Văn hóa và đời sống
Công tác cán bộ là "Then chốt của then chốt"
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu liên quan tới công tác cán bộ: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”[1]. Theo tinh thần đó, cái “then chốt” công tác cán bộ liên quan tới sự thành hay bại của nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chỉ ra một trong những nguyên nhân của những khuyết điểm, Đảng ta chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu của công tác cán bộ ở một số nơi còn hình thức”[2].
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn số liệu: “Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 Bộ trưởng, nguyên Bộ Trưởng, 13 sĩ quan cấp Tướng trong lực lượng vũ trang”.
Tổng kết cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng có một bước đột phá, được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và có hiệu quả, để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Mặt khác những con số nêu trên cũng khiến chúng ta hết sức đau xót vì chưa bao giờ Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta lại phải chịu một tổn thất vô cùng to lớn và nặng nề về cán bộ như vậy.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao lại có nhiều cán bộ bị khởi tố, truy tố, xét xử như vậy? Trong báo cáo nêu trên, người đứng đầu Đảng ta đã chỉ ra nguyên nhân “do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc tính chất nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thật sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẻ hở, dễ bị lợi dụng”.
Đúc kết lại thì nguyên nhân khiến nhiều cán bộ bị khởi tố, truy tố, xét xử là do: 1. Bản thân cán bộ thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, cái tâm không chính, xiêu vẹo, vẩn đục, tự biến mình thành tù binh của danh lợi và quyền chức; 2. Bộ máy còn những lỗ hổng, kẻ hở, đặc biệt trong đó là cơ chế, thể chế về công tác cán bộ và xây dựng, thực hiện nền dân chủ một cách thật sự. Đó là cái gốc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh chúng ta phải ngăn chặn từ gốc và xử lý tận gốc. Khởi tố hàng ngàn vụ án, hàng ngàn bị cáo bị truy tố xét xử, nhưng đó mới chỉ là ngọn, chưa phải là gốc. Cái gốc là thể chế, cơ chế, trong đó có cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế công tác cán bộ và ý thức tu thân chính tâm của cán bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực cho tốt, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật. Ảnh: tccs.org.vn
Nhiều cán bộ bị khởi tố vừa qua đương nhiên là do bản thân thiếu tu dưỡng, nhưng rõ ràng công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực bằng nền dân chủ thật sự có vấn đề. Quyền lực được kiểm soát bằng cơ chế và ràng buộc bằng trách nhiệm - quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn - là chưa đủ. Cái “lồng” cơ chế đó chưa đủ sức “nhốt” quyền lực. Phải đan cái “lồng” cơ chế dân chủ - dân chủ trong Đảng, dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, rộng hơn là dân chủ trong xã hội, vì dân chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, nhanh chóng. Đó phải là một thiết chế dân chủ có nguyên tắc, có lãnh đạo. “Lồng” cơ chế dân chủ mới thật sự là “lồng thép” để “nhốt” quyền lực. Điều hiển nhiên là dân trao quyền lực thì dân nhốt quyền lực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một trong những nguyên nhân thành công của công tác phòng, chống tham nhũng là chúng ta đã dựa vào lực lượng quần chúng, phát huy được vai trò vô cùng quan trọng của Nhân dân như lời căn dặn của Bác Hồ là động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công. Câu nói đầy đủ của Bác liên quan tới vai trò của dân đối với việc kiểm soát quyền lực là: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[3]. Như vậy, dân không chỉ “nhốt” quyền lực mà còn phế truất quyền lực. Đó là tư duy khoa học, cách mạng, nhân văn theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Về thể chế, cơ chế công tác cán bộ. Cần phải khẳng định chúng đã có được một bước tiến khá dài so với thời kỳ đầu đổi mới, mà một trong những minh chứng là chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đề cập trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận những cụm từ “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ” “lót tay”, “cánh hẩu”, “thân quen”, “điểm tựa chống lưng”, “tham nhũng khi xây dựng chính sách, luật pháp”. Đặc biệt trong công tác cán bộ, chúng ta có bước tiến từ 3 bước lên 5 bước theo một quy trình chặt chẽ với niềm tin không ai có thể lọt qua được.
