Văn hóa truyền thống của người Ơ Đu hiện nay tồn tại như những hoài niệm. Nhưng điều đó chưa hẳn là những tín hiệu buồn. Bởi nếu nhìn một cách tích cực, rõ ràng người Ơ Đu đã tìm ra những cách thích ứng phù hợp trong lịch sử phát triển của mình.
Văn hóa truyền thống của người Ơ Đu hiện nay tồn tại như những hoài niệm. Nhưng điều đó chưa hẳn là những tín hiệu buồn. Bởi nếu nhìn một cách tích cực, rõ ràng người Ơ Đu đã tìm ra những cách thích ứng phù hợp trong lịch sử phát triển của mình.
Một buổi họp về bảo tồn bản sắc văn hóa của người Ơ đu
Nhận diện văn hóa truyền thống của người Ơ Đu
Gia đình người Ơ Đu sống theo chế độ phụ quyền, người đàn ông là người có quyền quyết định cao nhất trong nhà, và cũng được coi là trụ cột gia đình. Cũng như các tộc người khác, người Ơ Đu cũng tuân thủ quy tắc ngoại hôn để không làm suy thoái nòi giống. Người đàn ông chủ động đi hỏi vợ, và trước đây, họ có tục ở rể trong vòng 1 năm sau đó mới đón vợ con về nhà nội. Dòng họ của người Ơ Đu rất ít. Hiện chỉ thấy có một họ là họ Lo được chia thành hai nhánh là Lo anh và Lo em.
Làng bản của người Ơ Đu gọi là Plung, trước đây chủ yếu ở các khu vực đầu nguồn khe suối nên có nhiều bản gọi theo tên khe như bản Xốp Pột gọi theo nơi khe Pột và khe Com gặp nhau; bản Xốp Cháo gọi theo tên là khe Cháo; Bản Com gọi theo tên là khe Com; Bản Pủng gọi theo tên khe Pủng…. Nhà cửa của người Ơ Đu chủ yếu quay vào hướng núi.
Người Ơ Đu sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nương rẫy, chăn nuôi nhỏ và một vài nghề thủ công cơ bản. Kỹ thuật sản xuất của họ còn hạn chế hơn nhiều so với các cộng đồng xung quanh. Họ trồng lúa trên nương, là loại cây trồng chủ yếu. Bên cạnh đó còn trồng thêm các loại cây khác như bông, đay, ngô, các loại rau cỏ. Họ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, chó, một số gia đình ở gần suối còn nuôi thêm ngan, vịt để bổ sung thực phẩm cho gia đình. Nhìn chung, nền kinh tế nông nghiệp của người Ơ Đu phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Năm thuận lợi thì sẽ sung túc hơn và năm thời tiết khắc nghiệt thì lại đói kém. Họ cũng còn dựa nhiều vào kinh tế săn bắt, hái lượm. Thủ công nghiệp của người Ơ Đu chủ yếu là dệt vải thô, đan lát đồ tre mây để phục vụ nhu cầu trong gia đình và một vài nghề thiết yếu khác.
Người Ơ Đu chủ yếu ăn đồ nếp. Ngoài cơm thì còn có thịt từ chăn nuôi hoặc săn bắt trong rừng và rau cỏ trồng hoặc lấy từ rừng. Họ có nhiều món ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình. Người Ơ Đu uống nước nấu lá rừng và uống rượu cần. Trang phục truyền thống của người Ơ Đu do họ tự dệt và may, thường tối màu và dày, thô.
Cũng như các cộng đồng khác, người Ơ Đu cũng có nhiều nét văn hóa tinh thần đặc sắc. Từ các phong tục tập quán đến dân ca, dân vũ cũng như các lễ hội dân gian. Tiêu biểu là lễ hội đón tiếng sấm đầu năm. Tuy nhiên, theo thời gian, các yếu tố văn hóa của người Ơ Đu đã thay đổi theo hướng mai một dần các yếu tố văn hóa truyền thống.
