Xứ Nghệ ngày nay

Lễ hội Làng Sen 2010, những điều đọng lại

                                                                                              
 
Lễ hội Làng Sen 2010 được tổ chức quy mô và ấn tượng nhất qua 9 mùa lễ hội Làng Sen. Liên tục một chuỗi chương trình, hoạt động diễn ra thường xuyên cả ngày, lẫn đêm tại rất nhiều địa điểm, địa phương: Liên hoan, hội thảo về văn hoá ẩm thực Bắc miền Trung; Hội trại, liên hoan điển hình tiên tiến thanh niên làm theo lời Bác; triển lãm tranh cổ động, tranh, ảnh mĩ thuật, tem thư về Bác; Tuần phim về Bác; giao lưu nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp của 24 đoàn nghệ thuật; giao lưu với các nghệ sĩ đóng vai Bác Hồ;…
 

Thời gian cũng diễn ra dài nhất, suốt từ ngày 7-19/5/2010. Không gian cũng rộng mở ra tận mười huyện, thành, thị trong tỉnh. Về nhân lực, đã có một sự đầu tư đáng kể. Một lực lượng thật hùng hậu được huy động tham gia vào lễ hội: 20 đoàn NTQC của 20 tỉnh, thành có dấu ấn của Người, 4 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp; hàng trăm vận động viên; hàng ngàn đại biểu các khối quần chúng. Chỉ riêng chương trình nghệ thuật đêm khai mạc đã có tới gần ngàn nghệ sĩ, diễn viên. Thời tiết cũng thật ôn hoà. Đêm tổng duyệt 14/5 mưa thật to, nhưng mấy ngày sau đó, tạnh ráo, có một chút nắng gắt đúng cái nắng tháng 5 đất Nghệ. Vậy là thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Ngoài một chuỗi các hoạt động nêu trên, màn pháo hoa trên Quảng trường Hồ Chí Minh sôi động và rực rỡ làm cho không gian hội thêm náo nức, sống động. 
Có lẽ điểm mới nhất của lễ hội Làng Sen năm nay, ngoại trừ những cái nhất đã nói ở trên thì lần này, các chương trình nghệ thuật không phải trình diễn để thi thố mà hướng về phục vụ nhân dân ở cơ sở. Có phần hơi vất vả cho các đoàn bởi sau một chặng đường dài hành hương về Nghệ An - quê Bác, lại phải tiếp tục về các huyện, thị trong tỉnh để lưu diễn. Nhưng “Cũng là dịp chúng tôi hiểu rộng hơn về tỉnh quê Bác, lại được phục vụ người dân cơ sở, nơi chưa có được nhiều cơ hội giao lưu văn hoá với các tỉnh” - chị Mai Hiền, đoàn NTQC Hà Nội thổ lộ. Thật mừng, hầu như tất cả các điểm biểu diễn đều thu hút tới hàng ngàn, có nơi tới cả vạn lượt người đến xem. Cũng có vài điểm do khâu tổ chức tuyên truyền chưa thật tốt nên lượng bà con biết tìm đến xem có phần hạn chế. Chúng tôi nghĩ đây cũng là cách làm có ý nghĩa thiết thực. Có vất vả cho người tổ chức và các địa phương nhưng cũng đem lại sự hưởng thụ văn hoá nhất định cho bà con ở cơ sở. Tuy nhiên, cũng cần chú trọng hơn khâu tuyên truyền để mọi người nắm đầy đủ thông tin.
Mỗi đoàn, mỗi tỉnh, mỗi người đến với lễ hội làng Sen bằng những tình cảm, bằng sự ngưỡng vọng của riêng mình. Chúng tôi được biết một câu chuyện rất cảm động của đoàn NTQC TP. Hồ Chí Minh. Hành trình về quê Bác của đoàn bị trục trặc bởi hỏng xe. Anh em quyết định thuê ngay tacxi Mai Linh để kịp ra dự lễ hành hương và lễ rước ảnh Bác. Nhưng tiếc thay mong ước này không thực hiện được. Mặc dù vậy, chương trình nghệ thuật vẫn được tập luyện ngay trên chuyến hành trình với bài hát cuối cùng để anh em thuộc hơn, ngấm hơn. Bởi Đoàn NTQC TP Hồ Chí Minh vừa phải làm một chương trình nghệ thuật lớn kỉ niệm 35 năm giải phóng miền Nam. Chỉ vỏn vẹn còn mươi ngày lo chương trình “Từ thành phố mang tên Bác, chúng con về thăm Người”. Chị trưởng đoàn NTQC thành phố Hồ Chí Minh phấn chấn: “Là Bác thử thách những người con ở thành phố mang tên Bác. Và chúng tôi đã làm được một việc, để lại được những ấn tượng sâu sắc trong lòng bà con cơ sở bằng sự trình diễn hết mình trong chương trình nghệ thuật vừa kịp hoàn thành”.
