Diễn đàn

Nếu hòn đá cũng có ý thức và linh hồn

Thì quan điểm về “chủ nghĩa duy vật tâm linh” là đúng; nhưng  vì hòn đá không thể có linh hồn, nên quan điểm của Hồ Bá Thâm chỉ là sự ngộ nhận, như tôi đã chứng tỏ trong bài Không có cái gọi là chủ nghĩa duy vật tâm linh. Nếu không đồng ý, đề nghị Hồ Bá Thâm trình bày ý kiến cá nhân để bạn đọc cùng trao đổi.

Qua bài viết “Hòn đá cũng có ý thức”,“hòn đá cũng có linh hồn” (Văn hóa Nghệ An online, 8-8-2014), thật đáng tiếc khi nhận thấy Hồ Bá Thâm vẫn chưa phân biệt được hai phạm trù triết học căn bản là vật chất và ý thức. Tôi khẳng định điều đó khi thấy ông viết: “Vấn đề còn phức tạp hơn nhiều khi đi sâu vào bản chất sóng hạt của ý thức, tư duy, được kí hiệu hóa, thông tin hóa sau cái chết của con người”. Khi nói tới tính lưỡng nguyên sóng hạt là người ta nói tới photon, các hạt cơ bản, cũng như các cấu trúc vi mô khác (các vật thể vĩ mô cũng có tính sóng - hạt, nhưng do khối lượng quá lớn, nên theo nguyên lý bất định Heidenberg, tính sóng xấp xỉ bằng zero). Nói cách khác, bản chất sóng hạt là một đặc trưng của vật chất, chứ không phải của ý thức! Tôi xin nhắc lại minh họa đơn giản về mối tương quan giữa vật chất và ý thức qua hình ảnh hạt muối (vật chất) và vị mặn (ý thức). Khi phá vỡ cấu trúc phân tử của hạt muối, vị mặn sẽ mất ngay lập tức và vĩnh viễn; giống như khi bộ não chết, ý thức (như một đặc trưng hợp trội của bộ não) cũng biến mất. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy Hồ Bá Thâm có vẻ lấn cấn ở vấn đề này, vì thực ra phép biện chứng Hegel đã giải quyết thấu đáo quá trình lượng biến thành chất này qua quy luật những thay đổi về lượng sẽ dẫn tới những thay đổi về chất (và ngược lại).

Tôi rất cảm ơn Hồ Bá Thâm đã nhắc tới giả thuyết về bức xạ tàn dư của tôi (tác giả Slawinski người Ba Lan gọi là bức xạ hoại tử), như một cơ chế vật chất (về mặt lý thuyết) để giải thích khả năng “đọc ý nghĩ người chết”, nếu quả thật có khả năng đó. Tuy nhiên bằng chứng thực tế không ủng hộ khả năng dị thường đó, nên giả thuyết bức xạ tàn dư vẫn chỉ là một giả thuyết không hơn không kém. Và tôi cũng xin lưu ý Hồ Bá Thâm rằng, bức xạ tàn dư, nếu có, cũng thuộc phạm trù vật chất, giống như một băng hình ghi lại hình ảnh, tiếng nói của một người trước khi chết vậy. Băng hình đó có thể được lưu giữ lâu dài, nhưng không thể xem đó là ý thức hoặc linh hồn của người đã chết như một sự sống sau cái chết (theo quan điểm luân hồi). Đơn giản vì đó chỉ là một băng hình chết, chứ không phải là “vật sống không cơ thể, có lý trí và ý chí tự do”, như quan niệm về linh hồn của giáo lý Công giáo La Mã.

                                                                                    TP Hồ Chí Minh ngày 9-8-2014 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512976

Hôm nay

277

Hôm qua

2436

Tuần này

2913

Tháng này

219849

Tháng qua

121356

Tất cả

114512976