Những góc nhìn Văn hoá

Phê phán lý tính thuần túy [kỳ 2]

LỜI TỰA

CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ HAI (1787)

(ẤN BẢN B)

Liệu việc xử lý những nhận thức thuộc về các công việc của lý tính có bước đi vững chắc của một khoa học hay không, điều này dễ dàng được đánh giá từ sự thành công của nó. Nếu việc xử lý ấy, sau nhiều bước nỗ lực và chuẩn bị hướng đến mục đích, lại rơi vào bế tắc; hoặc để đạt được mục đích, thường phải liên tục quay lại từ đầu để tìm con đường khác cũng như không tạo được sự nhất trí trong hàng ngũ những người cộng tác khác nhau về phương cách làm thế nào để theo đuổi mục đích chung ấy; ta biết ngay rằng công cuộc nghiên cứu như thế chưa có được bước đi vững chắc của một khoa học mà chỉ là sự mò mẫm đơn thuần; và quả là một đóng góp cho lý tính nếu có thể tìm ra được con đường này, cho dù qua đó buộc phải từ bỏ một số điều vô vọng mà trước đó do thiếu suy nghĩ đã được đưa vào trong mục đích nghiên cứu.

Môn Lôgíc học đã đi bước đi vững chắc này ngay từ những thời rất xa xưa là điều dễ nhận ra từ sự kiện nó không hề được phép đi một bước lùi nào kể từ thời Aristoteles*, nếu ta không kể tới việc bỏ bớt một số điều chi ly không cần thiết hoặc xác định rõ ràng hơn những gì đã trình bày xem như những sự cải tiến thuộc về tính trang nhã hơn là về tính vững chắc (Sicherheit)** của khoa học.

{*Aristoteles: (384-324 TCN): đại triết gia Hy Lạp cổ đại. (N.D).

**Sự vững chắc (Sicherheit): xem chú thích cho chữ “xác tín” (Gewissheit) ở AXV. (N.D).}

 

Điều đáng ngạc nhiên nơi môn học này là cho tới hiện nay, nó cũng không thể đi thêm một bước tiến nào cả, cơ hồ như đã hoàn chỉnh và hoàn tất hẳn rồi. Bởi vì, nếu có đôi điều gì mới mẻ tưởng rằng có thể mở rộng môn Lôgíc học như đưa thêm vào đó phần nghiên cứu tâm lý học về các năng lực nhận thức (về óc tưởng tượng, óc hài hước), phần nghiên cứu siêu hình học về nguồn gốc của nhận thức hoặc về cách thức đạt được sự xác tín khác nhau tùy theo tính dị biệt của những đối tượng (thuyết duy tâm, thuyết hồ nghi, v.v...), phần khác là thêm vào các nghiên cứu nhân loại học về những định kiến [của con người] (tìm hiểu nguyên do và các biện pháp khắc phục…); tất cả những điều được đưa thêm vào ấy là do không hiểu về bản tính riêng có của môn khoa học này. Không phải là làm tăng tiến mà là làm rối loạn các ngành khoa học nếu người ta làm cho các ranh giới của chúng trộn lẫn vào nhau. | Ranh giới của môn Lôgíc học được xác định hoàn toàn rõ ràng: nó là môn khoa học trình bày cặn kẽ và chứng minh chặt chẽ những quy luật hình thức của mọi tư duy chứ không làm điều gì khác hơn (bất kể tư duy ấy là tiên nghiệm hay thường nghiệm, có nguồn gốc hay đối tượng như thế nào và khi được mang lại trong đầu óc con người có gặp trở ngại tự nhiên hay ngẫu nhiên nào hay không).

Sở dĩ môn Lôgíc học thành công tốt đẹp như vậy là nhờ nó có ưu thế nơi chính tính bị giới hạn rõ (Eingeschränkt-heit) của nó, nhờ đó nó có quyền, thậm chí bị bắt buộc phải trừu tượng hóa khỏi mọi đối tượng của nhận thức cũng như sự khác nhau giữa những đối tượng, do đó, trong Lôgíc học, giác tính không làm việc với gì khác hơn là với chính mình và với hình thức (Form)* của mình.

{*Form: hình thức, cũng được dịch là mô thức, đối lập với Materie: chất liệu, chất thể, tùy theo văn cảnh. (N.D).}

 

 Một cách tự nhiên, lý tính khó khăn hơn nhiều để bước vào con đường vững chắc của khoahọc, khi nó không chỉ phải làm việc với chính nó mà với những đối tượng; cho nên môn Lôgíc học, với tư cách là môn học dự bị (Propädeutik) chỉ mới tạo nên cái tiền sảnh (Vor-hof) cho các khoa học; và khi nói về các nhận thức, thì tuy người ta dùng môn Lôgíc học như một tiền đề để phán đoán về chúng, nhưng để có sở đắc về các nhận thức, người ta lại phải đi tìm trong các ngành khoa học được gọi là các khoa học thực sự và khách quan.

Trong chừng mực các khoa học này muốn trở thành lý tính [xứng danh là các khoa học thuần lý -rational -do lý tính mang lại], trong chúng phải có cái gì tiên nghiệm được nhận thức; và nhận thức của chúng có thể liên hệ với đối tượng nghiên cứu bằng phương cách hai mặt: hoặc chỉ đơn thuần xác định (bestimmen) đối tượng và xác định khái niệm về đối tượng (khái niệm phải được mang lại như cái gì khác, từ bên ngoài [thêm vào] (anderweitig) cho đối tượng), hoặc làm cho đối tượng trở thành hiện thực (wirklich). Cái trước là nhận thức lý thuyết; cái sau là nhận thức thực hành (prak-tisch) của lý tính. Trong cả hai loại này, phần thuần túy được chứa đựng trong đó ít hay nhiều, -tức phần do lý tính xác định đối tượng một cách hoàn toàn tiên nghiệmphải được trình bày trước tiên và riêng biệt và không được trộn lẫn nó với những gì đến từ các nguồn [nhận thức] khác. | Bởi vì, [cũng ví như] công việc làm ăn buôn bán sẽ rất tồi tệ, nếu người ta cứ nhắm mắt chi ra những gì thu vào để sau đó, khi làm ăn bị bế tắc, không thể phân biệt phần thu nhập nào có thể bù đắp chi phí, và phần nào phải cắt giảm.

Toán học và Vật lý học là hai loại nhận thức lý thuyết của lý tính có nhiệm vụ xác định đối tượng của chúng một cách tiên nghiệm; môn học trước là hoàn toàn thuần túy, còn môn học sau ít nhất có một phần thuần túy, vì nó còn phải dựa vào các nguồn nhận thức khác hơn là nguồn của lý tính.

Từ thời rất xa xưa mà lịch sử của lý tính con người có thể vươn tới, Toán học đã đi con đường vững chắc của một khoa học nơi dân tộc Hy Lạp đáng ngưỡng mộ. Chỉ có điều người ta không được phép nghĩ rằng Toán học đã dễ dàng -như môn Lôgíc là nơi lý tính chỉ phải làm việc với chính nó -gặp được con đường vương giả ấy, hay hơn thế, tự mình mở đường đi; trái lại tôi tin rằng Toán học cũng đã phải dừng lại ở sự mò mẫm (chủ yếu dưới thời các người Ai Cập) và sự cải biến là nhờ vào một cuộc cách mạng do ý tưởng đột ngột đầy may mắn của một con người duy nhất được hình thành từ một thử nghiệm, từ đó con đường mà người ta phải theo không còn bị mất dấu và bước đi vững chắc của một khoa học đã được bước vào và được mở ra cho mọi thời đại và rộng dài vô tận. Lịch sử của cuộc cách mạng về lề lối tư duy (Revolution der Denkart) này - mà tầm quan trọng của nó còn lớn hơn cả việc tìm ra đường đi vòng quanh mũi Hảo vọng nổi tiếng -cũng như của con người may mắn đã làm nên cuộc cách mạng này không được lưu lại chính xác cho chúng ta. Tuy nhiên, truyền thuyết mà Diogenes Laertius* kể lại về người được xem là kẻ phát minh ra các yếu tố đơn giản nhất của các chứng minh hình học - những yếu tố mà theo ý kiến thông thường là không cần phải chứng minh - cho thấy rõ sự hồi tưởng về cuộc cải biến do dấu vết đầu tiên của việc tìm ra con đường mới mẻ này tác động, là cực kỳ hệ trọng đối với những nhà toán học và vì thế đã không bao giờ bị rơi vào quên lãng.

{*Diogenes Laertius: nhà văn cổ Hy Lạp, khoảng thế kỷ 3 T.L., tác giả mười tập lịch sử, ký sự, giai thoại về các triết gia cổ đại. Tuy không có hệ thống và không hoàn toàn chính xác, nhưng tác phẩm của ông (“Cuộc đời và quan niệm của các triết gia nổi tiếng”. Bản tiếng Đức, 1967) là một trong các nguồn tư liệu quan trọng nhất về triết học cổ đại Tây phương. (N.D).}

 

 Một ánh sáng đã lóe lên trong đầu óc người đầu tiên (đó là Thales hay có thể một tên tuổi nào khác) khi ông chứng minh tam giác cân. | Đó là khi ông thấy rằng không thể dựa vào những gì ông nhìn thấy trong hình tam giác [như đang bày ra trước mắt], hay dò theo khái niệm đơn thuần về nó [như đang tồn tại trong đầu óc ông] để từ đó rút ra các đặc điểm, trái lại phải tạo ra (hervorbringen) hình tam giác từ những gì tự ông nghĩ ra một cách tiên nghiệm dựa theo các khái niệm, và diễn tả nó (bằng sự cấu tạo -Konstruktion); và thấy rằng, để nhận thức chắc chắn về cái gì một cách tiênnghiệm, ông không cần phải gán cho sự vật những thuộc tính nào khác ngồi những gì được tất yếu rút ra từ cái mà bản thân ông đã đặt vào trong sự vật, phù hợp với khái niệm của ông [về nó].

Khoa học tự nhiên thì tiến chậm hơn trước khi bước vào đại lộ của khoa học, vì việc này chỉ mới xảy ra cách nay khoảng một thế kỷ rưỡi [so với thời Kant, N.D] khi đề nghị sáng suốt của FRANCIS BACON [1561-1626] đã một phần mở ra sự khám phá này, phần khác đã làm nó sống động trở lại vì đã từng có người thử dọ dẫm bước vào; điều này cũng chỉ có thể được giải thích bằng cuộc cách mạng về lề lối tư duy đã nhanh chóng xảy ra trước đó. Ở đây, tôi chỉ xét khoa học tự nhiên, trong chừng mực nó được đặt nền trên các nguyên tắc thường nghiệm:

Khi GALILEI cho những viên bi có trọng lượng do ông tự lựa chọn trượt xuôi theo một mặt phẳng nghiêng, hay TORRICELLI để cho không khí mang một trọng lượng mà ông tự nghĩ ra từ trước ngang bằng với trọng lượng của một cột nước đã biết, hay muộn hơn, khi STAHL chuyển hóa kim loại thành vôi và lại chuyển hóa vôi thành kim loại bằng cách rút bớt đi và cho thêm trở lại một cái gì đấy nơi chúng(1), thì cũng có một tia sáng lóe lên trong đầu óc của mọi nhà nghiên cứu tự nhiên.

{(1)Ở đây tôi không đi theo một cách chính xác đường dây lịch sử của phương pháp thí nghiệm, mà các khởi điểm đầu tiên của nó cũng chưa được biết rõ thực sư.}

 

Họ hiểu ra rằng lý tính chỉ nhận ra những gì do chính bản thân nó tạo ra (hervorbringen) theo phác họa của nó; rằng lý tính tiến lên bằng những nguyên tắc của các phán đoán theo các quy luật ổn định; bắt buộc Tự nhiên phải trả lời cho các câu hỏi của nó, chứ không chỉ chịu để cho Tự nhiên dẫn dắt; vì nếu không như thế, các quan sát ngẫu nhiên không được tiến hành theo một kế hoạch được phác họa từ trước sẽ không gắn kết được với nhau trong một quy luật tất yếu, là cái mà lý tính tìm kiếm và đòi hỏi. Lý tính phải đi đến giới Tự nhiên với một tay là các nguyên tắc của nó và chỉ những hiện tượng nào tương ứng với các nguyên tắc ấy mới có thể có giá trị là các quy luật; và trong tay kia là các thí nghiệm được lý tính tự suy nghĩ ra theo các nguyên tắc trên; tất nhiên với mục đích là để được Tự nhiên giảng dạy, nhưng không phải với tính cách của một cậu học trò chịu để cho người thầy muốn dạy bảo gì cũng được, trái lại, với tính cách của một vị thẩm phán được bổ nhiệm có đủ thẩm quyền để buộc các nhân chứng phải trả lời các câu hỏi do ông đặt ra. Và như thế, ngay cả Vật lý học cũng phải biết ơn sáng kiến đã mang lại cuộc cách mạng bổ ích trong lề lối tư duy của nó; theo sáng kiến ấy, tức là, phù hợp với những gì tự lý tính đã đặt vào trong Tự nhiên, lý tính lại đi tìm trong Tự nhiên (chứ không phải gán ghép cho Tự nhiên) những gì lý tính phải học hỏi và là những điều lý tính tự mình không có hiểu biết nào. Bằng cách đó, khoa học tự nhiên mới được đưa vào con đường vững chắc của một khoa học, vì trải qua nhiều thế kỷ, nó đã không thể làm gì hơn là chỉ biết mò mẫm đơn thuần.

