Góc nhìn văn hóa

Vang mãi những bài ca người lính

Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

 

Trong âm nhạc cách mạng Việt Nam trước và sau 1975, số lượng các ca khúc viết về chiến tranh và người lính chiếm một số lượng lớn và mãi song hành theo năm tháng.

Song hành cùng 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, các nhạc sĩ cũng là những người lính vì Nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, và đội quân ấy đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với nước, với dân.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra những nhạc sĩ tài năng đúng vào thời điểm Tổ quốc và Nhân dân cần. Các nhạc sĩ không chỉ đơn thuần cống hiến cho nghệ thuật cách mạng mà cũng chính là những người chép sử bằng lời ca, nốt nhạc, để lại rất nhiều ca khúc mang hơi thở của cuộc sống và lịch sử. Gian khó, hiểm nguy của bom đạn chiến tranh, âm nhạc đã tạo nguồn năng lượng tích cực, tiếp thêm cho họ một sức mạnh vô biên làm nên một khí thế và tinh thần “tiếng hát át tiếng bom” nơi chiến trường và cả vùng hậu phương, cả ngoài mặt trận lẫn khi phải bị tra tấn, cùm gông trong chốn lao tù của kẻ thù.

Những người lính Vệ quốc quân ngày ấy

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, quần chúng nhân dân đã đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, nhất tề đứng lên đấu tranh làm nên một phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhạc sĩ Đinh Nhu lúc đó chưa đầy 20 tuổi, dù đang bị giam cầm trong nhà tù tàn bạo của thực dân Pháp tại Hỏa Lò, nhưng đã sáng tác ca khúc “Hồng quân ca” bằng cây sáo trúc từ bên ngoài chuyển vào. Đó chính là ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” được những người tù cộng sản của nhiều nhà lao trên toàn quốc phổ biến từ Bắc đến Nam.

Cùng với các bài hát ra đời sau này như “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Lên đàng” (Lưu Hữu Phước)…, bài hát “Cùng nhau đi hồng binh” đã truyền cảm hứng và đã lan tỏa rộng trong cao trào “Kháng Nhật cứu nước” dẫn đến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Trong các cuộc xuống đường tuần hành, mít-tinh, biểu tình của quần chúng nhân dân lao động, bài hát ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát đã được vang lên đầy hùng tráng và hào khí, có sức lan tỏa và lôi cuốn mạnh mẽ như ngọn lửa không bao giờ tắt, làm nên một khí thế cách mạng như “trào dâng, thác đổ” trong mùa Thu tháng Tám năm 1945 nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Ngày 19/8/1945, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trước hàng ngàn quần chúng nhân dân giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, nhạc sĩ Văn Cao đã chỉ huy đội đồng ca thiếu niên tiền phong hát vang bài “Tiến quân ca”. Bài hát như một hồi kèn xung trận, tiếp sức, đồng hành với quần chúng nhân dân thủ đô giành chính quyền trong ngày 19/8/1945.

 Đến chiều 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai tử chế độ thuộc địa nửa phong kiến, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay giữa trời thu lộng gió trong biển người dân Thủ đô có mặt tại Quảng trường Ba Đình đã cùng hát vang bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.

 “Tiến quân ca” là Quốc ca, bởi đó chính là sự lựa chọn của lịch sử và hợp với ý nguyện của lòng dân. 80 năm kể từ khi bài hát đó ra đời (1944 - 2024), nó luôn được trang trọng ngân lên đầy xúc động, thiêng liêng và tự hào trong các nghi lễ của các sự kiện lớn nhỏ của đất nước.

