Xứ Nghệ ngày nay

Cơ quan nào quản lý chùa Cần Linh?

Chùa Cần Linh (còn có tên gọi khác là chùa Sư Nữ) là di tích được xếp hạng quốc gia năm 1992, toạ lạc trên địa bàn phường Cửa Nam (TP Vinh). Đáng tiếc là từ nhiều năm nay, về cơ bản, di tích này vẫn nằm “ngoài vùng phủ sóng” của công tác quản lí nhà nước về di sản văn hoá.

Nhiều vi phạm Luật Di sản Văn hoá

Đến Chùa Cần Linh, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là cặp rồng bằng bê tông trước cổng chùa với hình dáng dữ tợn. Đây là chi tiết kiến trúc mới do nhà chùa tự làm, mà theo lời họ giải thích là “để trang trí”. Cặp rồng này không tuân theo một hình mẫu linh vật nào trong truyền thống văn hoá Việt, theo nhận xét của nhiều người thì nó không ăn nhập gì với tổng thể kiến trúc chùa, gây phản cảm. Phía trong hàng rào khuôn viên chùa Cần Linh có rất nhiều chi tiết kiến trúc, hạng mục xây dựng mới do nhà chùa tự làm, không được cơ quan có thẩm quyền(1) phê duyệt. Ở phía chính diện là một mái tôn hình vòm rộng hàng trăm mét vuông, đặt một pho tượng Phật bằng đồng nhiều mắt nhiều tay. Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Ban Tôn giáo Sở Nội vụ, thì bức tượng này được nhà chùa đúc cách đây khoảng 6 – 7 năm(2). Phía bên phải chùa (nhìn từ ngoài vào) là nhiều bức tượng Phật ở tư thế ngồi. Phía trái chùa là một lầu cao hàng chục mét, bên trong có nhiều bức tượng Phật (có người gọi là “lầu Quan âm”). Phía trước bức tượng đồng là một cặp linh vật có hình dáng giống con nghê vừa mới được làm. Vào sâu bên trong, phía bên phải chùa có đặt một bức tượng Phật Di lặc nhỏ, hình dáng rất mới, phía dưới có hòm công đức. Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng BQL Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An khẳng định: “Những việc làm nói trên của chùa Cần Linh là sai. Bởi vì theo qui định của Luật Di sản văn hoá, trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích, mọi hoạt động tu bổ tôn tạo đều phải được phép của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch”.

 

Nhà mái che bằng tôn, tượng Phật nghìn tay nghìn mắt và hòm công đức

Trong chùa, có đến hàng chục hòm công đức, được đặt tại các vị trí khác nhau. Trước các bức tượng mới làm đều có hòm công đức (tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, tượng Phật Quan âm, tượng Phật Di lặc…).  Một số hòm công đức có ghi chú riêng, ví dụ: "Công đức cúng dàng Phật bà Quan âm", "Công đức cúng dàng Tam bảo", "Công đức cúng dàng Đức Phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay"...Giải thích cho việc tự ý đặt nhiều hòm công đức trong chùa, ni cô Thích Diệu Nhẫn, trụ trì cho rằng làm như vậy để người dân có thể công đức cho các đối tượng khác nhau như: Tam bảo, hương linh...Việc quản lý tiền công đức cũng không tuân theo qui định của pháp luật. Tổng số tiền thu được bao nhiêu, chi vào những khoản gì...đều do nhà chùa quyết định,  Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đều không nắm được. Theo Quyết định 195/Q Đ.UBND.VX ngày 24/1/2011 của UBND tỉnh Nghệ An, thì mỗi di tích không được đặt quá ba hòm công đức; tiền công đức được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc tài chính của Nhà nước. Như vậy, việc nhà chùa Cần Linh đặt nhiều hòm công đức và tự thu, tự chi số tiền này là trái qui định. Về vấn đề này, ni cô Thích Diệu Nhẫn, trụ trì chùa cho rằng, từ trước đến nay, chưa hề được cơ quan chức năng phổ biến về quy định quản lý tiền công đức của Nhà nước (?). Ni cô này cũng nói rằng: "Tiền công đức không đủ chi, tôi phải đi làm thuê thêm" (!?). Tuy nhiên, ngay sau  đó, chính một người cùng làm việc với sư Thích Diệu Nhẫn lại nói cách đây một thời gian có người của cơ quan Nhà nước đến triển khai đặt hòm công đức tại chùa, nhưng do chùa không thống nhất nên không thực hiện được(3). Còn ông Lê Quang Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, Trưởng BQL di tích chùa Cần Linh khẳng định: Chúng tôi đã triển khai Quyết định 195 (với chùa) rồi.

