Góc nhìn văn hóa
Có phải công nghệ đang làm giảm cảm xúc con người?

Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tác văn học nghệ thuật
Công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Ngay cả những lĩnh vực vốn dĩ được coi là lao động sáng tạo của tầng lớp tinh hoa như nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật, hay cơ bản như việc dạy học, công việc văn phòng… thì trí tuệ nhân tạo cũng đang chen lấn vào dần. Sự phát triển của công nghệ cũng mở ra nhiều con đường phát triển mới, nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ. Trong đó có vấn đề cảm xúc. Liệu công nghệ có làm cho cảm xúc của con người bị chai mòn, trơ trọi và giảm đi hay không?
Gần đây, khi tham gia biên soạn một cuốn sách liên quan đến trí tuệ của người Việt Nam, chúng tôi nhận được rất nhiều bài viết nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc nhìn khác nhau. Trong đó, đáng chú ý về một bài viết liên quan đến vấn đề tam hóa (hiện đại hóa, Việt Nam hóa, lành mạnh hóa) doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay của một nhà công nghệ. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực chiến lược phát triển doanh nghiệp, từng có hơn hai chục năm làm việc ở nhiều tập đoàn lớn ở nước ngoài và về nước với mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế doanh nghiệp của nước nhà. Với trình độ công nghệ mà tác giả nắm giữ thì việc vận dụng công nghệ trở nên vô cùng cao tay. Và tác giả cũng chia sẻ rõ ràng, bài viết này được sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết, tác giả chỉ cung cấp các tư liệu và sau đó hiệu đính lại bài vở. Còn lại đều do trí tuệ nhân tạo xử lý, ngay cả các hành văn.
Đây không phải là trường hợp hiếm thấy trong giới nghiên cứu khoa học. Bởi cách đây không lâu, khi gặp một đồng nghiệp có gần ba chục năm nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa dân tộc. Đây vừa là một người thầy, một người anh đáng kính của tôi. Trong cuộc gặp, khi nói về trí tuệ nhân tạo, anh chia sẻ rằng, vừa rồi có một tổ chức nước ngoài đặt anh một bài viết khoảng 5.000 từ tiếng Anh để thảo luận về một vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Do thời gian gấp quá, anh đành sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết. Anh cung cấp cho phần mềm hơn 30 tài liệu liên quan và đặt lệnh phù hợp. Chỉ một thời gian ngắn anh đã có một bài viết được tổng hợp dựa trên các tư liệu anh cung cấp. Và bài viết cũng được tổ chức nước ngoài công nhận. Tuy nhiên, nhà khoa học này vẫn cho rằng, đây là biện pháp chống chế do thời gian quá gấp và đối tác cũng chỉ cần những vấn đề cơ bản. Chứ nếu làm học thuật nghiêm túc thì những cách thức này không sử dụng được!
Hay ở một diễn đàn mở khác mà cách đây vài tuần tôi có tham gia thảo luận về sự đổi thay của giáo dục trong thế giới phẳng dưới tác động của công nghệ hiện đại. Một thanh niên trẻ đã tuyên bố rằng anh ta có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh tốt nên không cần phải đến trường để học những bài học hàng ngày vì anh ta có thể vào mạng và tìm để nghe những bài giảng của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó, thậm chí cả những nhà khoa học đã từng đạt giải Nobel trước đây. Bởi hệ thống dữ liệu ngày càng lớn cho phép anh ta làm điều đó một cách dễ dàng. Anh ta cũng có thể viết một bài luận để tham gia các hội thảo hay các khóa học bẳng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện qua việc cung cấp cho nó những tư liệu liên quan đến chủ đề anh ta chọn. Nói tóm lại, anh ta không cần thầy giáo dạy trực tiếp cho mình trong bối cảnh hiện nay. Ý kiến này đã được thảo luận khá sôi nổi. Một số ý kiến cho rằng ngoại ngữ là công cụ quan trọng và khi có trình độ ngoại ngữ đủ tốt thì người ta có thể tiếp cận những tài liệu quan trọng, những bài giảng của những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực