Ôi, tôi cứ tưởng Viện Dân tộc học là một trong các “cơ quan có thẩm quyền”, và với hai bài viết, ông- đại diện cho Viện, đã có ý kiến chính thức rồi cơ đấy. Và tôi cũng đã trả lời các ý kiến đó.
Tôi ngờ rằng, dù nhận vơ mình là “người từng nghiên cứu vấn đề” nguồn gốc người Việt-người Mường, nhưng ở bài thứ nhất ông chỉ nói quàng nói xiên, nói nhăng nói cuội, ở bài thứ hai ông buộc phải nói về cuốn sách của người khác. Trên bàn cờ, xe pháo mã của ông đã bị tôi bắt hết, giờ cờ bí, ông dí tốt. Lá thư của ông chỉ là một con tốt đáng thương, tội nghiệp.
Trong thế cờ tàn ấy, ông cũng chỉ còn cách đi dẫn ý kiến của Hà Văn Thùy (HVT) và Trần Trọng Dương (TTD) để nói tôi hãy tranh luận với họ.
Ô hay, tôi đã có hai bài bàn về toàn bộ bài viết của TTD trên tiasang.com.vn và vanhoanghean.com.vn từ lâu rồi, nếu chưa đọc, ông hãy đọc. Còn bài viết dành cho HVT, vì những lý do này khác, mãi đến ngày 12-4 tôi mới gửi cho vanhoanghean. Giờ ông chắc cũng đã đọc và đang ngẫm nghĩ về nó.
Tuy nhiên, tôi vẫn có lý do để nói về ý kiến của hai học giả trên mà BXĐ đã trích dẫn.
Về ý kiến của Hà Văn Thùy
Trong bài viết trên, tôi có nhắc đến việc trước những phản biện của HVT, ông Tạ Chí Đại Trường giữ thái độ im lặng, còn TTD viết bài trả lời nhưng nói đó là “bài đầu tiên và cũng là bài cuối cùng”. Trong bài, tôi chỉ hỏi “Vì sao thế nhỉ?” Giờ tôi buộc phải nói rõ: đó là vì trong khi phản biện người khác, ông HVT thường dùng những lời lẽ qui kết mang tính đại ngôn, nói lấy được, “cả vú lấp miệng em” và kích động…
Cụ thể, trong bài dành cho Tạ Chí Đại Trường, HVT viết “Với việc phủ định sạch trơn triết gia Kim Định… sử gia Tạ Chí Đại Trường không thể chối bỏ tội lỗi với văn hóa dân tộc”!
Trong bài dành cho TTD ông Thùy viết: “Là tín đồ của chủ nghĩa Hoa tâm, ông cho rằng ngôn ngữ Trung Hoa trùm lấp, chi phối ngôn ngữ Việt. Vì vậy khi phát hiện sự thật ngược lại, ngôn ngữ Trung Hoa kế thừa ngôn ngữ Việt từ nguồn cội, hệ thống tri thức tưởng như vững chắc của ông sụp đổ!
Tôi cũng không chấp nhận những lời lẽ kiểu đó trong khoa học. Và đó là một lý do cho sự chậm trễ của tôi trong việc viết bài trao đổi với ông HVT.
Giờ đây, biết ông BXĐ cũng ưa thích và hay dùng những lời lẽ như thế, tôi cũng xin trích dẫn những lời ông HVT đã viết dành cho ông:
“Ngăn cản việc ra mắt cuốn sách nào đó là quyền của ông Bùi Xuân Đính. Tuy nhiên, cái quyền này lại vi phạm quyền của nhiều người: ông Tạ Đức, Nhà xuất bản Trí thức và Nhà văn hóa Pháp. Về nguyên tắc, là thiểu số, quyền của ông bị phủ nhận. Nhưng do điều kiện cụ thể của đất nước, dựa vào cơ chế, ông là người thắng cuộc. Buổi ra mắt sách bị hủy bỏ. Chiến thắng của ông là thất bại của dân chủ, nhân bản và văn minh.
…Là người đọc và nhận ra cái hỏng trong cuốn sách của ông Tạ Đức, tôi đã có thư trao đổi với tác giả, sau đó viết bài đăng trên mạng (Một Kiến Giải Sai Về Nguồn Gốc Dân Tộc, trannhuong.com). Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cuốn sách được ra mắt như một chuyện bình thường. Tin vào lương tri người đọc, tôi cho rằng, nếu được thực hiện, cùng với sự trình bày của tác giả, chắc chắn có những ý kiến phản biện. Hy vọng qua hội thảo dân chủ, thân tình, chân lý sẽ dần dần phát lộ. Thực tế đã diễn ra như vậy: bên cạnh người ủng hộ cuốn sách như sử gia Lê Văn Lan, Tiến sĩ Nguyễn Việt, PGS.TS Đỗ Lai Thúy… là ý kiến phản biện của TS Trần Trọng Dương, của Ông và nhiều người khác. Như mọi cuốn sách khác, khi ra đời, Nguồn Gốc Người Việt-Người Mường đã là tài sản xã hội. Phán xét nó không chỉ là quyền của hôm nay mà còn là của thời gian. Việc làm của ông dường như là sự nối dài cái dớp đen tối thời Nhân văn-Giai phẩm. ( Nguồn: http://www.trieuxuan.info/).
