Góc nhìn văn hóa

Đôi điều về Giáo sư Đặng Xuân Kỳ

 

Gs Đặng Xuân Kỳ

Đang viết một bài cho tạp chí mà trong đầu tôi cứ thấy hiện lên bóng dáng của Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, người đã rời cõi tạm cách đây 10 năm.

Thật là một con người đáng kính!

Ngày xưa, tôi là quân của ông ấy. Ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (hiện đã sáp nhập cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Đối với thủ trưởng nào cũng vậy, tôi cứ ở xa đứng nhìn. Tuổi của tôi kém Giáo sư Đặng Xuân Kỳ suýt soát một phần tư thế kỷ.

Không thân. Không chối. Nhưng, lạ thay cho chính tôi: hễ khi ông ấy rời cái "ghế", tức là không làm thủ trưởng của mình nữa, thì tôi lại quen thân, lại cộng tác với ông ấy việc này việc kia trong khoa học.

Tôi nhớ nhất về Giáo sư Đặng Xuân Kỳ mấy điều.

1. Một người trung hậu

Với ai thì tôi không rõ, chứ đối với anh em cấp dưới, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ tôn trọng chứ không quan cách, ra vẻ ta đây. Là Viện trưởng của một Viện trực thuộc Trung ương Đảng, có khóa là Ủy viên Trung ương. Oai lắm. Lại là con trai đầu của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Ông coi anh em cấp dưới nhiều lúc như người thân.

Mà là người thân thật chứ còn gì nữa. Cùng cơ quan. Cùng một con thuyền mà. Ông ấy là thuyền trưởng, còn anh em là những thủy thủ. Không thân, cớ sao? Tôi viết vậy bởi vì tôi thấy nhiều ông thủ trưởng ở cơ quan này cơ quan nọ không được vậy đâu. Khi không được việc, cái ông thủ trưởng ấy cứ thế mà xả cái bực bội vào anh em cấp dưới, xả hết cỡ. Lại nhớ lâu, thù dai nữa. Ai không may mà gặp ông thủ trưởng kiểu ấy thì thôi rồi!

2. Có tình có nghĩa với gia đình, họ hàng

Giáo sư Đặng Xuân Kỳ có vợ bị bệnh đến vài chục năm. Đến nửa cuối của cơn bạo bệnh, bà ấy không đi lại được. Mọi sinh hoạt cá nhân phải có người giúp. Mặc dù thuê người giúp việc, nhưng thường thường ông ấy tự tay bón cơm cháo cho bà vợ.

Một số lần có việc, tôi đến nhà ông, có lúc thì thấy ông đang pha cà phê. Hỏi tại sao không để người giúp việc pha cho. Ông bảo, thôi, mình tự pha lấy, mình làm được thì cứ làm, để người giúp việc làm việc khác. Có lúc thấy ông đang gò lưng lau nhà (lúc ấy tuổi 70).

Có lần tôi đi công tác với ông vào Đà Nẵng. Cả đoàn đang ăn cơm, thì ông có chuông điện thoại reo. Ông buông bát đũa, ra một góc phòng nghe. Trở lại bàn ăn, ông ấy bảo con dâu vừa gọi điện vào bảo bố nhớ mua mắm tôm Đà Nẵng về. Trời ạ! Bọn tôi cười ái ngại. Lại có lần đi công tác, ra đến đảo Phú Quốc, ông mua mấy bọc tôm khô, bảo là để về cho cả nhà dùng dần. Ông bảo các cậu sướng, đi đâu không phải lo, còn mình cứ phải lo cho cái bếp ăn của nhà mình.

Có lần tôi đi công tác nước ngoài với ông. Trong hành lý của ông, có lẽ không thiếu thứ gì cho sinh hoạt cá nhân, có bàn là mini, có cả thuốc ho, thuốc chữa đau bụng đi ngoài; có cả dây phơi, có cả kim chỉ, mấy cái cúc áo quần dự phòng. Khen: Ôi chao, người nhà chuẩn bị cho sao mà cẩn thận, chu đáo thế...thế. Ông ấy bảo tự chuẩn bị hành lý chứ chẳng ai vào đây cả. Thật bất ngờ! Khi anh em nghỉ trong phòng thì ông lại đi ra ngoài mấy cửa hàng gần đó tìm mua quà cho các cháu ở nhà. Có hôm về không, vì không có quà ưng ý. Khổ!

