Đất và người xứ Nghệ

Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là người con ưu tú của quê hương Nghệ Tĩnh. Bằng tài, đức và những cống hiến cho dân tộc, ông đã góp phần tiếp nối, điểm tô cho truyền thống “địa linh nhân kiệt” của quê hương. Đặc biệt, Nghệ Tĩnh không chỉ để lại nhiều dấn ấn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp mà còn hiện hữu trong lòng phu tử với những áng thơ văn đầy niềm tự hào, yêu quý lẫn suy tư dành cho quê nhà.

 

Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tại xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh

           

1. Quê hương Nghệ Tĩnh trong cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp

 

           

Nói đến vương triều Tây Sơn, không thể không nhắc đến Nguyễn Thiếp. “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp tham mưu nhiều việc lớn cho vua Quang Trung, đặc biệt là 3 chủ trương “Quân đức”, “Nhân tâm”, “Học pháp””[1]. Ông trở thành vị quân sư tối cao của vua Quang Trung, nhà tư tưởng, nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn đến công cuộc kiến thiết nhà nước mới của vương triều Tây Sơn. Trong lịch sử dân tộc, La Sơn tiên sinh là “bậc nhân kiệt”, “một người thầy mẫu mực, một quân sư lỗi lạc, một nhà thơ lớn”[2]. Điều đặc biệt là, phần lớn những thành tựu, cống hiến của La Sơn phu tử đều diễn ra trên/gắn liền với quê nhà Nghệ Tĩnh.

 

            Nhìn lại hành trình cuộc đời La Sơn phu tử, có thể thấy, ngoại trừ một vài lần ra Bắc, vào Bố Chính và Phú Xuân, toàn bộ quãng thời gian còn lại của ông đều gắn liền với quê hương Nghệ Tĩnh. La Sơn phu tử sinh ra và lớn lên tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thủy tổ của ông cũng là người thuộc trấn Nghệ An. Trong lời tựa gia phả họ Nguyễn viết năm 1754, chính Nguyễn Thiếp cho biết: “Tổ tiên nhà ta ở huyện Nghi Xuân, xã Cương Gián. Thôn ở phía Bắc núi Đại Hồng (Hồng Lĩnh); phía Đông tới Đại hải. Một dòng khe Xuân Viên chảy quanh phía trước[3].

 

Không chỉ là quê hương chôn nhau cắt rốn, Nghệ Tĩnh còn gắn liền mật thiết với những sự kiện lớn trong cuộc đời Nguyễn Thiếp. Theo La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thiếp bước vào đường khoa cử với kỳ thi Hương tại trường Nghệ An năm 21 tuổi. Thời trai trẻ, ông ngao du sơn thủy và dạy học khắp vùng Hồng Lam rộng lớn. Năm 34 tuổi, ông làm Huấn đạo Anh Đô, năm 40 tuổi làm Tri huyện Thanh Chương (đều thuộc trấn Nghệ An). Sau khi từ quan, Nguyễn Thiếp trở về quê nhà, mở am dạy học ở trại Bùi Phong trên dãy Thiên Nhẫn gần thành Lục Niên. Quê nhà Nghệ An cũng là nơi Nguyễn Thiếp lần đầu hội kiến Long Nhương tướng quân, tức hoàng đế Quang Trung sau này vào năm 1788. Từ sau lần gặp này, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp bước sang những trang mới. Nghệ Tĩnh là nơi Nguyễn Thiếp hội kiến Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lần hai để bàn kế sách đánh quân Thanh năm 1789. Đây cũng là nơi ông được vua Quang Trung tin tưởng giao chức Đề điệu kiêm Chánh chủ khảo trường thi Nghệ An là khoa thi Hương đầu tiên của vương triều Tây Sơn và toàn quyền lựa chọn nhân tài cho nhà nước mới. Nghệ Tĩnh cũng là nơi hoàng đế Quang Trung đặt Sùng Chính thư viện, tin tưởng giao cho Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng (tương đương với Thượng thư bộ Học) và chọn đất xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô (kinh đô của vương triều Tây Sơn). Đây là hai nhiệm vụ vô cùng trọng đại trong công cuộc kiến thiết nhà nước mới[4].