mà họ quan tâm. Như vậy, việc đến trường học ở trong nước hiện nay không có nhiều vai trò quan trọng khi mà nhiều giảng viên thực tế không tiếp cận được những tri thức mới mẻ trên trường quốc tế do rào cản ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến cho rằng ngoại ngữ chỉ là một công cụ cơ bản để tiếp cận tri thức, trong khi việc đến lớp học còn nhiều vấn đề khác nữa chứ không chỉ là để tiếp nhận tri thức, người học còn phải tương tác lẫn nhau trong một môi trường cụ thể và trực tiếp để tạo động lực cũng như tìm những đối tác trong quá trình học tập và nghiên cứu, tìm cảm xúc để sống với nhau nữa chứ không chỉ có mỗi tìm kiếm tri thức. Một số ý kiến trung dung hơn khi cho rằng nên hài hòa cả việc đến trường học và việc tìm kiếm tri thức trên mạng…
Câu chuyện này chẳng có gì lạ lẫm. Bởi mấy năm gần đây, việc vận dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực sáng tạo đang ngày càng phổ biến. Người ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm thơ, viết văn. Rồi hình thành các chuyên đề tập huấn về việc vận dụng trí tuệ nhân tạo để viết báo. Hay việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để vẽ tranh…. Vậy nên, việc dùng trí tuệ nhân tạo để viết một bài tham luận khoa học hay học tập từ các bài giảng của các chuyên hàng đầu trên thế giới về các lĩnh vực nhất định qua mạng internet cũng không phải là không thể được. Có điều, sau tất cả những sự thuận tiện khi sử dụng trí tuệ nhân tạo đó, cảm xúc của con người sẽ đặt vào đâu? Chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng, sự khác biệt của con người đến từ cảm xúc. Cảm xúc là linh hồn để làm người.
Trong nghiên cứu khoa học nhân văn, sáng tác văn chương nghệ thuật, cảm xúc là nhân tố vô cùng quan trọng. Bởi cảm xúc mang tính cá nhân, thể hiện được cái riêng của các tác giả. Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ tích hợp các thông tin, dữ liệu và phân tích nó theo các mệnh lệnh khác nhau. Nhưng trí tuệ nhân tạo, dù phát triển đến đâu thì cũng chỉ là một công cụ do công nghệ sản sinh ra, nó không phải con người và không thể thay thế con người bởi nó không có cảm xúc. Dù có thể lồng những cảm xúc vào trong các sản phẩm mà trí tuệ nhân tạo làm ra nhưng đó là cảm xúc của những người khác được trí tuệ nhân tạo tích hợp lại. Tác giả nếu không tự mình tạo ra các sản phẩm thì khó thể hiện được cảm xúc của chính mình trong đó. Khi cảm xúc trở nên mờ nhạt thì tính cá nhân cũng không được biểu hiện. Nói cách khác, trí tuệ nhân tạo thực hành các thao tác theo mệnh lệnh được ban ra mà không cần biết người đưa ra mệnh lệnh đó là như thế nào. Ai đưa ra mệnh lệnh thì nó cũng thực hiện và tạo ra một sản phẩm như vậy. Điều này hoàn toàn khác biệt với con người vốn biết đưa cảm xúc của mình vào các sản phẩm để thể hiện tính cá nhân. Cùng tạo ra một loại sản phẩm nhưng những con người khác nhau thì các sản phẩm cũng khác nhau vì họ không giống nhau về cảm xúc. Hay trong giáo dục cũng thế, thầy trò ngoài truyền đạt tri thức thì còn là tình cảm, là sự kính trọng, ngưỡng mộ và lòng yêu thương, quan tâm. Điều đó làm nên tình nghĩa, trách nhiệm liên đới trong mối quan hệ thầy trò. Những thứ mà các cộng đồng coi là truyền thống tôn quý cần phải được gìn giữ.
Cảm xúc hình thành trong quá trình tương tác giữa tác giả và các đối tượng của mình. Sự tương tác đó thể hiện qua nhiều góc độ, mức độ khác nhau do các cung bậc cảm xúc khác nhau quyết định. Con người vốn dĩ là sinh vật có cảm xúc nên khác xa máy móc. Họ biết yêu, gét, ân, oán và cảm xúc cũng thay đổi. Nên trong từng bối cảnh cụ thể, trường hợp cụ thể, con người đưa ra những lựa chọn khác nhau, tạo nên những sản phẩm khác nhau bởi do nhiều nhân tố tác động trong đó có cảm xúc. Trí tuệ nhân tạo thì không có được điều đó. Nó được cung cấp thông tin dữ liệu và thực hiện các mệnh lệnh một cách theo