Điểm đầu tiên mà bất kỳ ai khi cầm “Nguồn gốc người Việt - người Mường” cũng phải thấy là cuốn sách có nguồn tài liệu rất phong phú. Không chỉ những người ủng hộ Tạ Đức mà cả những người không đồng tình với các luận điểm của ông cũng phải nhận xét như vậy. Trần Trọng Dương cho rằng, “tác giả Tạ Đức đã làm hết sức mình với một tinh thần thuần túy vị khoa học, đó là điều rất đáng trân trọng trong bối cảnh hiện nay!”. Hà Văn Thùy coi “850 trang sách khổ to: “Nguồn gốc người Việt - người Mường” là kết quả mười năm làm việc của học giả Tạ Đức. Thật đáng nể phục về khối tư liệu đồ sộ được đưa vào sách” (Hà Văn Thùy c). Bùi Xuân Đính dù không tán đồng với các phương pháp và kết luận mà Tạ Đức đưa ra cũng phải phẳng định “sách có nguồn tài liệu phong phú” (Bùi Xuân Đính a). Bản thân học giả Tạ Đức cũng tự tin cho rằng “đã dùng một khối tư liệu mà tất cả ai đã đọc cũng phải công nhận là đồ sộ, phong phú của các ngành khảo cổ học, ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học…Mỗi một giả thuyết đều được chứng minh bằng các bằng chứng liên ngành, với cái nhìn hệ thống-tổng thể” (Tạ Đức d). Một số luận điểm được một hai người nhận xét là sức thuyết phục, như “tác giả chấp nhận An Dương Vương là người Thục. Những trang viết đòi lại vị trí chính thống của nhà Triệu trong sử Việt thật xác đáng và thuyết phục” (Hà Văn Thùy c).
Tuy nhiên, ngoài những điểm chung đó, sách của Tạ Đức có nhiều vấn đề gây tranh luận trái chiều. Dưới đây, chúng tôi điểm mấy vấn đề chính.
1. Về việc sử dụng tài liệu internet trong công trình khoa học
Luận điểm của Tạ Đức và Bùi Xuân Đính là hoàn toàn “đối nghịch” nhau. Ông Đính thì cho rằng, nếu không phải là trang web của các cơ quan khoa học chính thống thì phần lớn các thông tin khoa học trên mạng là các giả thiết hay mới chỉ là ý tưởng, hoặc ý kiến mở, không cần chứng minh hay chưa chứng minh được. Một bộ phận không nhỏ các thông tin ít được hoặc không được kiểm soát, nên dễ có những sai sót nghiêm trọng. Đặc biệt, trên wikipedia (từ điển mở) thường đưa ra các thông tin giản lược, sơ bộ, ai cũng có thể dễ dàng bổ sung, thêm bớt hay thay đổi; vì thế, cùng một vấn đề, thông tin ở các thời điểm rất khác nhau. Bùi Xuân Đính đã thống kê sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” có đến 90 trang sử dụng tài liệu wikipedia, trong đó 7 trang sử dụng 2 lần và 1 trang sử dụng 4 lần; nhiều luận điểm quan trọng của sách được dựa trên wikipedia, từ đó đưa ra nhận định “người đọc có quyền đánh dấu hỏi về những luận điểm của sách đưa ra”.Trần Trọng Dương thận trọng hơn cho rằng, “trong một công trình khoa học, việc trích dẫn những nguồn thông tin được lấy từ mạng là nên hạn chế. Tình trạng này không chỉ tồn tại ở cuốn sách của Tạ Đức mà khá phổ biến hiện nay trong giới Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Bởi lẽ, thông tin trên mạng (như wikipedia) là kiểu thông tin không nguồn gốc, có thể do bất kỳ ai đưa lên mà không phải chịu trách nhiệm khoa học về những thông tin đó” và “dùng một thông tin từ một trang mạng du lịch sẽ làm phương hại đến hệ thống luận cứ và lập luận của tác giả”.
