Diễn đàn

Không thành công cũng thành ...Khoa

 
Mình tốt nghiệp đại học SPNN năm 1983. Ra trường đi dạy ngay. Trong số 27 năm đi làm liên tục của mình chỉ có chưa đây 8 năm đầu tiên đứng lớp. Vậy mà không hiểu sao cứ nghe thấy nói về giáo dục là mình lại... rộn ràng.

Hồi Bộ trưởng NTN mới nhậm chức, mình có dịp gặp BT nhân chuyến đi của chủ tịch NMT cùng phái đoàn cao cấp của Chính Phủ sang dự Đại hội đồng LHQ. Đọc tiểu sử, thấy BT ba lần đi học ở ngôi trường danh tiếng Havard (1995, 1998 và 2003), mình ngưỡng mộ vô cùng. Tranh thủ mấy phút BT tiếp xúc với “đồng bào VN xa Tổ quốc” ngoài hành lang, mình đã cố chen chân vào thật gần để đóng góp ý kiến với nền giáo dục nước nhà. BT có vẻ tâm đắc và hứa sẽ cử cán bộ dưới quyền liên hệ với mình để trao đổi thêm…
Từng làm nhiều nghề, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nghe BT hứa trong một chuyến đi rất đỗi ngoại giao mà mình còn cuống quýt cả lên, hùng hục chuẩn bị tài liệu chờ ngày được “vời”… Đằng này anh giáo Khoa ở làng Vân Tảo được BT bắt tay, tặng bằng khen, cam kết ủng hộ, rồi lên đài báo, TV làm "người đương thời"... nếu không đánh nhau với cối xay gió mới là chuyện lạ.
                                           ****
Mình học chính quy ngoại ngữ, chức vụ cao nhất đã từng kinh qua là Chi hội phó hội cha mẹ học sinh (CMHS) của cả hai đứa con (phải do xung phong mới có). Tuy nhiên mình vẫn hiểu, cuộc chiến chống lại tiêu cực trong giáo dục phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của xã hội. Ví dụ, học trò phải thấy ngượng khi giở tài liệu trong phòng thi; cha mẹ không “tức nhau tiếng gáy” vì con mình không được danh hiệu học sinh giỏi hay học sinh tiên tiến; thầy cô giáo không lấy điểm số làm thước đo duy nhất đánh giá chất lượng học trò; Bộ, sở và các ban ngành không nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ trúng tuyển đại học để xếp loại giáo viên và xếp loại trường…. Ở các nước châu Phi đang phát triển, để tăng tỷ lệ các bà mẹ mang con đến tiêm chủng định kỳ, UNICEF đã chi một khoản tiền không nhỏ cho công tác tuyên truyền vận động. Ngoài băng-rôn, biểu ngữ còn có khuyến khích vật chất. Các bé đến tiêm đều được kiểm tra sức khỏe. Cháu nào có dấu hiệu còi xương được cấp thêm sữa và thực phẩm chức năng. Gia đình có trẻ  tiêm đủ các mũi vac-xin cần thiết còn được tặng 1 chiếc màn chống muỗi… Vậy mà không hiểu sao BT – NTN và mấy bác ở Bộ GD-ĐT lại làm cho thầy ĐVK tin tưởng rằng, chỉ cần mang máy ảnh ra chụp những cảnh nhốn nháo ở trường thi là học trò sẽ hết quay cóp, cha mẹ học sinh hết ném bài, thầy cô hết… canh cho học sinh mình giở tài liệu.
Thầy ĐVK được các bác lãnh đạo Bộ biểu dương khen thưởng, đài báo tung hô lại đinh ninh tin tưởng vào mấy câu thơ của bác Tố Hữu ngày xưa: “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa – Vui gì hơn làm người lính đi đầu – Trong đêm tối tim ta là ngọn lửa”. Suốt bốn năm qua, dẫu bị ăn đòn hội đồng tơi tả , thầy ĐVK vẫn miệt mài đi phát hiện và tố cáo tiêu cực. Mấy bác lãnh đạo từ trong lô cốt, mặc áo chống đạn, thỉnh thoảng chạy ra vỗ tay động viên “giỏi! giỏi! xông lên!”. Bây giờ thầy ĐVK lên tận Bộ thông báo việc mình xin nghỉ dạy “vì còn áy náy về lời hứa với cựu BT – NTN”, các bác lãnh đạo Bộ lại vuốt ve “anh nên tiếp tục cùng chúng tôi chống tiêu cực”. Ông Độ – giám đốc sở Hà Nội phát biểu: “nếu thầy Khoa cho rằng mình không được giải quyết thỏa đáng, có đơn yêu cầu thì Sở sẽ rà soát lại toàn bộ quá trình thanh tra đơn thư của thầy Khoa và sẽ yêu cầu Nhà trường báo cáo lại toàn bộ sự việc”. Chẳng lẽ ông Độ bận đến nỗi không đọc báo, nghe đài về quá trình diễn biến của câu chuyện ĐVK trong suốt 4 năm qua? Cựu BT NTN – người đã “buông tay” dùi Giáo dục để chuyển sang chỉ huy dàn nhạc lớn hơn, trước sự kiện “người hùng ngã ngựa ĐVK”, vẫn chưa thấy phát biểu trên báo chí, truyền hình.
