Góc nhìn văn hóa

Hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: 112 năm nhìn lại

Cách đây 112 năm, Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước và 103 năm Người đã đến được với chủ nghĩa Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Đây không phải là một quyết định giản đơn, không phải là sự gặp gỡ tình cờ của Người, mà là kết quả của một sự phân tích, lý giải khoa học, một quá trình tìm tòi, khảo nghiệm từ nhiều yếu tố của bối cảnh trong nước và thế giới, cộng với tố chất cá nhân, để lựa chọn đúng hướng đi và xác định con đường cứu nước thành công. Sự chủ động, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đến nay vẫn có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay

Ngày 05/6/1911, từ Bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Amiral Latouche Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân đế quốc. Ảnh TL

Khi mất nước thì lẽ tự nhiên nhiều người dân Việt Nam yêu nước trong cộng đồng dân tộc đã liên tiếp đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Đó là các cuộc kháng Pháp quyết liệt khắp cả ba kỳ, ở cả địa bàn nông thôn, rừng núi với nhiều quy mô khác nhau, đúng như Nguyễn Trung Trực tổng kết: Không bao giờ hết người Việt Nam đánh Tây.

Các cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ nhưng đều bị chủ nghĩa thực dân dìm trong biển máu. Trước cảnh nước mất, nhà tan, nhiều nhà yêu nước đã trăn trở, suy ngẫm để tìm các phương lược cứu nước. Mất nước thì tìm đường cứu nước. Cả dân tộc tìm và lựa chọn con đường cứu nước.

Đầu thế kỷ XX, tấm gương Duy Tân của người Nhật đã làm cho nước Nhật đánh thắng Nga Hoàng trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật; cuộc cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc) với ngọn cờ của chủ nghĩa Tam Dân đầy hấp dẫn, ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến những người yêu nước Việt Nam. Và trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), thực dân Pháp đã tăng cường vơ vét sức người, sức của của các thuộc địa ném vào cuộc chiến tranh đã góp phần mở rộng tầm nhìn của các nhà yêu nước Việt Nam về tìm và lựa chọn con đường. Trong bối cảnh đó, các nhà “Đông du”, “Tây du”, các nhà cải cách Việt Nam một lần nữa đề xuất các con đường cứu nước ở trình độ cao hơn, ở quy mô rộng hơn nhưng phương pháp thì vẫn chưa vượt qua khỏi tầm nhìn của ý thức hệ phong kiến hoặc tư sản. Đó là đi tìm sự liên minh, tìm chỗ dựa để cứu nước, giải phóng dân tộc. Nếu Phan Bội Châu tâm huyết với đất nước, say mê tấm gương Nhật Bản và hy vọng giúp Tổ quốc mình thì Phan Châu Trinh lại hướng tầm nhìn vào chính kẻ thù của mình - thực dân Pháp, hy vọng tìm được những ý tưởng hay của Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp để về giúp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Trong bối cảnh chung của 20 năm đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc cũng đi sang phương Tây, sang Mỹ nhưng không phải để đi tìm chỗ dựa, tìm cứu cánh như các vị tiền bối mà như chính Người đã nói: Xem các nước làm thế nào để giúp đồng bào mình. Vốn nhạy cảm với chính trị, nắm bắt được chiều hướng vận động của lịch sử, luôn luôn chủ động, luôn luôn độc lập và sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc có cách đi, cách học, cách đọc và cách tổ chức riêng của mình để tìm đường, tìm lý luận mới phù hợp và tìm cách thực hiện con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

1. Sự chủ động và sáng tạo trong tìm đường, lựa chọn và thực hiện con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh

Chủ động đi ra nước ngoài để học tập, để mang hiểu biết lý luận và kinh nghiệm thực tế về giúp đồng bào trong sự nghiệp giải phóng