Có lần sang Vân Nam (Trung Quốc), đến thăm triển lãm nông nghiệp hay chợ hoa gì đó, hình như là chợ hoa Trình Cống lớn nhất nước, ông ấy mua cả phân bón cây cảnh, mua 20 mét ống dẫn nước. Hỏi thì bảo là mua về để chăm bón cây cảnh ở nhà. Lạ!

Ông ấy bảo thỉnh thoảng ăn mì tôm, mà thích nhất là mì tôm "bao xi măng" vì nó dai dai (có lẽ là mì gói Miliket). Có lần cô em vợ đến bắt gặp ông đang trút gói mì tôm vào bát để đổ nước sôi vào. Cô ấy dằng lấy, kêu ầm lên: "Không được, không được! Bác giúp việc đâu rồi? Ai lại để cho anh tôi ăn uống thế này?".
Ông ấy tạo điều kiện công ăn việc làm cho mấy đứa cháu ở quê. Có đứa làm giúp việc cho gia đình ông. Một thời gian sau, đứa cháu xin về quê. "Ừ thì mày về quê kiếm tấm chồng, nhưng để bác lo cho cái nghề đã". Nói thế, ông tìm nơi cho cô cháu học nghề may. Một thời gian sau… Một hôm đang ngồi nhà, ông ấy nghe tiếng rao đồng nát quen quen, té ra là cô cháu lên Hà Nội đi đồng nát. Ông lại giang tay ra che chở.

Có thời gian dài, cả hai mẹ (mẹ đẻ, mẹ vợ) sống cùng nhà với vợ chồng Giáo sư Đặng Xuân Kỳ. Hỏi ra mới biết là hai cụ ấy chỉ thích ở với ông Kỳ thôi. Chuyện này không biết có đúng vậy không. Nhưng có lần ông kể: "Trong nhà mình, có ba người hết sức đặc biệt cần chăm sóc cẩn thận" (Ý nói ba người ấy là: vợ đang bị ốm đau kinh niên, mẹ đẻ và mẹ vợ già yếu bệnh tật). Đã có lần mẹ vợ ông Kỳ bị ngã trong nhà tắm đến vỡ cả xương chậu.

Vốn là người lạc quan, vui tính, hay tếu táo, có lần ông Kỳ bảo: "Các cậu cứ nói cán bộ nào làm đầy tớ cho dân chứ mình thì làm đầy tớ cho dân hơn 20 năm nay rồi" (Ý nói là ông chăm vợ ốm).

Bái phục!

Cũng chính vì vậy chăng, tôi không chắc lắm, sau khi vợ về Trời được khoảng 9 tháng thì Giáo sư Đặng Xuân Kỳ cũng về theo, thọ 79 tuổi. Ổng bị bệnh nói nôm na là bị khủng hoảng cái nhà máy chế tạo hồng cầu (tủy sống). Ra thăm ông tại bệnh viện Hữu nghị, lúc nào mình cũng thấy ông lạc quan, cứ nói sang sảng. Ông bảo: "Người nhà cứ đề nghị đưa tôi sang chữa bệnh tại Singapore, nhưng mà tôi có phải đại gia đâu!" Lại còn không dứt bỏ được cái tính thường thấy ở ông là quan tâm đến khoa học. Sau cái đận ấy, ông ra đi rất nhanh.

3. Con người cương trực

Yêu ghét rõ ràng. Thật giả rõ ràng. Phải trái phân minh.

Giáo sư Đặng Xuân Kỳ là thế. Nhưng không may, trong vòng xoáy của đấu đá quyền lực, ông bị lôi vào. Không phải đầu thì phải tai. Ông rất buồn về điều đó, mặc dù đi công tác nhiều lần với ông, tôi thấy ông không hề thổ lộ. Ông chỉ thương cán bộ dưới quyền ông, vì ông mà phải liên lụy, vì ông mà phải gặp khó. Rồi ông động viên người này, an ủi người nọ. Ông bảo: "Mình phải có trách nhiệm với trên, đồng thời cũng phải có trách nhiệm với dưới". Ôi chao! Làm thủ trưởng, mấy ai được như ông?