Cũng cần nói thêm, một trong những người đã ủng hộ cuốn sách của tôi, cố nhà báo-nhà sử học Đào Hùng-Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay, trong lời Nhận xét cho sách của tôi, cũng đã từng cảnh báo “xu hướng gắn các chủ đề nghiên cứu với các động cơ chính trị đang ngự trị trong tâm thức nhiều nhà nghiên cứu”.
Rõ ràng, BXĐ là một trong các nhà nghiên cứu đó nhưng tỏ ra cực đoan và hung hãn.
Về ý kiến của Trần Trọng Dương
Có thể thấy, BXĐ đã cắt xén một số câu trong bài viết của TTD và nhấn mạnh câu “cuốn sách này là một phát ngôn lạc dòng và ngược dòng”. Lối trích dẫn cắt xén đó có thể làm những người chưa đọc bài của TTD hiểu sai ý tác giả.
Nhưng, chúng ta hãy nghe TTD lý giải từ “lạc dòng” ở phần đầu bài viết:
“Nói lạc dòng, bởi lẽ, trong nhiều chục năm qua, chúng ta chỉ quen nghe một kiểu giọng, nghiên cứu khoa học theo những kiểu quy hoạch được chỉ định sẵn, và nhiều khi, thống nhất kết quả khoa học bằng tinh thần biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm từ số đông.
…Nhưng thiết nghĩ, phải tư duy lạc dòng mới có những kết quả ngược dòng, hay nói như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, nền học thuật ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại đang rất cần “một cái nhìn KHÁC”, cái nhìn khác ấy sẽ làm bớt đi cách suy nghĩ bầy đàn theo tâm lý đám đông hiện nay…
Với cách hiểu ấy, tôi thấy ý kiến của TTD đối với sách tôi là đúng, là “chuẩn không cần chỉnh”. Sao tôi lại phải tranh luận với TTD nhỉ ?
Mặt khác, cần thấy rằng, những ý kiến phản biện của BXĐ chính là kết quả của kiểu nghiên cứu khoa học “được qui hoạch và được chỉ định sẵn” đó. Nếu đủ kiến thức và bản lĩnh, BXĐ hãy tranh luận với TTD về ý kiến đó đi!
Việc trích dẫn ý kiến người khác nhưng không hiểu ý người khác muốn nói gì là một đặc trưng cho các phản biện của BXĐ. Tôi đã từng nêu việc BXĐ trích dẫn ý kiến của Trần Từ, của các nhà ngôn ngữ học…mà không hề hiểu bản chất của chúng.
Theo cách nói của TTD, những điều tôi nói là “lạc dòng và ngược dòng”. Nhưng theo cách nói của GS Lê Văn Lan trong Lời giới thiệu cho sách tôi, đó là những điều được nói “với cái gan dạ từ một tinh thần khoa học thực sự cầu thị, từ một ý chí và tấm lòng kiên định, nhiệt thành vì sự phát triển-đổi mới của khoa học lịch sử”.
Vì vậy, tôi hoàn toàn tự hào và yên tâm về những “phát ngôn lạc dòng và ngược dòng đó”.
Những điều cần nói cho rõ
Trong lá thư, BXĐ còn viết:
Trong khi cả nước đang phải “gồng mình” đối phó với dã tâm xâm chiếm nước ta của Trung Quốc, thì ông Tạ Đức lại tích cực tuyên truyền trên hàng chục tờ báo, tổ chức nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội… Mới đây nhất, ông Tạ Đức còn tổ chức nói chuyện về sách của mình trước một số sinh viên tại một quán giải khát ở 27 Trần Bình Trọng vào tối thứ Sáu, ngày 06 / 6 / 2014 (!?).
Trong bài viết Trả lời ý kiến của Bùi Xuân Đính về cuốn “Nguồn gốc người Việt-người Mường”, tôi đã nêu sự vu khống trắng trợn của BXĐ đối với nội dung cuốn sách.
Ngoài ra, BXĐ còn có một loạt vu khống với tác giả cuốn sách.
Ở đây, cần nói cho rõ:
-NXB Tri Thức và Trung tâm Văn hóa Pháp là hai cơ quan phối hợp tổ chức cuộc ra mắt-hội thảo về cuốn sách của tôi theo chương trình hợp tác thường xuyên giữa hai bên và đã được lên kế hoạch trước đó 3 tháng. Tôi chỉ là khách mời cho sự kiện đó.
-Việc hàng chục tờ báo đưa tin về sự kiện đó cũng là công việc của các tờ báo trên.
-Việc tôi nói chuyện tại 27 Trần Bình Trọng là theo lời mời của Bookhunterclub một tổ chức do các học giả trẻ thành lập có mục đích “hỗ trợ và tư vấn các vấn đề học thuật và sáng tạo”.
Nhân đây cũng nói thêm, một số người tưởng rằng tôi đã bỏ tiền ra in cuốn sách. Thực tế, tôi gửi bản thảo tới NXB Tri Thức, NXB đồng ý in và phát hành, tôi nhận nhuận bút là gần 200 cuốn sách. Bản quyền cuốn sách đã thuộc về NXB Tri Thức.
Tất cả những điều nói trên là sự thực.
Và BXĐ cũng cần hiểu rằng, tôi không có tính háo danh và có nhu cầu nổi tiếng để cầu lợi như ông. Điều đó cũng có Trời biết, Đất biết và tất cả đồng nghiệp, bạn bè ở Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam biết./.