Xứ Nghệ ngày nay

Phong trào TDTT Quỳ Châu vượt khó đi lên

QUỲ CHÂU là một trong những huyện miền núi có truyền thống về phong trào TDTT quần chúng. Trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Quỳ Châu từng nổi danh cả tỉnh về các môn điền kinh, bóng chuyền và bóng đá.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT trên địa bàn huyện đang rất thiếu thốn: chưa có sân vận động và nhà thi đấu thể thao cấp huyện. Do đó, việc tổ chức các giải thể thao truyền thống gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng tới thành tích, chất lượng của giải. Anh Trần Việt Đức - Trưởng phòng VHTT-TT huyện chia sẻ: “Việc có được một sân vận động và nhà thi đấu thể thao cấp huyện cho đến giờ vẫn là mơ ước của người dân Quỳ Châu chúng tôi”.

Cái khó của Quỳ Châu trong hoạt động TDTT hiện nay còn rất nhiều, cả về cơ sở vật chất lẫn kinh phí hoạt động, từ huyện cho đến cơ sở. Cho đến giờ, huyện đã quy hoạch quỹ đất để xây dựng sân vận động, nhà thi đấu, nhưng tất cả đang nằm trên giấy, bởi kinh phí đầu tư xây dựng nằm ngoài khả năng của huyện. Kinh phí chi cho hoạt động TDTT của huyện còn rất eo hẹp, chỉ với 80 triệu đồng/năm. Còn ở cấp xã, hằng năm chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng cho các hoạt động VHTT. Vì vậy, việc tổ chức các giải đấu thể thao phong trào gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc kêu gọi sự hỗ trợ, tài trợ để tổ chức các giải đấu từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị vẫn chỉ là con số không. Việc xây dựng các thiết chế VHTT-TT cơ sở gặp muôn vàn khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa như Châu Phong, Châu Hoàn, Châu Nga… điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, địa hình phức tạp, tỷ lệ hộ đói nghèo còn khá cao (gần 40%) ... Có một nghịch lý là nhiều thôn bản ở vùng sâu vùng xa, đất rộng người thưa nhưng lại rất ít quỹ đất để xây dựng các thiết chế bởi địa hình nơi đây toàn đồi núi dốc, kinh phí để san ủi mặt bằng đôi khi lại bằng hoặc hơn kinh phí xây dựng.

Hiện nay, huyện Quỳ Châu cũng chỉ mới duy trì được 4 giải đấu cấp huyện (một giải với các môn trong Lễ hội Hang Bua, giải bóng chuyền và 2 giải cầu lông). Việc tổ chức các giải đấu còn nhờ vào cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Nhiều giải đấu do các đơn vị tự đứng ra tổ chức.

Trong rất nhiều khó khăn như vậy, song phong trào tham gia tập luyện TDTT trên địa bàn Quỳ Châu những năm gần đây vẫn đạt những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2010, số hộ gia đình thể thao của huyện đạt 1.640 hộ, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên là 13.286 người, đạt 25% dân số, đã có trên 31 câu lạc bộ thể thao duy trì hoạt động thường xuyên, 12/12 cán bộ chuyên trách văn hoá, thể thao xã đã được đào tạo đều có trình độ từ trung cấp trở lên với sự hỗ trợ 50% nguồn kinh phí của huyện.

Nhiều địa phương đã huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, các xã Châu Hội, Châu Bính đã mạnh dạn đầu tư, vận động nhân dân quyên góp vật liệu, công sức xây dựng SVĐ khang trang với kinh phí gần 400 triệu. Phong trào làm các công trình thể thao như sân bóng chuyền, cầu lông tại các làng, bản để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thể thao của bà con cũng có nhiều khởi sắc. Hiện nay, 100% làng, bản và các xã đều có ít nhất 1 sân và 1 đội bóng chuyền, tiêu biểu nhất là các xã Châu Bính, Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Tiến, Diên Lãm... Có gia đình tự bỏ tiền làm sân chơi, mua sắm các dụng cụ phục vụ cho tập luyện TDTT hàng ngày như gia đình ông Lê Văn Dũng, ở thị trấn Tân Lạc tự bỏ tiền đầu tư xây dựng sân cầu lông... Gia đình ông Vi Văn Thanh ở xóm Tân Hương, xã Châu Hạnh có 3 thành viên tham gia các đội bóng chuyền của xã. Nhiều CLB thể thao đã được hình thành như: CLB bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, CLB dưỡng sinh..., thu hút và tập hợp hàng trăm hội viên. CLB cầu lông huyện Quỳ Châu là một trong những CLB mạnh trong tỉnh.

Không có điều kiện để tổ chức nhiều giải đấu lớn ở huyện nhưng mỗi năm có hàng trăm giải đấu được tổ chức ở cơ sở đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Chỉ tính riêng trong năm 2010, toàn huyện đã tổ chức gần 200 giải thể thao ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với các môn thi như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bắn nỏ, kéo co... Các giải đấu được tổ chức ở cơ sở nhằm khích lệ phong trào tập luyện TDTT quần chúng, tạo sân chơi bổ ích giữa các tầng lớp nhân dân, xây dựng tình đoàn kết xóm, làng, bản góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội. Cũng từ các giải đấu ở cơ sở đã tạo điều kiện để Quỳ Châu phát hiện và tuyển chọn được những tài năng thể thao tiêu biểu trong phong trào để bồi dưỡng, tham gia thi đấu các giải của tỉnh. Hàng năm, huyện đều mở các lớp đào tạo năng khiếu thể thao như: Bóng đá, cầu lông, võ thuật. Các môn: Bóng chuyền, bóng đá, bắn nỏ, đẩy gậy... đã trở thành thế mạnh của Quỳ Châu tại các giải đấu lớn trong tỉnh.

Vào những ngày lễ, Tết hay sự kiện lớn của địa phương, các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, kéo co, tung còn... luôn được tổ chức thu hút đông đảo đồng bào tham gia. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng cho việc công nhận làng, bản văn hóa, xã văn hóa. Anh Trần Việt Đức còn cho biết thêm: “Cùng với các môn thể thao mới như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn được duy trì phổ biến ở các cơ quan, đơn vị, chúng tôi luôn coi trọng phát huy, bảo tồn và khuyến khích người dân chơi các môn thể thao dân tộc, coi đó là nền tảng quan trọng trong việc phát triển phong trào TDTT quần chúng ở địa phương”.

Có được những kết quả trong phong trào TDTT quần chúng của huyện Quỳ Châu là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để phong trào phát triển bền vững hơn nữa rất cần sự hỗ trợ, đầu tư nhiều hơn về nguồn lực, tài chính của tỉnh và của huyện.

         

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441809

Hôm nay

2209

Hôm qua

2317

Tuần này

21713

Tháng này

216983

Tháng qua

112676

Tất cả

114441809