 

            Không chỉ là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, Nguyễn Thiếp còn là nhà văn hóa đồng thời là xử sĩ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Là xử sĩ, Nguyễn Thiếp gần như cả đời ẩn dật tại quê nhà. Là nhà văn hóa, ông cùng các đồng sự đã dịch, chú giải các bộ sách Tiểu học, Tứ thư, Thi, Thư, Dịch sang chữ Nôm tại Sùng Chính thư viện đặt tại núi Nam Hoa ở quê nhà trước khi gửi về Phú Xuân. Quê hương Nghệ Tĩnh cũng là một mạch nguồn văn chương của Nguyễn Thiếp. Không khó để nhận ra vùng đất Hoan Châu địa linh nhân kiệt, cảnh vật hữu tình là nguồn cảm xúc bất tận, đồng thời để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong thơ văn La Sơn phu tử.

 

            Nhìn lại tên tự, tên hiệu của Nguyễn Thiếp, ta cũng phần nào thấy được vị trí của quê nhà Nghệ Tĩnh trong cuộc đời và hành trạng của ông. Ông tên húy là Minh, tự Quang Thiếp, vì kỵ húy chữ “Quang” (dưới thời chúa Trịnh Doanh) nên lấy tên Nguyễn Thiếp. Ông còn lấy tên tự khác là Khải Xuyên. Sau khi từ quan về ở ẩn gần núi Lạp Phong, ông lấy hiệu Lạp Phong cư sĩ. Am nơi ông trú đặt tại núi Bùi Phong nên ông lấy thêm hiệu Bùi Phong cư sĩ. Cùng với đó, người đương thời gọi ông bằng nhiều biệt hiệu khác. Vì nơi ông ẩn dật gần thành Lục Niên nên người ta thường gọi ông là Lục Niên tiên sinh hoặc Lục Niên hầu. Quê ông ở huyện La Sơn, trước đời Trịnh Giang là La Giang. Từ thời trẻ, Nguyễn Thiếp đã là thầy giáo đức cao vọng trọng, nổi danh khắp vùng Hồng Lam. Người đương thời tôn xưng ông là La Giang phu tử. Trong các chiếu thư gửi cho Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung xưng ông là La Sơn phu tử, La Sơn tiên sinh. Khi ông mất, người ta lấy tên làng ông để gọi tôn kính là Nguyệt Ao tiên sinh[5]. Trong thơ viết về Nguyễn Thiếp, Tiến sĩ Bùi Bật Trực mượn tên núi Thiên Nhẫn, thành Lục Niên để vinh danh ông: Tứ hải ngưỡng cao Thiên Nhẫn đỉnh/Cửu trùng trọng vọng Lục Niên quan (Bốn biển đều cúi trông đỉnh Thiên Nhẫn/ Cửu trùng trọng vọng cửa thành Lục Niên). Trong lịch sử nước ta, ít có danh sĩ nào mà tên tự, tên hiệu (do mình và do người khác đặt) lại gắn liền với quê hương nhiều như Nguyễn Thiếp. Điều này ít nhiều nói lên sự gắn bó sâu nặng của ông với quê nhà Nghệ Tĩnh.

 

            Sự gắn bó của Nguyễn Thiếp với quê hương còn thể hiện qua những quyết định trên mỗi ngã rẽ của bước đường hoạn lộ. Năm 1780, chúa Trịnh Sâm cho mời ông ra Thăng Long bàn kế lật đổ nhà Lê. Nguyễn Thiếp can ngăn không được nên cáo từ trở về quê nhà dạy học, không nhận bất cứ bổng lộc hay chức tước nào. Vua Quang Trung lên ngôi, mời Nguyễn Thiếp về Phú Xuân giúp vua nhưng ông lại tìm cách thoái thác để trở về núi Thiên Nhẫn. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, tỏ ý trọng dụng thì Nguyễn Thiếp lúc này đang ở Phú Xuân cũng tìm cách cáo về quê. Rõ ràng, trước những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp quan trường, Nguyễn Thiếp đều chọn cách quay về quê nhà để vui thú điền viên, chuyên tâm dạy học và giữ tròn khí tiết. Nếu không bởi là người chẳng màng danh lợi, yêu quý quê hương, không dễ để làm được điều này.