Mới hôm qua, ngài Tổng trưởng thanh tra phát biểu hùng hồn: “Nếu thầy Khoa có bằng chứng cụ thể thì tôi nghĩ rằng các cơ quan của nhà nước sẽ có trách nhiệm. Riêng Thanh tra Chính phủ, chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm trong việc này.” Phen này thầy Khoa tha hồ thu thập lại hồ sơ chứng cớ để nộp cho cả ông Độ lẫn ông Truyền.
Ngoài ra ông Truyền còn có lời khuyên bổ ích cho tất cả những ai đã, và sẽ làm như chàng Đônkio - Khoa:
Tôi nhắc lại, việc chống tiêu cực rất gian nan, vô cùng khó khăn và thậm chí có nguy hiểm nữa. Đây là vấn đề sống còn của đất nước, của chế độ và là vấn đề bức xúc của xã hội, của nhân dân. Do vậy, rất cần những con người dũng cảm, dám dấn thân, dám đương đầu. (Chẳng biết dưới sự lãnh đạo của ông Truyền, có bao nhiêu vụ tiêu cực đã được phanh phui và bao nhiêu đã bị chìm xuồng?)
Chính vì thế, tôi cũng khuyên mọi người nói chung và thầy Khoa nói riêng, nên bình tĩnh, kiên trì. Đặc biệt lúc này, thầy cần có những hành động dũng cảm hơn, tức là phải tìm được giải pháp để vừa bảo vệ được mình, vừa tiếp tục kiên trì với con đường chống tiêu cực, chống tham nhũng”
Vâng, thưa ngài Tổng trưởng thanh tra, ngày xưa lính ra trận đánh giáp lá cà  ngoài tấm khiên đỡ ngọn lê, mũi giáo còn có áo giáp sắt, mũ sắt. Ngày nay cảnh sát chống bạo loạn còn có áo chống đạn. Nếu ngài thấy thầy ĐVK cứ một mình một ngựa, cầm giáo xông lên giữa bốn bề đạn lạc, ít ra ngài phải quẳng cho thầy chiếc áo giáp sắt, bằng không thì lôi về phía sau, bạt tai cho một cái thật mạnh và mắng “đồ ngu”. Thuốc đắng giã tật! Khuyên thầy Khoa “cần phải dũng cảm hơn… tiếp tục kiên trì với con đường chống tiêu cực, chống tham nhũng”, sau khi thầy ngã ngựa bầm dập, trong khi luật pháp chưa đủ mạnh để bảo vệ “những điểm tựa của lịch sử”… trong dân gian gọi là xúi trẻ con… (phần này tự đục bỏ).
                                                                                            ****
Mình chưa từng “thần tượng” ĐVK khi báo chí, truyền hình tung hô anh là “người đương thời”. Nhưng mình kính trọng sự dũng cảm của anh trong những ngày đầu dấn thân vào cuộc. Nhiều người nói lẽ ra anh phải thế này, anh nên thế kia… nếu thế thì đã không có câu chuyện ĐVK hôm nay. Thôi thì không thành công, chẳng thành nhân, thì cũng thành… Khoa. Chỉ trong mấy ngày, trên internet đã có hàng trăm bài viết, hàng ngàn comment về ngành giáo dục và về ĐVK cũng đủ thấy ngọn lửa của một que diêm bắt đầu bén vào đám cỏ. Ngã ngựa thế cũng cam lòng, thầy ĐVK ạ.
                                                                                                              Sunday, 30th May 2010
                                                                                                              Nguồn: Blog Thanh Chung

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443879

Hôm nay

2130

Hôm qua

2307

Tuần này

21692

Tháng này

219053

Tháng qua

112676

Tất cả

114443879