Cách mạng Tháng Tám 1945 cùng với sự khai sinh nhà nước đầu tiên mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự đời ca khúc đầu tiên viết về quân đội ta là “Đoàn vệ quốc quân” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Mỗi khi nghe những câu “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/Dù có gian nguy nhưng lòng không nề/Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi, thà chết chớ lui” là lúc mỗi người Việt Nam đều cảm nhận rõ sức mạnh vô song của tình yêu quê hương, đất nước, ý chí quyết tâm, ngoan cường chiến đấu của những người lính cách mạng. Bài hát như một lời thề của thế hệ thanh niên sục sôi lên đường chiến đấu vì Tổ quốc. Bài hát đó vẫn tiếp tục được hát vang và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, nhắc nhở hậu thế về giá trị của độc lập, tự do và một niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Theo tiếng gọi của non sông, nhiều thanh niên khắp mọi miền đất nước đã lên đường “Tây tiến”, “Nam tiến”, xông pha khắp mọi nẻo đường, trận mạc để cứu nước, cứu dân.

Chính trong bối cảnh hào hùng đó, các nhạc sĩ - chiến sĩ đã hòa mình vào dòng chảy của lịch sử để cho ra đời những khúc ca giàu chất sử thi, hùng tráng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Tiểu đoàn 307” (Nguyễn Hữu Trí, thơ Nguyễn Bính), “Anh vẫn hành quân”, “Hành quân xa”, “Du kích ca”, “Du kích sông Thao”, “Giải phóng Điện Biên” (Đỗ Nhuận), “Trường ca sông Lô” (Văn Cao) “Lá xanh” (Hoàng Việt), “Bộ đội về làng” (Lê Yên, thơ Hoàng Trung Thông ) “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành)…

 

Nhạc sĩ Doãn Nho hát ca khúc "Tiến bước dưới quân kỳ" tại Triển lãm panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Tiến bước dưới quân kỳ” (Doãn Nho) là bài ca tuyệt đẹp trong một khung cảnh cũng tuyệt đẹp của Tổ quốc thân yêu và lớp lớp những người lính trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày ấy đã dấn thân vào khó khăn, nguy hiểm và hiến thân vì Tổ quốc dưới lấp lánh ánh sao vàng bay trên quân kỳ. Bài hát này được chọn là một trong những bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và là 1 trong số 15 bài hát được quy định trong quân đội, được sử dụng thường xuyên trong các buổi nghi lễ của Nhà nước hay Quân đội.

 Bài hát “Hát mãi khúc quân hành” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền có lẽ đã khái quát khá đầy đủ bản chất của bộ đội cụ Hồ “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng. Ta yêu sao, làng quê non nước mình, tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca…”. Bài hát “Hát mãi khúc quân hành” chính là một sự nối tiếp một cách rất tự nhiên, tự tin, tự hào bài hát “Vì Nhân dân quên mình” (1951) của Doãn Quang Khải. Đây là bài hát đầu tiên nói về người lính khá toàn diện nhưng rất cô đọng về nguồn gốc, lý tưởng, mục tiêu chiến đấu của một đội quân vì nước, vì dân, nhấn mạnh rõ mối quan hệ gắn bó giữa quân đội với Nhân dân và sự tin yêu của Nhân dân với quân đội.

Doãn Quang Khải tuy không phải là một nhạc sĩ, ông chỉ là một người lính nhưng phần thưởng cao quý nhất với ông là bài hát “Vì Nhân dân quên mình” và ca khúc này đã được chọn làm nhạc hiệu cho các chương trình phát thanh, truyền hình của Quân đội cũng như nhạc mở đầu của Xưởng phim Quân đội. “Vì Nhân dân quên mình” đã trở thành “Quân ca” của lực lượng vũ trang, cùng song hành với người lính Quân đội nhân dân Việt Nam suốt 2/3 thế kỷ qua.

Với những người lính Cụ Hồ thì “Hát mãi khúc quân hành” và “Vì Nhân dân quên mình” là những “tuyên ngôn của lính”.

Hoan hô anh giải phóng quân

Trong chiến tranh giải phóng đân tộc, hành trang của một người lính quân giải phóng vào Nam chiến đấu chỉ một chiếc ba lô, 1 khẩu súng trường, chiếc mũ tai bèo, một đôi dép rọ và cao quý nhất là một trái tim người lính biết yêu thương cháy bỏng và rực lửa căm thù. Trên mũ của mỗi người lính là một ngôi sao, luôn sáng lên một niềm tin vào sứ mệnh cao cả, tin vào thắng lợi cuối cùng cho nhiệm vụ đánh đuổi quân thù, giải phóng non sông đất nước.

