầu hết các vua chúa Việt Nam đều có gốc Trung Quốc, rồi nhiều món ăn là “quốc hồn quốc túy” đều từ Trung Quốc “di cư” sang. Tôi đề nghị Trung tâm Văn hóa Pháp hủy bỏ buổi giới thiệu về sách của Tạ Đức là vì quyền lợi của đất nước, của quốc gia dân tộc, chứ không vì một mục đích nào khác. Còn việc Trung tâm Văn hóa Pháp “hoãn” buổi giới thiệu sách của ông là quyền, là việc của họ. Thêm nữa, việc làm của tôi nằm trong khuôn khổ của pháp luật; nếu việc làm đó là “lợi dụng lòng yêu nước để gây rối”, là phạm pháp, ông Tạ Đức có quyền gọi điện hoặc làm đơn tố cáo lên các nhà chức trách để họ xử lý; còn tôi, cũng sẽ nhờ các cơ quan pháp luật để nêu rõ sự thật vụ việc và bảo vệ quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của mình.
3. Bài viết cho Tạp chí Dân tộc học chỉ là bài mở đầu cho loạt bài tôi chuẩn bị, để tiếp tục trao đổi với Tạ Đức, song, từ việc trao đổi một vấn đề khoa học trên tạp chí khoa học, ông Tạ Đức đã bôi nhọ, xúc phạm tôi trên “Văn hóa Nghệ An” với những lời lẽ mà lẽ ra không nên có và không thể có ở một trí thức, một nhà khoa học, nhất là trên diễn đàn học thuật. Tôi thấy không cần thiết phải nói gì thêm với Tạ Đức nữa. Mọi đánh giá của Tạ Đức về tôi đều là CON SỐ KHÔNG TRÒN TRĨNH. Còn mọi việc, xin để bạn đọc phán xét.
Xin chân thành cảm ơn Tạp chí.
Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2014
Bùi Xuân Đính