Siêu hình học-loại nhận thức tư biện hoàn toàn biệt lập của lý tính - là môn học vượt hẳn lên trên mọi hướng dẫn của kinh nghiệm, tức là chỉ dựa vào những khái niệm đơn thuần (chứ không như Toán học có được là nhờ áp dụng những khái niệm vào trực quan), là nơi chính bản thân lý tính phải làm người học trò của chính nó, lại không có được số phận may mắn, thuận lợi để có thể có được bước đi vững chắc của một khoa học, mặc dù nó là môn học xưa cũ hơn mọi khoa học khác và chắc hẳn sẽ vẫn còn tồn tại ngay cả khi mọi khoa học khác đều bị nuốt chửng vào hố thẳm hủy diệt của một trạng thái man rợ nào đó có thể xảy ra. Trong Siêu hình học, lý tính thường xuyên lâm vào cảnh bế tắc, ngay cả khi nó muốn nhận thức một cách tiên nghiệm đối với những quy luật được kinh nghiệm tầm thường nhất xác nhận (như kinh nghiệm tự cho như thế). Trong Siêu hình học, người ta đã phải bao lần quay trở ngược lại vì thấy rằng con đường sẽ không dẫn đến nơi người ta muốn đến; còn đối với sự nhất trí trong các khẳng định giữa những người theo đuổi nó thì nó lại càng cách xa, khiến cho Siêu hình học, nói đúng ra, đã biến thành một đấu trường có vẻ được dựng nên chỉ để phô diễn sức mạnh, tập tành những cuộc đấu trận giả, nơi đó chưa hề có một chiến binh nào thực sự giành được chỉ một tấc đất để làm chủ lâu dài nhờ có thắng lợi. Không nghi ngờ gì nữa, phương pháp của nó đến nay chỉ là sự mò mẫm đơn thuần, và càng tệ hại hơn, chỉ là sự mò mẫm giữa những khái niệm suông mà thôi.

Vậy do đâu mà Siêu hình học đã không thể tìm ra được con đường vững chắc của khoa học? Phải chăng con đường ấy là không thể có? Thế tại sao Tự nhiên lại xui khiến lý tính chúng ta không ngừng theo đuổi và tìm kiếm nó, xem nó như một trong những công việc hệ trọng nhất của lý tính con người? Hơn thế, làm sao ta còn có thể tin cậy vào lý tính được nữa khi nó không chỉ bỏ rơi ta ngay trong phần then chốt nhất của lòng khao khát hiểu biết của ta mà còn dụ dỗ ta đi vào con đường lầm lạc và cuối cùng còn lừa gạt ta nữa! Hay là tất cả chỉ vì lâu nay ta không biết tìm ra con đường đúng, vậy đâu là những dấu hiệu cho phép ta sử dụng để lên đường tìm trở lại lần nữa với hy vọng sẽ gặp may mắn hơn những người đi trước?

Tôi cho rằng những ví dụ điển hình trong toán học và khoa học tự nhiên -những ngành khoa học đã nhờ cuộc cách mạng nói trên mà được trở thành như ngày nay -là rất đáng chú ý, khiến ta nên suy nghĩ về điểm cốt yếu của việc chuyển đổi lề lối tư duy đã mang lại thuận lợi lớn cho chúng; và ít nhiều dựa trên chỗ tương đồng giữa chúng với Siêu hình học như là các tri thức của lý tính, ít ra cũng nên thử phỏng điểm cốt yếu này. Lâu nay người ta giả định rằng mọi nhận thức của ta phải hướng theo các đối tượng; thế nhưng mọi nỗ lực dùng các khái niệm để xử lý đối tượng một cách tiên nghiệm hầu qua đó mở rộng nhận thức của ta đều đi đến thất bại cũng tại vì giả định này. Vì thế, hãy thử nghiệm để biết đâu chúng ta có thể tiến lên tốt hơn trong việc giải quyết các vấn đề của Siêu hình học bằng cách giả định rằng các đối tượng phải hướng theo nhận thức của ta; nhận thức ấy sẽ phù hợp tốt hơn với khả thể được đòi hỏi của một nhận thức tiên nghiệm về đối tượng, tức loại nhận thức xác định một cái gì đó về đối tượng trước khi đối tượng được mang lại cho ta. Đó cũng chính là tình hình đã xảy ra với ý tưởng đầu tiên của COPERNIC [1473-1543] sau khi ông thấy không thể đi xa hơn được trong việc giải thích các vận động của bầu trời nếu giả định rằng toàn bộ đội ngũ những thiên thể quay xung quanh người quan sát, nên đã thử xem có thể thành công hơn không khi ông cho người quan sát quay xung quanh, còn ngược lại, để cho những thiên thể đứng yên. Bây giờ, trong Siêu hình học, ta hãy thử nghiệm bằng cách tương tự như thế đối với những gì liên quan đến trực quan (Anschauung) về các đối tượng. Nếu trực quan phải hướng theo đặc tính của các đối tượng, tôi không thấy được bằng cách nào ta có thể biết gì về chúng một cách tiên nghiệm; nhưng nếu đối tượng (như là đối tượng của giác quan)hướng theo đặc tính của quan năng trực quan của chúng ta, tôi có thể hoàn toàn hình dung được khả thể này.

{*đối tượng của giác quan: Gegenstand (Objekt) der Sinne = sinnlicher Gegenstand: đối tượng cảm tính. (N.D).}

 

Nhưng vì tôi không thể chỉ dừng lại ở các trực quan này nếu muốn biến chúng thành các nhận thức, trái lại phải liên hệ chúng -như là những biểu tượng -với một cái gì như là đối tượng, để xác định (bestimmen) đối tượng này bằng các biểu tượng kia, tôi có thể: hoặc giả định rằng các khái niệm -nhờ đó tôi làm được công việc xác định trên đây - phải hướng theo đối tượng, trong trường hợp đó tôi lại rơi vào khó khăn, lúng túng như trước về phương cách làm thế nào để tôi có thể biết gì về đối tượng một cách tiên nghiệm. | Hoặc [bằng cách khác], tôi giả định rằng các đối tượng - hay cũng cách nói hệt như thế; kinh nghiệm, - tức là nơi chúng (như là những đối tượng được cho) được nhận thức - phải hướng theo các khái niệm, lập tức tôi thấy dễ dàng hơn nhiều, bởi lẽ bản thân kinh nghiệm là một phương cách nhận thức (Erkenntnisart) đòi hỏi phải có giác tính, cho nên tôi phải xem quy luật của giác tính là tiền đề [có sẵn] ở trong tôi (in mir) một cách tiên nghiệm trước khi các đối tượng được mang lại cho tôi; quy luật ấy được diễn tả trong các khái niệm tiên nghiệm, do đó mọi đối tượng của kinh nghiệm phải nhất thiết hướng theo và phải phù hợp với chúng. Thế nhưng, đối với những đối tượng trong chừng mực chúng chỉ được suy tưởng thông qua lý tính, tức là được suy tưởng một cách tất yếu song hồn tồn không thể được mang lại trong kinh nghiệm (ít nhất như lý tính suy tưởng về chúng), thì các cố gắng để suy tưởng về chúng -vì chúng phải để cho ta suy tưởng được [dù không thể để cho ta nhận thức] -sẽ mang lại cho ta hòn đá thử tuyệt diệu về những gì ta giả định như là phương pháp thay đổi lề lối tư duy, rằng quả thật ta chỉ nhận thức được về các sự vật một cách tiên nghiệm những gì do chính ta đặt vào trong chúng(1).

{(1)Như thế, phương pháp được mô phỏng từ các nhà nghiên cứu tự nhiên chính là ở chỗ sau đây: phải đi tìm các yếu tố [tiên nghiệm] của lý tính thuần túy trong cái gì có thể được một thí nghiệm xác nhận hoặc bác bỏ. Thế nhưng để kiểm chứng các mệnh đề của lý tính thuần túy, nhất là khi chúng dám liều lĩnh vượt qua mọi ranh giới của kinh nghiệm có thể có, ta không thể làm thí nghiệm với các đối tượng của chúng được (như ta có thể làm trong khoa học tự nhiên): vậy chỉ có thể làm được việc kiểm chứng đối với các khái niệmcác nguyên tắc mà ta đã giả định một cách tiên nghiệm thôi, bằng cách xem xét rằng cũng chính các đối tượng ấy [các khái niệm] một mặt như là các đối tượng của giác quan và của giác tính dành cho [lãnh vực] kinh nghiệm, và mặt kia, lại xem chúng như các đối tượng mà người ta chỉ suy tưởng đơn thuần, dành cho [lãnh vực] lý tính biệt lập, luôn muốn vượt ra khỏi các ranh giới của kinh nghiệm; do đó, các đối tượng có thể được xem xét về hai mặt khác nhau. Nếu thấy rằng khi ta xem xét các sự vật từ cách nhìn hai mặt ấy là nhất trí với nguyên tắc của lý tính thuần túy, còn nếu xem xét chỉ một mặt thì mâu thuẫn không thể tránh khỏi của lý tính với chính nó sẽ nảy sinh, vậy sự thí nghiệm đã quyết định nghiên về tính đúng đắn của sự phân biệt này. [Kant sẽ giải thích và cho ví dụ rõ hơn ở BXXVII...].}

 

Thử nghiệm này thành công như ý muốn và như vậy, hứa hẹn mang lại cho phần đầu của Siêu hình học -tức là phần nghiên cứu về các khái niệm tiên nghiệm, mà mọi đối tượng tương ứng trong kinh nghiệm có thể được mang lại phù hợp với chúng -bước đi vững chắc của một khoa học. Bởi vì với sự thay đổi này về lề lối tư duy, ta đã hoàn toàn có thể giải thích được khả thể của một nhận thức tiên nghiệm, và hơn thế nữa, đã mang lại các chứng minh thỏa đáng về các quy luật làm nền móng tiên nghiệm cho giới Tự nhiên -Tự nhiên như là tổng thể (Inbegriff) mọi đối tượng của kinh nghiệm. |Cả hai điều này đều không thể có được theo phương cách tiến hành trước nay. Nhưng, từ việc diễn dịch (Deduktion)* này về quan năng nhận thức tiên nghiệm của chúng ta trong phần đầu của Siêu hình học lại dẫn đến một kết quả bất ngờ tỏ ra có vẻ rất bất lợi và đi ngược lại toàn bộ cứu cánh của Siêu hình học trong phần sau của nó, đó là: với phần đầu, ta không bao giờ có thể đi ra ngoài ranh giới của kinh nghiệm khả hữu, trong khi chính nỗ lực [siêu việt] ở phần sau mới là công việc cốt yếu nhất [có tính bản chất nhất] (wesentlichste Angelegenheit) của môn khoa học này.

{*Diễn dịch (Deduktion): chứng minh nguồn gốc tiên nghiệm và tính chính đáng của việc sử dụng tiên nghiệm một quan năng hay các khái niệm trong quan hệ với đối tượng. Xem B116. (N.D).}

 

Nhưng chính ở đây [các nỗ lực siêu việt], sự thí nghiệm đã kiểm chứng ngược lại tính chân lý của kết quả đã đạt được trong phần đánh giá đầu tiên về nhận thức tiên nghiệm của lý tính chúng ta, đó là: nhận thức tiên nghiệm chỉ liên quan đến những hiện tượng thôi [là những gì xuất hiện ra cho ta và ta có thể buộc chúng phù hợp với các khái niệm do ta đặt vào nơi chúng], còn ngược lại, Vật tư thân - tuy tồn tại thực nơi bản thân nó - nhưng không được ta nhận thức. Bởi vì, cái đã thúc đẩy chúng ta nhất thiết phải đi ra khỏi ranh giới của kinh nghiệm và của mọi hiện tượng chính là cái Vô-điều kiện (das Unbedingte) mà lý tính luôn đòi hỏi, xem nó là tất yếu nơi bản thân những Vật-tự thân*, là đương nhiên gắn liền với mọi cái có-điều kiện, qua đó chuỗi các điều kiện mới được hoàn tất trọn vẹn.