 

            Có thể nói, quê hương Nghệ Tĩnh có một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Bởi đó, đọc thơ văn ông, không khó để nhận ra những tình cảm sâu nặng mà ông dành cho quê hương sông Lam núi Hồng.

 

            2. Quê hương Nghệ Tĩnh trong niềm tự hào, yêu quý của Nguyễn Thiếp

 

            Hoan Châu quê hương La Sơn phu tử là vùng đất nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, như lời của Phan Huy Chú viết trong Hoàng Việt dư địa chí: “Con người ở đây rất cần kiệm và hiếu học, sản vật thì quý và hiếm lạ, thần núi biển đều linh dị, khí thiêng non sông kết thành nhiều bậc danh hiền. Đất này là vùng thông với xứ Man Lào lại là vùng giới hạn giữa Nam Bắc do đó mà nó xứng đáng là một thành trì kiên cố, là then chốt của nước nhà trải qua các triều đại[6]. Đây là mạch nguồn niềm tự hào sâu xa của Nguyễn Thiếp về quê hương mình.

 

Nguyễn Thiếp còn là người gần như trọn đời gắn với quê nhà, dấu chân ngao du và dạy học từng in khắp vùng Hồng Lam rộng lớn, như lời ông tự thuật trong Hạnh Am ký soạn năm 1782: “Núi sông miền Nam Châu, dấu chân có gần khắp[7]. Chính điều này đã bồi đắp trong ông tình yêu với quê hương bản xứ. Bởi đó, không khó để giải thích hiện tượng quê hương Nghệ Tĩnh được nhắc đến thường xuyên và có một vị trí quan trọng trong di sản thơ văn Nguyễn Thiếp. “Trong tập Hạnh Am thi cảo của ông, có 21 bài (trên gần 90 bài của tập thơ) viết về cảnh vật và con người của quê hương xứ sở với một tình điệu nồng hậu, tha thiết. Những danh sơn như Nghĩa Liệt, Thiên Nhẫn, Đại Huệ, Kim Nhan… những danh lam cổ miếu như chùa Hương Tích, chùa Ân Quang, đền vua Mai… những bến sông cửa bể trù phú, thơ mộng như Phù Thạch, Đan Nhai… để lại dấu ấn sâu đậm trong thơ ông”[8].

 