Phát biểu góp ý với trên thì thẳng thắn, chân thành. Có lúc thì "chững" người, bực mình khi góp mãi nhưng "người ta" chẳng nghe. Ấy là anh lái xe cho Giáo sư Đặng Xuân Kỳ có lần nói với tôi thế. Anh lái xe bảo với ông Kỳ: "Thôi chú ạ, nói mà người ta không nghe thì kệ người ta, đừng bực mình làm gì. Việc nước nó lắm người lắm". Cái sự "lắm người" mà anh lái xe nói tôi không biết là nghĩa gì. Thế mà Giáo sư Đặng Xuân Kỳ nghe đấy, nể anh lái xe. Vì có lần Giáo sư Đặng Xuân Kỳ kể rằng, có hôm, ông ấy được mời lên nói về một vấn đề rất hệ trọng ngay trước khi Đại hội Đảng cho ông thường trực gì gì đó nghe. Hẹn là chỉ nói 1 tiếng đồng hồ, nhưng người nghe thấy hay, đề nghị kéo dài ra cả buổi 4 tiếng. Ông kể: "Buổi ấy tôi nói thẳng ra rất nhiều điều, nói như rút ruột, nói hết những điều bấy lâu nay tôi nghiên cứu, không kiềng nể gì; chắc chắn "người ta" không "nghe" đâu".

Lúc cơ quan có việc này việc nọ không vui (do có cả một số người xấu bụng phá nữa), Giáo sư Đặng Xuân Kỳ nói với anh em rằng, hãy trung thực, thẳng thắn, dù có thế này thế nọ (ý là dù có bị trù dập); rằng, khi bão nổi lên, mọi người phải giữ chặt lấy cột kèo để nhà khỏi đổ, chứ đừng có nhân dịp gió mạnh mưa to mà đang tâm xô đổ cột nhà.

4. Tận tụy với khoa học

Khi Giáo sư Đặng Xuân Kỳ rời ghế Viện trưởng, tôi có dịp cộng tác với ông ấy trong một chương trình khoa học. Lúc này, Giáo sư tuổi đã cao, sức không còn được như trước nữa. Tôi nói sức ở đây gồm cả sức khỏe, cả sức lao động sáng tạo.

Ông biết điều đó. Nhưng, bù lại, độ chín trong nghiên cứu của ông lại đằm hơn, lý lẽ của ông chắc hơn. Những người trẻ như bọn tôi cứ hay nói này nói nọ, lập luận có vẻ hăng hái, ông ấy phản biện cho, có lúc mất cả hứng. Lại còn hăng máu gửi bài đăng chỗ này chỗ nọ, in sách tùm lum các công trình nghiên cứu. Giáo sư Đặng Xuân Kỳ thì không. Ông ấy bảo rằng, chẳng thiết thực gì đối với ông; rằng, ông ấy sẽ có nhiều kênh để chuyển tải đến những địa chỉ cần thiết những kết quả nghiên cứu khoa học của ông.

Giáo sư Đặng Xuân Kỳ không ngại gặp người này người nọ để nghiên cứu, phỏng vấn sâu, trao đổi học thuật, mặc dù một số người trong số cần gặp không mấy thiện cảm đối với ông và đối với gia đình ông trong quá khứ. Một số cuộc, tôi có đi cùng. Và thế là tôi nghe thấy được, kiểm chứng được nhiều điều, rất nhiều điều mà trước đó tôi đã nghe nhưng chưa tin. Có những chuyện ngạc nhiên đến sửng sốt.

Giáo sư Đặng Xuân Kỳ được nhận "Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học" (truy tặng). Tiền thưởng đâu như 200 triệu đồng gì đó. Gia đình ông đem một phong bì tiền (chẳng biết bao nhiêu) biếu tôi do đã cộng tác với ông trong nhiều công trình khoa học. Tôi rất cảm ơn, nhưng không nhận. Sau nghĩ lại, mới thấy là giá như cứ nhận rồi dâng lên ban thờ ông ở tư gia của ông thì hay hơn. Tôi biết trường hợp giải thưởng này đối với ông ấy cũng là trường hợp rất khó nói. Tôi là người trong cuộc của Hội đồng liên ngành xét giải năm đó. Có một điều cần khẳng định một cách chắc chắn rằng, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ hoàn toàn xứng đáng được nhận “Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học" với công trình nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước.

Có lẽ chưa đến ngày giỗ của Giáo sư Đặng Xuân Kỳ (tháng 4 âm lịch). Dù vậy, mấy điều viết hôm nay tôi tự coi là một nén nhang tưởng nhớ đến ông.

Cầu mong ông phiêu diêu miền cực lạc của Phật A Di Đà!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511075

Hôm nay

274

Hôm qua

2359

Tuần này

21449

Tháng này

217948

Tháng qua

121356

Tất cả

114511075