{*Ý nói: cái Vô-điều kiện chỉ là đòi hỏi chủ quan của lý tính nhưng được lý tính xem như là có thật nơi những sự vật là những vật-tự thân (Dinge an sich). (Xem: Chú giải dẫn nhập: 10.1.2). (N.D).}

 

Vậy nếu thấy rằng, khi ta giả định nhận thức bằng kinh nghiệm của ta phải hướng theo các đối tượng như là hướng theo bản thân các vật-tự thân, thì cái Vô-điều kiện không thể nào được suy tưởng mà không có mâu thuẫn; ngược lại, khi ta giả định, các biểu tượng của ta về sự vật - như là các sự vật được mang lại cho ta - không hướng theo các sự vật này như hướng theo các vật-tự thân; trái lại, các đối tượng này, với tư cách là các hiện tượng, hướng theo phương cách biểu tượng của ta* thì mâu thuẫn sẽ biến mất; và do đó, nếu thấy rằng cái Vô-điều kiện không thể nào được tìm thấy nơi các sự vật trong chừng mực ta nhận thức chúng (tức các sự vật được mang lại cho ta) mà chỉ có nơi bản thân sự vật trong chừng mực ta không biết gì về chúng như là các vật-tự thân, thì rõ ràng những gì ta đã giả định lúc đầu để thử nghiệm là có cơ sở(1).

{* Phương cách biểu tượng (Vorstellungsart): phương cách chủ quan của ta để hình dung (vorstellen) nên các biểu tượng về sự vật, bằng trực quan (cảm năng) và các khái niệm (giác tính). (N.D).

(1)Thí nghiệm này của lý tính thuần túy có nhiều chỗ tương tự với thí nghiệm của các nhà hóa học, thường được gọi là thí nghiệm quy giảm (Reduktion) trong phương pháp nói chung gọi là phương pháp tổng hợp. Phân tích pháp của nhà siêu hình học phân chia nhận thức thuần túy tiên nghiệm ra làm hai yếu tố rất khác nhau về loại, đó là các yếu tố của sự vật như là những hiện tượng, rồi như là của sự vật như là những vật tự thân. Biện chứng pháp lại nối kết hai loại ấy lại thành sự nhất trí (Einhelligkeit) với ý niệm tất yếu về cái Vô-điều kiện của lý tính, và thấy rằng sự nhất trí này không bao giờ hình thành được mà không nhờ có sự phân biệt trên đây, do đó sự phân biệt ấy là sự phân biệt đúng đắn.}

 

Nhưng, sau khi mọi sự tiến lên của lý tính tư biện trong lãnh vực của cái Siêu-cảm tính đã bị bác bỏ, nhiệm vụ quan trọng còn lại của ta là phải thử nghiệm xem phải chăng trong nhận thức thực hành của lý tính có thể tìm thấy được các dữ liệu (Data) để xác định khái niệm siêu việt của lý tính về cái Vô-điều kiện, và bằng cách đó, phù hợp với mong ước của Siêu hình học, lý tính vươn tới được các nhận thức tiên nghiệm có thể có về những gì vượt ra khỏi ranh giới của mọi kinh nghiệm khả hữu đúng với mục đích của ta, nhưng chỉ là mục đích thực hành mà thôi. Bằng phương pháp ấy để mở rộng nhận thức, lý tính tư biện ít ra cũng phải để lại những khoảng trống cho ta; và chúng ta không những được phép mà còn thấy có trách nhiệm lấp đầy chúng, nếu có thể làm được, bằng những dữ liệu thực hành(1).

{(1)Cũng bằng cách như thế mà các quy luật trung tâm [chủ yếu] về các vận động của những thiên thể có được tính xác tín vững chắc sau khi chỉ mới là giả thuyết trong giả định ban đầu của Copernic; đồng thời nhờ đó chứng minh được cả lực vô hình (lực hấp dẫn của Newton) chi phối kết cấu của vũ trụ. | Lực [hấp dẫn] này có lẽ đã không bao giờ được phát hiện, nếu trước đó Copernic không mạnh dạn đổi mới cách suy nghĩ, thoạt nhìn trái ngược hẳn với giác quan thông thường nhưng lại là phương cách đúng để đi tìm các vận động đã quan sát được không ở trong những đối tượng của bầu trời mà ở chính nơi người quan sát. Trong Lời tựa này, tôi nêu sự thay đổi về lề lối tư duy chỉ như một giả thuyết có nét tương tự như giả thuyết của Copernic, nhưng trong bản thân quyển Phê phán, giả thuyết này được chứng minh một cách hiển nhiên chứ không có tính giả thuyết nữa, xuất phát từ đặc điểm của các biểu tượng của ta về không gian, thời gian và về các khái niệm cơ bản của giác tính. | Trong Lời tựa, sở dĩ nêu như vậy chỉ là để lưu ý những thí nghiệm đầu tiên vốn bao giờ cũng có tính giả thuyết về một sự thay đổi lề lối tư duy như vậy.}

 

Chính thử nghiệm thay đổi phương pháp trước nay của Siêu hình học bằng cách theo gương các nhà hình học và khoa học tự nhiên, chúng ta sẽ thực hiện một cuộc cách mạng hoàn toàn đối với Siêu hình học, đó là công việc của sự Phê phán lý tính thuần túy tư biện này. Sự phê phán này là một Khảo luận về phương pháp (ein Traktat von der Methode) chứ không phải một Hệ thống [tri thức] về bản thân khoa học [Siêu hình học]; mặc dù sự phê phán cũng vạch ra một phác họa toàn bộ về khoa học này, không những về mặt các ranh giới mà cả về toàn bộ cấu trúc (Gliederbau) bên trong của nó [tức là về cả hai mặt của môn học]. [Sở dĩ được như vậy là] bởi vì lý tính thuần túy tư biện có đặc điểm riêng này: nó có thểphải đo lường được năng lực của chính nó dựa theo sự khác nhau về phương cách làm thế nào để tự lựa chọn các đối tượng cho tư duy và tính toán được ngay từ trước (vorzählen) một cách đầy đủ các phương cách để tự đặt các vấn đề cho chính mình, do đó vạch ra được phác họa toàn bộ về một hệ thống của Siêu hình học. | Bởi lẽ, đối với điều trước [đo lường và tính toán], trong nhận thức tiên nghiệm, không có gì có thể gán cho đối tượng ngoài những gì chủ thể tư duy tự rút ra từ chính mình; và đối với điều sau [phác họa hệ thống], lý tính, xét về phương diện các nguyên tắc của nhận thức, là một chỉnh thể độc lập, hoàn toàn tách biệt, trong đó mỗi bộ phận, - giống như trong một cơ thể có tổ chức -, sở dĩ có đó là vì mọi bộ phận khác và mọi bộ phận khác là vì từng bộ phận, và không nguyên tắc nào có thể được xem xét một cách chắc chắn trong một mối quan hệ mà không đồng thời được nghiên cứu trong mối quan hệ xuyên suốt (durchgängig) [trọn vẹn] với việc sử dụng toàn bộ lý tính thuần túy. Do đó, Siêu hình học có được sự may mắn hiếm hoi mà không một khoa học nào khác của lý tính vốn phải nghiên cứu về các đối tượng có thể có được (không kể môn Lôgíc học vì môn này chỉ nghiên cứu mô thức của tư duy nói chung), đó là: một khi -nhờ sự Phê phán này -được đưa vào bước đi vững chắc của một khoa học, Siêu hình học hoàn toàn làm việc trong toàn bộ lãnh vực của những nhận thức thuộc về riêng nó; do đó nó có thể hoàn tất công trình của mình và truyền lại cho hậu thế sử dụng như một vốn liếng không bao giờ được gia tăng thêm, bởi lẽ Siêu hình học chỉ làm việc với các nguyên tắc và với các sự giới hạn (Einschränkungen) về việc sử dụng nó; các giới hạn bị quy định bởi chính các nguyên tắc trên. Bởi vậy, với tư cách là khoa học nền tảng (Grundwissenschaft), Siêu hình học bị ràng buộc với tính hoàn chỉnh (Vollständigkeit) này, và có thể phải nói về nó như sau: “Nil actum reputans, si quid supenesset agendum [La tinh: “Không có gì được xem là đã hoàn tất nếu còn sót lại việc phải làm”. Lucan, 2, 657].

 

Nhưng người ta sẽ hỏi, di sản quý báu mà ta dự tính trao lại cho hậu thế là di sản gì đây một khi Siêu hình học tuy đã được sự phê phán làm trong sạch nhưng qua đó cũng được đưa vào tình trạng thường tồn (beharrlich) [bất biến] như vậy? Nếu chỉ nhìn lướt qua công trình này một cách hời hợt, người ta tưởng đã nhận ra được rằng ích lợi của nó chỉ là tiêu cực (negativ), tức là, với lý tính tư biện ta không bao giờ được phép liều lĩnh vượt qua các ranh giới của kinh nghiệm; và quả thật, trong thực tế, đó cũng là ích lợi đầu tiên của nó. Nhưng, ích lợi này sẽ trở thành tích cực (positiv) ngay, nếu người ta nhận ra rằng các nguyên tắc mà lý tính tư biện sử dụng để vượt ra khỏi ranh giới của nó nhất định sẽ không dẫn đến sự mở rộng mà thực ra là bó hẹp việc sử dụng lý tính của chúng ta, vì khi các nguyên tắc ấy mở rộng thực sự các ranh giới của cảm năng -là lãnh vực đích thực của nó -bao trùm ra toàn bộ mọi lãnh vực, chúng sẽ đe dọa đẩy lùi việc sử dụng lý tính thuần túy (thực hành). Vì thế, một sự Phê phán hạn định lý tính tư biện [trong khuôn khổ của nó] là tiêu cực, nhưng đồng thời, khi qua đó dẹp bỏ được trở ngại đã hạn chế hay thậm chí đe dọa thủ tiêu việc sử dụng lý tính thực hành, sự Phê phán mang lại ích lợi tích cựchết sức quan trọng, bao lâu ta ý thức rõ rằng phải một sự sử dụng tuyệt đối tất yếu về mặt thực hành của lý tính thuần túy (sử dụng về mặt đạo đức), trong đó lý tính tự mở rộng ra khỏi các ranh giới của cảm năng một cách không thể tránh được nhưng lại không cần sự trợ giúp nào của lý tính tư biện, trái lại còn được đảm bảo an toàn chống lại phản tác dụng của lý tính tư biện để lý tính không bị rơi vào mâu thuẫn với chính bản thân nó. Phủ nhận ích lợi tích cực trong việc đóng góp này của công cuộc Phê phán thì cũng giống như bảo rằng lực lượng cảnh sát chẳng có ích lợi tích cực nào cả, vì các công việc chính của nó chỉ là ngăn chặn hành động bạo lực xảy ra giữa những công dân với nhau để ai nấy có thể làm công việc của mình một cách yên ổn và an toàn.

Trong phần Phân tích pháp của quyển Phê phán này, ta sẽ chứng minh rằng:

[ – ] không gian và thời gian chỉ là các mô thức của trực quan cảm tính, do đó chỉ là các điều kiện cho sự tồn tại của sự vật như là những hiện tượng;

[ – ] ta không có các khái niệm của giác tính, tức không có các yếu tố để nhận thức sự vật nào khác hơn là khi trực quan tương ứng có thể được mang lại cho các khái niệm này; do đó ta không thể có nhận thức về những đối tượng như là những vật-tự thân, mà chỉ trong chừng mực là đối tượng của trực quan cảm tính, tức là như hiện tượng. | Từ những chứng minh đó suy ra sự giới hạn của mọi nhận thức tư biện khả hữu của lý tính vào những đối tượng đơn thuần của kinh nghiệm mà thôi. Nhưng đồng thời, điều cần cẩn thận ghi nhớ là: tuy ta không thể nhận thức được chính những đối tượng ấy như là những Vật-tự thân thì ít nhất ta cũng phải có thể suy tưởng về chúng [như là những vật-tự thân](1).

