Người xứ Nghệ

Gia tài để lại của nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu

Ngày 31 tháng 01 năm 2023, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu đã thanh thản ra đi về miền mây trắng, về với quê hương Bắc Thành (Yên Thành, Nghệ An), hưởng thọ 89 tuổi.

Hòa trong dòng người tiễn đưa, ông Cao Đăng Vĩnh - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An ngậm ngùi chia sẻ: “Bác Siêu ra đi, một cây đại thụ của ngành Văn hóa Nghệ An nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi! Một người kể chuyện Bác Hồ hay nhất xứ Nghệ ra đi! Một khoảng trống khó đắp bù!”.

Ông Trần Minh Siêu sinh năm 1935. Năm 1957, sau một lớp đào tạo ngắn hạn về sư phạm, ông về dạy Văn, Sử ở Trường Phổ thông cấp II Phú Cường - Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Vốn đam mê lịch sử nên vừa giảng dạy ông vừa tranh thủ mọi thời gian ôn luyện để quyết tâm thi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoa Lịch sử) và ông đã thi đậu vào trường này, khoa này vào năm 1959. Là học trò của các giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng được mệnh danh “tứ trụ lịch sử đương đại” như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, tình yêu với lịch sử dân tộc, ngọn lửa đam mê nghiên cứu lịch sử ngày càng bén bùng trong ông.

Năm 1962, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp lịch sử, ông về nhận công tác tại Vụ Bảo tồn, Bảo tàng - Bộ Văn hóa thông tin. Bảy năm “phủi bụi thời gian làm sáng đẹp thêm trầm tích lịch sử quê hương đất nước, thấm thêm cái hay cái đẹp, cái cao cả, quý giá của lịch sử đất nước” (chữ của ông Siêu), nguồn cảm hứng đam mê nghiên cứu lịch sử càng thêm nồng cháy trong ông. Những cuốn sổ ghi chép của ông ngày mỗi ngày dày thêm những tư liệu, những trải nghiệm từ đồng nghiệp, từ những người thầy, những vùng đất ông đến, những trang sách ông đọc. Một số bài khảo cứu lịch sử, khảo cứu danh nhân của ông được công bố trên các chuyên san của Bộ, báo, tạp chí đã gây được sự chú ý của bạn đọc.

Tháng 10/1969, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông xin chuyển công tác về Sở Văn hóa thông tin Nghệ An. Ngày tiễn ông về quê nhà công tác, Thứ trưởng Hà Huy Giáp ân cần: “Chú về Nghệ An là “thả hổ về rừng”. Quê ta “địa linh, nhân kiệt”, tha hồ cho chú nghiên cứu nhưng theo anh hướng tiếp cận của chú nên chuyên sâu vào đề tài quê hương và gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một đề tài lớn, một vấn đề rất lý thú mà giới nghiên cứu lịch sử còn mang nợ với dân tộc với Bác Hồ, Bộ cũng rất cần, đất nước cũng rất cần các kết quả nghiên cứu này”.

Tâm đắc với lời khuyên của người thủ trưởng, người thầy, người đồng hương mà ông hết sức kính trọng, về Nghệ An, ông trình bày nguyện vọng được lên công tác tại Khu Di tích Kim Liên. Khu Di tích Kim Liên ngày ấy còn rất sơ khai, ngoài hai tổ công an phòng chống cháy nổ, Ban Quản lý di tích chỉ có hơn 10 người. Là Trưởng ban nhưng ông cũng là cán bộ trưng bày, đón khách, thuyết minh, lao công dọn dẹp vệ sinh.

Nhớ lại những ngày đó, trong một lần trò chuyện cùng đồng nghiệp ông kể: Đầu năm 1970, Thứ trưởng Hà Huy Giáp và đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký của Bác Hồ) vào thăm và làm việc với Khu Di tích Kim Liên. Hai ông đã ngủ lại một đêm ở đây để nghe anh em trong Ban dốc bầu tâm sự. Ngày hôm sau về làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với một tầm nhìn xa, rất xa về quản lý di tích, danh thắng, hai ông đã đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tỉnh nhiều giải pháp phát triển Khu Di tích ngang tầm với danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh để khi nước nhà thống nhất đón đồng bào, đồng chí miền Nam ra thăm. Những ý kiến của Thứ trưởng Hà Huy Giáp và đồng chí Vũ Kỳ cũng là tâm niệm lâu nay của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An. Ông được giao chuẩn bị Đề án nâng cấp tôn tạo Khu Di tích Kim Liên để trình các cấp. Một bản đề án hơn 30 trang đánh máy được ông gấp rút hoàn thành, hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Bộ Văn hóa Thông tin trình Thủ tướng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bút phê: “Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Nghệ An thay mặt chiến sĩ đồng bào cả nước triển khai ngay, càng nhanh càng tốt. Công trình đặc biệt phải được đầu tư đặc biệt, chất lượng và hiệu quả xã hội phải xứng tầm”. Thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám trực tiếp vào giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng nhấn mạnh hai nhiệm vụ mới của Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên là: Liên hệ với các khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước để trao đổi tư liệu, thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; đưa việc sưu tầm tài liệu nghiên cứu về quê hương gia thế, họ tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ chính trị, nội dung thi đua của cán bộ nhân viên trong Ban.

