Xứ Nghệ ngày nay

Trông thấy & nghĩ về Cửa Lò

Đã mấy năm rồi, nay mới về lại Cửa Lò. Cảnh, người đã nổi rõ những nét mới. Đường sá dọc ngang thoáng đãng. Phố xá kín những cửa hàng, khách sạn, nhà nghỉ mini tư nhân, không còn là những cơ sở, nhà nghỉ khách sạn quốc doanh thưa thớt như trước đây. Đã vậy, ngày nào cũng đông khách, tốp trước đang chuẩn bị trả phòng, tốp sau đã chờ sẵn ở quầy tiếp đón. Nghe nói “cháy phòng” là chuyện thuwongf ngày ở Cửa Lò.

Mới tinh mơ, 5 giờ, 5giờ rưỡi sáng, đã bắt đầu từng tốp, từng tốp người chạy khởi động trên bờ cát mịn hoặc bắt đầu lội ra biển, hồ hởi, nhẹ nhàng hụp xuống ngoi lên, hít thở thưởng thức không khí trong lành và làn sóng biển ban mai dịu dàng xô đẩy vào người. Khi ánh bình minh nhường chỗ cho mặt trời đỏ nhô lên, ta sẽ thấy nơi đây suốt cả mấy cây số kín dần người. Ông già, trẻ nhỏ, các cô, các chị, các anh các chú, từ đủ mọi miền đất nước tụ hội về đây tắm biển, nghỉ dưỡng cuối tuần của những ngày hè khô nóng. Vừa làm quen, vừa bơi tắm, chuyện trò, trao đổi, nhận xét, so sánh, góp ý, đề xuất, …đủ loại vấn đề, đủ loại ý kiến đối với nơi đây – mảnh đất Cửa Lò.

Chỉ khoảng mươi năm mà Cửa Lò, một vùng nông thôn, chài lưới nghèo khó đã đi được những bước đi đầu tiên trên con đường tự biến mình thành một khu đô thị biển giàu có, văn minh, hiện đại. Tuy mới là bước đi đầu tiên, nhưng ai cũng khen, cũng mừng, vì nó không giống như Đồ Sơn, Vũng Tàu đã có bề dày thời gian, kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống. Bước đi đầu tiên, “đầu xuôi đuôi lọt”, hết sức quan trọng, hết sức hấp dẫn, cũng tựa như ánh hào quang rực rỡ ban mai hết sức cuốn hút lòng người, nhưng không thể giữ mãi cảnh tượng ấy. Cuộc sống vẫn phải bước đi, mặt trời vẫn phải lên cao, để giúp ta càng nhìn rõ những chỗ thấp cao, cong thẳng trên đường đi tới, để tính những bước đi lợi nhất, thuận nhất.

Những điểm “thấp cao” của Cửa Lò đang lộ rõ dần, như:

Khách đến Cửa Lò, chỉ một mùa trên dưới 3 tháng hè, các tháng khác vắng khách. Khách đến chỉ ở vài ba ngày, mang tính chất nghỉ cuối tuần, tắm biển đơn thuần, không có gì nhiều để ở lại “du lịch”, tiêu tiền mua sắm.

Các hộ khách sạn, nhà nghỉ gia đình, qui mô nhỏ 10-15 phòng, chất lượng còn thấp (cả cơ sở vật chất và phục vụ), kém chuyên nghiệp, giá phòng quá đắt so với chất lượng phòng (550.000đ/phòng/ngày đêm/ thời điểm đầu tháng 7/2013).

Các cửa hàng ăn tư nhân, món ăn đơn sơ, kỹ thuật chế biến và phong cách phục vụ vẫn còn mang tính kinh nghiệm, nhà quê, chưa thật chuyên nghiệp, mà giá lại đắt.

Biển thoai thoải ra xa, có độ sâu vừa phải, hợp cho các loại khách, già trẻ trai gái có kỹ năng bơi khác nhau bơi tắm. Bờ cát rộng và trải dài mấy cây số, có sức chứa lượng lớn người cùng lúc bơi tắm dưới nước và vui chơi trên bãi cát. Công tác cứu hộ khá chu đáo, nhưng có một số thuyền máy hoạt động, rú ga quá nhiều sát trong khu có nhiều người bơi tắm, xả khí thải gây ô nhiễm nước biển. Trên bờ nhiều rác, thiếu tổ chức dọn rác hàng ngày, hàng buổi. Chưa tận dụng không gian dài rộng của bãi cát để tổ chức các hoạt động thích hợp, mà chỉ là nơi đặt các lều ghế nghỉ, dịch vụ ăn uống nhẹ, cho thuê áo quần, phao bơi, v,v…

Đường sá, vỉa hè tuy rộng rãi, nhưng lòng đường lại biến thành lối dạo chơi của người đi bộ buổi tối, hoặc của số trẻ cưỡi xe đạp đôi rong ruổi ban đêm. Vỉa hè trước mỗi nhà biến thành nơi bày đủ loại hàng hóa, kể cả dịch vụ ăn uống của các hộ kinh doanh. Nếu để thành nếp lâu dài, về sau khó sửa, khó xây dựng nếp văn minh đô thị của người dân đô thị thực thụ.