Gần đây, Tổng Bí thư nhiều lần nói tới việc phải bịt kín những “khoảng trống”, “kẻ hở”. Chỉ rõ tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền, ông nhấn mạnh tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng từng khâu của công tác cán bộ; không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tổng Bí thư từng đặt câu hỏi tại sao quy trình chặt chẽ mà đầu ra lại hỏng? Quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên thường không nằm trong “nhóm lợi ích”, “sân sau”, cánh hẩu, “thân quen” hay những người xây dựng chính sách có quyền đặt câu hỏi đã có những điều tra, truy tố, xét xử nào liên quan tới “sân sau”, “cánh hẩu”, “thân quen”? Khoảng trống, kẻ hở nào? Trống, hở đến đâu? Trên diễn đàn Quốc hội và gần đây Tổng Bí thư nhiều lần nói tới tham nhũng chính sách; tham nhũng, tiêu cực khi xây dựng chính sách; lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng văn bản pháp luật. Những tổng kết, nhận xét đó được rút ra từ thực tiễn cho thấy sự suy thoái trong nội bộ, những người có chức, có quyền, bộ phận xây dựng chính sách, luật pháp là vô cùng nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ.
Câu hỏi đặt ra: “Ai là những người xây dựng chính sách, luật pháp? Chắc chắn không thể là Nhân dân và cán bộ, đảng viên thường. Cũng không thể một hai cá nhân. Phải là một nhóm cán bộ có chức, có quyền, có vị trí. Cái này gắn với và tạo ra “lỗ hổng”, “kẻ hở” mà Tổng Bí thư nói tới. Ngăn chặn từ gốc và xử lý tận gốc là ở những chỗ này. Bịt kín “lỗ hổng”, “kẻ hở” cũng là ở những chỗ này, ở những người xây dựng chính sách lồng ghép “lợi ích nhóm”. Đây không thể là câu chuyện nói chơi mà phải truy, ngăn chặn và xử lý tận gốc.
Từ nhiệm kỳ Đại hội X đến nay, chúng ta nói nhiều đến “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư một lần nữa tiếp tục nhắc lại cụm từ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Một câu hỏi được đặt ra: “Bộ phận không nhỏ nằm ở đâu? Đó vẫn còn là một “ẩn số” mà nếu không giải mã được “ẩn số” này thì cái gốc tham nhũng, tiêu cực vẫn còn. Gốc còn thì cây lá vẫn mọc xum xuê.
Một vấn đề cụ thể hơn về công tác cán bộ đó là từ Đại hội XII chúng ta có 5 bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ. Quy trình bổ nhiệm cán bộ từ nguồn nhân sự tại chỗ của các cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy qua các bước sau: Hội nghị ban thường vụ (lần 1), Hội nghị ban chấp hành (lần 1), Hội nghị ban thường vụ (lần 2); Hội nghị cán bộ chủ chốt; Hội nghị ban chấp hành (lần 2).
Phải khẳng định đó là một quy trình rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên chất lượng trong các khâu của quy trình đó thế nào thì ai mà biết được. Có những cán bộ qua tuyển chọn rất kỹ của quy trình 5 bước được cơ cấu, bổ nhiệm, đề bạt chỉ một thời ngắn sau đã hỏng. Ngoài việc do chính cán bộ đó suy thoái, tha hóa, vấn đề đặt ra nằm chính ở các khâu tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ chỉ một hai tháng sau bổ nhiệm đã hỏng thì không thể biến chất nhanh như vậy, mà bệnh tình đã ủ trong một thời gian dài trước khi thực hiện 5 bước. Vậy mà bước nào cũng lọt qua một cách ngoạn mục, không tì vết. Câu hỏi đặt ra: Trách nhiệm của các hội nghị đó thế nào? Chúng ta đã rút kinh nghiệm, mổ xẻ cái này chưa, đã tìm cái gốc ở đây chưa hay chỉ mới xử lý ngọn ở những cán bộ hư hỏng? Câu chuyện này không được bàn kỹ để tìm cách khắc phục thì rất khó ngăn chặn, đẩy lùi cán bộ xấu.