Hình ảnh của người lính trên chiến trường và cả khi đã về hậu phương đã được các nhạc sĩ khắc họa bằng những lời ca, nốt nhạc.

“Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Bóng cây Kơ Nia”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”… của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu; “Tiếng đàn Ta Lư”, “Người con gái Pa Kô”, “Dòng suối La La” của Huy Thục; “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du; “Lá đỏ”, “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”… của Hoàng Hiệp; “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý; “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương; “Dáng đứng Việt Nam” của Nguyễn Chí Vũ, thơ Lê Anh Xuân; “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Doãn Nho, thơ Hữu Thỉnh; “Người chiến sĩ ấy” của Hoàng Vân, “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý…

 Ca khúc “Người chiến sĩ ấy” của nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác năm 1969 thực sự là một đài tưởng niệm bất diệt về những người đã sinh ra, đã hiến dâng và đã ngã xuống cho Tổ quốc, “suốt đời tận trung với nước với dân” trong một thời đại của những người mang trong mình một lý tưởng cao đẹp, một khát vọng lớn lao và một sự hy sinh cao cả.

Nhạc sĩ Hoàng Vân không viết về một người lính cụ thể nào trong ca khúc “Người chiến sĩ ấy” nhưng mỗi khi các nghệ sĩ ngân vang bài hát này, chúng ta đã cảm thấy và cảm nhận như đã từng gặp gỡ, thân quen trên khắp các chiến trường trên mọi miền Tổ quốc. Tất cả những khó khăn, gian khổ trong chiến tranh, kể cả trong chốn tù đày của kẻ thù không thể nào làm lung lạc niềm tin, ý chí kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng mà càng làm cho tinh thần và nghị lực của người chiến sĩ cách mạng trở nên cao cả, phi thường, vĩ đại.

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ và ác liệt, đường Trường Sơn có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, là tuyến đường vận tải chiến lược chi viện lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men. Trên một con đường dài theo đất nước men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, mỗi tấc đất, mỗi cung đường, binh trạm, mỗi cây cầu, con sông, dòng suối của đường Trường Sơn huyền thoại đều thấm biết bao máu xương của nhiều bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu. Đường Trường Sơn và những người lính Trường Sơn đã khơi nguồn cảm hứng bất tận và sức sáng tạo diệu kỳ cho các văn nghệ sĩ làm nên những ca khúc bất hủ.

“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” - từ một bài thơ hay của nhà thơ Phạm Tiến Duật, qua lăng kính của nhạc sĩ Huy Thục đã khắc họa những hình ảnh khó khăn, gian khổ, ác liệt trên đường Trường Sơn, trở thành ca khúc tình yêu chiến trận đẹp nhất của lính Trường Sơn trên đường Trường Sơn.

Những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” khi vượt đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đều luôn mang trong tim hình ảnh của Bác Hồ kính yêu, trong mỗi bước chân hành quân vẫn như có “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Đường Trường Sơn mang bóng hình của Bác”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (nhạc Huy Thục, thơ Nguyễn Trung Thu), “Những bước chân trên dải Trường Sơn” và “Đường tôi đi dài theo đất nước” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, “Bài ca Trường Sơn” (Trần Chung, lời thơ Gia Dũng), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du), “Sợi nhớ sợi thương” (Phan Huỳnh Điểu, thơ Thúy Bắc), “Đường Trường Sơn xe anh qua” (Văn Dung), “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên),  “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp)…

Những người lính đi giữ biên cương

 

Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng B41 hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 Lạng Sơn, rạng sáng 17/2/1979 mang tính biểu tượng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc năm 1975, đất nước chưa một ngày ngơi nghỉ, vết thương chiến tranh của 30 năm (1945-1975) chưa kịp hàn gắn thì dân tộc ta lại phải tiếp tục vào cuộc chiến đấu mới, những người lính lại phải cầm súng ra mặt trận để chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ biên cương của Tổ quốc với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975-1979) và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989).