{(1)Để nhận thức một đối tượng, điều đòi hỏi là tôi có thể chứng minh được khả thể của nó (hoặc bằng tính thực tại của nó do kinh nghiệm xác nhận, hoặc một cách tiên nghiệm bằng lý tính). Còn suy tưởng về một đối tượng, tôi có thể suy tưởng cái gì tôi muốn, miễn là không tự mâu thuẫn với chính mình, tức miễn là khái niệm của tôi là một ý tưởng khả hữu nào đó, dù tôi không thể chứng minh được có một đối tượng nào tương ứng với nó hay không trong toàn bộ mọi khả thể. Nhưng, để gán cho khái niệm như thế tính giá trị khách quan (tức khả năng hiện thực, vì khả năng trước chỉ là khả năng thuần túy lôgíc), lại cần phải có cái gì nhiều hơn nữa. Nhưng, cái nhiều hơn này không cần phải được tìm thấy trong các nguồn nhận thức lý thuyết; nó cũng có thể nằm ngay trong các nguồn thực hành.}

 

 Vì nếu không, sẽ dẫn đến mệnh đề vô lý rằng hiện tượng là cái gì xuất hiện ra mà lại không có cái xuất hiện. Bây giờ ta thử giả định không làm việc phân biệt mà công cuộc Phê phán của ta nhất thiết phải làm về sự vật, [tức xem chúng] vừa như là những đối tượng của kinh nghiệm vừa đồng thời như lànhững vật-tự thân, ắt rằng nguyên tắc về tính nhân quả, và do đó, cơ chế [tất định] của Tự nhiên quy định nguyên tắc ấy phải có giá trị đối với tồn thể mọi sự vật như là các nguyên nhân tác động. Như vậy, về cùng một sự vật, chẳng hạn như linh hồn con người, tôi sẽ không thể nói rằng ý chí của con người là tự do, đồng thời nó lại phải phục tùng sự tất yếu tự nhiên, tức không phải tự do mà không bị rơi vào một mâu thuẫn rõ ràng; bởi lẽ trong hai mệnh đề trên, tôi đã hiểu “linh hồn” trong cùng một ý nghĩa, tức là như sự vật nói chung (như một Vật-tự thân); điều này tôi không thể nào làm khác nếu không có sự Phê phán đi trước đó. Nhưng, nếu sự Phê phán đã không lầm khi dạy rằng phải hiểu đối tượng trong ý nghĩa hai mặt, tức hoặc như là hiện tượng hoặc như là Vật-tự thân; và nếu sự diễn dịch các khái niệm của giác tính là đúng đắn, do đó, nguyên tắc về tính nhân quả chỉ được dùng cho sự vật trong nghĩa thứ nhất thôi, nghĩa là trong chừng mực sự vật là đối tượng của kinh nghiệm, nhưng cũng chính sự vật ấy trong ý nghĩa thứ hai lại không phục tùng nguyên tắc này, thế thì chính ý chí của con người trong hiện tượng (trong những hành vi hữu hình) phải tất yếu phù hợp với quy luật tự nhiên, trong chừng mực đó là không tự do; nhưng mặt khác, như là thuộc về một Vật-tự thân, lại không phục tùng quy luật tự nhiên, do đó được suy tưởng là tự do, mà không xảy ra mâu thuẫn nào cả. Mặc dù tôi không thể nào dùng lý tính tư biện (càng không thể dùng sự quan sát thường nghiệm) để nhận thức linh hồn của tôi dưới giác độ là vật-tự thân, do đó cũng không thể nhận thức Tự do như một thuộc tính của một bản chất [vật-tự thân] mà lại được tôi xem là có những tác động trong thế giới cảm tính, vì muốn làm được điều đó, tôi phải nhận thức một cách xác định về vật-tự thân này [tức linh hồn và ý chí tự do của tôi] về mặt tồn tại thực (Existenz) của nó, nhưng lại không tồn tại trong thời gian (bởi tôi không có trực quan nào để làm chỗ dựa cho khái niệm trên của tôi, và [nhận thức một cái gì không ở trong thời gian] là điều vô lý, không thể có được), tôi vẫn hoàn toàn có thể suy tưởng về tự do, theo nghĩa biểu tượng của tôi về tự do ít ra không chứa đựng mâu thuẫn nào, nếu có được sự phân biệt có tính phê phán về hai phương cách biểu tượng khác nhau (phương cách biểu tượng cảm tính và phương cách biểu tượng trí tuệ) cũng như từ đó có được sự giới hạn (Einschränkung) của các khái niệm thuần túy của giác tính cũng như của các Nguyên tắc rút ra từ các khái niệm thuần túy ấy. [Xem “Phân tích pháp siêu nghiệm”: Phân tích pháp các khái niệm và Phân tích pháp các nguyên tắc. B91-B349]. Bây giờ giả thiết rằng, Đạo đức tất yếu phải lấy Tự do (theo nghĩa chặt chẽ nhất) như là đặc tính của ý chí chúng ta làm tiền đề, và khi Đạo đức đề ra một cách tiên nghiệm các Nguyên tắc thực hành có nguồn gốc nguyên thủy trong lý tính chúng ta như là các dữ liệu (Data) của lý tính [thực hành] vốn cũng không thể có được nếu không có tiền đề này [Tự do]; trong khi đó lý tính tự biện đã chứng minh rằng Tự do là không thể suy tưởng được [vì lý tính sẽ rơi vào tự mâu thuẫn], thế thì tiền đề này [Tự do], tức tiền đề đạo đức phải tất yếu nhường chỗ cho tiền đề khác, vì ngược lại là sẽ chứa đựng mâu thuẫn rõ ràng, do đó Tự do, và cùng với nó là Đạo đức cũng phải nhường chỗ cho cơ chế [tất định] của Tự nhiên (vì lẽ cái trái ngược lại [tức sự phủ định của lý tính tư biện] đối với Tự do và Đạo đức không chứa đựng mâu thuẫn nào cả, trừ khi chịu lấy Tự do làm tiền đề). Thế nhưng, vì lẽ để có được Đạo đức, tôi không cần điều gì khác hơn là Tự do không tự mâu thuẫn với chính nó, nghĩa là ít nhất Tự do cũng có thể chỉ được suy tưởng chứ không cần phải nhận thức thêm gì về nó cả, khiến cho trong cùng một hành vi (nếu được nhìn từ mối quan hệ khác), Tự do không phải là một cản trở đối với cơ chế của Tự nhiên, thế là học thuyết về đạo đức có chỗ đứng riêng và học thuyết về tự nhiên cũng có vị trí riêng của nó; điều ắt đã không thực hiện được nếu không nhờ có sự Phê phán trước đó dạy cho ta biết về sự bất tri không thể tránh được của ta đối với những Vật-tự thân, và rằng tất cả những gì ta có thể nhận thức được về mặt lý thuyết chỉ giới hạn trong những hiện tượng đơn thuần mà thôi. Sự khảo sát như trên về ích lợi tích cực của các Nguyên tắc phê phán của lý tính thuần túy cũng thể hiện rõ đối với các khái niệm về Thượng đế và về bản tính đơn thuần *của linh hồn chúng ta, nhưng để ngắn gọn, tôi xin lướt qua.

{* Bản tính đơn thuần (của linh hồn): Einfache Natur (der Seele): Siêu hình học cổ truyền (tâm lý học thuần lý) xem bản tính của linh hồn là “einfach” (đơn thuần, đơn tính, đơn tố), tức đối lập với tính đa tạp (mannigfltig), đa hợp (zusammengesetzt) gồm nhiều bộ phận của vật thể có quảng tính. Xem thêm “Biện chứng pháp siêu nghiệm”. (N.D).}

 

 Như vậy, để bảo vệ việc sử dụng lý tính của tôi một cách tất yếu về mặt thực hành, tôi thậm chí không thể giả định về sự tồn tại của Thượng đế, Tự do và sự Bất Tử [của linh hồn], nếu tôi không đồng thời tước bỏ tham vọng nhận thức mang tính siêu việt của lý tính tư biện [về các chủ đề ấy], bởi lẽ để vươn tới các nhận thức ấy, lý tính tư biện buộc phải sử dụng chính những nguyên tắc trong thực tế chỉ đủ để áp dụng cho những đối tượng của kinh nghiệm khả hữu; cho nên khi nó cứ áp dụng các nguyên tắc này vào đối tượng vốn không thể là đối tượng của kinh nghiệm, nó thực sự đã biến đối tượng ấy thành hiện tượng, và như thế là xem mọi sự mở rộng lý tính thuần túy về mặt thực hành là không thể làm được. Vì thế, tôi phải dẹp bỏ nhận thức [sai lầm] đi để dành chỗ cho lòng tin và thuyết giáo điều trong Siêu hình học, tức là, định kiến cho rằng có thể tiến tới nhận thức trong Siêu hình học mà không có sự Phê phán lý tính thuần túy mới là căn nguyên thực sự cho mọi sự thiếu đức tin (Unglauben) chống phá lại đạo đức và lúc nào cũng tỏ ra hết sức giáo điều.

Vậy, nếu không phải là điều khó khăn để một môn Siêu hình học được xây dựng một cách hệ thống trên cơ sở chuẩn mực của việc Phê phán lý tính thuần túy có thể trao truyền lại di sản cho đời sau, thì di sản ấy là một món quà tặng không được xem thường. | Trước hết, ta chỉ cần nhìn vào công lao vun bồi cho lý tính có được bước đi vững chắc của một khoa học so với sự mò mẫm không có cơ sở và sự ngao du vu vơ trước đây của nó khi chưa có sự Phê phán. | Hay nhìn vào việc nó giúp cho thế hệ trẻ luôn khao khát hiểu biết sử dụng tốt hơn thời gian của mình, vốn bị thuyết giáo điều quen thuộc khuyến khích họ đi vào quá sớm những vấn đề mà họ không có chút hiểu biết nào để tha hồ biện luận và vắt óc tìm thêm những tư tưởng hay ý kiến về những chủ đề mà không ai trên thế gian này có hy vọng giải quyết được, và vì vậy, sao nhãng việc học tập các môn khoa học vững chắc khác. | Nhưng quan trọng hơn hết khi ta lưu ý đến ích lợi không lường hết được của nó nhằm kết thúc vĩnh viễn mọi sự đả kích chống lại đạo đức và tôn giáo bằng phương cách kiểu Socrate, tức là chứng minh rõ ràng nhất về sự bất tri của đối phương*.

{*Ý nói: nếu lý tính tư biện không chứng minh được sự tồn tại của Thượng đế, Tự do và Bất tử (của linh hồn) thì cũng không thể chứng minh được sự không-tồn tại của các đối tượng này. Các chủ đề “siêu việt” ấy, thực ra, chỉ có ý nghĩa trong lãnh vực của lý tính thuần túy thực hành (đạo đức). “Phương pháp Socrate” nói ở đây là phương pháp phản biện. (N.D).}

 

Bởi lẽ, một môn Siêu hình học - dưới dạng này hay dạng khác - mãi mãi đã và sẽ còn tồn tại và ta luôn bắt gặp trong nó một phép biện chứng [sai lầm] của lý tính thuần túy, vì đó là điều tự nhiên. Vì vậy, công việc đầu tiên và quan trọng nhất của triết học là xóa bỏ vĩnh viễn mọi ảnh hưởng có hại của nó bằng cách ngăn chặn tận gốc các sai lầm này.

Trước sự thay đổi quan trọng này trong lãnh vực các ngành khoa học, và trước sự mất mát mà lý tính tư biện phải chịu đựng đối với các tài sản tưởng tượng của nó, thì tất cả những gì liên quan đến công việc chung của con người và những ích lợi mà thế giới đã rút ra từ các bài học của lý tính thuần túy vẫn được duy trì trong tình trạng thuận lợi như trước đây; và sự mất mát chỉ xảy ra cho sự độc quyền của các trường phái [triết học] chứ không hề đụng chạm đến sự quan tâm [hay lợi ích] (das Interesse)* của con người. Tôi thử hỏi nhà giáo điều ngoan cố nhất: việc chứng minh sự thường tồn của linh hồn chúng ta sau khi chết từ tính đơn thuần của bản thể**; của Tự do ý chí chống lại cơ chế chung [của Tự nhiên] bằng những sự phân biệt tinh vi nhưng yếu ớt giữa tính tất yếu thực hành chủ quan và khách quan; hay chứng minh về sự tồn tại của Thượng đế rút ra từ khái niệm về một Hữu thể mang tồn bộ tính thực tại (allerrealstes Wesen - Ens realissimum) (về tính bất tất của cái biến đổi và tính tất yếu của một cái vận động đầu tiên), liệu tất cả những điều ấy sau khi ra khỏi cổng nhà trường có đến được với quảng đại quần chúng và gây ảnh hưởng được chút nào trên niềm tin của họ?

{*das Interesse: (nguyên gốc La tinh: “sự tham dự, sự có mặt, cái có tầm quan trọng): sự quan tâm của con người đối với người khác, với một sự việc hay sự kiện bắt nguồn từ các động cơ tâm lý hay các nhu cầu sống còn. Thuật ngữ này được các nhà tư tưởng Pháp, Anh (C.A Helvetius J.Bentham, A.Smith) sử dụng trước tiên để giải thích đời sống xã hội. Kant cải biến và đào sâu hơn về mặt đạo đức học lẫn mỹ học, và “Interesse” trở thành một trong những thuật ngữ quan trọng nhất trong triết học Kant; được chúng tôi dịch là “sự quan tâm” hay “lợi ích” tùy theo văn cảnh. (Xem: B490-504 và “Phê phán năng lực phán đoán” §2-5). (N.D).

