Người xứ Nghệ

Giáo sư Trần Đình Hượu - một nhân cách lớn

Gs Trần Đình Hượu

Những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ XX, nhiều lớp sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội truyền tụng nhau và ai cũng chỉ mong sớm được học "chuyên đề Nho giáo" của thầy Trần Đình Hượu. Còn nhớ hồi ấy, mỗi lần có giờ giảng của thầy Hượu, giảng đường không còn chỗ trống. Chỉ cần chất giọng đặc sệt xứ Nghệ của GS Trần Đình Hượu cất lên, ngỡ như có một dòng chảy tri thức ào ạt mà trong suốt thấm vào niềm khao khát cháy bỏng ham học của sinh viên; thế rồi lúc ấy, trong giảng đường sinh viên khoa Văn chính khóa ngồi kín chỗ, còn ngoài giảng đường, ở các cửa sổ, ở hành lang sinh viên các khoa lịch sử, triết học lẳng lặng chen nhau dỏng tai nghe GS Trần Đình Hượu say sưa nói về triết học và lịch sử tư tưởng phương Đông, về nguồn gốc nho giáo, về ảnh hưởng của nho giáo với tiến trình văn học Việt Nam cận đại, với đời sống xã hội Việt Nam trải hàng trăm năm lịch sử ... Trong tâm khảm của các thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn Tổng hợp nói riêng và những ai dầu chỉ một lần được nghe thầy Trần Đình Hượu giảng bài, luôn đọng lại trong họ là hình ảnh một người thầy giáo thanh cao với những phẩm giá tựa như nhà nho chuẩn mực giao thoa với hiện đại. PGS - Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Vương (Đại học KHXH & NVQG) khi nói về người thầy của mình đã đánh giá: Ở tầm nghiên cứu về khu vực, GS Trần Đình Hượu không thua bất cứ một nhà Đông phương học nào trên thế giới. Một điều ngẫu nhiên kì lạ là đúng ngày Giáo sư mất (11/02/1995), trường Đại học Tổng hợp Leningrat (Liên bang Nga) cũng vừa in xong tập bài giảng của Trần Đình Hượu về triết học phương Đông làm bài học bắt buộc cho các nghiên cứu sinh học ở trường này.

Người mài sắt nên kim.

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã không kìm được xúc động khi hồi tưởng về những ngày thơ ấu của người chồng mình - GS Trần Đình Hượu. Bà kể rằng, Trần Đình Hượu sinh ngày 01/01/1927 tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Mới hơn 3 tuổi (1930), Trần Đình Hượu đã được nghe tiếng trống năm ba mươi của Xô viết Nghệ Tĩnh nổi lên ở đình làng Võ Liệt - một trong những lò lửa đầu tiên của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh vùng lên chống Pháp. Sau này, đình làng Võ Liệt được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa là vì thế. Thầy Hượu mới lên 10 tuổi thì bố đã mất, vậy là mẹ con nương tựa vào nhau trong vòng nô lệ thực dân Pháp xâm lược. Những gì bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp nhớ về người mẹ chồng ở đất xứ Nghệ ngày xưa khiến chúng tôi sửng sốt đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thân phụ của ông Hượu là một nhà Nho, nhưng người mẹ hầu như không học hành gì. Vậy mà khi chồng mất, dù còn rất trẻ, nhưng bà đã ở vậy cặm cụi, cần mẫn, chắt chiu nuôi người con trai bé bỏng ăn học nên người. Theo hồi tưởng của bà Diệp, nhà ông Hượu vắng đàn ông trụ cột nên nghèo nhất làng, khi cầm mỡ động vật để rán một món ăn nào đấy, người mẹ chỉ dám xoa lát mỡ lợn vào chảo cho nó có chất ... mỡ rồi cất lát mỡ đi ngay. Nghèo là thế, nhưng ý chí nuôi con thành tài không bao giờ nguôi ngoai trong nghị lực của người đàn bà góa bụa. Bà đã trồng dâu nuôi tằm, dệt tơ may quần áo cho con trai, bà trồng lạc, chế biến lấy dầu lạc thắp sáng cho con học ban đêm. Theo hồi tưởng của PGS.TS. Trần Ngọc Vượng thì lúc cho Trần Đình Hượu vào Huế để tiếp tục học lên Thành Chung, bà mẹ đã quả quyết bán ruộng đi để lấy tiền cho con vượt đèo Ngang vào kinh thành Huế.

