Góc nhìn văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn cảm hứng lớn cho sân khấu Ví Giặm.

Bác Hồ nói chuyện với Văn nghệ sĩ ( Ảnh Tư liệu)

 

Khi Bác Hồ còn sống, các nghệ sĩ Đoàn Văn công Nghệ An nhiều lần vinh dự được gặp và biểu diễn cho Bác Hồ xem. Hầu như lần nào thấy nhắc đến quê hương Nghệ Tĩnh và được nghe những làn điệu dân ca của quê hương Bác cũng đều rất xúc động. Đến nay, những câu chuyện trong các lần gặp gỡ đó vẫn để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc tự hào đối với giới văn nghệ sĩ xứ Nghệ.

Được sinh ra trên đất Nghệ, uống bầu sữa nóng của mẹ và đắm mình trong những khúc hát dân ca của quê hương, khi còn nhỏ Bác thường theo phường đi nghe hát Ví, Giặm. Sau khi trở thành Chủ tịch nước, Người gặp gỡ, gần gũi và chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết của mình về dân ca, về sân khấu với các nghệ sỹ. Người yêu và rất am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trước lúc ra đi, Người còn yêu cầu được nghe một câu Ví, Giặm của quê nhà. Sinh thời, Người không nhận mình là nhà văn, nhà thơ, người bảo mình chỉ là người yêu nghệ thuật nhưng thực ra Bác là một nghệ sĩ lớn, một người nghệ sĩ thực thụ, một hiện tượng văn hóa đặc biệt, độc đáo, đa dạng. Ở Người hội tụ nhiều phương diện: nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà quân sự, nhà văn, nhà thơ...mà lĩnh vực nào cũng thể hiện một tài năng kiệt xuất. Người có một phong thái nghệ sĩ đặc biệt, vừa là con người thực, vừa như một ngôi sao lấp lánh đã góp phần quan trọng hình thành nên một phong cách Hồ Chí Minh độc đáo, cá tính nổi bật. Cùng với một trí tuệ kiệt xuất, một lối ứng xử văn hóa tinh tế, phong thái nghệ sĩ ấy đã tạo ra lực hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với tất cả chúng ta. Vì thế, Người trở thành nguồn cảm hứng từ rất lâu trong thơ, văn, nhạc, họa. Có nhiều mẩu chuyện được lưu truyền, có nhiều giai thoại được nhắc đến nhưng những đề tài về Bác chưa bao giờ vơi cạn.

Cuộc gặp gỡ của Bác đối với Đoàn Văn công Nghệ An lúc Bác về thăm quê cũng như cuộc gặp gỡ tại Phủ Chủ tịch đã để lại nhiều giai thoại và nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với những người làm công tác văn hóa, văn nghệ của địa phương. Người đã từng nhắc nhở, động viên các văn nghệ sĩ xứ Nghệ cố gắng giữ gìn những giá trị dân ca truyền thống mà cha ông để lại. Đó chính là động lực, là sức mạnh, là nguồn cảm hứng đặc biệt thôi thúc các nghệ sĩ quyết tâm giữ gìn di sản quý báu của dân tộc dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Đã gần 60 năm trôi qua, lời căn dặn của Người luôn được giới nghệ sĩ khắc ghi và phấn đấu thực hiện tốt nhất. Dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sân khấu kịch hát Ví, Giặm thể nghiệm thành công và đã có chỗ đứng đặc biệt trong làng sân khấu Việt Nam.

Nhằm tri ân, ghi nhớ những lời dạy của Bác cũng như những cảm hứng bất tận mà Bác mang lại, sân khấu kịch hát Ví, Giặm hàng chục năm qua đã xây dựng hàng loạt vở diễn lớn về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể là những vở diễn lấy hình tượng Bác Hồ làm trung tâm hoặc đơn giản chỉ là vở diễn được xây dựng cốt truyện dựa trên tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhằm giáo dục thế hệ trẻ như “Lời Bác sáng mãi lòng ta”, “Lời người dệt một bài ca”... Đặc biệt các vở sử thi nghệ thuật lấy hình tượng Bác Hồ làm câu chuyện xuyên suốt như: “Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví, Giặm” (1998), “Lời Người lời của nước non” (2009), “Bác Hồ, Người là niềm tin tất thắng” (2011) được Ban Chỉ đạo Trung ương “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tặng giải thưởng Tác phẩm xuất sắc năm 2008 và 2011. Riêng vở “Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví, Giặm” đạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1998, đạt giải thưởng đặc biệt trong Liên hoan Sân khấu Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm, được phát sóng trực tiếp trên các đài truyền hình cũng như biểu diễn phục vụ Nhân dân trong cả nước. Mỗi tác phẩm được khai thác dưới một góc nhìn, một câu chuyện, một ý tưởng riêng, nhưng đều góp phần tôn vinh, ca ngợi, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với Bác, gắn liền với những giai đoạn, những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc.

Cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra tại một vùng quê giàu truyền thống văn hóa. Mới 11 tuổi đã phải chịu nỗi đau mất mẹ và em trai mới sinh nơi đất khách quê người. Lấy cảm hứng từ cuộc sống thời niên thiếu của Bác Hồ, nơi Bác sinh ra và lớn lên, những yếu tố tác động đến việc hình thành nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có tư tưởng yêu nước tiến bộ của ông Nguyễn Sinh Sắc cũng như tư chất thông minh, giàu lòng nhân ái của bà Hoàng Thị Loan và vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng. Từ đó sân khấu Ví Giặm đã hun đúc, nung nấu và cho ra đời vở diễn đầu tiên xây dựng hình tượng Bác Hồ làm trung tâm, đó là vở “Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví, Giặm” do tác giả Vủ Hải viết kịch bản và đạo diễn, được NSND Hồng Lựu chuyển thể sang kịch bản dân ca vào năm 1998. Vở diễn gồm 3 phần tái hiện lại những dấu ấn lịch sử quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đời và tư tưởng của Bác với nhiều phân cảnh xúc động. Những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, rồi trở về chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam... Rồi lúc Người mang trọng bệnh, lúc suy tư bên ánh đèn với những trang Di chúc để lại cho muôn đời. Đây cũng là phân cảnh lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Qua đó công chúng thấy được rõ nét nhất chân dung Người, vừa là vị lãnh tụ của đất nước, vừa là người Cha giản dị, kính yêu của dân tộc. Các diễn viên từng hóa thân vào hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Thái Văn Hải (lúc Bác Hồ còn nhỏ), NSUT Hồng Dương (lúc Bác trưởng thành) và NSND An Phúc (khi Bác đã trở thành Chủ tịch nước). Để tái hiện được cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại lớn lao của Người qua hình thức sân khấu hóa, trong không gian và thời gian của sân khấu là điều không hề dễ dàng đối với tác giả, đạo diễn và người thể hiện. Bởi bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí nghệ thuật đặc trưng của thể loại kịch như tính cách điệu, ước lệ ... thì việc thể hiện hình tượng Bác còn đòi hỏi phải truyền tải được biểu cảm, hành động, tư tưởng của Người đến với công chúng thông qua việc nghe, nhìn sao cho gần gũi, tự nhiên, quen thuộc về một con người vừa vĩ đại, phi thường, vừa khiêm nhường, mộc mạc và giản dị. Tuy nhiên, với tình yêu và lòng mến mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nguồn cảm hứng bất tận mà Bác mang lại, các nghệ sĩ trên sân khấu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Chính sự lớn lao của Bác đã khiến tự bản thân các nghệ sĩ cảm thấu được cho bản thân mình, tự rèn luyện, phấn đấu theo tấm gương của Bác. Sự nhập thân ấy làm cho hình tượng của Bác trên sân khấu trở nên gần gũi, sinh động, và không còn khoảng cách giữa sân khấu và cuộc đời. Thành công vang dội của vở diễn “Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví, Giặm” là sự động viên, khích lệ các nghệ sĩ sân khấu xứ Nghệ mạnh dạn và tự tin hơn trong sáng tạo hình tượng Bác Hồ ở các vở diễn tiếp theo.