đúng lập trình. Sản phẩm của trí tuệ nhân tạo là sản phẩm đồng loạt và theo mệnh lệnh. Nó không phân biệt được hoàn cảnh cũng như đối tượng và sự thay đổi của hoàn cảnh và đối tượng đó trong các thời điểm khác nhau. Về cơ bản, trí tuệ nhân tạo sẽ thay con người ở nhiều công việc quan trọng, nhưng không thay thế được cảm xúc con người. Tương tự như vậy, tình cảm thầy trò cũng được hình thành qua quá trình tương tác trực tiếp giữa dạy và học. Học trực tuyến hay học qua các bài giảng trên internet sẽ làm nhạt nhòa mối quan hệ thầy trò vì không tạo ra được cảm xúc từ quá trình trương tác.
Công nghệ hiện đại phát triển như vũ bão. Trí tuệ nhân tạo cũng được cải tiến và liên tục tiến hóa qua các giai đoạn khác nhau. Từ khi manh nha xuất hiện chỉ làm được một số chức năng đơn giản thì càng ngày nó càng làm được nhiều việc phức tạp hơn. Không chỉ thực hành các thao tác trong quản lý các hệ thống kỹ thuật, các quy trình sản xuất lớn, mà trí tuệ nhân tạo còn thực hiện được những công việc rất phức tạp như sản xuất tri thức về mọi mặt thông qua việc tích hợp các thông tin dữ liệu được con người cung cấp. Trí tuệ nhân tạo ngày càng làm thay đổi một cách toàn diện và sâu sắc. Nhưng không chỉ riêng trí tuệ nhân tạo mà các nhân tố công nghệ khác như mạng xã hội, truyền thông toàn cầu, dữ liệu lớn… cũng đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống con người. Các nhân tố công nghệ không chỉ góp phần làm tăng năng suất lao động lên cao hơn, đẩy mạnh kết nối xuyên biên giới hay tạo ra những mạnh lưới xã hội toàn cầu với tốc độ truyền tin siêu nhanh. Những điều đó một mặt giúp con người gắn chặt với nhau hơn, quan tâm nhau nhiều hơn và tạo ra những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng mặt khác, cũng các nhân tố công nghệ đã góp phần làm chai sạn cảm xúc của con người. Những sự nhục mạ cá nhân với nhiều nhân danh khác nhau xuất hiện liên tục trên mạng xã hội. Những vụ việc cả hàng ngàn người có liên quan hoặc không liên quan cũng lao vào “đánh hội đồng” một cá nhân hay một tập thể qua mạng xã hội gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Rồi những hành vi lừa đảo qua mạng xã hội hay sự tăng lên của tội phạm công nghệ… Nó đều làm cho cảm xúc con người thay đổi, thậm chí chai sạn đi. Nhiều người vô tâm bước qua những sự đau khổ của người khác. Cũng nhiều người không hiểu vấn đề một cách rõ ràng cũng tham gia vào việc lăng nhục người khác một cách không thương tiếc. Rõ ràng, công nghệ đang làm cho con người không kiểm soát được cảm xúc của mình một cách phù hợp hơn trong những bối cảnh cụ thể.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ có thể chi phối hầu hết mọi lĩnh vực. Nhưng chúng ta là con người nên càng phải giữ được cảm xúc của mình. Công nghệ dù có thể giải quyết nhiều vấn đề khác nhau nhưng không thể để nó thay thế con người được. Muốn vậy thì cảm xúc chính là sự khác biệt mà con người phải gìn giữ cho riêng mình. Giữ gìn cảm xúc con người trong các mối quan hệ khác nhau chính là giữ đạo lý, giữ cái tình nghĩa của con người với con người, con người với xã hội. Công nghệ sẽ tiếp tục phát triển, trí tuệ nhân tạo cũng tiến hóa không ngừng, quan hệ xã hội cũng liên tục thay đổi. Nhưng còn giữ được cảm xúc thì con người vẫn còn giữ được sự khác biệt và tạo ra được dấu ấn cá nhân trong xã hội. Đó có lẽ cũng là một góc nhỏ để đảm bảo sự hiện diện và tính làm chủ của con người đối với xã hội. Công nghệ sẽ vượt xa con người về nhiều thứ, nhưng không thể giàu cảm xúc như con người được./.
tin tức liên quan
Videos
Nét văn hóa trong phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc ta
Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng”
Người Ơ - đu ở Nghệ An [kỳ 1]
Nguyễn Đăng Mạnh và những bức tường phê bình văn học
100 ngày đảo lộn thế giới
Thống kê truy cập
114556242

280

2279

22044

223785

122920

114556242