Thương mẹ, lại "thông minh vốn sẵn tính trời", nền Trần Đình Hượu rất ham học và học rất giỏi. PGS. Trần Ngọc Vương cũng cho chúng tôi biết: Dòng dõi của giáo sư Trần Đình Hượu thuộc dòng nhà Nho có nòi hàng chục thế hệ. Thế nhưng có điều lạ là cả 10 đời này, tuy học giỏi là thế nhưng không ai ra thi cử, nghĩa là không xuất chính bao giờ. Đây có lẽ là mạnh ngầm dòng dõi làm nên nhân cách và tư duy khoa học thuần túy của giáo sư Trần Đình Hượu sau này; hầu như trong bất luận trường hợp nào ông cũng đều giữ nghiêm kỷ luật của một người đảng viên cộng sản, suốt cuộc đời không màng đến danh lợi, chức vụ, chỉ đau đáu một nỗi niềm làm sao những công trình khoa học nghiên cứu về Nho giáo của mình giúp ích thật hiệu quả cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Thế nhưng, có lẽ ít người biết ông nội của GS Trần Đình Hượu là bạn học rất thân với nhà chí sĩ Phan Đình Phùng. Sinh trưởng trong dòng dõi của một gia tộc nhà nho yêu nước xứ Nghệ như thế, hiển nhiên Trần Đình Hượu đã sớm giác ngộ để trở thành một thanh niên, một trí thức yêu nước, gia nhập Đảng rất sớm và thủy chung son sắt với kỷ luật, nguyên tắc của Đảng.

Chuyện Trần Đình Hượu học chữ Hán có lẽ là câu chuyện rất lạ. Khi mới lên chín, mười tuổi, đêm đêm, người bố lấy sách "Tam quốc" đọc kể chuyện cho con trai nghe. Lẽ đương nhiên, Trần Đình Hượu cũng mê Tam quốc, bỗng có một ngày bố ông bảo: "Thôi, cha không kể nữa, tự con học chữ Hán để mà đọc sách". Thế là Trần Đình Hượu lao vào học chữ Hán, viết ở mọi nơi, mọi lúc, viết bằng than, bằng gạch non, bằng que vẽ xuống đất ... Nhờ bố là một nhà nho dạy chữ, cùng với sự khổ luyện của người chịu khó, ham học nên ngay từ lúc mới 10 tuổi khi bố mất, Trần Đình Hượu đã có thể tự đọc Tam Quốc, tự viết chũ Hán đẹp đến không ngờ. Giáo sư Nguyễn Kim Đính, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, một lần đã kể lại: "Năm 1948 khi "anh đồ Nghệ Hượu vào học ở trường trung học chuyên khoa Đào Duy Từ (Thanh Hóa) lập tức cả lớp chúng tôi coi anh như người anh cả của lớp. Không phải chỉ vì anh hơn lứa chúng tôi ba, bốn tuổi mà còn vì kiến thức sâu rộng nhiều mặt hơn hẳn chúng tôi cùng tác phong điềm đạm, chín chắn của anh. Tôi nhớ có lần chúng tôi diễn một vở kịch thơ về Trần Quốc Toản, cần có lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá Cường địch báo hoàng ân” là chúng tôi và cả các thầy “Tây học” bấy giờ chẳng ai rành chữ Hán cả. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Hượu cầm bút viết sáu chữ tuyệt đẹp; một thầy giáo băn khoăn: phải đổi lại là "báo quốc ân", "hoàng ân" nghe lạc hậu quá. Hượu lễ phép thưa: "Em sợ đổi như vậy, ta không tôn trọng lịch sử. Hơn nữa trong tư tưởng Trần Quốc Tuấn bấy giờ, Vua là tiêu biểu cho nước". Hượu là con người như vậy và trong suốt mấy chục năm quen biết anh, tôi thấy lúc nào anh cũng nhất quán như vậy" ...
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công cũng là lúc Trần Đình Hượu học xong Thành Chung ở Huế, ông trở về quê Võ Liệt làm Trưởng ban Tuyên truyền Việt Minh xã, hoạt động tích cực trong "Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác" (tổ chức bí mật của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ). Tốt nghiệp trường chuyên khoa Đào Duy Từ (Thanh Hóa) ông bắt đầu làm nghề dạy học, từ trường cấp 2 Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu, Nghệ An) đến trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (Vinh, Nghệ An). Thời gian dạy trường Huỳnh Thúc Kháng, thầy Hượu được phân công làm Bí thư chi bộ trong nhiều năm, học trò của thầy sau này đã thành danh như Phan Đại Doãn (nhà sử học), Nguyễn Đình Lộc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp) ... Có một điều như là cơ duyên may mắn là trong thời gian học trường sư phạm cao cấp, Trần Đình Hượu được học với thầy Cao Xuân Huy, một nhà giáo, nhà nghiên cứu tư tưởng triết học uyên thâm. Và sau đó, năm 1959, Trần Đình Hượu được cử sang Liên Xô học tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp làm nghiên cứ sinh triết học lại được một nhà triết học lừng danh thế giới, một giáo sư Xô Viết Axmuc hướng dẫn luận án. Axmuc lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Nghiên cứu triết học toàn Liên Xô, giảng viên chính trường Đại học Lômônôxốp, là một giáo sư, khoa học nổi tiếng đến mức đích thân Xtalin từng phải đến để dự giờ nghe giảng. Theo PGS. Trần Ngọc Vương thì Trần Đình Hượu đã học được rất nhiều từ hai người thầy giáo lớn này.
Đáng tiếc là do những biến động chính trị từ Liên Xô mà căn nguyên là ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại, năm 1963, khi chưa hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ triết học thì Trần Đình Hượu phải về nước. Từ một thanh niên nho học đi theo cách mạng, lại được sang đào tạo triết học tại một nước Tây học, bằng sự tu chí, cần mẫn và khổ luyện GS. Trần Đình Hượu đã lọc trong biển kiến thức để tìm ra giọt nuớc của tư tưởng phương Đông. Và với quá trình mài sắt nên kim ấy, Trần Đình Hượu xứng danh ghi tên mình vào đội ngũ những nhà khoa học chân chính, có đóng góp cho khám phá lịch sử nền tư tưởng thế giới.

Tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng và các nguyên tắc tư duy khoa học.

Từ khi về nước năm 1963, GS Trần Đình Hượu xin về giảng dạy chuyên về lịch sử tư tưởng tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp cho đến lúc ông qua đời vào năm 1995.

Ngày ông mất, khoa Ngữ văn được phân công viết điếu văn. Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & NV (tách ra từ trường ĐHTH) lúc bấy giờ là ông Phùng Hữu Phú (sau này là UVTW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội) cứ băn khoăn mãi về một cụm từ trong điếu văn nên hỏi lại thầy giáo Trần Ngọc Vương cho rõ ... Có mặt lúc đó, người giáo sư văn học uyên thâm Bùi Duy Tân (Đại học Tổng hợp) vừa khóc vừa nói với Hiệu trưởng: "Thưa anh, đối với giáo sư Trần Đình Hượu, chúng ta có thể dùng bất cứ những từ ngữ nào đẹp nhất cho anh ấy mà không bao giờ sai ...".
Năm 2000, sau khi mất được 5 năm, cụm công trình khoa học của GS. Đình Đình Hượu được xét tặng giải thưởng Nhà nước đợt 1. Đây là các công trình "Đến hiện đại từ truyền thống" (1996), "Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995). Trong lần tái bản năm 1996, NXB Văn hóa đã trân trọng giới thiệu: "Cuốn sách Đến hiện đại từ truyền thống, tập hợp những bài viết về vấn đề tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) và những truyền thống văn hóa bản địa cùng tác động của chúng đến quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, là một bộ phận quan trọng trong số các công trình mà tác giả để lại cho chúng ta. Sau khi được công bố lần đầu tiên năm 1994, cuốn sách đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học, các nhà tổ chức quản lý cũng như đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước".
Cũng do nhiều lý do khách quan, mặc dù là một nhà khoa học nghiên cứu về nho giáo uyên thâm, một giáo sư tâm huyết, nhưng những công trình, những bài giảng của GS. Trần Đình Hượu vẫn chưa có điều kiện in thành giáo trình hoặc xuất bản trên diện rộng. Nhiều bài giảng, nhiều ý tưởng sáng tạo của Giáo sư bị thất lạc. Và quả là may mắn và cảm động làm sao, năm 2001 các học trò của GS Trần Đình Hượu ở các thế hệ đã lục tìm các vở ghi giảng thời sinh viên, sưu tầm lại và cho xuất bản tập sách "Các bài giảng về tư tưởng phương Đông" (NXB Đại học quốc gia Hà Nội 2001). Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân đã tâm sự: "Từ năm 1946 - 1995, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh những chuyên đề hoặc bài giảng về tư tưởng Đông Á cổ đại và trung cận đại. Ông có ý định xuất bản những nội dung kiến thức này thành một cuốn sách riêng với tính cách một giáo trình đại học, nhưng cho đến khi mất, đề tài này còn chưa được thực hiện. Một số sinh viên cũ chúng tôi muốn thực hiện ý định nói trên của thầy Trần Đình Hượu, nhưng cho đến nay chưa tìm được bản thảo giáo trình nói trên trong di cảo của nhà nghiên cứu. Chúng tôi đành theo một hướng khác là tìm cách khôi phục các bài giảng thông qua vở ghi của sinh viên, học viên, hoặc thông qua một số băng ghi âm mà một vài cơ quan nghiên cứu còn lưu giữ". Riêng nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân đã đóng góp bài "Tư tưởng Nho giáo và Lão trang" là bài giảng chuyên đề cho sinh viên Ngữ văn năm thứ 4 khóa IX (1964 - 1968) Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy Hượu giảng chuyên đề này vào năm 1967. Đây là bài ghi tại lớp mà anh Lại Nguyên Ân còn lưu giữ được gồm 130 trang sổ ta khổ 12 x 19cm.
