Khách tham quan nghe thuyết minh tại Khu Di tích Kim Liên
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng. Người xem đó là công việc quan trọng không chỉ để tạo nên lực lượng to lớn của cách mạng mà còn góp phần vào công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Không chỉ đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác tuyên truyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương, mẫu mực tuyệt vời trong công tác tuyên truyền.
Người định nghĩa một cách rất dễ hiểu về công tác tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Trong tuyên truyền, cán bộ tuyên truyền muốn thành công phải biết cách tuyên truyền, biết cách nói và biết cách viết. Nói thì phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Nhất là cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp như: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách nào?”…
Trong hành trình suốt 30 năm đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã là người tiên phong trong công tác tuyên truyền. Bác đi ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của Nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Bác là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và Nhân dân các nước thuộc địa. Năm 1920, Bác đã đọc tác phẩm của Lênin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L' Humanité số ra ngày 17/7/1920. Tác phẩm này đã giải đáp cho Bác con đường giành độc lập, tự do cho đồng bào. Bác đã tìm cách thông qua hoạt động báo chí để tố cáo tội ác của thực dân Pháp gây ra cho Nhân dân Đông Dương, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thức tỉnh tinh thần yêu nước của bà con Việt kiều và cũng qua họ tìm cách đưa một số tài liệu báo chí về nước bằng nhiều con đường khác nhau để giác ngộ tinh thần độc lập dân tộc của Nhân dân ta. Bác đã lựa chọn một số thanh niên tiêu biểu sang đào tạo tại Liên Xô, mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho một số thanh niên ưu tú tại Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị đội ngũ cán bộ trở về nước để tổ chức hoạt động, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền (bây giờ là Ban Tuyên giáo) - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.
Bác đã đi xa hơn nửa thế kỷ, chúng tôi, những cán bộ tại Khu Di tích Kim Liên, làm công tác tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của Người với mong muốn góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công lao trời biển và cống hiến vĩ đại của Bác đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, để rồi thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Khu Di tích Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An được thành lập năm 1956 với nhiệm vụ quan trọng là gìn giữ và phát huy những giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Người đã để lại tại quê hương. Nơi đây lưu giữ những kỷ vật vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu cũng như 2 lần về thăm quê của Người. Với gần 4.000 đơn vị hiện vật, toàn bộ các di tích và tài liệu hiện vật đã và đang được bảo quản tốt và phát huy giá trị hiệu quả phục vụ khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật nơi đây đều chứa đựng những câu chuyện, những nội dung lịch sử khác nhau, là những minh chứng khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những cống hiến của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy những giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương, bên cạnh sự sinh động, thuyết phục của các cụm di tích (được chăm sóc chu đáo tại Kim Liên gợi nhớ về một thời quá khứ mà tuổi thơ Bác Hồ và những người thân trong gia đình đã sinh sống, học tập, lao động và hoạt động yêu nước) là sự tận tâm, yêu nghề của những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền hướng dẫn tại di tích. Đội ngũ thuyết minh viên tại đây, những người thổi hồn vào hiện vật qua giọng nói đậm chất Nghệ, trang phục truyền thống giản dị, nội dung hướng dẫn lôi cuốn và rất thực… trong một không gian hiền hòa, gần gũi với thiên nhiên đã tạo nên một “nét riêng”, “thương hiệu” … gây ấn tượng sâu sắc đối với du khách về thăm quê hương của Bác.
Để có thể tự tin thuyết minh trước du khách từ mọi miền đất nước, với những lứa tuổi, trình độ và địa vị xã hội khác nhau …. chúng tôi đã thường xuyên nghiên cứu và học hỏi từ phong cách diễn đạt cũng như những kỹ năng viết, kỹ năng thuyết trình của Bác. Ngoài ra đội ngũ thuyết minh ở đây đều được trang bị một khối lượng kiến thức nhất định về lịch sử quê hương và cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôn từ thuyết minh dễ hiểu, dễ nhớ tạo sự thân thiện, gần gũi như chính con người của Bác; không thần thánh hóa, mang tính trung thực, logic và có tính giáo dục cao. Các nội dung đưa vào thuyết minh luôn tôn trọng lịch sử, nói đúng và đủ, được hồi đồng khoa học thẩm định một cách kỹ lượng và được bổ sung phù hợp với từng đối tượng tham quan tạo sự hài lòng và hứng thú khi lắng nghe.