Trong Hạnh Am thi cảo, Khải Xuyên thường xuyên viết về quê hương Nghệ Tĩnh bằng cảm hứng tự hào mãnh liệt: Trung thổ đa tài kiệt/Minh thời thuộc Diễn Hoan/Long chi phân hữu cán/Địa thế cực Nam man/Thủy khoát Song Ngư hải/Thiên cao Vạn Nhẫn san/Niên lai văn khí thịnh/Quang xạ Đẩu Ngưu gian (Trung thổ nhiều tài kiệt/Vượng ở châu Diễn, Hoan/Mạch rồng chia nhánh hữu/Thế đất giáp Nam man/Biển Song Ngư rộng lớn/Núi Vạn Nhẫn trời cao/Năm nay văn khí thịnh/Sáng dọi đến Đẩu Ngưu - bài Hoan Châu)... Ông dành sự ngưỡng vọng, cảm phục cho các bậc “nhân kiệt” là những anh hùng dân tộc xuất thân từ đất Hoan Châu “địa linh” quê mình như Mai Hắc Đế, Nguyễn Biểu, Lê Lợi: Khả liên anh hùng Mai Thúc Loan/Khước nhân tặc thần Dương Tư Thúc (Thương thay Mai Thúc Loan anh hùng/Bị bọn tặc thần Dương Tư Thúc hãm hại - Kinh Hắc Đế từ); Anh quốc thành hoang phương thảo lục/Nghĩa Vương kiều tại tịch dương hồng (Anh Quốc[9] thành hoang xanh cỏ dại/Nghĩa Vương cầu nọ rực tà dương - Đăng Nghĩa Liệt sơn)… Ông thường đi thăm thú và dành tình cảm yêu mến, gắn bó với nhiều danh lam, thắng tích cũng như núi sông hùng tráng, hữu tình của quê mình: Hồng Sơn dĩ bắc sơn chi tý/Cá cá chi miên lũng diệc thô/Hương Tích đại đô long hựu khứ/Hoa Khê cường bán thủy đông lưu (Hồng Sơn phía Bắc núi dang tay/Gò đống nhấp nhô mấy dãy dài/Hương Tích giành trời bên hữu trải/Hoa Khê dồn nước hướng đông xuôi - Du Liêu Đông); Kệ Trường cư huyện sách/Bình địa khởi Kim Nhan/Thần bút xung tiêu hán/Tiên hồ lạc thế gian/Song điều giang giới khẩn/Vạn lý thạch căn bàn/Thu tận tinh linh khí/An Nam tiểu Thái San (Giữa Kệ Trường bình địa/Đột khởi ngọn Kim Nhan/Bút thần chọc trời thẳm/Bầu tiên rơi thế gian/Sông hai dòng áp sát/Đá muôn hộc trải bàn/Khí linh thiêng thu hết/An Nam ấy Thái San - Kim Nhan động)…

 

            Đúng như nhận định: “Đọc những bài thơ viết về thiên nhiên và con người xứ sở quê hương của Nguyễn Thiếp ta có cảm tưởng như đứng trước một bức tranh toàn cảnh về một vùng danh lam thắng cảnh, màu sắc đường nét, cận cảnh, viễn cảnh tuy có khác nhau nhưng đều cùng một nét bút, một cảm xúc, một tâm hồn, rất mực yêu thiên nhiên và quê hương xứ sở”[10]. Không chỉ viết nhiều, La Sơn phu tử còn dành cho quê hương Nghệ Tĩnh một tình yêu mến, tự hào lắng sâu mà cũng rất đỗi mãnh liệt. Truyền thống địa linh nhân kiệt, cảnh trí hùng vĩ hữu tình của quê hương Nghệ Tĩnh đã góp phần làm giàu cho thế giới thơ ông. Đến lượt mình, phu tử với những vần thơ chân tình đã góp phần làm đẹp thêm cho quê hương xứ sở mình.

 

            3. Quê hương Nghệ Tĩnh trong nỗi ưu tư, thương nhớ của Nguyễn Thiếp

 

            Đọc Hạnh Am thi cảo, có thể thấy “đất nước và con người xứ Hoan Châu là nguồn cảm hứng dạt dào, là một chủ điệu với những biểu tượng ám ảnh, xuyên suốt, bồi hoàn, luyến láy trong thơ Nguyễn Thiếp”[11]. Cùng với cảm xúc yêu mến, thương nhớ, tự hào, Nguyễn Thiếp còn dành cho quê hương nhiều trăn trở, ưu tư.

 