Sự mai một các yếu tố văn hóa truyền thống
Cho đến hiện nay, các yếu tố văn hóa truyền thống của người Ơ Đu đã bị mai một, mất mát đi rất nhiều. Từ kết cấu làng bản, nhà cửa đến các sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần đều thay đổi. Các phương thức mưu sinh cũng thay đổi và ngày càng được hiện đại hóa. Không những vậy, các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể cũng mai một, mất mát nhanh chóng và thay vào đó là những yếu tố văn hóa mới.
Nhà sàn truyền thống của người Ơ Đu
Trước hết là kết cấu làng bản và nhà cửa. Hiện nay, chỉ còn bản Văng Môn là bản người Ơ Đu riêng biệt (dù có một vài hộ gia đình người Thái sống xen kẽ cùng), còn lại là các hộ gia đình sống rải rác ở các thôn bản bên cạnh người Thái và Khơ Mú. Riêng ở bản Văng Môn, là bản tái định cư nên được lựa chọn địa điểm dựng bản khá thuận lợi khi nằm ngay cạnh đường lớn. Các ngôi nhà cũng được xây dựng kiên cố hơn. Nhưng các ngôi nhà hiện nay cũng không hướng vào núi như trước kia nữa, mà chủ yếu hướng ra đường. Các trang thiết bị cũng thay đổi, và cả cảnh quan nương vườn cũng như chuồng chăn nuôi gia súc. Ngày trước, các bản của người Ơ Đu thường ở đầu khe, đầu suối, khá sâu xa và khó khăn hơn trong việc đi lại thì hiện nay bản Văng Môn lại ở ngay đường chính. Còn những hộ gia đình sống xen kẽ ở các bản Thái hay Khơ Mú thì kết cấu nhà cửa cũng khá giống với những gia đình xung quanh, chủ yếu là ở nhà sàn.
Trang phục truyền thống của người đàn ông Ơ Đu
Nghề đan lát truyền thống của người Ơ Đu
Trang phục truyền thống của người Ơ Đu cũng bị mai một dần. Hiện nay còn rất ít người biết dệt may đồ truyền thống. Trong một thời gian dài, họ đổi lấy trang phục của người Thái hoặc Khơ Mú để mặc. Còn giờ họ chủ yếu mua áo quần ngoài thị trường để sử dụng. Gần đây có một số dự án đang muốn khôi phục lại trang phục truyền thống nhưng chưa đạt hiệu quả mấy.
Một buổi học tiếng Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Ảnh: Phan Thắng
Một trong những mất mát lớn nhất chính là ngôn ngữ Ơ Đu hiện nay gần như không còn nữa. Ở bản Văng Môn hiện nay chỉ còn một người đàn ông biết nói tiếng Ơ Đu, thì cũng đã lớn tuổi. Còn lại không biết gì nhiều về tiếng Ơ Đu. Có những lần, Ban Dân tộc tỉnh đã mời người Ơ Đu từ Lào qua để giao lưu và mong muốn mời họ tham gia giúp đỡ để khôi phục lại tiếng Ơ Đu nhưng chưa thể thực hiện được. Hiện nay, người Ơ Đu chủ yếu nói tiếng Kinh, tiếng Thái và cả tiếng Khơ Mú.
Hầu hết các yếu tố văn hóa truyền thống từ vật thể đến phi vật thể đều không còn lại bao nhiêu. Những bài dân ca, dân vũ hiện nay không còn mấy người biết được. Lễ hội cũng bị mất mát hết, gần đây người ta nỗ lực khôi phục lại lễ hội đón tiếng sấm của người Ơ Đu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải xem xét lại. Những phong tục tập quán cũng không còn được thực hành nhiều trong cuộc sống nữa.
Quá trình tiếp xúc và biến đổi văn hóa của người Ơ Đu
Văn hóa Ơ Đu có hai cuộc tiếp xúc và biến đổi mạnh mẽ. Cuộc tiếp xúc đầu tiên là với các cộng đồng sinh sống bên cạnh mà chủ yếu là người Thái và Khơ Mú. Cuộc tiếp xúc thứ hai là với văn hóa người Kinh.