Bàn kỹ phải bắt đầu từ việc hiểu và đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn, bổ nhiệm và dùng cán bộ. Hiểu biết cán bộ là việc khó. Mà cái khó bắt đầu từ những người làm công tác cán bộ, người đứng đầu thường mắc những bệnh như thích nhiều tiền, ưa người ta nịnh mình, do lòng yêu ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Từ đó dẫn đến khi dùng cán bộ, ham dùng người “lót tay”; ham dùng kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực; ham dùng những người tính tình hợp với mình, tránh những người tính tình không hợp với mình.
Bệnh nặng trong công tác cán bộ như vậy dẫn đến nhiều năm qua cán bộ đứng đầu ở nhiều tỉnh, thành, bộ không những không trở thành tấm gương sáng, đầu tàu mà còn “chẳng chính ngôi”, “bất chính”, “chân lấm bê bê” như cách nói của Tổng Bí thư. Cán bộ lãnh đạo cốt cán, “rường cột” mà hư như vậy, trách sao được ở dưới “hỗn hào”, “tắc loạn”?
Một vấn đề khác không thể không nói tới trong các bước của công tác cán bộ, đó là chúng ta chưa thật sự quan tâm, chưa làm theo chỉ dẫn của Bác Hồ mà gần đây Tổng Bí thư hay nhắc đến. Bác dạy: “Để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến của họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng”[4]. Người nói rõ hơn: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[5]. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Bác nhưng chúng ta lại bỏ rơi điều căn cốt nhất về công tác cán bộ.
Có một thời gian khá dài, nhiều cán bộ có khuyết điểm, bị kỷ luật, nhưng vẫn đàng hoàng yên vị, lại còn đi chỉ đạo đại hội Đảng ở cơ sở; đi dự hội thảo, thuyết trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là những việc làm không hay trong công tác cán bộ, để lại hình ảnh xấu, phản cảm, tạo ra dư luận không tốt trong lòng quần chúng nhân dân và những cán bộ, đảng viên tốt, làm giảm niềm tin của Nhân dân vào công tác cán bộ của Đảng.
Trong ba nhiệm kỳ liên tiếp từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta nhiều lần khẳng định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng, về cán bộ suy thoái trong tổ chức cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Quan điểm này rất đúng. Tuy nhiên cơ chế về trách nhiệm, chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ chưa thật sự có hiệu quả. Thực tế nhiều năm qua, người đứng đầu ở những nơi có cán bộ bị khởi tố, truy tố không hề bị chịu trách nhiệm gì. Đây là điều làm cán bộ, đảng viên và Nhân dân hết sức băn khoăn.
Tóm lại, một bộ phận không nhỏ cán bộ hư hỏng vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân gốc là công tác cán bộ. Tập trung xử lý cái gốc này theo chỉ dẫn của Bác Hồ là phải luôn luôn xét lại những nghị quyết, chỉ thị của mình về các việc nói chung, trong đó có công tác cán bộ đã thi hành thế nào. Nếu không thì những nghị quyết, chỉ thị, lời nói của mình hóa ra lời nói suông, hại đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Làm được như vậy sẽ có tác dụng to lớn ngăn chặn, đẩy lùi cán bộ tha hóa, biến chất, đem lại những kết quả to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
* GS.TS Bùi Đình Phong - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(Bài đăng trên VHTTNA số 07)
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.27.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Lập luận của người Việt trong truyện cười từ góc nhìn nghệ thuật ứng xử
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511013
212
2359
21387
217886
121356
114511013