            Trọn cuộc đời gắn bó với quê hương sông Lam núi Hồng, hơn ai hết, Nguyễn Thiếp chứng kiến và thấu hiểu điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt cũng như cuộc sống cơ cực của người dân quê mình. Đó là lý do vì sao trong thơ, ông nói nhiều đến “cuộc sống của nhân dân vùng Hoan Châu (Nghệ Tĩnh)” với “sự quan tâm sâu sắc đối với con người[12]”. Bởi lẽ, “Nguyễn Thiếp là người nặng lòng với nhân dân lao động”[13]. Những vần thơ ông viết về người dân quê mình bao giờ cũng nặng lòng cảm thương, đau đáu. Trong Hạnh Am thi cảo, La Sơn phu tử thường xuyên nói đến cảnh mất mùa, đói kém, cơ cực của người dân quê ông: Hoan Châu cửu tòng dịch/Tài lực đãi vô di/Huống phục nhị tam niên/Hung mang thất sở y/Cùng dân thập ngũ lục/Ngạ biễu dữ lưu di/Vị mông khoan tức chiếu/Dĩ thi thôi loát kỳ (Hoan Châu đã lâu phải chịu binh dịch/Của cải sức người chẳng còn gì/Huống gì hai ba năm nay/Mất mùa, chẳng biết dựa vào đâu/Dân cùng cực mười phần thì năm sáu phần/Chết đói và lưu tán/Chưa được chiếu ban ơn khoan sức/Lại thêm thuế thúc bách - bài Thừa phúc). Ông nhìn thấy nguyên nhân không chỉ bởi nạn binh dịch, sưu cao thuế nặng mà còn ở tình trạng xã hội bất ổn, chiến tranh liên miên trên quê hương mình: Thánh vương cửu bất hưng/Tranh chiến đồ phân phân (Thánh vương lâu không thấy/ [Chỉ có] khói lửa chiến tranh tơi bời - Phó tỉnh thí bất quả đăng Đông Lũy thành). Và còn bởi thiên tai, lũ lụt triền miên trên quê hương ông: Thiên Nhẫn phong hòa vũ/Bình trù ba dục phiên/ Đảo úng thiên như lậu/Nhạc thốc đông nam ngung/Mông mông bất kiến thụ/Niên mang huyền khánh thất/Mễ quý sinh trần phủ (Thiên Nhẫn mưa cùng gió/Dưới đồng bằng sống muốn lật/Trời trút nước như bị thủng/Phía đông nam núi Nhạc Sạc/Mịt mù chẳng thấy cây cối/Năm mất mùa trong nhà khánh kiệt/Gạo đắt nồi niêu để mốc meo - Vũ trung vọng cố hương). Chính trong biểu dâng lên vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp nói về dân tình Nghệ Tĩnh bằng những lời gan ruột: “Nghệ An đất xấu dân nghèo […]. Gặp năm mất mùa, dịch tật, kẻ thì chết đói, người thì xiêu bạt. Còn lại mười phần chỉ có năm, sáu mà thôi. May mùa khô khan, đồng ruộng bỏ hoang, ruộng cấy rất ít[14]. Có thể nói “phu tử sống ẩn dật trên núi cao nhưng lòng vẫn hướng về dân, thấu hiểu cảnh sống lầm than của nhân dân và thương xót họ”[15]. Thơ ông vì thế cũng đầy ưu tư như tấm lòng ông dành cho người dân quê mình.

 

            Dù cơ cực, nhọc nhằn nhưng quê hương Nghệ Tĩnh vẫn đẹp mãi trong lòng La Sơn phu tử. Không chỉ yêu mến, tự hào, ông còn không nguôi thương nhớ quê nhà mỗi khi đi xa. Vào Bố Chính, trú nhà ông Huyền Võ, Nguyễn Thiếp lại nhớ về núi Trà, núi Bột gần làng mình: Trà, Bột quê nhà cũng chẳng khơi. Viết thư gửi cho em con chú là Kiều Dương, ông chạnh lòng khi nghĩ đến căn nhà cũ của mình: Cố quốc nhà tranh gai mọc đầy. Ra Bắc thi Hội, ông lại nhớ về vườn xưa: Chè, quýt vườn ta, ta bón xới[16]. “Trong thế giới thơ ông, cảnh vật quê hương hiện lên thật gần gũi, ấm áp, thân tình. Núi rừng thì có hình ảnh Thiên Nhẫn, Lạp Phong, Nhạc Sạc, Trà Sơn, Liệt Sơn, Bột Sơn, Liệt Sơn,…; biển đảo thì có hình ảnh Nam Hài, Song Ngư,… luôn được ông nhắc đến trong thơ như những người bạn cố tri, những người thân thích quanh quẩn bên mình”[17]. Nỗi nhớ thương giản dị mà lắng sâu, bền chặt trong lòng La Sơn phủ tử dành cho quê hương Lam Hồng cũng khởi nguồn từ đó.