**Những vấn đề sẽ được Kant phê phán trong phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm” (B350…). (N.D).}

 

 Rõ ràng điều này đã không xảy ra và không bao giờ có thể chờ đợi sẽ xảy ra, chính vì sự không thích dụng của lý trí bình thường của con người đối với sự tư biện tinh vi rắc rối như thế. | Trái lại, đối với điểm thứ nhất, chính thiên hướng thuộc bản tính tự nhiên của mỗi con người không bao giờ có thể vừa lòng với cái giả tạm (das Zeitliche) (là cái quá ít ỏi đối với các thiên hướng thuộc toàn bộ bản tính con người) đã tạo nên lòng hy vọng vào một kiếp sống tương lại [sau khi chết]; đối với điểm thứ hai, chính sự trình bày rõ ràng và giản dị các nghĩa vụ [đạo đức] đối lập lại với mọi yêu sách của các dục vọng đã mang lại ý thức về Tự do, và sau cùng, đối với điểm thứ ba, trật tự hùng vĩ, vẻ đẹp và sự chu đáo (Vor-sorge) thấy được khắp nơi trong Tự nhiên dẫn đến niềm tin vào đấng sáng tạo vũ trụ vĩ đại và sáng suốt. | Chính niềm tin phổ biến này, trong chừng mực dựa trên các cơ sở hữu lý, đã tác động đến quảng đại quần chúng; niềm tin này không những không bị tổn thương, trái lại càng tăng thêm uy tín khi ta làm cho các trường phái [triết học] phải nhận ra rằng họ không có quyền tự cao cho rằng chỉ có mình mới đạt được các nhận thức cao xa hơn về những điều liên quan đến công việc của con người, những điều mà quần chúng đông đảo (đáng được chúng ta kính trọng nhất) cũng có thể đạt được dễ dàng, và các trường phái ấy hãy nên tự giới hạn vào việc vun bồi các cơ sở chứng minh vừa dễ hiểu vừa đầy đủ về mặt đạo đức. Như vậy, sự thay đổi [lề lối tư duy] chỉ đụng chạm đến các yêu sách ngạo mạn của các trường phái rất thích được xem là những người duy nhất thông hiểu và canh giữ những chân lý trong lãnh vực này (dù họ có quyền làm như thế trong nhiều lãnh vực khác), những chân lý mà họ chỉ cho quảng đại quần chúng biết cách sử dụng, còn chìa khóa của chân lý thì họ giữ riêng lấy cho mình. (quod mecum nescit, solus vult scire videri): [La tinh: “Về điều ấy, cả ông ta lẫn tôi đều không biết, nhưng chỉ riêng ông ta là làm ra vẻ biết!” Horaz, Các bức thư, II, i, 87].

Tuy nhiên, đối với một yêu sách khiêm tốn và chính đáng hơn của nhà triết gia tư biện, ta cũng đã có sự lo liệu đầy đủ. Ông ta mãi mãi là người quản thủ độc quyền một môn khoa học ích lợi cho quảng đại quần chúng nhưng không được quần chúng biết tới, đó là môn PHÊ PHÁN LÝ TÍNH; vì lẽ môn học này không bao giờ có thể trở nên phổ thông và cũng không cần thiết phải trở nên phổ thông, bởi nếu các lập luận được thêu dệt tinh vi [của những nhà tư biện] ủng hộ cho các chân lý hữu ích* đã không gây được tác động gì đối với quần chúng thì quần chúng cũng khó nhận ra các lập luận cũng không kém tinh vi để chống lại. | Vì trường phái triết học nào cũng như bất cứ ai vươn lên đến sự tư biện đều không tránh khỏi rơi vào hai điều ấy, nên buộc phải thông qua việc nghiên cứu cặn kẽ các thẩm quyền của lý tính tư biện để, một lần cho tất cả, ngăn ngừa sự tai tiếng nhất định sớm hay muộn sẽ nổ ra trước quần chúng từ các cuộc tranh cãi mà các nhà Siêu hình học (và rút cục cả các nhà thần học) đều bị lôi cuốn vào không cách gì tránh khỏi và sau đó tự họ làm hỏng các học thuyết của họ, nếu không có sự Phê phán.

{*“các chân lý hữu ích”: ám chỉ các khẳng quyết hữu ích về mặt đạo đức của Siêu hình học “giáo điều” như: Thượng đế tồn tại, ý chí tự do và linh hồn bất tử... (N.D).}

 

 Và chỉ thông qua sự Phê phán này mới cắt dứt được tận gốc thuyết duy vật, thuyết định mệnh, thuyết vô thần, thói phóng nhiệm thiếu đức tin, óc cuồng tín và mê tín có thể gây tai hại rộng rãi cũng như thuyết duy tâm và thuyết hồi nghi rất nguy hiểm cho học thuật tuy khó đến được với quần chúng đông đảo. Nếu các chính quyền thấy nên can thiệp một cách đúng đắn vào các công việc của những học giả thì sự quan tâm sáng suốt của họ cho các ngành khoa học cũng như cho con người sẽ phù hợp hơn nhiều nếu biết tạo thuận lợi cho sự tự do của công cuộc Phê phán như thế này, qua đó các hoạt động của lý tính có thể được thiết lập trên một cơ sở vững chắc, hơn là đi ủng hộ cho sự độc đốn đáng buồn cười của các trường phái luôn la hoảng lên về một nguy cơ công cộng khi người ta xé tan mạng nhện của họ, những mạng nhện tư duy mà nếu còn tồn tại cũng chẳng được quần chúng đông đảo quan tâm và nếu mất đi cũng chẳng ai thèm biết đến*.

{*Ở đây ta thấy Kant rào đón rất kỹ vì ấn bản lần thứ hai này (1787) ra mắt chỉ một năm trước khi quy định nghiêm ngặt về tôn giáo của nhà nước Phổ (F. Wilhelm II) được ban hành (Religionsedikt 1788). Từ đó Kant luôn bị chính quyền theo dõi và đàn áp, nhất là khi xuất bản quyển “Tôn giáo trong các ranh giới của lý tính đơn thuần” (Die Religion innerhalb der Grenzen der blossen Vernunft, 1793). (N.D).}

 

Sự Phê phán, như một khoa học, không đối lập lại với phương pháp giáo điều** của lý tính trong nhận thức thuần túy của nó, (vì nhận thức thuần túy bao giờ cũng có tính giáo điều, tức là được chứng minh chặt chẽ từ các nguyên tắc tiên nghiệm vững chắc). | Trái lại, sự Phê phán chỉ đối lập lại với thuyết giáo điều (Dogma-tismus), tức là, phản đối tham vọng cho rằng có thể tiến tới một nhận thức thuần túy chỉ bằng các khái niệm (triết học), dựa theo các Nguyên tắc như lý tính đã từng sử dụng chúng từ lâu mà không xem xét lý tính đạt được các nguyên tắc ấy bằng phương cách nào và với thẩm quyền gì. Vậy, thuyết giáo điều là phương pháp giáo điều của lý tính thuần túy thiếu sự Phê phán trước đó về năng lực của chính nó [về quan năng nhận thức của bản thân lý tính].

{**Phương pháp giáo điều (dogmatisches Verfahren): là phương pháp khẳng định những gì đúng một cách hiển nhiên, nhất thiết (apodiktisch) và không được dựa trên các giả thuyết (xem B810…). (N.D).}

 

Sự đối lập này, do đó, không phải là sự nông cạn ba hoa nhân danh tính đại chúng, cũng không phải thuyết hoài nghi muốn giản lược và thui chột toàn bộ môn Siêu hình học. | Trái lại, sự Phê phán là sự chuẩn bị thiết yếu cho sự ra đời của một nền Siêu hình học thực sự có cơ sở như một khoa học, vừa thiết yếu có tính giáo điều, vừa có tính hệ thống theo đúng đòi hỏi nghiêm ngặt nhất, và vì thế, phải được tiến hành theo phương cách học thuật nghiêm chỉnh (schulgerecht) (chứ không phải phổ thông, đại chúng); và vì nó hứa hẹn thực hiện các công việc của nó một cách hoàn toàn tiên nghiệm, thỏa mãn đầy đủ lý tính tư biện nên đòi hỏi này là không thể lơi lỏng được. Cho nên, trong khi thực hiện kế hoạch mà sự Phê phán đã đề ra, tức để hình thành hệ thống Siêu hình học trong tương lai, chúng ta phải noi theo phương pháp chặt chẽ của WOLFF trứ danh*, khuôn mặt lớn nhất trong mọi triết gia giáo điều. | Ông là người trước hết đã nêu gương (và qua việc nêu gương này đã trở thành người khai sinh tinh thần nghiên cứu cặn kẽ và nghiêm túc đến nay vẫn chưa bị mất đi ở nước Đức) về việc làm thế nào để có được bước đi vững chắc của một khoa học bằng cách phải khẳng định các nguyên tắc một cách hợp quy luật, xác định rõ ràng các khái niệm, bảo đảm sự chặt chẽ của các chứng minh, tránh các bước nhảy liều lĩnh trong khi rút ra các kết luận. | Ông hẳn là người hoàn toàn có đủ tài năng để đưa Siêu hình học trở thành một khoa học nếu giá như ông biết chuẩn bị tốt miếng đất trước đó bằng sự phê phán quan năng nhận thức, tức phê phán bản thân lý tính thuần túy: một sự thiết sót không chỉ do ông mà còn do lề lối tư duy giáo điều của thời đại ông, chứ về điểm này các triết gia đương thời và trước đấy nữa không có gì để phiền trách nhau cả. [Thế nhưng ngày nay], những ai vứt bỏ phong cách nghiên cứu của ông, đồng thời vứt bỏ cả phương pháp Phê phán lý tính thuần túy, họ chắc hẳn không có mục đích nào khác hơn là muốn vứt bỏ hết các ràng buộc nghiêm ngặt của khoa học, muốn biến lao động thành trò vui chơi, sự xác tín thành tư kiến và biến Triết học (Philosophiethành Tư kiến học (Philodoxie)*

{*Christian Wolff (1679-1754), triết gia Đức, cải tạo và phát triển triết học Leibniz thành một hệ thống triết học thuần lý tiêu biểu trong thời khai sáng ở Đức, được gọi chung là “trường phái Leibniz-Wolff”, đối tượng phê phán chủ yếu của Kant trong sách này. Ông cũng là người đầu tiên viết triết học bằng tiếng Đức (thay vì bằng tiếng La tinh hay tiếng Pháp như Leibniz), đặt cơ sở cho ngôn ngữ triết học Đức. (N.D).

*Ở đây KANT chơi chữ: “Philosophie” nguyên nghĩa là yêu thích sự minh triết; “Philodoxie” là yêu thích tư kiến (gốc Hy Lạp: philo: yêu thích; sophia: sự minh triết; doxa: tư kiến, ý kiến riêng). (N.D).}

 

Về những gì liên quan đến ấn bản lần thứ hai này, tôi không muốn bỏ qua cơ hội để khắc phục càng nhiều càng tốt những chỗ khó hiểu và tối tăm đã làm nảy sinh một số hiểu lầm mà các người đọc tinh tường - có lẽ không phải là không do lỗi của tôi - đã phạm phải khi đánh giá về quyển sách này. [Tuy nhiên], tôi thấy không có gì phải thay đổi đối với bản thân các nguyên tắc và các lập luận để chứng minh các nguyên tắc ấy, cả về mặt hình thức lẫn về tính hoàn chỉnh của toàn bộ kế hoạch nghiên cứu, một phần vì tôi đã cân nhắc, kiểm tra chúng rất lâu trước khi công bố, phần khác là do tính chất của bản thân sự việc. | Đó chính là do bản tính tự nhiên của lý tính thuần túy tư biện vốn chứa đựng một cấu trúc thực sự ở bên trong (wahrer Gliederbau) như một vật hữu cơ (Organ), trong đó tất cả đều vì mỗi bộ phận và mỗi bộ phận riêng lẻ đều là vì tất cả, khiến cho một chỗ yếu nhỏ - dù là một sai lầm hay thiếu sót - sẽ phải bộc lộ ngay không thể tránh khỏi trong khi sử dụng. Cho nên tôi hy vọng rằng hệ thống này sẽ tiếp tục giữ được nguyên trạng không bị thay đổi như thế trong tương lại. Không phải là sự khoa trương, mà chính là sự hiển nhiên đã tạo nên sự giống nhau của kết quả khi đi từ các yếu tố cơ bản tiến đến cái tồn thể của lý tính thuần túy, và đi ngược lại từ cái tồn thể (vì chính cái tồn thể này cũng được mang lại bởi cứu cánh tối hậu của chính lý tính trong lý tính thực hành) đến từng bộ phận, khiến cho nếu thử thay đổi một bộ phận dù nhỏ nhất cũng sẽ tạo ra các mâu thuẫn không những cho hệ thống mà cả cho lý tính con người nói chung; chính sự hiển nhiên ấy cho phép tôi có được sự tự tin chính đáng nói trên. Tuy nhiên, riêng trong việc trình bày thì quả có nhiều việc phải làm. | Trong ấn bản [lần thứ hai] này, tôi đã cố gắng cải thiện, cụ thể là khắc phục chỗ khó hiểu trong Cảm năng học, nhất là trong khái niệm về thời gian; chỗ tối tăm trong phần Diễn dịch các khái niệm của giác tính; chỗ thiếu tính hiển nhiên trong các chứng minh về các Nguyên tắc của giác tính thuần túy, và sau cùng, chỗ dễ gây hiểu lầm trong phần Các Võng luận thuộc Tâm lý học thuần lý. Chỉ đến chỗ này thôi (tức chỉ đến cuối Chương I của Biện chứng pháp siêu nghiệm), chứ cho các phần còn lại tôi không thay đổi gì về cách trình bày(1), vì lẽ thời gian quá ngắn và vì tôi thấy các phần còn lại này không gây nên hiểu lầm nào nơi các nhà phê bình cao minh và vô tư, những người tôi chưa được phép nêu tên ở đây với tất cả sự ca ngợi mà họ rất xứng đáng, đồng thời cũng đã đáp ứng các gợi ý của họ ngay trong các phần liên quan trong quyển sách này.