Hẳn là tổ chức Lễ hội Làng Sen, đến với Lễ hội Làng Sen, ai cũng mang trong mình một tâm thức, một tình cảm chân thành như vậy. Nhưng để tạo được một không gian linh thiêng để tình cảm ấy được chuyển tải, được nhân lên, được toả rộng trong một cộng đồng rộng lớn, thúc dục mọi người cùng tham gia, cùng hoạt động, đó là điều không dễ. Một lễ hội lớn như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều cái khó cho nhà tổ chức. Như còn sự lúng túng trong điều hành lễ rước, đoàn diễu hành chưa thật đẹp… Song cái mà nhiều người muốn có, muốn thấy rõ trong lễ hội lần này là một trình thức lễ thực sự tạo được sự linh thiêng, một không gian linh thiêng hơn những gì đang hiện hữu. Cũng như 8 kì lễ hội trước, hoạt động hội lần này có phong phú, sôi động hơn, nhưng trình thức lễ chưa có gì khác: vẫn là lễ dâng hoa tại Tượng đài Bác, lễ hành hương, lễ rước ảnh Bác và dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích Kim Liên. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc sống hiện đại hôm nay, cũng hiển hiện như là một vị Thánh. Chúng ta tổ chức lễ hội về Người cũng là muốn dâng lên Người, gửi tới Người những tình yêu, sự ngưỡng mộ, những cầu mong cho đất nước thịnh cường, cho cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Trình thức lễ là những điều kiện để tạo ra không gian thiêng, khí thiêng. Và chính cái thiêng là lực hút mạnh mẽ nhất, sâu bền nhất người dân tìm về lễ hội. Nhưng dường như trình thức lễ truyền thống vẫn còn mờ nhạt trong Lễ hội Làng Sen năm nay. Hơn nữa, chúng tôi nghĩ, một trong những yếu tố tạo nên cái thiêng cho lễ hội Làng Sen đó là không gian trung tâm của lễ hội. Lễ hội Làng Sen thì không gian trung tâm phải là làng Sen, nhưng lễ khai mạc năm nay vẫn diễn ra tại thành phố Vinh như những kì lễ hội trước. Vinh không thể gắn, không thể thật gần với những vật, những sự kiện liên quan đến Bác – nhân vật trung tâm của lễ hội, như Làng Sen, Kim Liên nơi Bác sinh thành. Có lẽ lễ hội lần này vẫn đang mang tính chất sân khấu hoá của một chuỗi hoạt động văn hoá, thể thao.
Phải chăng lễ hội được sinh ra, được sáng tạo là do chính người dân. Nhân dân là người tổ chức, là người tham gia hoạt động và hưởng thụ thành quả sáng tạo ấy. Bởi vậy đã là lễ hội luôn có sự tham gia tự nguyện đông đảo của người dân. Lễ hội truyền thống xưa nay là vậy. Lễ hội mà chúng ta đang phục hồi cũng phải trên xu hướng ấy. Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen tại Quảng trường Hồ Chí Minh, trong một không gian và những điều kiện thuận lợi và có nhiều người đến để xem chương trình nghệ thuật nên lượng người dân đến xem thật đông. Các chương trình nghệ thuật lưu diễn ở cơ sở cũng được dân hưởng ứng nhiệt tình. Nhưng các hoạt động khác như triển lãm tranh cổ động, tranh, ảnh mĩ thuật v.v… thật thưa vắng bóng người. Còn ở Kim Liên, chắc là bận rộn mùa màng nên người dân địa phương không có nhiều thời gian để xem hội, dự lễ. Sự hiện diện của các tổ chức, các đoàn, các thành phần “cứng” đang là lực lượng, nhân lực chủ yếu của lễ hội. Như vậy, xem ra Lễ hội Làng Sen vẫn đang bị hành chính hoá. Phải chăng đó cũng là điều làm chúng ta suy nghĩ.
Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2010 đã kết thúc. Đọng lại trong mỗi người con Nghệ An và trong du khách hành hương về quê Bác tháng 5 này là tình cảm sâu nặng với người Cha già dân tộc Hồ Chí Minh. Tình cảm ấy đang kết tinh và được thăng hoa trong Lễ hội Làng Sen - lễ hội về Người.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443284

Hôm nay

2175

Hôm qua

2305

Tuần này

21097

Tháng này

218458

Tháng qua

112676

Tất cả

114443284