 Văn nghệ sĩ nói chung, các nhạc sĩ nói riêng lại tiếp tục phát huy sức mạnh tinh thần lớn lao của minh để sáng tác nên những ca khúc với những giai điệu hùng hồn, giục giã, tha thiết, truyền cảm hứng, tạo động lực cho những người lính.

Ngay trong đêm 17/02/1979, khi nghe tin 6 tỉnh biên giới phía Bắc bị tấn công, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do”, mở đầu cho hàng loạt ca khúc viết về người lính và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc: “Việt Nam, ôi nước Việt yêu thương. Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người. Độc lập - Tự do”.

 

Chiến sĩ biên phòng Ngô Duy Nhung cứu sống kịp thời một cháu bé từ trong đống đổ nát trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979. (Ảnh: Ngô Đình Phước/TTXVN)

Các nhạc sĩ tài danh đã rất quen thuộc với các tác phẩm nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, nay lại được trao truyền một sứ mệnh lịch sử. Nhạc sĩ Vũ Trọng Hối với “Lời tạm biệt lúc lên đường”, nhạc sĩ Hồng Đăng với “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”, nhạc sĩ Trần Tiến với “Những đôi mắt hình viên đạn”, nhạc sĩ Phạm Tuyên với “Chúng tôi là đồng đội Lê Đình Chinh”, nhạc sĩ Trần Chung với “Chiều biên giới” (thơ của Lò Ngân Sủn), Nhạc sĩ - chiến sĩ Trương Quý Hải với “Thư về với mẹ”…

 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ôn lại một thời kỳ lịch sử chiến đấu của quân đội ta, nghe lại và hiểu thêm những bài ca ra trận của một cuộc chiến vệ quốc 45 năm trước để chúng ta cùng thấm hơn những bài học bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Những ký ức lịch sử hào hùng đó giúp thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, đang thụ hưởng nền hòa bình biết ghi nhớ, ghi ơn các thế hệ cha ông đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp cùng nhau giữ nước và để sống xứng đáng hơn, sống trách nhiệm hơn với Tổ quốc.

Những bài ca không bao giờ quên và không thể nào quên

Trong âm nhạc cách mạng Việt Nam trước và sau 1975, số lượng các ca khúc viết về chiến tranh và người lính chiếm một số lượng lớn và mãi song hành theo năm tháng.

80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành cũng là 80 năm những người lính đã đi dọc theo chiều dài đất nước, trải qua nhiều chiến công oanh liệt, nhiều chiến thắng vẻ vang nhưng cũng đi cùng những mất mát, hy sinh vô cùng lớn. Tổ quốc không bao giờ quên và Nhân dân luôn ghi nhớ, ghi ơn. Những người lính có may mắn vượt qua lằn ranh sinh tử để về với gia đình, quê hương, cơ thể đã mang nhiều thương tích, bệnh tật vì đạn bom, chất độc hóa học, sốt rét ác tính. Họ lại một lần nữa phải xa gia đình, chọn không gian cuối đời để “tá túc” là các Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng trên nhiều địa phương.

Chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đã dần lùi xa nhưng vết thương của chiến tranh vẫn còn hằn theo năm tháng. Rất nhiều người lính vẫn chưa thể về nơi an nghỉ cuối cùng với các đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ. Rất nhiều phần mộ những người lính của nhiều nghĩa trang liệt sĩ vẫn chỉ được khắc trên bia mộ hàng chữ “Liệt sĩ chưa xác định”, “Liệt sĩ chưa biết tên”.

 Chính các văn nghệ sĩ gồm những người sáng tác thơ, người phổ nhạc từ thơ và người hát đã như nói thay những người còn sống gửi gắm những nỗi niềm về tình đồng đội, về sự biết ơn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chiến tranh đang dần lùi xa nhưng những thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh và đang được thụ hưởng nền hòa bình khi nghe các ca khúc đầy xúc động như vậy cần phải hiểu được giá trị của nền hòa bình mà dân tộc ta có được.