{(1)Phần thực sự được thêm vào trong ấn bản lần hai này chỉ liên quan đến cách chứng minh về tính thực tại khách quan của trực quan bên ngồi nhằm phản bác thuyết duy tâm tâm lý học. Tôi cho rằng cách chứng minh do tôi đưa ra là cách chứng minh chặt chẽ duy nhất có thể có về vấn đề này, được trình bày rõ từ trang B275-B279.

Đối với các mục đích cơ bản của Siêu hình học, thuyết duy tâm thoạt nhìn có vẻ vô hại, nhưng thực ra không phải như vậy. Bởi lẽ, đối với triết học cũng như lý tính con người, thật là chuyện động trời khi cho đến nay người ta vẫn chỉ có thể “giả định” về sự tồn tại của sự vật ở bên ngồi ta, trong khi chính chúng cung cấp tồn bộ chất liệu cho nhận thức, kể cả cho giác quan bên trong của ta. Và tệ hơn nữa là trước những người nghi ngờ sự tồn tại khách quan ấy, chưa ai đưa ra được chứng minh thật chặt chẽ để bác lại.

Trong phần chứng minh này ở trang B276, có một câu hơi tối: “Nhưng cái thường tồn này không thể là cái gì ở trong tôi, vì bản thân sự tồn tại của tôi trong thời gian được cái thường tồn này quy định” tôi xin người đọc vui lòng sửa lại như sau cho rõ hơn:

“Nhưng cái thường tồn này không thể là một trực quan ở trong tôi. Vì mọi quy định có thể bắt gặp ở trong tôi về sự tồn tại của tôi chỉ là những biểu tượng. Với tư cách là những biểu tượng luôn thay đổi, chúng đòi hỏi phải có một cái thường tồn khác biệt với chúng làm chỗ dựa, và qua đó, tồn tại của tôi trong thời gian - chứa đựng sự thay đổi của những biểu tượng - mới có thể được quy định”

Chống lại chứng minh này, nhà duy tâm có thể bảo: “tôi chỉ có thể ý thức trực tiếp về những gì ở trong tôi, tức về các biểu tượng của tôi về sự vật bên ngồi, còn không thể biết có một cái gì ở bên ngoài thực sự tương ứng với các biểu tượng này hay không”. Thực ra, tôi chỉ ý thức được sự tồn tại của tôi trong thời gian (do đó cả ý thức về tính có thể được quy định của sự tồn tại của tôi trong thời gian) là nhờ kinh nghiệm bên trong và kinh nghiệm này bao gồm cái gì nhiều hơn là chỉ ý thức về các biểu tượng của tôi. Kinh nghiệm bên trong thực chất cũng đồng nhất với ý thức thường nghiệm về sự tồn tại của tôi, là cái chỉ có thể được quy định nhờ quan hệ với cái gì ở bên ngoài tôi nhưng lại gắn chặt với sự tồn tại của tôi. Vậy, ý thức về sự tồn tại của tôi trong thời gian gắn chặt và đồng nhất với ý thức về mối quan hệ với cái gì ở bên ngoài tôi, và đó là kinh nghiệm thực sự chứ không phải hoang đường, là cảm quan chứ không phải tưởng tượng, nối kết chặt chẽ cái bên ngoài với giác quan bên trong của tôi. Bởi lẽ, giác quan bên ngoài, tự nó, đã là mối quan hệ của trực quan với cái gì có thực ở ngoài tôi và tính thực tại của cái bên ngoài này - khác với tưởng tượng - dựa vào việc nó gắn liền không tách rời với bản thân kinh nghiệm bên trong làm điều kiện khả thể cho nó. Giả thử bằng ý thức trí tuệ về sự tồn tại của tôi thể hiện trong biểu tượng “Tôi tồn tại” (Ich bin) đi kèm theo mọi phán đoán và hành vi của giác tính lại đồng thời gắn với sự quy định về tồn tại của tôi bởi một trực quan trí tuệ (mà thực ra ta không thể có, N.D), thì chắc hẳn ý thức về mối quan hệ với cái gì ở ngoài tôi sẽ không cần thiết. Thế nhưng, trực quan bên trong là cái duy nhất trong đó tồn tại của tôi được quy định - dù trước đó đã có ý thức thuần túy trí tuệ “Tôi tồn tại” -, bản thân nó là cảm tính và lệ thuộc vào điều kiện của thời gian. Cho nên, sự quy định về sự tồn tại của tôi, và do đó bản thân kinh nghiệm bên trong của tôi, phải dựa vào một cái gì thường tồn không ở trong tôi, tức chỉ có thể là cái gì ở ngồi tôi mà tôi có quan hệ. Vậy, tính thực tại của giác quan bên ngồoài thiết yếu gắn liền với tính thực tại của giác quan bên trong để cùng tạo nên khả thể cho kinh nghiệm nói chung, tức là, tôi ý thức chắc chắn rằng có các sự vật ở ngoài tôi đang quan hệ với giác quan của tôi cũng giống như tôi ý thức chắc chắn rằng bản thân tôi đang tồn tại trong thời gian. [Xin nhắc lại: giác quan bên ngoài tức là trực quan thông qua mô thức không gian; giác quan bên trong thông qua mô thức thời gian, xem thêm Cảm năng học tiên nghiệm, N.D].}

Nhưng, để biết chắc những trực quan nào thực sự tương ứng với các đối tượng nào ở ngoài tôi, nói cách khác, xem trực quan nào là thực sự thuộc về giác quan bên ngoài chứ không phải là do tưởng tượng, tôi phải - trong từng trường hợp cụ thể, cá biệt - dựa vào các quy luật theo đó kinh nghiệm nói chung (kể cả kinh nghiệm bên trong) được phân biệt với sự tưởng tượng; các quy luật này bao giờ cũng dựa vào nguyên tắc: thực sự có kinh nghiệm bên ngồi. Ở đây, ta có thể nêu thêm nhận xét: Biểu tượng về cái gì thường tồn (tức thực tại bên ngoài) không đồng nhất với biểu tượng tính thường tồn [ở bên trong ta], vì biểu tượng ở bên trong ta có thể luôn thay đổi và biến động, kể cả các biểu tượng của ta về vật chất và chúng phải quan hệ với cái gì thực sự thường tồn khác với mọi biểu tượng của ta và là những sự vật ở bên ngoài ta. Sự tồn tại của nó nhất thiết có mặt trong sự quy định về sự tồn tại của chính ta, và cùng với nó, ta tạo nên một kinh nghiệm duy nhất, một kinh nghiệm không thể chỉ có ở bên trong mà đồng thời không có (một phần) từ bên ngoài. Còn câu hỏi “Tại sao như thế?” thì ta không thể nào trả lời được cũng như không thể trả lời tại sao ta phải suy tưởng về cái ổn định, cái đứng yên (không biến đổi) trong thời gian cùng tương tác với cái khả biến để hình thành khái niệm của ta về sự biến đổi. [“cái khả biến” là các trạng thái luôn thay đổi của một cái gì ổn định, chẳng hạn tôi lúc trẻ và tôi lúc già nhưng tôi vẫn là tôi. Xem thêm: “Loại suy thứ nhất: nguyên tắc về sự thường tồn của bản thể” B225-232. N.D].

 

Các sửa chữa lần này không khỏi mang lại mất mát nhỏ đối với người đọc, sự mất mát không thể tránh được nếu không muốn quyển sách trở thành quá dày, do đó tôi buộc phải lược bỏ hoặc viết ngắn lại một số đoạn không cần thiết lắm cho sự hoàn chỉnh của quyển sách, những đoạn mà một số người đọc không muốn mất đi và thấy vẫn còn hữu ích về mặt nào đó. | Tôi hy vọng những đoạn bị lược bỏ ấy sẽ nhường chỗ cho cách trình bày được dễ hiểu hơn trong lần này, và sẽ không có thay đổi gì cả về nội dung và các lập luận chứng minh, mặc dù trong phương pháp diễn đạt, có khi khác với ấn bản trước đây, vì không thể thực hiện được việc thay đổi cách diễn đạt chỉ bằng cách đưa chen ngang vào các đoạn mới.

Tôi hy vọng sự mất mát nhỏ này - dù sao cũng dễ bù trừ bằng cách tùy ý đối chiếu với ấn bản lần thứ nhất *sẽ được đền đáp nhiều hơn bằng sự dễ đọc.

{*Các phần được Kant lược bỏ, viết thêm hoặc viết lại trong cả hai ấn bản (A và B) đều có đầy đủ trong bản dịch này, để bạn đọc tiện đối chiếu. (N.D).}

 

Tôi rất vui mừng và biết ơn khi được thấy trong nhiều sách báo (các bài điểm sách và các chuyên luận) tinh thần nghiên cứu cặn kẽ và nghiêm túc vẫn chưa bị mai một ở nước Đức, dù nó chỉ nhất thời bị lấn át bởi giọng điệu thời thượng của lối tư duy tùy hứng tự cho là tự do của các thiên tài, và con đường chông gai của sự Phê phán đã không ngăn cản được các nhà tư tưởng đầy nghị lực và uyên bác thực sự làm chủ được môn khoa học về lý tính thuần túy mà con đường ấy tất yếu sẽ dẫn đến; một khoa học có tính học thuật nghiêm ngặt (schulgerecht) và cần phải như vậy mới là một khoa học có giá trị lâu dài và tối cần thiết. Tôi xin nhường cho các vị đó - những người khéo kết hợp sự sâu sắc của suy tư và tài năng diễn đạt sáng sủa (điều mà tôi thú thực không có được) hồn thiện những gì tôi còn thiếu sót về mặt sáng sủa, vì trong trường hợp này [trong triết học], điều nguy hiểm không phải là bị phản bác mà là không được hiểu đúng.

Riêng phần tôi từ nay xin rút khỏi các cuộc luận chiến, dù tôi vẫn sẽ rất cẩn trọng lắng nghe cao kiến từ mọi phía, dù từ các người bạn hay từ các người đối nghịch, để sử dụng chúng một cách thích hợp cho việc thực hiện hệ thống triết học dự bị này (Propädeutik) trong tương lai. Vì khi chuẩn bị ấn bản này, tôi đã khá lớn tuổi (tháng này tôi đã tròn 64) nên rất cần tiết kiệm thời gian nếu muốn thực hiện nốt kế hoạch đã định là hồn tất phần Siêu hình học về tự nhiên cũng như về đạo đức như là sự khẳng định tính đúng đắn của công cuộc Phê phán lý tính tư biện lẫn thực hành*. | [Vì thế], tôi chờ đợi việc minh giải những chỗ còn tối tăm không thể tránh khỏi trong tác phẩm này cũng như việc bảo vệ cái toàn bộ nơi các vị rất có công lao đã xem triết học của tôi như của chính họ.

{*- “Cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên” (Metaphysische Anfangsgrnde der Naturwissenschaft) 1786

   - “Siêu hình học về đức lý” (Metaphysik der Sitten) 1797. (N.D).}

 

Đối với tác phẩm triết học nào cũng vậy, những đoạn riêng lẻ là dễ bị tổn thương (vì nó không thể xuất hiện một cách kiên cố theo kiểu được bọc thép như tác phẩm tốn học), thế nhưng cấu trúc bên trong của cả hệ thống, xét như một chỉnh thể, lại không chịu nguy cơ ấy. | Nếu hệ thống ấy là mới mẻ thì ít người đủ thông thạo để có được cái nhìn tổng quan về nó, vả lại càng ít người không những hiểu rõ mà còn yêu thích nó. Nếu chỉ xem xét từng phần riêng lẻ, tách chúng ra khỏi mối liên hệ chung rồi so sánh với nhau ắt rất dễ moi móc ra các mâu thuẫn giả tạo, nhất là trong các quyển sách được viết với lối hành văn ít nhiều tự do. | Các mâu thuẫn giả tạo này dễ làm cho quyển sách bị nhìn một cách bất lợi dưới mắt những ai chỉ biết dựa vào đánh giá của người khác, nhưng lại rất dễ giải quyết đối với những người thực sự nắm vững ý tưởng chung của cái toàn bộ. Nếu một [hệ thống] lý luận thực sự vững chắc từ nền tảng bên trong thì tác động và phản tác động đe dọa lớn đến sự tồn tại của nó trong lúc đầu, nhưng với thời gian chỉ càng làm nhẵn dần những chỗ còn gồ ghề, và nếu được những người có tinh thần vô tư, có óc sáng suốt và có tính đại chúng thực sự bắt tay nghiên cứu sẽ sớm mang lại cho lý luận ấy sự trang nhã cần thiết.