*

            Có thể khẳng định, quê hương Nghệ Tĩnh địa linh nhân kiệt đã hun đúc nên một danh nhân văn hóa La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Để rồi, bằng tài năng, tâm đức, nhân cách cùng những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực của mình, Nguyễn Thiếp đã tiếp nối, phát huy truyền thống quê hương và vinh danh quê hương bằng những cống hiến to lớn cho lịch sử dân tộc, trong đó có những vần thơ đặc sắc về đất và người sông Lam núi Hồng. Không chỉ có vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của La Sơn phu tử, Nghệ Tĩnh còn chiếm giữ vị trí không thể thay thế trong tấm lòng phu tử với tất cả cung bậc tình cảm của một người yêu tha thiết quê hương bản quán. Sự gắn bó sâu sắc giữa Nguyễn Thiếp và đất Hồng Lam để lại cho đời một biểu tượng đẹp về mối liên hệ giữa danh nhân và quê hương.

 



[1] PGS.TS. Biện Minh Điền (2023), “Nhận diện bản sắc đất và người Hà Tĩnh”, báo Hà Tĩnh điện tử, ngày 23.1.2023.

[2] Biện Minh Điền (2022), “Chế độ giáo dục, khoa cử Nho học thời tiền hiện đại với đất và người Hà Tĩnh”, Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11, dẫn theo: http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/che-do-giao-duckhoa-cu-nho-hoc-thoi-tien-hien-dai-voi-dat-va-nguoi-ha-tinh-1668565522.html.

[3] Theo Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn phu tử, Minh Tân xuất bản, Paris, tr.192, chúng tôi viết lại theo quy định chính tả hiện hành.

[4] Theo Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn phu tử, Sđd.

[5] Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn phu tử, Sđd, tr.15-16.

[6] Phan Huy Chú (1997), Hoàng Việt dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, tr.174.

[7] Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn phu tử, Sđd, tr.36.

[8] Phạm Quang Ái (2022), “Đất và người Hoan Châu trong thơ La Sơn phu tử”, Tạp chí Hồng Lĩnh, số tháng 12, dẫn theo: http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/dat-va-nguoi-hoan-chautrong-tho-la-son-phu-tu-1672043668.html.  

[9] Anh Quốc: tướng giặc Trương Phụ xâm lược nước ta, được nhà Minh phong tước Anh Quốc công. Nghĩa Vương: tước do vua Lê Thánh Thông ban cho người anh hùng đánh Minh Nguyễn Biểu. Trong hai câu thơ này, tác giả Nguyễn Thiếp đặt trong tính đối lập giữa sự hoang tàn của thành quách tướng giặc với vẻ đẹp rực đỏ chính khí của cây cầu nơi Nguyễn Biểu tử trận để nhấn mạnh, ngợi ca sự hi sinh dũng liệt của người anh hùng dân tộc Nguyễn Biểu.

[10] Nguyễn Sỹ Cẩn (1998), Thơ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nxb Nghệ An, tr.12.

[11] Phạm Quang Ái (2022), “Đất và người Hoan Châu trong thơ La Sơn phu tử”, tlđd.

[12] Nguyễn Lộc (2004), Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX), Nxb Giáo dục, tr.57.

[13] Trần Thu Hà (2010), Tìm hiểu thơ chữ Hán của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Vinh, tr.58.

[14] Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn phu tử, Sđd, tr.141.

[15] Trần Thu Hà (2010), Tìm hiểu thơ chữ Hán của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, tlđd, tr.62.

[16] Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn (1952), La Sơn phu tử, Sđd, tr.54, 55 và 65.

[17] Phạm Quang Ái (2022), “Đất và người Hoan Châu trong thơ La Sơn phu tử”, tlđd.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444081

Hôm nay

223

Hôm qua

2309

Tuần này

21894

Tháng này

219255

Tháng qua

112676

Tất cả

114444081