 “Đất nước” (Phạm Minh Tuấn), “Màu hoa đỏ” (Thuận Yến), “Thời hoa đỏ” (Thanh Tùng), “Bài ca bên cánh võng” (Nguyên Nhung ), “Những vết chân tròn trên cát” (Trần Tiến), “Cỏ non thành cổ” (Tân Huyền ), “Miền xa thẳm” (Đức Trịnh), “Về đây đồng đội ơi” và “Hát cho người còn sống” (Trương Quý Hải), “Trái tim chiến sĩ” (Trần Viết Được), “Nơi đảo xa” (Thế Song), “Gần lắm Trường Sa” (Hình Phước Long), “Tổ quốc gọi tên mình” (Đinh Trung Cần, thơ Nguyễn Phan Quế Mai)…

Những ca khúc nổi tiếng đó không chỉ hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong những thời kỳ lịch sử của đất nước mà đã ngấm vào máu thịt, đi vào trái tim của hàng triệu người lính và khán thính giả nhiều thế hệ.

Trong tất cả các ca khúc về người lính trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, ca khúc để lại ấn tượng “không thể nào quên” là bài hát “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, có những được - mất riêng trong mỗi cuộc đời của mỗi con người, mỗi gia đình đã đan xen và hòa quyện với niềm vui, nỗi đau chung để làm những lời ca, nhạc điệu ấm nồng tình nghĩa đồng đội, tình quê hương, tình đất nước.

Với “Bài ca không quên”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn như đã nói thay nhiều nhạc sĩ, nhắc nhớ nhiều người lính còn được may mắn trở về với gia đình, quê hương sau chiến tranh, được may mắn có “những giây phút bình yên” thì xin hãy đừng bao giờ quên “lời mẹ ru con đêm đêm”, “rừng lạnh sương đêm trăng suông”, “những tháng ngày vất vả” ở những nơi “đất rừng xứ lạ”. Đừng quên “những mùa nước đổ” để “gót mòn hành quân hối hả” nhưng em vẫn “chống xuồng vượt qua pháo nổ”. Tuy trong “bước đường hành quân đói lả” thì xin đừng quên nhưng người lính quân giải phóng vẫn thương nhau chia ngọt sẻ bùi, vẫn “gạo cầm hơi, một điếu thuốc cũng chia đôi”…

Những ký ức bình dị, hào hùng và thiêng liêng nhưng nhạc sĩ đã gửi đến nhiều thông điệp. Và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã gói ghém nhiều đau đáu nỗi niềm, nhiều trăn trở suy tư của đời nhạc sĩ, chiến sĩ Đoàn Văn công Quân Giải phóng để “gửi trọn đời cho tất cả” và ca khúc bất tử ra đời năm 1981 này được ông sáng tác tặng những người lính đang chiến đấu dũng cảm, kiên cường trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Bài hát “Bài ca không quên” càng khó quên hơn khi ca khúc bất hủ này là nhạc phim của bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông và ca sĩ đầu tiên hát thành công bài hát này, trong bộ phim này là ca sĩ Cẩm Vân.

Tên bài hát cũng đã trở thành tên của một chương trình nghệ thuật lớn của Đài truyền hình Quốc phòng Việt Nam dàn dựng rất thành công, chạm đến trái tim khán giả.

 Những bài ca người lính cũng là những bài ca không quên, không được phép quên và không thể nào quên. Các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau vẫn luôn xem cuộc đời nghệ thuật của mình như là một sự trả nợ ân tình với lịch sử, với những người lính và vẫn luôn “Hát mãi khúc quân hành”, vẫn mãi “ca bài ca người lính”.

Rất đơn giản vì đó là lịch sử.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114524506

Hôm nay

2284

Hôm qua

2309

Tuần này

21208

Tháng này

211202

Tháng qua

0

Tất cả

114524506