Triển khai Đề án tôn tạo, nâng cấp Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên tháng 6/1970, Ban Quản lý Khu Di tích được tổ chức lại, tăng thêm biên chế, cơ sở hạ tầng của Khu Di tích được đầu tư theo tinh thần của Thủ tướng: công trình đặc biệt, đầu tư đặc biệt.

Có cẩm nang: “Đề án tôn tạo phát triển Khu Di tích Kim Liên” ông và các cộng sự bắt tay vào nhiệm vụ nghiên cứu gia thế quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách say sưa. Tranh thủ mọi thời gian trưa, tối, chủ nhật…., ông và các cộng sự say sưa tìm nhân chứng, giải mã các bản gia phả, các văn bản Hán Nôm ở Kim Liên, ở Nam Đàn. Nhờ thế, tư liệu sưu tầm được ngày một nhiều hơn, nhiều tồn nghi được làm sáng tỏ. Và từ đó, Hồ sơ Di tích Lò Rèn Cố Điền, Giếng Cốc, núi Chung, những người thân trong gia đình Bác Hồ… được ra đời, vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt là đổi mới không gian trưng bày, nội dung trưng bày, giải pháp kỹ thuật cho Khu Di tích Kim Liên vừa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu về thân thế sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh trong dài hạn.

Cũng từ kết quả của sự dày công nghiên cứu này, ông đã tham mưu cho ngành Văn hóa, UBND tỉnh phục dựng lại nhiều di tích gốc như nhà thờ chi họ Nguyễn Xuân, nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Cử nhân Vương Thúc Quý (thầy học khai tâm của Bác Hồ), Khu Lăng mộ bà Hoàng Thị Loan là nơi ông và các cộng sự với sự giúp đỡ trực tiếp của đồng chí Vũ Kỳ đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về địa hình, phong thủy để giúp cho việc trùng tu tôn tạo được tốt nhất, thỏa lòng mong đợi của chiến sĩ, đồng bào cả nước.

Hơn nửa thế kỷ dồn hết tâm lực, trí lực cho việc nghiên cứu về Bác Hồ, ông đã để lại một gia tài trước tác về Bác Hồ khá đồ sộ. Đó là hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu khi ông tham gia các hội thảo khoa học về Hồ Chí Minh trong nước và quốc tế. Xuất bản các tập sách: “Những người thân trong gia đình Bác Hồ”, “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên”, “Kim Liên trong lòng Nhân dân và bầu bạn”, “Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh”, “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan”, “Quê hương và gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh”... Trong các ấn phẩm này, tập “Những người thân trong gia đình Bác Hồ” đã lập kỷ lục tái bản đến 34 lần và được UBND tỉnh Nghệ An tặng giải Nhất “Sáng tạo khoa học công nghệ năm 2010”.

Cách viết mộc mạc, dung dị dễ hiểu, cứ liệu khoa học chắc chắn, các khảo cứu của Trần Minh Siêu về quê hương, gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được giới nghiên cứu đánh giá cao. Đã có rất nhiều các nghiên cứu về Hồ Chí Minh trong những năm qua của các học giả trong nước và quốc tế trích dẫn. Không những thế, nội dung các ấn phẩm còn truyền một cảm hứng mạnh mẽ, gợi mở nhiều cảm xúc cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên khi tìm hiểu về thân thế, quê hương, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu về danh nhân văn hóa, Anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh là một đề tài không bao giờ có điểm dừng. Vì thế, tên tuổi và các công trình nghiên cứu về Hồ Chi Minh của nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu để lại mãi gắn cùng với sự nghiệp cao cả, dài lâu đó. Và như vậy, gia tài để lại của nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu thật đáng tự hào.

(Bài đã đăng VHTTNA số 09/2023)

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434880

Hôm nay

2151

Hôm qua

2349

Tuần này

21530

Tháng này

211928

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434880