Những nhận xét trên đây đã bị Tạ Đức “phản đòn” quyết liệt mà người “ăn đòn” nhiều nhất, lại toàn đòn nặng, là Bùi Xuân Đính, được nhận “đủ thứ” từ ông Đức, như “những nhận xét nêu trên (của Bùi Xuân Đính) là của một người ít hay không hề tham khảo tư liệu khoa học nước ngoài trên mạng nên hoàn toàn võ đoán, chủ quan” (tuy nhiên, ở phía dưới bài, ông Đức lại tự mâu thuẫn với mình khi viết “Tham khảo mà không trích dẫn thì là “đạo văn”. Phải chăng BXĐ nhiều lần đã áp dụng qui định này?)”, rồi “Không cập nhật kiến thức”, “Hãy nhờ người nào đó đọc, dịch trang wiki… này” và ông khuyên ông Đính “Phải dùng mới biết” … (Tạ Đức c).
“Ông đồ 8 X” Trần Trọng Dương” cũng bị Tạ Đức cho là “có cái nhìn quá nặng nề và hơi kinh viện”(Tạ Đức a, b); rồi như một bậc “cha chú”, ông đã dạy “Dương” đủ điều, trong khi ông quên mất rằng, đây là tranh luận khoa học, mà đã là tranh luận thì phải bình đẳng, dựa trên tư liệu và lập luận để hướng tìm ra lẽ phải, không phải cứ số đông là thắng số ít, người cao tuổi là thắng người ít tuổi, người có chức quyền, hàm vị thắng người không có, người giàu thắng người nghèo, “người nhà nước” thắng “người ngoài nhà nước” .
Trong tình hình trên, cần lấy lấy một hai ý kiến trung gian làm “trọng tài”. Có vẻ như ý kiến của Nguyễn Huỳnh Mai là thỏa đáng hơn. Người viết đưa ra vài “tập tục”mà các đại học Âu Mỹ thường gợi ý cho sinh viên và nhân viên khảo cứu của họ”. Gọi là “tập tục”, nhưng dường như đã trở thành “luật”, nghĩa là trở thành nguyên tắc bắt buộc - Nguyễn Huỳnh Mai cho biết, luật đầu tiên và … duy nhất là tài liệu tham khảo phải khả tín (tin cậy được). Chữ “khả tín” ở đây được hiểu theo một nghĩa rất hẹp: phải được duyệt bởi những chuyên gia quốc tế. Hẹp đến nổi nó có thể đồng nghĩa với các bài đã được đăng trên các tập san khoa học sau khi đã qua sự bình chọn của một hội đồng “đọc” (reviewers) của tập san này.Ngay cả khi tài liệu được đăng trên các báo khoa học tín nhiệm, việc ghi rõ ngày hay năm đăng báo cũng quan trọng, vì có những khoa học, nhất là y khoa và sinh học, sự tiến bộ đi rất nhanh, một bài viết cách đây 5 năm có khi đã không còn giá trị, như vậy “khả tín bao gồm khái niệm cập nhật”.Một số tài liệu khoa học cũng có thể đọc được trên mạng, nhưng thông thường chỉ có bài tóm lược (abstract) chứ không có toàn văn (full text). Nhưng các sites, persee cũng tùy thuộc điều lệ về bản quyền của các nhà xuất bản cho ít nhất là một số tài liệu mới mà nhà xuất bản giữ bản quyền. Để bạn đọc tiếp cận các tài liệu có giá trị, tin cậy, hệ thống thư viện của các đại học lớn thường trả tiền mua dài hạn các tạp chí khoa học. Bạn đọc muốn tham khảo đương nhiên phải trả tiền. Những tài liệu khác trên internet đòi hỏi người sử dụng phải “vô cùng thận trọng vì ở đây … đá sỏi chen lẩn với đá quí”, vì bất cứ ai cũng có thể viết bất cứ cái gì rồi cho lên mạng” (Nguyễn Huỳnh Mai).
Trường hợp của vikipedia thì sao? Nguyễn Huỳnh Mai cho biết, wikipedia là loại bách khoa toàn thư mà bất cứ ai cũng có thể là cộng tác viên. Có những tài liệu rất khả tín, được viết với những cẩn trọng của một bài khoa học và được viết dưới dạng hoàn chỉnh của một tài liệu khoa học - cô đọng và súc tích với danh sách tài liệu tham khảo nghiêm chỉnh. Nhưng giá trị của các bài trên wikipedia không đồng đều. Ở đây, nhà nghiên cứu cũng phải có những cẩn mật cần thiết trước khi dùng nguồn wikipedia.