Đọc được tiếng Pháp và ra đi từ Nam Kỳ, chắc chắn những tin tức về cách mạng dân chủ tư sản ở các nước không phải còn là bí mật đối với Nguyễn Ái Quốc. Người chọn nghề phụ bếp tàu biển để đi ra nước ngoài nghiên cứu và học tập. Chính sự chủ động lựa chọn này đã giúp Người đến được nhiều nơi trên thế giới, suốt từ châu Âu, châu Phi đến châu Mỹ. Đến được nhiều thuộc địa của các nước đế quốc khác nhau, mục kích được cuộc sống và hòa mình vào cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra được những kết luận mà các bậc cha anh của Người trước đó không rút ra được: ở đâu cũng chỉ có hai giống người, bóc lột và bị bóc lột và chỉ có một tình hữu ái giai cấp; ở Pháp hay ở Mỹ - các nước đã làm nên cuộc cách mạng dân chủ tư sản, cách mạng giải phóng dân tộc với những lý tưởng dân chủ, nhân đạo nhưng là cuộc cách mạng chưa đến nơi, quần chúng vẫn đòi làm cách mạng tiếp; giai cấp tư sản hôm qua được công nông đi theo trong cuộc đánh đổ phong kiến thì hiện tại quay lại phản bội công nông; những ý tưởng tốt đẹp trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Tuyên ngôn độc lập của cách mạng Mỹ bị giai cấp tư sản lừa mị quần chúng lao động; để giải phóng dân tộc phải thức tỉnh nhân loại bị áp bức.

Chủ động lên án chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh quần chúng bị áp bức nhằm giác ngộ chính trị, đưa quần chúng vào con đường đấu tranh cách mạng

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được thế giới công nhận là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống đế quốc ở thế kỷ XX, chính Người đã nhìn thấy sự phản bội của các lãnh tụ Quốc tế II trong việc lừa bịp quần chúng bị áp bức về sự “khai hóa” chủ nghĩa thực dân đối với các thuộc địa. Với bút pháp sắc sảo đanh thép, với vốn thực tế phong phú. Người đã vẽ lại chính xác chân dung của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa châu Phi, châu Á, châu Mỹ trong “lên án chủ nghĩa thực dân”; đã gióng lên một tiếng chuông báo động cho toàn thể các dân tộc bị áp bức nhận rõ kẻ thù của mình trong sự nghiệp giải phóng. Người chủ động đấu tranh trong các diễn đàn ở Pháp, ở Quốc tế Cộng sản làm cho các đồng chí của mình ở các nước chính quốc, ở Quốc tế Cộng sản phải quan tâm đúng mức đối với cách mạng dân tộc thuộc địa mà theo Người nguyên nhân là do các đồng chí không hiểu được chủ nghĩa thực dân đã làm gì, đã lừa mị thế nào ở thuộc địa.

Chủ động lựa chọn và học tập lý luận cũng như kinh nghiệm của các nước để xây dựng đường lối cách mạng phù hợp với đặc điểm Việt Nam

Áp dụng phép biện chứng mácxít vào việc phân tích xã hội thuộc địa, tiếp tục phát triển những quan điểm tư tưởng và phương pháp phân tích của Mác trong Tư bản luận và V.I.Lênin trong cuốn chủ nghĩa đế quốc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa của truyền thống văn hóa, đạo đức của phương Đông, Hồ Chí Minh đã phát hiện chân dung của chủ nghĩa thực dân để viết nên một bản án, nó vạch mặt cái gọi là “công lý” của nó để từ đó xây dựng đường lối cứu nước theo con đường cách mạng vô sản. Người chủ động và có ý thức học tập tất cả những hạt nhân hợp lý, những yếu tố cách mạng ngay trong các học thuyết, các giáo lý tưởng như không phải cách mạng. Người học chữ Nhân, chữ Tâm của Khổng Mạnh, của Giêsu, học hạt nhân Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên và phép biện chứng mác xít của chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng đường lối cứu nước, cứu dân. Đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh là sự tiếp tục và phát triển về dân tộc và thuộc địa của chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng đồng thời mang dấu ấn Việt Nam - Hồ Chí Minh, điều mà không phải không có lúc, có người, kể cả người Việt Nam ngộ nhận rằng Người “chở chủ nghĩa Mác - Lênin trên cỗ xe nho giáo”. Năm 1924, khi đã trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh công khai bày tỏ quan điểm của mình khi được hỏi về Giêsu, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên và C.Mác đối với quá trình hình thành tư tưởng của Người, Người thừa nhận đã học tập ở các ông những hạt nhân phù hợp với đặc điểm cách mạng Việt Nam để xây dựng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của mình và tin tưởng rằng nếu các ông còn sống chắc chắn sẽ là bạn tốt của nhau và Người sẽ là học trò nhỏ của các ông.

Đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh thể hiện sự chủ động, sáng tạo của Người trong quá trình học hỏi, tìm đường cứu nước. Nó loại bỏ sự sao chép giáo điều, loại bỏ phương pháp phủ định sạch trơn, phản khoa học mang đầy tính tả khuynh mà không ít người đương thời phạm phải. Chính tinh thần chủ động học tập lý luận và kinh nghiệm của Người giúp Người hoạt động sáng tạo trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có nhưng đóng góp vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc: đánh giá đúng vai trò, vị trí của công nông, đánh giá đúng giai cấp tư sản dân tộc, đánh giá đúng khả năng thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc mà sự chỉ đạo của Người trong cách mạng Việt Nam là một minh chứng hùng hồn.

Chủ động đề ra chiến lược, sách lược cách mạng giải phóng dân tộc và chỉ đạo thực hiện thắng lợi ở Việt Nam, một nước thuộc địa đầu tiên được giải phóng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân

Từ khi xác định rõ con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh chủ động truyền bá tư tưởng, lý luận Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam; chủ động tổ chức Đảng, đào tạo cán bộ; đề ra đường lối kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, đề ra sách lược phù hợp với từng giai đoạn; lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám giành lại độc lập dân tộc, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đâu tiên ở Đông Nam Á.

Hồ Chí Minh thấy rõ ngay từ đầu mối quan hệ biện chứng giữa chống đế quốc và chống phong kiến, tính chất chi phối bao trùm của nhiệm vụ chống đế quốc và do đó có lúc chống phong kiến không thế tiến hành song song, nhất loạt như nhau với chống đế quốc. Nông dân là chủ lực nhưng chỉ phát huy được sức mạnh khi đi với công nhân và chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Giai cấp tư sản ở thuộc địa có thể là đồng minh của công nhân chống đế quốc trong cách mạng giải phóng dân tộc. Cách mạng giải phóng dân tộc là cách mạng bạo lực với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai lực lượng, hai hình thức đấu tranh. Coi “súng đẻ ra chính quyền” hoặc có thể “bất bạo động” vẫn giành được chính quyền, không cần phải tiến hành cách mạng vẫn giành được độc lập và rất xa lạ với tư tưởng Hồ Chí Minh, xa lạ với hiện thực lịch sử Việt Nam. Chính sự chủ động có tính định hướng, sự nhất quán của Hồ Chí Minh trong tìm đường, xây dựng con đường và thực hiện con đường đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa thành một nước độc lập có chủ quyền, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị người làm chủ - một dân tộc tiên phong trên mặt trận chống đế quốc giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX.