Königberg, tháng 4. 1787

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

2    LỜI TỰA 2 (BVII-BXLIV): “CUỘC CÁCH MẠNG COPERNIC”.

Sau bước “khởi đầu nan” ở Lời Tựa 1, ta bước vào đọc Lời Tựa 2 ung dung hơn như chính thái độ tự tin của Kant. Khi viết lời Tựa mới này cho lần xuất bản thứ 2 (1787), Kant đã hoàn thành quyển “Sơ luận” (Prolegomena) nói trước đây và tự thấy sáng tỏ hơn nhiều trong hàng loạt vấn đề mà ông đã bỏ công viết lại hoặc sửa chữa thêm. Nếu Lời Tựa 1 nhắm đến đối tượng độc giả quen thuộc với “lối tư duy” cũ, còn bỡ ngỡ trước “cách đặt lại vấn đề” của Kant, thì Lời tựa 2 là dịp để ông biện minh rõ hơn lập trường của mình, giải đáp những thắc mắc của độc giả nảy sinh trong thời gian giữa hai lần xuất bản. Lời Tựa 2, vì thế, cô đọng Tư tưởng chủ yếu của cả tác phẩm. Tư tưởng then chốt trong Lời Tựa này là điều sau này nổi danh trong lịch sử triết học: “cuộc cách mạng Copernic về lề lối tư duy”.

 

2.1  Kant muốn mang lại cho Siêu hình học “bước đi vững chắc của một khoa học” (BVII). Theo Kant, muốn là “khoa học” thì phải liên tục tăng tiến về kết quả nghiên cứu, không bị bế tắc đến nỗi phải thụt lùi để bắt đầu lại từ đầu. Do đó phải tiến hành có phương pháp, có mục đích và nhất là phải nhất trí với nhau về phương pháp, mục đích trước đã. Không như vậy thì chỉ là sự “mò mẫm” trong bóng tối. “Mò mẫm” (Herum-tappen) là hình ảnh yêu thích khác của Kant để chỉ phương pháp của môn Siêu hình học tiền-phê phán: triết gia không biết phê phán thì chỉ có thể mò mẫm, và “tệ hại nhất, là mò mẫm giữa những khái niệm suông” (BXV). Đối lập với sự “mò mẫm” là một cuộc cải cách lớn về phương pháp, thậm chí phải là “một cuộc cách mạng về lề lối tư duy” (Revolution der Denkart). Cả hai khái niệm cơ bản này: “sự mò mẫm” và “cách mạng về lề lối tư duy” thật ra đều được Kant mượn của Francis Bacon (1561-1626) (Novum Organum, 1623), người được Kant trân trọng trích dẫn một câu để làm đề từ cho lần xuất bản thứ hai quyển “Phê phán” này. Nếu Bacon có tham vọng đưa khoa học tự nhiên từ đêm tối của sự “mò mẫm” ra ánh sáng bằng phương pháp thực nghiệm, và tự nhận mình là người đầu tiên tiến hành cuộc “cách mạng tư duy” (“doctrinarum revolutionis”, sđd: a. 78), thì Kant muốn tiếp bước để làm bùng nổ cuộc cách mạng ấy trong Siêu hình học và triết học nói chung bằng phương pháp “phê phán siêu nghiệm”. Vậy, có thể nói, John Locke (Lời Tựa 1) và Francis Bacon (Lời Tựa 2) là những bậc tiền bối được Kant trực tiếp nhắc đến như những bệ phóng cho việc kế thừa và phát triển của ông sau này.

Nhiệm vụ của “Phê phán lý tính thuần túy” là đặt nền móng cho phương pháp mới mẻ, vì vậy, nó tuy chưa thể trình bày bản thân Siêu hình học như một “khoa học”, nhưng là tiền đề cần thiết như là một “khảo luận về phương pháp” (BXXII) [cũng theo nghĩa như là “công cụ” - “Organa” của Francis Bacon!]. Điều đầu tiên là phải xét xem ba môn học được mọi người thừa nhận là “khoa học” (Lôgíc học, toán học, và khoa học tự nhiên) đã trở thành khoa học như thế nào?

 

2.1.1  (BVIII-IX): Lôgíc học kiểu Aristoteles là kiểu mẫu của một khoa học vững chắc, có đặc điểm nổi bật là không phải chịu một bước lùi nào. Sở dĩ như vậy là nhờ ưu thế ngoại lệ của nó ở chỗ được “giới hạn rõ” và “giác tính chỉ còn phải làm việc tự mình với các mô thức của chính mình”, bởi nó chỉ nghiên cứu các quy luật hình thức của mọi tư duy, độc lập với đối tượng. Lôgíc học, do đó, chỉ là “tiền sảnh” của mọi khoa học (BIX), giữ vai trò như một “âm bản” cho mọi hoạt động lý luận. (Tuy nhiên, khẳng định của Kant cho rằng lôgíc học - đúng là không có bước lùi - nhưng cũng đã hoàn tất và không đi thêm “một bước tiến nào” nữa là điều không đúng hẳn, nếu xét sự phát triển của môn học này kể từ những công trình của G. Frege (1879) đến nay.

 

2.1.2  Đối với những khoa học có đối tượng nghiên cứu riêng, tình hình khác hẳn. Nếu trong chúng, ta không chỉ thấy tồn là nhận thức thường nghiệm, mà có mặt của “lý tính”, tức của những nhận thức tiên nghiệm (xem: Chú giải cho Lời dẫn nhập), câu hỏi nảy sinh ngay lập tức là: những biểu tượng tiên nghiệm ấy làm thế nào có thể quan hệ và lại quan hệ một cách đúng đắn [mang lại chân lý phổ quát và tất yếu] với đối tượng? Kant trả lời: đó là khi biểu tượng của ta xác định đối tượng một cách tiên nghiệm để “nhận thức” nó (tức trong các khoa học lý thuyết như toán học và khoa học tự nhiên) hoặc đó là khi biểu tượng tiên nghiệm tác động để biến đối tượng tương ứng với biểu tượng ấy thành hiện thực (tức biến biểu tượng về điều thiện, điều tốt thành hiện thực trong lãnh vực đạo đức). Trong cả hai trường hợp, đối tượng sẽ không là gì cả đối với chủ thể nếu không có biểu tượng tiên nghiệm. Ở đây, Kant chưa xét trường hợp sau (đạo đức) mà chỉ tập trung chứng minh trường hợp trước, đúc kết trong tư tưởng chủ yếu của cuộc “cách mạng” như sau: lý tính [hiểu theo nghĩa chung là “đầu óc” con người] chỉ nhận thức được đối tượng bằng những gì do chính nó trước đó đã đặt vào trong đối tượng (một cách tiên nghiệm). Ý tưởng có vẻ ngược đời này có thể hiểu như thế nào? Khác với cách làm trong quyển “Sơ luận” là xuất phát từ sự có mặt “hiển nhiên” của những nhận thức tiên nghiệm (“những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm”. Xem: Chú giải cho Lời dẫn nhập) ở trong toán học và khoa học tự nhiên để chứng minh khả thể của nhận thức này trong Siêu hình học; ở đây, Kant dựa vào những “sự kiện trong lịch sử phát triển của hai khoa học ấy để cho thấy cuộc “cách mạng về lề lối tư duy” đã diễn ra ở đó như thế nào và đặt vấn đề liệu có thể tiến hành cuộc “cách mạng” tương tự ở trong Siêu hình học hay không.

 

2.1.3  Trước hết, trong toán học. Từ thời cổ đại, người ta đã nhận ra điều này mỗi khi muốn chứng minh các mệnh đề toán học: không thể chỉ dựa vào tri giác về đối tượng mà phải “cấu tạo” (Konstruieren), nghĩa là diễn tả nó trong trực quan (chẳng hạn hình tam giác) một cách tiên nghiệm tương ứng với các khái niệm về nó (xem thêm: B740...). Vd: ta phải biết định lý Pythagore trước khi có thể chứng minh tam giác vuông, hay ví dụ của Kant về [giai thoại] Thalès chứng minh tam giác cân. Nói cách khác: ta chỉ biết chắc [phổ quát và tất yếu] những gì tự ta đặt vào trong khái niệm về đối tượng. Tuy nhiên, không phải là “đặt vào” một cách tùy tiện, nên toán học - với tư cách là một khoa học - có được là nhờ một điều kiện tưởng như bất khả: tiền đề chủ quan nhưng lại có giá trị khách quan.

 

2.1.4  Kant cũng nhận thấy mô hình tương tự trong khoa học tự nhiên. Nhờ F. Bacon đề xướng và được Galilei và Torricelli thực nghiệm, ta thấy lý tính chỉ nhận thức được tự nhiên từ những gì “bản thân lý tính tạo ra theo phác họa của chính nó”. Nhà khoa học đến với tự nhiên “không phải với tư cách một người học trò… mà với tư cách một thẩm phán buộc nhân chứng phải thành thật khai báo… (BXIV) bằng “thí nghiệm”, tức bằng cách “cô lập” những quá trình tự nhiên (“đặt vào” một câu hỏi nhất định) theo yêu cầu của mình (Vd: của Kant: Galilei tìm ra luật rơi và gia tốc không phải bằng tri giác đơn giản mà bằng cách cho những viên bi có trọng lượng khác nhau trượt theo một mặt phẳng nghiên). Tóm lại, thay vì nhận thức theo lề lối tư duy “tiền khoa học” (bằng tri giác, chạy theo tự nhiên), người ta đã làm cuộc “cách mạng” bằng cách “đặt vào” trong sự vật những gì người ta muốn biết về nó một cách tiên nghiệm. Cuộc cách mạng ấy chưa xảy ra trong Siêu hình học nên nó vẫn phải tiếp tục “mò mẫm” trong “đấu trường tranh cãi bất tận”.

Do đó, Kant đề nghị hãy thử hình dung một quan hệ mới giữa chủ thể nhận thức đối với đối tượng nói chung: “Lâu nay, ta vẫn cho rằng nhận thức của ta phải phù hợp với đối tượng (…) nhưng đều đi đến thất bại cũng tại vì giả định này. Vậy bây giờ hãy thử nghiệm (…) bằng cách cho rằng: đối tượng phải phù hợp với nhận thức của ta. Cách làm này hứa hẹn giúp ta đạt được mục đích mong muốn là nhận thức đối tượng một cách tiên nghiệm, tức là quy định cho đối tượng một số điều trước khi đối tượng được mang lại cho ta” (BXVII).

 

2.1.5  Một ví dụ đơn giản giúp ta dễ hiểu hơn. Với kiến thức ít ỏi về thiên văn học, ta dùng một kính viễn vọng nhìn lên bầu trời. Thoạt đầu chỉ thấy một vât tròn xanh nhạt có một vòng đai chung quanh rất lạ mắt. Khá hơn một chút, ta biết hình tròn ấy là một ngôi sao, rồi dần dần ta nhận ra đó là một hành tinh với tên gọi Sao Thổ. Nhà thiên văn tài giỏi phát hiện ra Sao Thổ lẫn kẻ “nghiệp dư” như ta đều giống nhau ở chỗ: các khái niệm: ngôi sao, hành tinh, hình tròn, vòng đai, Sao Thổ... đều là những “sản phẩm” của đầu óc con người! Và xin nhớ: sao Thổ đã biến đổi dần dần trong quá trình nhận thức của ta và hướng theo đầu óc ta như Kant nói, song tự thân Sao Thổ không hề biến đổi gì cả.

Chữ “tự thân” xuất hiện có vẻ ngẫu nhiên, nhưng thật ra ta đã chạm đến giây thần kinh trung tâm của triết học Kant: đó là khái niệm về “vật tự thân” (Ding an sich) và sự phân biệt giữa “vật-tự thân” với “hiện tượng” (Erscheinung). Giống như ta không thể biết gì về “Sao Thổ tự-thân” (theo Kant, kể cả khi ta đổ bộ lên Sao Thổ và nghiên cứu cặn kẽ về nó), ta cũng không thể biết gì về “tự thân” của mọi sự vật khác, vì chúng nằm ngồi giác quan lẫn trí óc của ta. Vậy, theo Kant, ta chỉ có thể phát biểu về sự vật những gì do chính đầu óc ta “sản xuất ra”, hoặc theo cách nói của ông: những gì do giác tính mang lại cho ta như là hiện tượng. Câu then chốt ở đây là: “cho rằng các đối tượng - hay dùng một từ đồng nghĩa: kinh nghiệm, trong đó các đối tượng được mang lại cho ta và được nhận thức - phải phù hợp với các khái niệm của ta”... (BXVIII).