Như vậy, với ý kiến của một người có nhiều kinh nghiệm như Nguyễn Huỳnh Mai, việc sử dụng tài liệu internet đã rõ. Tuy nhiên, ở nước ta, dường như chưa có luật về việc này nên mới xảy ra chuyện ông Bùi Xuân Đính thì cho rằng, “wikipedia (từ điển mở) thường đưa ra các thông tin giản lược”, thì ông Tạ Đức lại cho rằng, “đa số các mục, đặc biệt bằng tiếng Anh, là những bài tổng hợp công phu, được viết gọn gàng, sáng sủa, có dẫn tư liệu gốc đàng hoàng. Còn chuyện thay đổi của thông tin theo thời gian thì đó là chuyện thường, chả cứ ở wiki mà ở các sách báo hàn lâm cũng vậy”. Ông Đức còn “dạy” ông Đính “đọc trực tiếp mục về Phùng Hưng (vi.wikipedia.org/wiki/Phùng_Hưng) mà ông Đức đã dùng để xem nhận xét của mình có đúng không” (Tạ Đức c).
Nhưng, ý kiến của ông Đức đã bị một độc giả mang tên “Dân Hành Thiện” phản đối trên một trang mạng: “Khoan bàn đến chuyện ông Đức cho rằng việc thay đổi thông tin theo thời gian của wiki và sách báo hàn lâm cũng như nhau; tôi làm theo đề nghị của ông ta: đọc trực tiếp mục về Phùng Hưng”. Mục từ này, dùng 4 tài liệu tham khảo: Lịch sử Việt Nam, tập I; 2 (Phan Huy Lê, 1991), Danh tướng Việt Nam, tập IV (Nguyễn Khắc Thuần, 2007), Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục; ai cũng biết, trong 4 cuốn này đâu là sách gốc; vậy mà Tạ Đức lại dùng wiki”. Từ đó, “Dân Hành Thiện” kêu lên: “Trời đất! Liệu đó phải là nguồn tham khảo mà tác giả đã dùng để mất 10 năm viết 1 cuốn sách khảo cứu đồ sộ như như tác giả đã nói ?” (Hoàng Trực Bình thu thập).
2. Về tiếp cận các nguồn tài liệu mới của nước ngoài
Có lẽ đây là một trong những hạn chế, điểm yếu của một bộ phận đông các nhà nghiên cứu Việt Nam, kể cả ông Bùi Xuân Đính, ông Tạ Đức- người được những người nhận xét, giới thiệu sách cho rằng đã ”tổng hợp, kiểm định lại toàn bộ nhận thức và vốn hiểu biết và vốn tư liệu đồ sộ của mình” (Tiến sĩ Nguyễn Việt, Nhận xét 2 sách “Nguồn gốc người Viêt - người Mường”) hay “đã tập hợp được một khối lượng tư liệu khổng lồ từ các di chỉ khảo cổ học, ngôn ngữ học lịch sử và dân tộc học” (Đỗ Lai Thúy). Tuy nhiên, sách sẽ đầy đủ tư liệu hơn nếu Tạ Đức có được cuốn “Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học” của Cung Đình Thanh do Tủ sách nghiên cứu Việt học, Nhà xuất bản Tư tưởng và Tập san Tư tưởng ấn hành năm 2003 tại Sydney (Australia)- cuốn sách đã sử dụng các kết quả nghiên cứu mới nhất về gien để chứng minh Việt - Mường là cư dân bản địa ở Bắc Việt Nam. “Thâm ý” của ông Bùi Xuân Đính khi giới thiệu sách của Cung Đình Thành là, nếu năm 2003 (hoặc 2004 - 2005), ông Đức tiếp cận được cuốn sách này, không biết ông có từ bỏ ý định viết cuốn“Nguồn gốc người Việt - người Mường” không; hoặc nếu tiếp tục thực hiện công việc để chứng minh luận điểm “người Việt và người Mường là hai dân tộc khác nhau và đều từ Trung Quốc di cư sang”, chắc chắn ông Đức phải tìm thêm nhiều tài liệu hơn và tiếp cận theo hướng khác để chứng minh cho kỳ được công trình nghiên cứu về gien của Giáo sư người Mỹ gốc Hoa J. Y. Chu là sai.