Năm 1911, tại Bến Cảng nhà Rồng, chàng trai Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm Bác quay trở về Việt Nam lãnh đạo phong trào cách mạng và giành độc lập, tự do cho dân tộc. Năm 1957, sau hơn 50 năm trời xa cách, Bác mới có dịp trở lại thăm quê hương Nghệ An trong niềm xúc động của bao người. Lấy bối cảnh từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vở diễn “Lời người lời của nước non” khai thác hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác đã trở thành Chủ tịch nước, xây dựng câu chuyện sinh động trong hai lần Bác về thăm quê sau hơn 50 năm trời xa cách. Đặc biệt vở diễn để lại nhiều xúc động ở phân cảnh Bác và chị Thanh gặp nhau lần đầu tiên sau bao nhiêu năm Bác bôn ba tìm đường cứu nước, những tình cảm của Bác với gia đình, với quê hương và đất nước, vì nghĩa lớn mà phải gác lại tình riêng, bỏ lại tình nhà để lo việc nước. Trong vở diễn, tư tưởng đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển tải sinh động thông qua những lời căn dặn của Bác đối với cán bộ, thẳng thắn góp ý đối với Nhân dân về việc lãng phí, uống rượu. Người gặp và tâm sự thân mật với anh Thuyên con cố Điền. Người đến thăm học sinh Trường Sư phạm miền núi, nhắc nhở các cháu giữ gìn vệ sinh, nhắc các học sinh dân tộc Mông giữ gìn bản sắc. Trả lời câu hỏi của một bạn học sinh về việc nước nhà bao giờ được thống nhất, Bác nói: “Khoai lúa cứ từ từ mà lớn, muốn lớn nhanh mà lôi nó lên thì nó cũng sẽ chết. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng phải có quá trình, phải trường kỳ không được sốt ruột vội vàng. Lâu hay nhanh là tùy vào sự phấn đấu của hai miền Nam Bắc, tùy thuộc vào sự học tập của các cháu”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng toát lên được hình ảnh một vị lãnh tụ bình dị, gần gũi, quyết liệt với cái xấu, cái tiêu cực, nhưng cũng đầy tính nhân văn và có một tầm nhìn xa mang tính toàn cục trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Thành công của vở diễn không chỉ ở khâu kịch bản và đạo diễn, mà một phần rất lớn quyết định chính là diễn viên đảm nhận vai diễn Bác Hồ. NSUT Tạ Hồng Dương vào vai khá thành công từ việc hóa trang đến diễn xuất đều lột tả được phong cách, thần thái và tầm vóc vĩ đại nhưng bình dị của Người. Đặc biệt là giọng nói, cách phát âm của Bác, cách trỏ tay, nhả chữ, thói quen dùng những câu ngắn với tốc độ nói nhanh, rành mạch của Bác, lúc Người nói chuyện với cán bộ cấp dưới Người hay dùng từ gì. Lúc nói chuyện với đồng bào miền Trung quê hương, Người hay thể hiện ngôn ngữ ra sao. Tiếp đó là những diễn biến tâm lý của Bác khi không lời thoại, đó là cơ mặt, ánh mắt, cử chỉ, dáng điệu, cả cách Người hay sải những bước dài, nhanh khi di chuyển...tất cả những yếu tố đó diễn viên đều tìm hiểu kỹ và hoàn thành xuất sắc. Do đó, người xem như thấy Bác Hồ hiện diện ngay trước mắt, lời nói của Bác, hành động của Bác, tư tưởng của Bác vì vậy mà cũng được truyền tải đến công chúng một cách tự nhiên hơn.

Bác Hồ chụp ảnh với Đoàn văn công Nghệ An tại Phủ  Chủ tịch năm 1962 ( Ảnh Tư liệu)

 Cũng trên sân khấu Ví, Giặm, hàng trăm ca khúc viết về Bác Hồ, hàng chục tiểu phẩm, đối ca, đối cảnh, hoạt cảnh, hoạt ca và rất nhiều chương trình sử thi nghệ thuật được dàn dựng vào các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của địa phương và cả dân tộc được lấy cảm hứng từ cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua mỗi chương trình, mỗi vở diễn, hình tượng Bác đều được khắc họa rất chân thực, ấm áp và có sức lan tỏa lớn về tư tưởng, nhân cách, lối sống, lí tưởng của Người. Những sự kiện, câu chuyện gắn liền cuộc đời của Bác nhiều người đã biết, đã thuộc nhưng khi được chuyển tải qua lăng kính nghệ thuật với cách kể, cách diễn khác nhau vẫn mang đến những xúc cảm, rung động mới. Đó cũng là cách để mỗi người được thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, để được bồi đắp thêm niềm tự hào, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Từ các tác phẩm nghệ thuật xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu Ví, Giặm, các thế hệ hôm nay sẽ có thêm nhiều bài học quý giá để học và làm theo tấm gương của Người. Những hình ảnh, câu chuyện, lời căn dặn của Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Nghệ Tĩnh, tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là sân khấu xứ Nghệ. Chắc chắn rằng, những tác phẩm sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được lan tỏa và dày lên theo năm tháng, giúp thế hệ ngày nay hiểu hơn về cuộc đời bình dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, từ đó không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511082

Hôm nay

281

Hôm qua

2359

Tuần này

21456

Tháng này

217955

Tháng qua

121356

Tất cả

114511082