Văn hoá học đường

Cẩn trọng trong quan hệ: một trường hợp cần cảnh báo[1]

Vừa qua, báo chí trong nước có phanh phui thông tin về một trường đại học “dỏm” của Mỹ là ĐH Irvine có liên kết với một trong những đại học hàng đầu của Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội.

Mặc dù đã chấm dứt từ năm 2008 vì ĐHQG HN chê đối tác là không có thứ hạng cao, nhưng liên kết này cũng đã kéo dài nhiều năm, và đã thực hiện đến 10 khóa đào tạo với tổng số học viên tuyển vào lên đến 300 người. Đáng nói hơn nữa, khi bị báo chí phanh phui, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội dường không phân biệt được sự hợp pháp của một đơn vị với tình trạng được hoặc không được kiểm định của một trường đại học như ĐH Irvine. Vì thế mới có những phát biểu nhầm lẫn và đáng tiếc khiến dư luận phản ứng.

 
Trong thời đại nối mạng thông tin và toàn cầu hóa như hiện nay, hầu như không có việc gì xảy ra ở một nơi mà thông tin lại không lan ra khắp thế giới. Vụ liên kết với đại học “dỏm” của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia. Bài viết dưới đây của GS Philip Altbach, một giáo sư và nhà nghiên cứu giáo dục quốc tế hàng đầu của Mỹ hiện nay với rất nhiều bài viết đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam, đã phân tích những bài học cần rút kinh nghiệm qua vụ việc này để tránh những sai lầm tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
 
Bài viết trên vừa được đăng vào ngày 18/8/2010 trên trang blog mang tên World View, vốn được xem như một phụ trương trên mạng của tờ tạp chí giáo dục đại học nổi tiếng Inside Higher Education của Mỹ. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến tất cả các bạn. Phần in nghiêng - đậm trong bài là do người dịch  để nhấn mạnh.
------------
Trong giáo dục đại học quốc tế, các trường thường bị xã hội đánh giá qua các mối quan hệ của họ. Vì vậy, việc chọn lọc cẩn thận các đối tác của mình đóng vai trò tối quan trọng. Các trường cần chắc chắn rằng thương hiệu và uy tín của mình được bảo vệ, và quan hệ với đối tác đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Một trường hợp đáng cảnh báo đã xuất hiện tại Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những trường hàng đầu tại Việt Nam, hiện đang phấn đấu trở thành trường đẳng cấp quốc tế, đã có mối quan hệ chính thức với Đại học Irvine tại Hoa Kỳ. Tôi xin miễn bình luận chi tiết về Đại học Irvine vì tôi không muốn bị họ kiện, chỉ xin nêu rằng Đại học Irvine không được kiểm định bởi bất kỳ tổ chức kiểm định nào được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (U.S. Education Department) hoặc Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA) công nhận. Điều này có nghĩa là sinh viên của trường không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính của chính phủ và chính quyền ở một số bang sẽ xem bằng cấp của sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Irvine là không đáp ứng được những yêu cầu về giáo dục dành cho công chức. Sẽ không thể tìm thấy vị trí của Đại học Irvine trên bất cứ bảng xếp hạng đại học thông dụng nào – thậm chí không có ngay cả ở vị trí cuối bảng.
Dường như ĐHQG HN đã chấm dứt quan hệ của họ với Đại học Irvine, nhưng không phải mọi tin tức có đề cập đến quan hệ với Đại học Irvine trên website của họ đều đã được loại bỏ. ĐHQG HN có nhiều mối quan hệ trên thế giới – theo website của họ thì họ có đến 88 mối quan hệ, bao gồm 19 quan hệ với các trường đại học tại Hoa Kỳ, 27 quan hệ với các tổ chức của Nhật Bản, bao gồm một số tập đoàn lớn như Fujitsu, 2 quan hệ với các trường của Anh, v.v…. Số lượng các đối tác ở đây nhiều một cách phi thực tế. Thật ra, trường hợp của ĐHQG HN không phải duy nhất. Nhiều trường đại học trên thế giới dường như chỉ quan tâm đến việc có được những biên bản ghi nhớ (MoU) hoặc các thỏa thuận hợp tác vốn chẳng có ý nghĩa gì hơn là một tờ giấy ghi lại các quan hệ đó. Những bản thỏa thuận này trông khá “xôm” khi đăng trên website, lại có vẻ là dấu hiệu của sự quốc tế hóa và bằng chứng cho các hợp tác toàn cầu. Nhưng trong thực tế, những mối quan hệ như vậy không có mấy ý nghĩa đối các bên tham gia.
Có lẽ không ai muốn chỉ trích một cách bất công đối với ĐHQG HN, vì nhiều trường đại học ở các nước đang phát triển ra những quyết định kỳ lạ khi lựa chọn đối tác vì họ thiếu thông tin, do họ bị ảnh hưởng bởi những lợi nhuận do các đối tác hứa hẹn, hoặc do tác động của các mối quan hệ cá nhân phức tạp. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, các cá nhân ở cấp lãnh đạo cao nhất hoặc các tổ chức có quan hệ chặt chẽ với chính phủ như ĐHQG thường sẽ nhận được rất nhiều yêu cầu hợp tác từ các trường đại học nước ngoài và thường không sẵn sàng từ chối. Bên cạnh đó, họ hầu như chẳng mất gì khi đồng ý thiết lập quan hệ.
Nhưng ở đây có những bài học cần chú ý. Bài học đầu tiên là các trường rất dễ bị dính vào những mối quan hệ không cân xứng. Những mối quan hệ này có thể gây tổn hại cho danh tiếng của trường và, quan trọng hơn, gây tổn hại cho sinh viên và giảng viên khi họ bị dính líu với những đối tác có vị trí hoặc danh tiếng thấp hơn ở trong nước cũng như trên thế giới. Có quá nhiều mối quan hệ quốc tế như thế có thể tạo ra những vấn đề cho việc đảm bảo chất lượng và quản lý cũng như bảo vệ danh tiếng. Và một trường đại học với quá nhiều đối tác có thể bị xem là vô trách nhiệm hoặc ít nhất là không biết chọn lọc.
 
May mắn thay, những vấn đề trên có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Yếu tố quan trọng nhất là có được một hoặc hai nhà quản lý hiểu rõ về bức tranh giáo dục đại học thế giới. Bỏ thì giờ nghiên cứu và khám phá những tác động của các mối quan hệ cũng là một việc quan trọng. Bên cạnh đó, phải có một chiến lược giáo dục quốc tế rành mạch, tương tự như một chính sách ngoại giao của nhà trường, từ đó vạch ra những chiến lược và kế hoạch cụ thể, cung cấp một lộ trình cho các liên kết quốc tế. Đối với các nước đang phát triển, yếu tố quan trọng nhất có lẽ là sự cam kết phục vụ lợi ích cao nhất của nhà trường và của quốc gia, hơn là đồng ý với mọi lời mời gọi hợp tác từ bên ngoài.
-------------

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515348

Hôm nay

226

Hôm qua

2367

Tuần này

2949

Tháng này

213287

Tháng qua

121009

Tất cả

114515348