Trên đường phố ít thấy người bán hàng rong, hoặc thi thoảng có người khuyết tật đi xin. Điều nổi bật là có nhiều xe điện mini 5-7 chỗ ngồi (có người nói có khoảng 500 xe) chở khách đi lại trong thành phố, khá thuận tiện. Nhưng thấy xe chạy không, hoặc chỉ chở vài ba người nhiều hơn xe chở đủ số ghế ngồi.

Một số điều thấp cao trên đường đi tiếp, dễ gặp phải, như:

Vốn là vùng nông nghiệp ngư nghiệp biển, Cửa Lò chuyển dần thành khu du lịch, nghề đánh bắt cá, chài lưới, chế biến cá còn lại không đáng kể. Phải chăng làm du lịch rồi coi nhẹ nghề đi biển. Là vùng biển, nhưng nguồn cung cấp các thực phẩm biển cho thực khách phần lớn lại nhập từ phía nam ra. Rau quả phục vụ cho bữa ăn của khách du lịch cũng hạn chế. Khách đến tắm biển có đủ người các địa phương từ Hà tĩnh trở ra các tỉnh phía bắc (tôi chưa thấy khách tây), nhưng Cửa Lò cũng như tỉnh Nghệ An, hình như chưa lợi dụng lợi thế này để quảng bá ra cả nước, để gây dấu ấn trong đầu, trong túi du lịch du khách tỏa đi mọi miền đất nước.

Cảm nhận của du khách, Cửa Lò chưa là khu du lịch đúng nghĩa, mà chỉ là, đang là khu tắm biển nghỉ cuối tuần của Nghệ An. Với cách nghĩ, cách làm, với cơ sở hạ tầng, cơ sở nhà khách; Với trình độ quản lý và phục vụ như hiện nay, thì chỉ cầm cự ở mức này, không chỉ khó có thể vươn nhanh lên thành khu kinh tế du lịch biển hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, mà còn thấy rõ là sự lãng phí về nguồn lực trực diện- các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, các lao động kèm theo của cả xã hội, như các cơ sở dịch vụ ăn uống, xe cộ đi lại.v.v…. chưa kể các nguồn lực chưa khơi dậy khác (như không gian rộng dài của bãi biển, các vùng phụ cận Cửa Lò (kể cả trước mặt biển và sau lưng), các vùng ngoại vi xa hơn Cửa Lò, v.v…).

Từ đó vấn đề thực tiễn và lý thuyết đặt ra là, như thế nào là một khu kinh tế du lịch biển với cơ cấu kinh tế thế nào là hợp lý, tối ưu, khả thi, để sử dụng, phát huy tối ưu nguồn lực trước mặt, lâu dài, đồng đều trong năm ? Chẳng hạn như ngoài những tháng hè làm du lịch là chủ yếu, các tháng khác có thể chuyển các cơ sở vật chất này thành cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngành nghề, nghiệp vụ ngắn hạn, cơ sở phục vụ cho các hội nghị ngành, hội thảo khoa học, v.v…Hoặc về lâu dài phải tính đến việc tìm chọn những ngành nghề kinh tế, văn hóa, dịch vụ gì đó có thể kết hợp làm trong những tháng còn lại. Trên cơ sở đó nếu cần thiết phải hình thành cơ sở vật chất hạ tầng cũng như tay nghề người lao động có tính lưỡng dụng vừa cho du lịch vừa cho ngành nghề kết hợp. Đây là một đề tài lớn cần được nghiên cứu của các nhà kinh tế, khoa học, quản lý.

Cũng cần có những cơ sở văn hóa có chất lượng, như Hiệu sách, Thư viện, Bảo tàng về biển đảo, hải sản, lịch sử, văn hóa của Cửa Lò, của Nghệ an, các khu vui chơi, thể thao thể dục liên quan đến biển, bãi cát, v.v.., những cơ sở điều dưỡng cho người cao tuổi, cho người có bệnh mãn tính thích hợp, v.v…

Cũng cần tính đến hình thành các khu hậu cần về một số thực phẩm rau quả an toàn cho nhu cầu Cửa Lò ở các xã phụ cận, qua đó góp phần thúc đẩy các xã phụ cận này đi lên nông thôn mới, kinh tế thị trường, hiện đại, thậm chí có thể hình thành một số hình mẫu sản xuất nông nghiệp, ngành nghề thủ công để tạo ra những sản phẩm phục vụ du khách, như hoa quả mùa hè, bánh kẹo truyền thống Nghệ an, nhưng với dây chuyền sản xuất hiện đại từ một nông thôn hiện đại, để khách du lịch tham quan mua sắm. Tăng cường đầu tư khôi phục nghề biển, từ đánh bắt đến chế biến một số đặc sản biển với chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ cho du khách dùng tại chỗ hoặc làm quà mang về.