 

 

Tượng quan thế âm bồ tát và...hòm công đức  

 

Tượng Di lặc và....hòm công đức 

 

 

Hòm công đức, và, ....hòm công đức

 

Một con nghê mới đắp trong sân chùa

Lúng túng trong quản lý       

Từ năm 2012, theo phân cấp của UBND TP Vinh, UBND phường Cửa Nam đã thành lập BQL di tích chùa Cần Linh, giao ông Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách văn xã (ông Lê Quang Minh, nay đã chuyển công tác) làm trưởng ban, ông Chủ tịch UBMTTQ phường làm Phó ban, và công chức văn hoá làm ban viên. Về phía chùa thì người trụ trì là Phó BQL. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Minh, hoạt động của BQL chỉ hỗ trợ một số hoạt động trong chùa hay tu bổ di tích, còn tiền công đức cũng như các hoạt động khác trong chùa thì thuộc quyền của chùa. Ông Bùi Quang Phương, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP Vinh nói: "Việc quản lí Nhà nước ở chùa Cần Linh hiện nay đang khó khăn do chùa trực thuộc Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo". Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng BQL Di tích danh thắng cũng cho rằng: "Do đặc thù của chùa là cơ sở tôn giáo nên khó quản lý theo Luật Di sản văn hoá" (!?). Ông Nguyễn Văn Long, Phó Ban Tôn giáo Sở Nội vụ nói: "Hiện nay, một số chùa có các hoạt động như đi cúng cho dân hay cầu siêu là những việc mà giáo hội không chủ trương làm. Chúng tôi cũng có nhắc nhở là nên coi đó là phương tiện để kéo người dân đến chùa mà giảng pháp. Tại chùa Cần Linh, việc xây dựng trái phép là có, nhưng đó chỉ là những công trình tạm do nhu cầu Phật tử sinh hoạt. Còn những bức tượng xi măng trong khuôn viên chùa chỉ làm cho vui mắt (?!). Theo qui định của giáo hội, sư trụ trì là người có toàn quyền quyết định mọi việc trong chùa, Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo cũng không giải quyết được những việc của các chùa. Hiện nay, mỗi chùa nộp cho Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh 1 triệu đồng/năm; còn việc chi tiêu tiền nong tại các chùa, Ban trị sự không nắm". 

Như vậy, mặc dù có nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý (Ban Quản lý DTDT, UBND TP Vinh, phường Cửa Nam; Ban Tôn giáo Sở Nội vụ, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh…), nhưng công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá tại chùa Cần Linh còn bất cập, dẫn đến nhiều vi phạm chưa được xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Một câu hỏi đặt ra là hiện tại cơ quan nào quản lý chùa Cần linh? Và thực tế cho thấy có một câu hỏi thứ hai là: Cần làm gì để quản lí chùa Cần Linh theo đúng qui định của Luật Di sản Văn hoá và các qui định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Và câu hỏi thứ ba, rằng: Cơ quan nào sẽ trả lời các câu hỏi trên?


Chú thích: (1). Theo Luật Di sản Văn hoá và các văn bản hướng dẫn, đối với di tích quốc gia, thẩm quyền phê duyệt các hạng mục xây dựng tại các di tích thuộc Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch.
(2). Ông Nguyễn Văn Long cho biết trước khi đúc tượng chùa đã có xin Ban Tôn giáo Sở Nội vụ. Tuy nhiên, theo qui định của pháp luật, việc cấp phép đúc, đặt tượng này thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch. 

(3).Tại buổi PV làm việc với sư trụ trì chùa Cần Linh (ngày 9/10/2014), có một người tên là Lê Thanh Hải, tự xưng chức danh là “Văn phòng” chùa. Ông Hải trả lời một số câu hỏi của PV với thái độ gay gắt. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Ban Tôn giáo Sở Nội vụ khẳng định trong chùa không có chức danh “Văn phòng”, và cũng không được báo cáo về chức danh này tại chùa Cần Linh. Bà Phan Thị Thanh, Hiệu trưởng trường THCS Cửa Nam xác nhận ông Lê Thanh Hải là GV môn Sinh tại trường, Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Bà Thanh cho biết thêm, việc ông Hải làm việc tại chùa, nhà trường và Phòng Giáo dục TP Vinh đều biết, còn việc ông Hải làm ở “Văn phòng” chùa thì nhà trường không biết và ông Hải cũng không báo cáo./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443827

Hôm nay

278

Hôm qua

2307

Tuần này

21640

Tháng này

219001

Tháng qua

112676

Tất cả

114443827