Song, trong bài phản bác lại cả ông Bùi Xuân Đính và ông Hà Văn Thùy, Tạ Đức cho rằng, dù không có cuốn sách của Cung Đình Thanh, nhưng ông đã nắm được “hồn cốt” tư tưởng của học giả này trên các thông tin internet (tuy nhiên, các thông tin này lại không có trong mục Tài liệu tham khảo sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”) và ông cho rằng, luận điểm “Người thuộc Văn hóa Hòa Bình từ Đông Nam Á, mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoa” là hoàn toàn vô lý và không có bất cứ cơ sở nào về khảo cổ học và sử học (Tạ Đức d, đ).
Nhân bàn về những khó khăn và bất cập trong tiếp cận các kết quả nghiên cứu (ở dạng sách, tạp chí) ở nước ngoài, tôi thấy cần tím hướng “thoát”. Ở đây, vai trò của các thư viện trong việc tiếp cận và thông tin với các thư viện nước ngoài là một hướng quan trọng. Bên cạnh đó, cần có sự trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học và bản thân các nhà khoa học cũng phải nỗ lực tìm kiếm, đọc tài liệu.
3. Vấn đề phương pháp luận của sách
Sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Những người ủng hộ ông Đức cho rằng, trên cơ sở khối tư liệu khổng lồ từ các di chỉ khảo cổ, sắp xếp chúng theo thời gian, rồi so sánh theo loại hình để tìm ra sự tương đồng, sự tiến triển hay thoái lùi của nhiều hiện vật, từ đó lần theo dấu chân thiên di (của các tộc người Việt) từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông (Đỗ Lai Thúy). Cũng tương tự là các nhận xét của Đào Hùng, Nguyễn Việt trong các lời nhận xét của sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”.
Tuy nhiên, có ba vấn đề về phương pháp luận trong sách đã được các bài viết chỉ ra.
1. Về việc sử dụng truyền thuyết
Tạ Đức dùng các tài liệu tổng hợp (trong đó chiếm tỷ lệ lớn là các tài liệu khảo cổ học Trung Quốc) để chứng minh truyền thuyết Hồng Bàng, sự tồn tại của nước Xích Quỷ là có thật và khẳng định các luận điểm của Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc coi người Việt từ Trung Quốc chuyển cư sang, không phải cư dân bản địa ở miền Bắc Việt Nam là đúng. Tuy nhiên, Bùi Xuân Đính đã coi đó là “sai lầm về phương pháp luận”, vì truyền thuyết này có nhiều yếu tố hoang đường và phi lý mà chính sử triều Nguyễn đã chỉ ra, còn luận điểm của hai học giả Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc thì đâu đã được giới khoa học xã hội Việt Nam thừa nhận (Bùi Xuân Đinh a).
Trần Trọng Dương cũng chỉ ra “Việc sử dụng huyền thoại (một thể loại của văn học) để nghiên cứu lịch sử - như trong sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” không phải lúc nào cũng có kết quả thực sự chắc chắn. Công thức {huyền thoại + hiện vật khảo cổ} trước nay vẫn là công thức ưa thích ở Việt Nam, trong khi công thức nghiêm cẩn hơn {sử liệu + hiện vật khảo cổ} đến nay vẫn còn đầy rẫy những chông gai thử thách. Việc coi huyền thoại có tính sử liệu, hoặc ít nhiều phản ánh một phần sự thực lịch sử nào đó khiến mọi giả thuyết khoa học luôn đứng chông chênh trên ranh giới giữa thực và hư, giữa sử học và văn học!”.
2. Về các phương pháp cụ thể trong các luận điểm của Tạ Đức cũng không nhận được chia sẻ. Tác giả Huy Phong viết trên một facebook về cách sử dụng lý thuyết của Tạ Đức: “Ông ấy toàn dẫn các ý kiến, lý thuyết các bậc 1-2-3-4-5 rồi đưa ra một cái kết luận chả logic tý nào! cứ lý thuyết này chồng lên lý thuyết khác, rồi kết luận! mà chả có cái nào của ông ấy cả! thậm chí cả cái kết luận ấy!”(tổng hợp của HoàngTrực Bình). Trần Trọng Dương cho rằng, các bước lập luận và cứ liệu nêu ra trong sách nhằm để bắc cầu kết nối những khoảng siêu không gian, siêu thời gian, nối liền Lạc Việt với Đại Cồ Việt cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, và nối Lạc Việt với văn hóa người Đản (Giang Tô).
Về việc so sánh các di vật khảo cổ học cũng có những bất ổn, như so sánh hình dáng con rái cá trên internet với con vật lạ trên thạp Đào Thịnh để chứng minh rằng “rái cá” là vật tổ của người Đản kéo dài từ thời cổ cho đến tận thời Đinh Bộ Lĩnh.