Chủ động tìm đồng minh và liên minh với các lực lượng yêu nước và tiến bộ trong cách mạng giải phóng dân tộc

Nhận rõ dã tâm của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, thường lấy chia rẽ để thống trị như là một “quốc sách” và phải nói rằng chúng đã thực hiện được ở khá nhiều nơi, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ âm mưu này và chủ động vạch trần bộ mặt của chúng, chủ động tìm bạn đồng minh và liên minh quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc. Người chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, do đó phải liên kết chặt chẽ với nhau để chống kẻ thù chung. Chính Người đã khâu nối mối giao hòa sự hiểu biết và đồng tình của quốc tế với cách mạng Việt Nam xây dựng tình đoàn kết và liên minh chiến đấu với cách mạng Lào, Camphuchia, với cách mạng Trung Quốc và các nước trong khu vực cũng như toàn thế giới trong sự nghiệp giải phóng. Người chỉ rõ cách mạng giải phóng dân tộc là cuộc cách mạng lâu dài. Phải đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Có thể tìm liên minh phối hợp chiến đấu, chứ không tìm dựa vào nước nào, lực lượng nào. Chia rẽ và sự tách biệt đã làm yếu phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Vì vậy, trong quá trình tìm đường và xây dựng đường lối cứu nước giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã chủ động và chú trọng tìm kiếm và xây dựng liên minh chiến đấu cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Điều này bác bỏ mọi sự xuyên tạc của kẻ thù về liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương, về tìm chỗ dựa bên ngoài.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc là khoa học về quy luật phát triển của sự nghiệp cách mạng ở một nước thuộc địa đất không rộng, người không đông lắm, đã đấu tranh và chiến thắng chủ nghĩa đế quốc giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thực tiễn cách mạng Việt Nam nói riêng và cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới nói chung trong thế kỷ XX đã minh chứng cho giá trị tư tưởng, ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc của sự lựa chọn của Hồ Chí Minh trong việc xác lập con đường cứu nước giải phóng dân tộc - con đường Hồ Chí Minh

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đang soi sáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay

Trải qua 112 năm kể từ ngày Bác Hồ kính yêu rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, 103 năm Người gặp gỡ chủ nghĩa Lênin cho đến nay, đất nước ta đã đi qua một chặng đường lịch sử vô cùng oanh liệt và hết sức vẻ vang. Để tiếp tục con đường mà Hồ Chí Minh, Đảng ta lựa chọn, được Nhân dân đồng tình; công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi chúng ta cần hết sức quan tâm những vấn đề chủ yếu sau đây:

          1. Tiếp tục kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp nối con đường về độc lập dân tộc gắn với CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, như các văn kiện đại hội của Đảng, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”; nhằm mục tiêu tổng quát là: “xây dựng được về cơ bản nền kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước XHCN phồn vinh, hạnh phúc”. Từ đó, yêu cầu trong mọi hoạt động của Đảng phải luôn lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động; phải lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người là công việc thường xuyên, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất; là tiêu chuẩn rèn luyện đảng viên và công tác bồi dưỡng cán bộ. 

2. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực thực hiện con đường mà Hồ Chí Minh đã chọn một cách thực sự bền vững: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ sống có lý tưởng, có hoài bão, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có lòng yêu nước nồng nàn để tiếp tục sự nghiệp cách mạng của ông cha; tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế…thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

          3. Các cấp uỷ, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với những nhiệm vụ về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, “nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên…”. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... 

          4. Hiện nay, các thế lực thù địch đang tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người với ý đồ đen tối “lật đổ thần tượng Hồ Chí Minh”, đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ định con đường cách mạng Việt Nam đã được Bác Hồ tìm ra, được Đảng và Nhân dân ta lựa chọn... Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân là bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới. Đó chính là sự bảo vệ đúng đắn nhất chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

          Đã 112 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 103 năm Người đến với chủ nghĩa Lênin, chúng ta càng hiểu rõ hơn về cuộc đời cách mạng và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng CNXH đã được Đảng ta đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, được bổ sung, phát triển năm 2011. Đó là sự thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân ta đối với công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây là một việc làm có ý nghĩa góp phần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512168

Hôm nay

2105

Hôm qua

2389

Tuần này

2105

Tháng này

219041

Tháng qua

121356

Tất cả

114512168