Chủ khách sạn tư nhân, mặc dầu việc chuyển đổi thân phận từ người nông dân hoặc làm ngành nghề gì khác trước đây, thành ông (bà) chủ được thực hiện nhanh chóng, tương đối dễ dàng nhưng để thực sự trở thành một chủ thể kinh tế thị trường, nhất là thị trường dịch vụ du lịch hiện đại, văn minh, chuyên nghiệp, còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Để chuyển đổi từ người nông dân trở thành người thị dân thực thụ còn là một quá trình. Phải chăng cũng cần tính đến, trước mắt cần có một tổ chức đại loại như Hiệp hội các chủ khách sạn, nhà nghỉ để trao đổi, hỗ trợ nhau kinh nghiệm và các mặt khác. Đến một lúc nào đó có đủ điều kiện khách quan, chủ quan có thể hình thành một số Hợp tác xã, Công ty, … trên cơ sở cấu trúc lại hệ thống dịch vụ khách sạn (cả cơ sở hạ tầng, lao động, quản lý) đi lên hiện đại, văn minh chuyên nghiệp, trở thành một trong chủ thể kinh tế nòng cốt của Cửa Lò.

Đối với Cửa Lò chuyển thành thị xã, đó chỉ mới là chuyển đổi về mặt pháp lý hành chính. Còn để từ một khu dân cư nông nghiệp chài lưới, với nếp tư duy, nếp sống của nền sản xuất tự túc, nhỏ lẻ, tự do phân tán là chủ yếu, thực hiện đô thị hóa để trở thành một khu kinh tế thị trường du lịch phát triển, hiện đại, là một quá trình lâu dài, nhanh cũng phải mất vài ba thế hệ. Nhưng không vì thế mà để nó tự nhiên, tự phát, tự đi, mà ngay từ bây giờ cần có một chiến lược, một qui hoạch xây dựng các mặt này đúng, rõ ràng, và có kế hoạch triển khai từng bước thực hiện. Nhất là việc xây dựng nếp văn hóa, văn minh đô thị rất dễ bị trì trễ, không theo kịp với phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng hiện đại. Đến lúc đó, nó trở thành lực cản, thậm chí lực phá đối với phát triển kinh tế. Cho nên phải chăm chút ngay từ bây giờ, và phải do mọi người chăm chút, vì nó rất khó, tựa như một tờ giấy đã bị gấp nhầm, khó sửa lại, khó xóa hết nét gấp sai, gấp xấu đó.

Cửa Lò không ở vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An, nhưng lại là nơi tiếp xúc với hàng triệu người đủ các tầng lớp của bốn phương. Thử hỏi ở Nghệ an có nơi nào mà có hàng triệu khách ngày ngày thay nhau đến được như thế. Vậy có coi Cửa Lò là cửa ngõ, là bộ mặt của Nghệ an, là nơi có thể quảng bà mọi mặt về Đất, về Người xứ Nghệ được không, nên không, đáng không? (Chưa nói đến thu góp trí tuệ của thiên hạ đối với xây dựng và phát triển Cửa Lò, Nghệ an).

Cửa Lò không chỉ là của nhân dân Thị xã Cửa Lò, mà còn là của cả tỉnh Nghệ an, là cửa ngõ của các quận huyện, các dân tộc trong tỉnh, có thể thông qua Cửa Lò để quảng bá về kinh tế văn hóa của quận huyện mình, dân tộc mình ra cả nước, ra cả thế giới. Với ý nghĩa này, nên chăng tại Cửa Lò cần xây dựng Trung tâm triển lãm thương mại (kinh tế) văn hóa của tỉnh để trưng bày giới thiệu tình hình phát triển các mặt kinh tế văn hóa xã hội và những sản phẩm kinh tế văn hóa chủ yếu, những di tích lịch sử, văn hóa, điểm du lịch của từng quận huyện, từng dân tộc trong tỉnh. Không chỉ có thế, mà tại đây cần giới thiệu tiềm năng, những qui hoạch, kế hoạch phát triển thời gian tới, khả năng đầu tư ở các quận huyện trong tỉnh, để vừa là giới thiệu quảng bá và cũng là một hình thức sơ bộ tiếp thị kêu gọi các nhà đầu tư đến với Nghệ an.

Làm được như vậy, vai trò cửa ngõ, vai trò thu hút và thúc đẩy phát triển đối với các địa phương trong tỉnh của Cửa Lò cũng được nâng lên một cách cụ thể thiết thực. Đây cũng là vấn đề cần tính đến và cũng phải có một chiến lược bài bản có bước đi khả thi của tỉnh, chứ không thể chắp vá, bắt chước một nơi nào đó, hoặc chỉ nhìn những vấn đề ngắn hạn, hạn hẹp, cục bộ trước mắt. Nếu là như vậy, thì tương lại Cửa Lò không phải là một quận của thành phố Vinh, mà phải là một đặc khu kinh tế văn hóa của tỉnh Nghệ an, là “Cửa mở” của tỉnh để xóa đi ấn tượng của câu “Cầu thì Cấm, Cửa thì Rào, Cổng thì Chốt” của xứ Nghệ./.                                                                         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434716

Hôm nay

2336

Hôm qua

2310

Tuần này

21366

Tháng này

211764

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434716