Nhận thức được rằng, kiến thức ngoại ngữ là một trong những “vũ khí” có thể “phá vỡ” những rào cản về văn hóa, phong tục tập quán trên thế giới, tạo sự gần gũi thân thiện với những du khách nước ngoài, chúng tôi đã nỗ lực học ngoại ngữ để có thể đón tiếp và thuyết minh cho khách quốc tế bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Lào đến tham quan và tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không chỉ dừng lại các bài thuyết minh ở các cụm di tích, để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng viết và nghiên cứu, hàng năm, Phòng Tuyên truyền Giáo dục của Khu Di tích còn dành thời gian để viết các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh như:“Bác Hồ với Quảng Ninh”, “Bác Hồ với quê hương Cao Bằng”, “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1890 - 1911”, “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1911 - 1930”, “Chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”,v.v… Phục vụ các đợt truyên truyền, nói chuyện về Bác.
Công tác tuyên truyền ngoài di tích trở thành một trong những hoạt động nổi bật của Phòng Tuyên truyền Giáo dục, như đi nói chuyện chuyên đề ở các trường học, các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh; tham gia viết bài cho các cuộc hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các báo trung ương và địa phương, viết bài đưa tin cập nhật trên Website của cơ quan, phối hợp với các báo, đài từ trung ương đến địa phương làm phim tư liệu về Bác như: “Giữ mãi niềm tin” (phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) ... , học và thuyết minh các triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều chủ đề theo từng thời điểm như “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”, “Hồ Chí Minh - Người đi tìm hình của nước”, “ Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”; “Từ Làng Sen đến Hòa An - Cao Lãnh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp”,v.v...
Một điểm mới, trong công tác truyền thông của Khu Di tích trong thời gian dịch bệnh Covid 19 là tổ chức tuyên truyền trực tuyến cho Trường Quân sự Nghệ An. Hình thức tuyên truyền này bước đầu gặp một số khó khăn như không được trực tiếp đứng trong ngôi nhà linh thiêng của Bác nhìn ngắm những kỉ vật thân thương gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của Bác, người hướng dẫn cũng không được giao lưu trực tiếp với khách, với học viên ... Để khắc phục những khó khăn đó, người hướng dẫn đã cố gắng đưa vào nhiều nội dung lôi cuốn, nhiều hình ảnh trực quan sinh động, những thước phim tư liệu quý để gây hứng thú cho người nghe. Nội dung buổi tuyên truyền không chỉ nói về các điểm như di tích Hoàng Trù, di tích Làng Sen, khu mộ bà Hoàng Thị Loan mà các học viên còn được nghe rất nhiều nội dung tổng thể về Khu Di tích Kim Liên như: Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, tầm quan trọng của Khu Di tích Kim Liên trong các giai đoạn lịch sử, những giá trị tiêu biểu … Đây là những nội dung mới mà du khách chưa được tiếp cận trong các buổi tham quan thông thường.
Nhiệm vụ đón tiếp và làm lễ cho các đoàn khách về tham quan và tưởng niệm tại Nhà Tưởng niệm Bác được thực hiện một cách rất trang nghiêm và chuyên nghiệp. Việc đào tạo các cán bộ làm lễ cũng rất được quan tâm. Các bài lễ được nghiên cứu và soạn thảo súc tích, văn phong trang trọng, phù hợp với từng đối tượng, chứa đựng những tình cảm biết ơn và tri ân sâu sắc.
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo và chuẩn bị cho lễ giỗ lần thứ 54 của Bác, biết ơn công lao và những lời dạy bảo của Người, mỗi chúng tôi càng ý thức hơn việc gìn giữ và phát huy những di sản mà Người để lại, cùng nhau đoàn kết, yêu thương nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như hoàn thiện bản thân theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người.