Trong cuộc tiếp xúc văn hóa với người Thái và Khơ Mú, văn hóa Ơ Đu bị biến đổi nhiều. Nhiều yếu tố văn hóa của người Thái đã ảnh hưởng mạnh và có tính chi phối đối với các yếu tố văn hóa Ơ Đu. Người Thái có dân số đông hơn và trình độ phát triển cũng cao hơn người Ơ Đu nên tác động mạnh đến văn hóa Ơ Đu. Trong suy nghĩ của người Thái thì người Ơ Đu là thấp kém hơn. Họ gọi người Ơ Đu là Tày Hạt, nghĩa là người đói rách, và xem đó như là thân phận “cuông”, “nhóc”. Người Thái và người Ơ Đu cũng có quan hệ hôn nhân với nhau. Chính vì tiếp xúc gần với một cộng đồng dân cư đông đúc hơn và phát triển hơn nên người Ơ Đu cũng tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa của người Thái. Họ chủ yếu nói tiếng Thái, tiếp thu và thực hành một số phong tục tập quán của người Thái. Mua trang phục của người Thái để mặc. Và người Ơ Đu cũng biết hát các bài hát truyền thống của người Thái. Trong một khoảng thời gian dài giao lưu, tiếp xúc văn hóa, người Ơ Đu dần tiếp nhận các yếu tố văn hóa Thái và nó lấn át dần các yếu tố văn hóa truyền thống của mình. Đây có thể coi là quá trình Thái hóa văn hóa Ơ Đu, nó diễn ra vào khoảng giữa nửa sau thế kỷ XX trở về trước.
Bên cạnh người Thái thì người Khơ Mú cũng có ảnh hưởng đến văn hóa của người Ơ Đu. Có nhiều hộ gia đình Ơ Đu sinh sống giữa những người Khơ Mú cũng dần tiếp nhận các yếu tố văn hóa Khơ Mú từ ngôn ngữ, trang phục cho đến các phong tục tập quán. Dù không phổ biến và mạnh mẽ như ảnh hưởng của người Thái nhưng cũng không thể phủ nhận được tác động của văn hóa Khơ Mú đến văn hóa Ơ Đu. Những người Khơ Mú khi về làm dâu Ơ Đu cũng đã mang nhiều yếu tố văn hóa Khơ Mú về theo, nhất là những tri thức về canh tác nương rẫy, về chăn nuôi hay tri thức về chăm sóc sức khỏe.
Cuộc tiếp xúc với văn hóa người Kinh ở miền xuôi lên đối với người Ơ Đu cũng vô cùng mạnh mẽ. Dù chỉ mới hơn nửa thế kỷ nhưng hệ quả của nó thì vô cùng to lớn. Tiếp xúc với văn hóa người Kinh cũng gắn liền với quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Từ những năm 1960 đến những năm 1980 là giai đoạn người Kinh di cư lên mạnh mẽ nhất. Ban đầu họ sinh sống chủ yếu ở các thị trấn. Càng về sau thì sự di dân cả tự giác lẫn tự phát trở nên nhiều hơn nên người Kinh cũng xen lẫn vào sinh sống trong các làng bản. Tiếng Kinh trở thành phổ thông nên các dân tộc hầu hết đều phải học thông qua các chương trình giáo dục của Nhà nước. Rồi đến yếu tố thị trường cũng như những con đường khác mà dần văn hóa người Kinh trở nên phổ biến ở vùng dân tộc và ảnh hưởng đến hầu hết các cộng đồng tộc người thiểu số. Hiện nay, hầu hết người Ơ Đu biết nói tiếng Kinh, mặc trang phục giống người Kinh và tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa của người Kinh mà họ coi đó là hiện đại hóa.
Tóm lại, ngày nay chúng ta quan tâm nhiều đến các bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số rất ít người như Ơ Đu. Nhưng mọi nền văn hóa đều vận động và biến đổi. Người Ơ Đu cũng không ngoại lệ. Nhìn nhận lại quá trình biến đổi văn hóa của người Ơ Đu cũng có thể thấy bên cạnh không ngừng nỗ lực giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống vốn luôn đối diện với nhiều thách thức, họ còn tìm cách tích hợp các giá trị văn hóa mới một cách năng động để phục vụ cuộc sống của mình. Đây là một tín hiệu quan trọng./.
277
2359
21452
217951
121356
114511078