Vì sao những bài giảng có giá trị khoa học sâu sắc lại không được xuất bản thành giáo trình? Có lẽ do những hạn chế lịch sử của một người có trách nhiệm do thiếu hiểu biết, lại định kiến nên hậu quả là chẳng riêng giáo sư Trần Đình Hượu phải gánh chịu? Trần Đình Hượu giữ nghiêm kỷ luật của tổ chức, nhưng quả là may mắn, ông không xuất bản thành sách, nhưng đã "xuất bản" vào hàng ngàn bộ não của các sinh viên có hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước. Điều này lý giải tại sao năm 1980, Trần Đình Hượu được phong tặng Phó Giáo sư khi chưa có một công trình nào được xuất bản. Đủ biết Nhà nước đã đánh giá cho ông như thế nào. Cũng ít người biết suốt từ năm 1963, từ Liên Xô về nước đến năm 1980, Trần Đình Hượu không cho in một bài báo nào. Mãi tới năm 1981, ông mới in bài nghiên cứu ở tạp chí "Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật". Tác phẩm vừa được in đã gây xôn xao dư luận về giá trị khoa học và sức tác động tích cực của nó. Tâm sự với chúng tôi về sự ứng xử này, PTS.TS Trần Ngọc Vương cho rằng "Giáo sư Trần Đình Hượu là khối vàng ròng của một tâm huyết cộng sản, ông chỉ khách quan hóa trong khoa học nhưng không khách quan hóa vào cuộc sống. Trong mọi hoàn cảnh, lúc nào Trần Đình Hượu cũng xác định mình là người cộng sản".

Là một nhà khoa học, Trần Đình Hượu đau đáu theo đuổi nhằm tìm ra chân lý là nghiên cứu về lịch sử tư tưởng phương Đông, lịch sử tư tưởng Việt Nam, đóng góp cho việc quản lý xây dựng đất nước trong hiện đại. Nhưng là một đảng viên cộng sản, ông lại giữ nghiêm kỷ luật, chờ đợi một thời điểm thích hợp để công bố các kết quả nghiên cứu. Sau này, trong lời tựa viết cho lần xuất bản sách "Đến hiện đại từ truyền thống", GS. Trần Đình Hượu viết một cách riết róng: "Truyền thống không chỉ có lòng yêu nước, anh hùng, bất khuất, cần cù lao động và không phải chỉ có hoàn toàn những cái tốt, đẹp. Trong truyền thống có những cái dở, và cũng không ít cái dở ...". Ông cũng đau đáu đi tìm câu trả lời từ truyền thống, Việt Nam sẽ đi còn đường nào lên CHXN: "Trong truyền thống tôi chỉ nói đến Nho giáo. Nhưng trong thực tế thì không chỉ có Nho giáo. Còn có Phật giáo, tư tưởng Lão trang, Đạo giáo và những cái khác, ảnh hưởng cũng không nhỏ. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò chi phối của Nho giáo, hơn thế, tôi còn muốn lưu ý đến con đường của Việt Nam là Đông Á hay Đông Nam Á". Trong một công trình nghiên cứu với tiêu đề "Thử suy nghĩ theo hướng khác: đi con đường thích hợp với thực tế phương Đông lên chủ nghĩa xã hội" (1987) Trần Đình Hượu đã chỉ ra rằng: "Những năm trước, chúng ta không đặt vấn đề như vậy. Ta chỉ có những quy luật chung cho mọi nước đi lên CNXH như Nghị quyết của Hội nghị các Đảng cộng sản năm 1957 và 1962 đã kết luận. Nói có con đường riêng cho từng nước là xét lại". Đó là những luận điểm khoa học, rất cần sự dũng cảm của bản thân mới thể hiện được nhờ sự đổi mới tư duy của Đảng ta. Ông cũng là người ra luận điểm: "Chúng tôi nghĩ rằng, có một cái "phương Đông" làm nền tảng chi phối con đường lịch sử của cả bốn nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, bốn nước đồng văn, cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Hán. Bốn nước tuy có những nét rất quan trọng nhưng về đại thể, vì đều học cách tổ chức chính trị - xã hội theo Nho giáo, đều dùng Nho giáo giáo dục, đào tạo con người nên có những phần chung và những phần chung đó giữ vai trò chí phối sự phát triển. Có thể tóm tắt những nét chung đó là: Nhà nước chuyên chế; tổ chức làng, họ; hộ gia đình kết hợp nông công thương". Những kết quả nghiên cứu khoa học như trên có thể nói hộ với chúng ta vì sao, những năm cuối đời, GS Trần Đình Hượu được các nước Nhật Bản, Pháp, Na Uy, Nga, Hàn Quốc ... mời sang giảng dạy nhiều lần đến thế. Và ông hối hả chạy đua với thời gian để viết thật nhanh những gì ông nghiên cứu, suy ngẫm suốt cuộc đời, nhưng đã không thể thắng được bệnh tật ...