(Trần Trọng Dương). Lâm Mỹ Dung thì kết luận “Nói chung là hổ lốn quá, ví dụ nối một đồ gốm Ân Thương với một đồ đồng Đông Sơn với thạp thời Trần rồi thì bảo chung một nguồn gốc sinh học thì vô lối quá. Nhiều thứ nữa”(Hoàng Trực Bình thu thập). Bùi Xuân Đính coi việc “Chỉ đem một số ít di vật trong một vài di tích có những nét tương đồng với các di tích ở Trung Quốc để so sánh và kết luận đó là do các khối cư dân ở Trung Quốc thiên di mang sang là không thỏa đáng, thậm chí là vội vàng. Sự giống nhau của các di vật trong các văn hóa khảo cổ học do nhiều nguyên nhân, hoặc do tương đồng về văn hóa, hoặc do trao đổi, có khi là quà tặng, là chiến lợi phẩm của chiến tranh, đâu phải chỉ là kết quả của thiên di” (Bùi Xuân Đính a).
Trong nghiên cứu so sánh, theo Trần Trọng Dương “việc đồng quy các hiện tượng văn hóa, hay đồng quy ngôn ngữ là việc hết sức mạo hiểm”; thế nhưng, trong sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”, Tạ Đức đã tiến hành công thức truy nguyên đồng quy hàng loạt các hiện tượng về một chỉ số gốc... Trong nhiều trang, tác giả tiến hành đồng quy nhiều hiện tượng ngôn ngữ, mà sự đồng quy nhiều khi lại dựa trên bề mặt ngữ âm... Tác giả đã dùng những cứ liệu dân tộc học để đưa ra những đẳng thức ngữ âm khá chông chênh…. Và để chứng minh/hay phản biện được những kết luận này thì cần phải có những thao tác phục nguyên (tái lập âm đọc cổ: reconstruction) một cách chuyên nghiệp, chứ chưa thể dựa trên những nét hao hao trên ký hiệu văn tự của âm Hán -Việt hay phiên âm Latin ở thời điểm hiện tại (Trần Trọng Dương). Bùi Xuân Đính cũng tán đồng “để phục nguyên nghĩa và âm của một từ, phải tuân theo một phương pháp nghiêm ngặt, có trình tự, không thể căn cứ vào sự giống nhau về âm và nghĩa ở dạng thực thể đồng đại”, không thể chỉ dẫn ra sự giống nhau về âm của một số từ trong tiếng Việt với các ngôn ngữ khác, như Cửa Lò/Kulua,lòng thung lũng/klung… để chứng minh nguồn gốc bên ngoài của các địa danh thuộc địa bàn người Việt sinh sống hiện nay (Bùi Xuân Đính a).
4. Những “câu kết” về nguồn gốc người Việt - người Mường
Trong các bài trả lời, tranh luận, ông Tạ Đức khẳng định các tư liệu và luận điểm của mình là đúng, thậm chí trong bài “Về lá thư của Bùi Xuân Đính”, ông Đức còn dẫn lại lời của nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định những điều được (ông Đức) nói “với cái gan dạ từ một tinh thần khoa học thực sự cầu thị, từ một ý chí và tấm lòng kiên định, nhiệt thành vì sự phát triển-đổi mới của khoa học lịch sử” và ông Đức “hoàn toàn tự hào và yên tâm” về những phát ngôn bị coi là “lạc dòng và ngược dòng” . Nói vậy thôi, tôi không hẳn tin ông Đức vui khi “Ông đồ 8 X” Trần Trọng Dương viết hóm hỉnh rằng:“Trong khi, cả giới khoa học đã xác quyết, người Việt - người Mường là những cư dân bản địa, thì ông (Tạ Đức) cho rằng tổ tiên trực tiếp của người Việt - người Mường là người Lạc Việt - người Phùng Nguyên, là dân di cư từ phương Bắc xuống. Trong khi, ai cũng tin rằng văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn là văn hóa gốc thì ông lại cho rằng tổ tiên của họ là người Đản (Mon) cổ vốn sống ở vùng hạ lưu sông Mân (Phúc Kiến) hay có nguồn gốc từ văn hóa Dạ Lang (Thục), văn hóa Điền, Nam Việt (Nam Trung Hoa)”.