Ý nghĩa của “cách mạng về lề lối tư duy” trở nên khá sáng tỏ: chạy theo tìm hiểu “vật-tự thân” là cái về nguyên tắc con người không thể biết được, lý tính sẽ rơi vào “tối tăm mù mịt, đầy rẫy mâu thuẫn. Nếu thay vào đó, ta làm việc với hiện tượng - hay kinh nghiệm - là cái trở thành đối tượng nhận thức cho ta, nguy cơ trên sẽ không còn nữa. Bởi lẽ, kinh nghiệm là một bộ phận của giác tính của ta. Ta có thuận lợi là sẽ chỉ làm việc với những gì ta nắm chắc: với kinh nghiệm của chính ta.

Nói cách khác, nếu hỏi Siêu hình học có thể thực hiện cuộc cách mạng tư duy như trong toán học và khoa học tự nhiên hay không, thì theo Kant, điều ấy có thể (và chỉ có thể) diễn ra trong trường hợp những đối tượng của trực quan đều là những hiện tượng chứ không phải là những vật-tự thân, bởi chỉ như thế, trong quan hệ với đối tượng, giác tính mới “đặt vào” được những khái niệm tiên nghiệm của mình, để từ những hiện tượng (tức là: những biểu tượng, “những biến thái của tâm thức” (Modifikationen des Gemüts)) có thể hình thành nên “kinh nghiệm”. Chỉ trong trường hợp đó, tức khi đối tượng phải “hướng theo” nhận thức của ta, chứ không phải ngược lại, một nhận thức “tiên nghiệm” - tạo nên tính đối tượng (Gegenständlichkeit) - mới có thể có được về nguyên tắc. Nhiệm vụ của những chương tiếp theo (trong hai phần: “Cảm năng học siêu nghiệm” và “Phân tích pháp siêu nghiệm”) là chứng minh cho “giả thuyết” này.

 

2.1.6  Kant so sánh rất ấn tượng “cách mạng tư duy” của mình với lối giải thích mới của Copernic về sự vận động của các thiên thể, nên nổi danh trong lịch sử như là “cuộc cách mạng Copernic về triết học” (mặc dù chính Kant không hề dùng chữ này!). Có lẽ với Kant, điều đáng chú ý nơi Copernic không chủ yếu ở chỗ ông này bác bỏ các thuyết thiên văn trước đó, mà là ở chỗ vượt bỏ quan điểm của ý thức tự nhiên thông thường (Mặt trời quay chung quanh người quan sát theo thuyết địa tâm) để đảo ngược nhận định lại (thuyết nhật tâm). (Tất nhiên không so sánh Kant và Copernic theo nghĩa đen, theo đó quả đất quay chung quanh mặt trời giống như chủ thể nhận thức phải “hướng theo” đối tượng. Kant muốn nói điều ngược lại, do đó chỉ là so sánh về tinh thần thôi). Vả chăng, ta đều biết Copernic không thực sự tiến hành “cách mạng” về tư duy và về phương pháp như Thalès hay Galilei, mà chỉ thay đổi “mô hình” (Modell) giải thích để hiểu những hiện tượng tự nhiên, do đó, về sau Kant không trở lại với Copernic nữa, ngoại trừ một lần ngay sau đó, Kant “mượn” Copernic (và Newton) như là ví dụ để minh họa phương cách chứng minh cho “giả thuyết” của chính ông. Điểm cốt yếu theo Kant là phải thốt ra khỏi viễn tượng hạn hẹp và ngây thơ của ý thức tự nhiên, tưởng có thể nhận thức sự vật như nó thật sự , nơi bản thân nó. Để đạt được nhận thức khách quan, nhất là tính phổ quát và tất yếu xứng danh với tên gọi “khoa học”, theo Kant, ta không thể trông chờ vào đối tượng như ta tưởng, trái lại, phải nhờ vào chủ thể nhận thức. (Cần chú ý: Kant không muốn nói rằng nhận thức khách quan tùy thuộc vào cấu tạo thường nghiệm của chủ thể như cấu trúc của bộ não, của đặc điểm nhân chủng hay hoàn cảnh xã hội. Vấn đề của Kant là nghiên cứu các điều kiện khả thể của nhận thức khách quan độc lập với kinh nghiệm, có sẵn trong chủ thể nhận thức một cách “tiền-thường nghiệm”) (xem: B168 và Lời dẫn nhập). Trong tinh thần đó, ông muốn đặt cơ sở cho thế đứng mới mẻ của chủ thể đối với tính khách quan.

Nói theo ngôn ngữ chặt chẽ của Kant, ta có thể đúc kết như sau: cách mạng về lề lối tư duy (“cách mạng Copernic”) cho rằng những đối tượng của nhận thức khách quan không tự xuất hiện ra mà phải do chủ thể (siêu nghiệm chứ không phải thường nghiệm) mang lại cho ta như là hiện tượng. Vì thế, chúng không còn là những sự vật tồn tại tự thân mà chỉ với tư cách là những hiện tượng. Và bởi lẽ cơ sở của tính khách quan đã thay đổi và lý luận về đối tượng - tức Bản thể học - phụ thuộc vào lý luận về chủ thể nên không thể duy trì một môn Bản thể học (Ontologie) độc lập được nữa (xem B303). Nói cách khác, điều cốt lõi của “Phê phán lý tính thuần túy” là sự đan cài chặt chẽ của cả hai mặt: lý luận triết học về cái tồn tại, tức về đối tượng khách quan chỉ có thể là lý luận nhận thức về cái tồn tại; còn lý luận nhận thức là sự xác định quan niệm về đối tượng khách quan.

 

2.1.7  Ở đây chưa phải là lúc tìm hiểu sâu hơn về sự phận biệt rất quan trọng giữa “hiện tượng và vật-tự thân”; những từ không dễ hiểu và rất dễ gây hiểu lầm. (Kant dành hẳn một chương để bàn kỹ về vấn đề này. Xem chương III, phần Phân tích pháp các nguyên tắc. B295-B315). Chỉ xin nhắc qua và sẽ trở lại tìm hiểu kỹ hơn ở phần liên quan về điểm chính yếu sau: “Vật-tự thân” - theo cách hiểu của Kant - chỉ là một khái niệm có tính phương pháp, chứ không phải là một khái niệm siêu hình học theo nghĩa “có” một cái gì “ở đàng sau” thế giới hiện tượng như là thế giới “chân thực” có tính bản chất mà ta không thể nhận thức được, còn hiện tượng chỉ là “vỏ ngoài” hời hợt, chỉ là “ảo tượng” (Schein). “Vật-tự thân” chỉ là khái niệm thiết yếu phải có để hiểu khả thể của kinh nghiệm mà thôi. (Xem thêm các mục 8.1.6 và 9.6.2 của Chú giải).

 

2.2  Ý thức về sự khó hiểu lẫn dễ hiểu lầm đối với sự phân biệt nền tảng này của toàn bộ hệ thống tư tưởng của mình, Kant dành rất nhiều trang trong Lời Tựa 2 (BXVIII-BXXXV) để biện giải về sự cần thiết và phương pháp sẽ sử dụng để chứng minh sự phân biệt này, đồng thời tự bảo vệ trước những ngộ nhận, thậm chí lên án của một bộ phận dư luận trong thời gian giữa hai lần xuất bản. Phần này hơi khó đọc vì Kant viện dẫn đến cả những kết quả đã đạt được nhờ dựa vào sự phân biệt này trong lãnh vực nghiên cứu về đạo đức. (Ta nhớ rằng, hai năm trước đó, 1785, Kant đã hoàn thành quyển “Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý”, và một năm sau, 1788, ông cho ra mắt “Phê phán lý tính thực hành”, tất cả đều đặt cơ sở trên sự phân biệt giữa “hiện tượng” và “vật-tự thân”). Để phần chú giải dẫn nhập này không quá dài, chỉ xin ghi nhận hai điểm vắn tắt:

 

2.2.1  Về phương pháp chứng minh: Tương tự như mô hình mới (chưa được chứng minh) của Copernic mở đường cho Newton phát hiện luật hấp dẫn, rồi chính phát hiện này của Newton chứng minh ngược lại cho sự “xác tín hiển nhiên” của giả thuyết Copernic, Kant cho rằng chính “thử nghiệm của lý tính” khi phát hiện những “nghịch lý” (Antinomien) trong phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm” (vì hiểu đối tượng như là “vật-tự thân”), rồi việc giải quyết chúng sẽ chứng minh ngược lại cho sự “cần thiết và đúng đắn” phải phân biệt giữa “hiện tượng và vật-tự thân” trong hai phần trước là Cảm năng học và Phân tích pháp siêu nghiệm.

 

2.2.2  Trước sự ngộ nhận, thậm chí lên án của nhiều người đọc khi cho rằng sự phê phán siêu hình học cổ truyền của Kant chỉ mang lại hậu quả tai hại cho đạo đức và tôn giáo (chẳng hạn Moses Mendelsohn gọi Kant là “kẻ phá hủy tất cả” và đại học Marburg bị sắc lệnh của nhà nước năm 1786 cấm tuyệt đối không được giảng dạy triết học Kant!), Kant biện chính rằng:

+ Chính nhờ sự giới hạn phạm vi của “lý tính lý thuyết” trong lãnh vực kinh nghiệm mới dành chỗ trống để “được lấp đầy bằng các dữ kiện thực hành” (đạo đức). Những “dữ kiện thực hành” (ý nói những quy luật của “tự do”, tức của ý chí đạo đức) ắt sẽ không thể được phát hiện đúng đắn (như Newton ắt đã không thể phát hiện luật hấp dẫn) nếu không có cuộc “cách mạng về lề lối tư duy” trước đó. Và đây chính là đóng góp tích cực, bổ ích của công cuộc phê phán.

+ Vấn đề đạo đức không thể đặt ra nếu không lấy “tự do” (ý chí) làm tiền giả định. Nhưng “tự do” sẽ không thể “cứu vãn” nếu không biết “nhìn đối tượng theo hai tầng ý nghĩa”: con người - với tư cách là “hiện tượng” - là không tự do (phục tùng quy luật tất yếu của tự nhiên), vừa - với tư cách là “vật-tự thân” - là tự do. Đây là lãnh vực mà Kant cho rằng: “Tôi phải dẹp bỏ tri thức đi để dành chỗ cho “lòng tin” (BXXX). “Lòng tin” ở đây là lòng tin của lý tính thực hành, biến những đối tượng “bất khả” của lý tính lý thuyết (Thượng đế, tự do, bất tử) thành những “định đề của lý tính thực hành”. (Xem: “Phê phán lý tính thực hành”, 1788).

+ Tóm lại, cái bị sự “Phê phán” phá hủy không phải là đạo đức mà chính là sự độc tôn của những “thuyết giáo điều” không có cơ sở. Lần đầu tiên, nhờ xác định về nguyên tắc phạm vi và ranh giới của nhận thức lý thuyết, cơ sở của đạo đức mới được thiết lập vững chắc. (Ta thấy một bước tiến mới giữa hai lần xuất bản: năm 1781, Kant hoàn toàn chưa nói về sự phê phán “lý tính thực hành”).

 

2.2.3  Tác phẩm “Phê phán” này thực chất làm công việc kiểm nghiệm “giả thuyết” trên đây bằng hai bước:

Bước 1:

+ “Cảm năng học siêu nghiệm” sẽ kiểm nghiệm và chứng minh những điều kiện tiên nghiệm của trực quan và cảm năng, cơ sở triết học cho toán học.

+ “Phân tích pháp siêu nghiệm” sẽ kiểm nghiệm và chứng minh những điều kiện tiên nghiệm của giác tính, cơ sở triết học cho khoa học tự nhiên.

Bước 2:

+ “Biện chứng pháp siêu nghiệm” sẽ chứng minh rằng theo “lối tư duy cũ”, Siêu hình học sẽ rơi vào bế tắc không lối thoát; còn nếu theo “lối tư duy mới”, các mâu thuẫn, nghịch lý (Antinomien) sẽ được giải quyết ổn thỏa và lý tính sẽ “làm hòa” với chính mình để mở ra viễn tượng bao la của lãnh vực lý tính thực hành.

Kant đặt vấn đề như một giả thuyết, nhưng khi đi vào trình bày, ông xem nó như tiền đề đã được khẳng định, chỉ cần chứng minh.

(Còn nữa)

Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải


 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441195

Hôm nay

2195

Hôm qua

2287

Tuần này

21099

Tháng này

216369

Tháng qua

112676

Tất cả

114441195