Giáo sư văn học Nguyễn Lộc có lần đã đánh giá: "Anh Hượu là người chuyên về tư tưởng triết học cổ phương Đông và Việt Nam nhưng những công trình của anh không phải chỉ nhằm lý giải những hiện tượng và quá khứ mà từ những bài học của quá khứ, anh cố gắng vạch ra một đường đi đúng đắn cho tương lai". Còn Giáo sư Nguyễn Kim Đính cho rằng Trần Đình Hượu "thuộc loại người ít bị chi phối bởi những thứ mốt, những thứ thời thường ồn ào níu kéo. Là người tôn trọng mối quan hệ giữa danh và thực, anh không dễ dàng chấp nhận những gì áp đặt khiên cưỡng không phù hợp với thực tế ... Nỗi niềm đau đáu suốt đời của anh đối với bản sắc, truyền thống văn hóa, văn học, dân tộc, hơn nữa, ở anh trở thành một đam mê khoa học sâu sắc, đáng quý trọng biết bao".

Dưới góc độ nghiên cứu chuyên môn về văn học, trò chuyện với chúng tôi, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi (Viện Văn học) đã dành những đánh giá hết sức khách quan về Trần Đình Hượu: "Anh Hượu là người nguyên cứu về nho giáo dưới góc độ văn học và văn hóa rất sâu sắc đến nay chưa thấy ai vượt qua được. Bằng phương pháp nghiên cứu loại hình văn học, Trần Đình Hượu giúp cho ta nhìn thấy văn học Việt Nam thêm hương vị lung linh, gợi mở cho các nhà nghiên cứu đi sâu tiếp tục tìm hiểu diện mạo văn học Việt Nam. Những đóng góp về nghiên cứu văn học của giáo sư Trần Đình Hượu thì rất nhiều, nhưng những đóng góp như viên đá tảng, có tính chất đặt nền móng thì chỉ có thầy Hượu".

Đang giữa thu Hà Nội, chúng tôi rời căn hộ giản dị và thanh bạch ở khu tập thể Quỳnh Lôi - Hà Nội mà lòng thấy cảm kích. Căn hộ chỉ toàn sách là sách, lại nghe bên tai lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - cô gái Hà Thành làm dâu xứ Nghệ: "Phẩm hạnh của mẹ chồng đã cuốn hút tôi ngay từ lúc mới yêu anh Hượu. Ngày khốn khó ở Nghệ An, tôi đã cùng với mẹ chồng lội ruộng đi mót lúa lấy gạo nuôi chồng ...".

Có lẽ những ánh sáng từ đốm dầu lạc xa xưa, những hạt lúa cọc còi của xứ Nghệ đã góp nên nhân cách lớn của GS Trần Đình Hượu sau này.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443959

Hôm nay

2210

Hôm qua

2307

Tuần này

21772

Tháng này

219133

Tháng qua

112676

Tất cả

114443959