Ông Bùi Xuân Đính sau khi chỉ ra “những bất cập” của Tạ Đức trong việc sử dụng nguồn tư liệu, trong phương pháp luận cũng đưa ra kết luận “Những thành tựu của khoa học xã hội trong hơn nửa thế kỷ qua đã khẳng định người Việt và người Mường (Lạc Việt) cùng với người Tày và một bộ phận Nùng, Thái cổ (Âu Việt) là các cư dân bản địa, sở tại, sinh sống từ rất lâu đời ở vùng Bắc Việt Nam, tạo lập ra các nền văn hóa mang tính liên tục để bước vào thời kỳ dựng nước với đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn rực rỡ” (Bùi Xuân Đính, a).
Theo Bùi Xuân Đính, cuốn sách Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học của Cung Đình Thanh được ông giới thiệutrên Tạp chí Văn hóa Nghệ An (ngày 31/5/2014) đã làm sáng rõ vấn đề. Học giả Cung Đình Thanh (dựa trên các thành tựu khoa học đã được xác nhận) đưa ra hai kết luận quan trọng:
- Văn hóa Hòa Bình là một trong ba cái nôi phát sinh trồng trọt của thế giới và là nôi của cây lúa nước. Từ Bắc Việt Nam, một nhóm cư dân ở đây đem nghề này vào lưu vực sông Hoài, gặp môi trường thuận lợi đã nhanh chóng phát triển nghề nông ở đây, phát triển nghề gốm, để trở thành nền Văn hóa Ngưỡng Thiều trong phạm vi lưu vực sông Hoài.
- Theo Hà Văn Thùy, cơ sở quan trọng nhất để tìm về nguồn gốc tộc người là gien. Công trình nghiên cứu về Di truyền học do Nhà bác học người Mỹ gốc Hoa J. Y. Chu chủ trì được Cung Đình Thanh dẫn lại trong sách ông, khẳng định gốc gác của người Trung Hoa là từ Đông Nam Á di lên, sau lại lai giống với người từ Trung Á và châu Âu di cư đến, có lẽ đây là tổ tiên của người Hoa Hán lập nên nhà Thương” và như vậy, “Người thuộc Văn hóa Hòa Bình từ Đông Nam Á, mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoa, người Đông Nam Á không chỉ góp phần mà còn đóng vai trò chính, là bộ phận chủ đạo của nhân chủng lập nên nước Trung Hoa (Bùi Xuân Đính c).
Hai luận điểm của Cung Đinh Thanh mà Bùi Xuân Đính và Hà Văn Thùy đưa ra bị Tạ Đức phản lại trong bài LẠI TRẢ LỜI BÙI XUÂN ĐÍNH VỀ CUỐN SÁCH CỦA HỌC GIẢ CUNG ĐÌNH THANH trên Văn hóa Nghệ An 10/6/2014. Về kết quả phân tích mẫu lúa ở hang Xóm Trại (Hòa Bình), Tạ Đức cho rằng, mẫu lúa này có niên đại thời Trần, không phải cách đây vài nghìn năm.
Tuy nhiên, có nhà nghiên cứukhảo cổ học chorằng, mẫu lúa mà Nguyễn Việt đưa sang phân tích C14 ở Đức năm 1980 không phải mẫu chuẩn, tức không phải mẫu trong địa tầng văn hóa, mà là mẫu ở bên ngoài, có thể lúa đó do chim, chuột tha vào (!?). Vấn đề này chưa thấy ông Nguyễn Việt lên tiếng. Chắc là ông Việt không dễ dàng từ bỏ quan điểm của mình.
Ý kiến về kết quả phân tích gien của học giả Mỹ gốc Hoa khẳng định người Việt ở Bắc Bộ di lên Trung Quốc chứ không phải từ Trung Quốc di xuống cũng bị Tạ Đức phản bác “là hoàn toàn vô lý và không có bất cứ cơ sở nào về khảo cổ học và sử học” Tạ Đức đ).
Có thể nói, đến nay, cuộc tranh luận về “Nguồn gốc người Việt - người Mường” diễn ra gay gắt giữa một bên là ông Tạ Đức và bên kia là ông Bùi Xuân Đính, Hà Văn Thùy, Trần Trọng Dương và một số người khác. Tất cả đã bị ông Tạ Đức bác bỏ với sự tự tin đến lạ lùng. Ông Bùi Xuân Đính là người bàn đến sách của Tạ Đức trên tạp chí Dân tộc học, rồi Văn hóa Nghệ An, nhưng đã bị Tạ Đức bắt bẻ, phản đòn và tuyên bố “ông Đính thua cuộc”. Trong bài “Về lá thư của Bùi Xuân Đính”, ông Đức cho rằng, trên bàn cờ tranh luận, xe pháo mã của ông Bùi Xuân Đính đã bị ông Tạ Đức bắt hết, giờ cờ bí, ông Đính phải “dí tốt”, lá thư của ông Đính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm đánh giá sách của Tạ Đức chỉ là một con tốt đáng thương, tội nghiệp (!?). Vậy là “trời chẳng chịu đất, đất không chịu trời”.
Đánh giá đúng sai, hay dở, thành công hoặc không thành công cuốn sách của Tạ Đức là quyền của bạn đọc, nhất là của các nhà khoa học. Tuy nhiên, ở đây tôi vẫn cứ băn khoăn đến ba nhận xét của ông Hà Văn Thùy về sách của Tạ Đức:
- “Ông Tạ Đức nói rằng, ý tưởng thiên di-truyền bá là ông nhận được từ Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc. Ta có thể thấy, vào thập niên 1970, do hạn chế về tư liệu khoa học, đề xuất của các vị trên là những giả thuyết có tính tìm tòi. Nhưng nay, sau thập niên đầu của thế kỷ XXI, khoa học nhân loại đã đi những bước dài. Không chỉ cổ nhân chủng học mà cả di truyền học đều xác nhận, dân cư trên đất Việt Nam hình thành sớm và liên tục từ Sơn Vi, Hòa Bình tới Bắc Sơn, Phùng Nguyên … Do vậy, thuyết của Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc không còn đất đứng.Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước, sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc” (Hà Văn Thùy b).
- “Một cuốn sách lạc đường, đẩy học thuật Việt thụt lùi hơn nửa thế kỷ... Bên trong, không đủ tâm và trí để nói với nhân dân về cội nguồn cùng văn hóa đích thực của dân tộc; thậm chí vẫn ca những bài ca mốc meo về “ngã tư đường giao lưu quốc tế”, về “tiếp biến văn hóa,” về “tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ trung Hoa”… Bên ngoài, nó câm nín trước những đòn tấn công hiểm ác không chỉ xuyên tạc chính nghĩa dân tộc trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà cả những mưu toan nhân danh khoa học phủ định tới cỗi rễ dân tộc” (Hà Văn Thùy c).
-“Bằng con đường sinh học, chỉ cần 1% lượng giấy ông Tạ Đức đã dùng, vấn đề nguồn gốc người Việt-người Mường được trình bày một cách chính xác, khoa học” (Hà Văn Thùy b).
Liệu có đúng thế không? Có nặng nề quá không?
Qua cuộc tranh luận về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” cũng lộ ra những vấn đề cần được các cơ quan hữu trách, như việc xét duyệt, thẩm định bản thảo, như Lâm Mỹ Dung đã viết trên một trang mạng :“Để in những cuốn sách gọi là chuyên khảo khoa học như thế này cần có hội đồng tử tế đánh giá về mặt khoa học, không phải cái kiểu tôi tự viết, tự in và hạ thấp những cuốn sách in bằng tiền ngân sách, những dự án do nhà nước tài trợ. Nội dung cuốn sách có thật sự khoa học hay không, không phải do tiền ai tài trợ!” (tổng hợp của Hoàng Trực Bình); về tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách, nhất là các cuốn sách có những nội dung dễ bị coi là “nhạy cảm”, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để có thể kết luận chính thức cho vấn đề, “gióng chuông hạ màn” cho những cuộc tranh luận căng thẳng, kéo dài, tôi nghĩ, cần có một trọng tài phân xử. Phải chăng, Viện Hàn lâm KHXH - cơ quan có nhiều viện chuyên ngành liên quan đến sách của Tạ Đức có đủ năng lực, sớm tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với tinh thần khoa học, cởi mở, làm rõ những vấn đề về nguồn tư liệu, các luận điểm mà tác giả Tạ Đức đặt ra; có thế mới thúc đẩy khoa học tiến bộ và lành mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Hoàng Trực Binh(thu thập), MỘT SỐ BÌNH LUẬN XUNG QUANH CUỐN “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT - NGƯỜI MƯỜNG” CỦA TẠ ĐỨC TRÊN CÁC BLOG THU THẬP ĐƯỢC.
-
Trần Trọng Dương, ĐỌC “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT - NGƯỜI MƯỜNG” CỦA TẠ ĐỨC, Tạp chí Tia sáng, thứ Tư, 16/5/2014; đăng lại trên Văn hóa Nghệ An, Thứ tư, 28 tháng 5/2014.
-
Bùi Xuân Đính a,BÀN VỀ “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT - NGƯỜI MƯỜNG”, Tạp chí Dân tộc học, số 1- 2.
-
Bùi Xuân Đính b, THƯ NGỎ GỬI TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN VÀ BẠN ĐỌC, Văn hóa Nghệ An, thứ Sáu, 30 tháng 5/2014.
-
Bùi Xuân Đính c,“TÌM VỀ NGUỒN GỐC VĂN MINH VIỆT NAM DƯỚI ÁNH SÁNG MỚI CỦA KHOA HỌC - MỘT CUỐN SÁCH GÓP PHẦN LÝ GIẢI NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT”, Văn hóa Nghệ An, Thứ Hai, 02 tháng 6/2014.
-
Tạ Đức a, TRAO ĐỔI VỚI TRẦN TRỌNG DƯƠNG, Văn hóa Nghệ An, thứ Tư, 28 tháng 5/2014.
-
Tạ Đức b, TRAO ĐỔI TIẾP VỚI TRẦN TRỌNG DƯƠNG, Văn hóa Nghệ An, thứ Tư, 28 tháng 5/2014.
-
Tạ Đức c,tRẢ LỜI Ý KIẾN CỦA BÙI XUÂN ĐÍNH VỀ CUỐN “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT-NGƯỜI MƯỜNG”, Văn hóa Nghệ An, thứ Tư, ngày 28 tháng 5/2014.
-
Tạ Đức d,LẠI TRẢ LỜI BÙI XUÂN ĐÍNH VỀ CUỐN SÁCH CỦA HỌC GIẢ CUNG ĐÌNH THANH, Văn hóa Nghệ An, thứ Ba, ngày 10 tháng 6/2014.
-
Tạ Đức đ,TRAO ĐỔI VỚI ÔNG HÀ VĂN THÙY VỀ “NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT-NGƯỜI MƯỜNG”, Văn hóa Nghệ An, thứ Năm, 12 tháng 6/2014.
-
Tạ Đức e, VỀ LÁ THƯ CỦA BÙI XUÂN ĐÍNH, Văn hóa Nghệ An, thứ Sáu, 13 tháng 6/2014.
-
Nguyễn Huỳnh Mai,VẤN ĐỀ TÀI LIỆU THAM KHẢO, Văn hóa Nghệ An, thứ Năm, 29 tháng 5/2014.
-
Tạp chí Văn hóa Nghệ An, PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH ĐỀ NGHỊ CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CÓ Ý KIẾN CHÍNH THỨC VỀ SÁCH "NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT - NGƯỜI MƯỜNG" CỦA TẠ ĐỨC, Thứ năm, 12 tháng 6/2014
-
Cung Đình Thanh, PHẢI CHĂNG ĐÃ ĐẾN LÚC CHÚNG TA ĐÃ CÓ THỂ KHẲNG ĐỊNH ĐƯỢC NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM? Văn hóa Nghệ An, thứ Hai, 31 tháng 3/ 2014 (bài đăng lại).
-
Hà Văn Thùy a, TRAO ĐỔI VỚI PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH, Thuyhavan.blogspot. com/ 2014/05.
-
Hà Văn Thùy b, MỘT KIẾN GIẢI SAI VỀ NGUỒN GỐC DÂN TỘC, Văn hóa Nghệ An, Thứ Sáu, 30 Tháng 5 2014.
-
Hà Văn Thùy c,“NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT-NGƯỜI MƯỜNG”* VÀ THỰC TRẠNG HỌC THUẬT VIỆT NAM, Thuyhavan.blogspot. com/ 2014/05.
-
Đỗ Lai Thúy, NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT, NGƯỜI MƯỜNG - MỘT GIẢ THUYẾT KHÁC, Văn hóa Nghệ An, Thứ Ba, 27 Tháng 5/2014.