Diễn đàn

Lại nói về nguồn gốc dân tộc Việt [Bùi Xuân Đính gửi Phan Lan Hoa]

Kính gửi ông (bà) Phan Lan Hoa! 

Tạp chí Văn hóa Nghệ An” (bản điện tử) ngày 13 tháng 8 năm 2014 có bài“GÓP VÀI Ý KIẾN VỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT”  của ông (bà). Tôi xin được cảm ơn ông (bà) đã quan tâm đến bài viết của tôi và đã nêu ra một số ý kiến trao đổi.

Để khỏi mất thì giờ của ông (bà) và bạn đọc, tôi xin được thưa lại như thế này :

Bài viết của tôi “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt”  là bài tôi tổng thuật cuộc tọa đàm khoa học diễn ra tại Viện Khảo cổ học và Thanh Hóa, không phải là bài nghiên cứu về “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt” (xin ông đối chiếu lại, tôi viết rõ “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt”, không phải “…nguồn gốc người Việt” như ông viết và tôi có thêm dòng chữ “[Tổng thuật tọa đàm khoa học quốc tế]”. Nếu là giới thiệu, nghiên cứu về “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt” chắc chắn tôi không thể làm nổi, vì vấn đề quá lớn so với trình độ và điều kiện của tôi từ trước đến nay. Tôi chỉ tổng thuật lại những ý chính yếu nhất của 14 bài tham luận được trình bày trong tọa đàm. Mỗi tham luận dài từ 12- 20 trang, bài tổng thuật của tôi chỉ có 7 trang (khoảng 3.500 từ) nên không thể nói hết các ý tưởng của từng bài tham luận, thậm chí có bài, có tác giả còn không được nhắc đến trong tổng thuật của tôi - điều này xin các tác giả có tham luận tha lỗi). Có thể do trình độ, tôi không bao quát hết được hoặc hiểu sai các ý tưởng đó nên đưa ra các lời tổng thuật không được ông đồng tình.

2. Nguồn gốc, trung tâm đầu tiên của Văn hóa Đông Sơn (VHĐS) ở đâu: miền núi và trung du Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh…) đến nay vẫn đang tranh luận. Những tư liệu, các cuốn sách về khảo cổ học mà ông đưa ra để chứng minh vùng Nghệ - Tĩnh gắn với VHĐS, tôi đều đã đọc và tôi không hề phản đối các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, vì trong tọa đàm, không có tham luận nào chuyên bàn về vấn đề “VHĐS ở Nghệ Tĩnh”, nên tôi không tổng thuật các tư liệu này. Mong ông hiểu cho điều này.

3. Từ trước đến nay, tôi không bao giờ nói, viết, giảng bài cho sinh viên, nghiên cứu sinh rằng “người Việt có nguồn gốc Trung Hoa”, mà luôn viết, nói rằng, người Việt có nguồn gốc bản địa, sở tại trên dải đất Việt Nam này. Trong cuốn giáo trình “Các tộc người ở Việt Nam” (Nxb. Thời đại, 2012), tôi đã viết như vậy. Chính vì trung thành với luận điểm này mà tôi phản ứng mạnh mẽ quan điểm của Tạ Đức trong cuốn “Nguồn gốc người Việt- người Mường”.

Trong bài tổng thuật tôi có viết “….Khối chuyển xuống vùng châu thổ Sông Hồng, môi trường sống thay đổi, sau đó chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, dần dần trở thành người Việt (Kinh)…”. Ông Phan Lan Hoa nhận xét:”Kết luận này dù ý nhị hơn, ẩn dấu hơn, nhưng rốt cuộc vẫn là: Người Việt có nguồn gốc từ Trung Hoa ? Tôi không tâm phục ở câu kết luận trên thưa ông!”.

Xin thưa lại với ông, tôi viết như vậy có ý là, từ khối Việt Cổ (ở vùng trung du và miền núi), một bộ phận chuyển xuống vùng châu thổ, do môi trường sống thay đổi (từ môi trường thung lũng chân núi và đồi gò) chuyển xuống vùng trũng (đây là yếu tố quyết định cho sự phân hóa tộc người), sau đó chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, để dần dần trở thành người Việt (Kinh); tôi không viết và không hề có ý nghĩ “Người Việt có nguồn gốc từ Trung Hoa”; cũng như VHĐS có nguồn gốc Trung Quốc.

Để ông hiểu rõ luận điểm của tôi, tôi xin được dẫn lại nguyên văn một đoạn trong tham luận của tôi tại cuộc tọa đàm nêu trên: 

“Tổng hợp các nguồn tư liệu trên cho thấy, trước thời đại đồ đồng, người Việt Cổ có địa bàn cư trú rất rộng, từ tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn Tây cũ vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (cả miền núi và đồng bằng). Tài liệu ngôn ngữ học chứng minh, cho đến hiện nay, âm, tiếng và vốn từ vựng của người Việt ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp…có nhiều nét tương đồng với âm, tiếng, từ của người Việt ở vùng Sơn Tây cũ (nhất là các huyện Quốc Oai, Thạch Thất).

Bước vào thời đại đồ đồng cách đây khoảng trên dưới 4000 năm, người Việt Cổ có các cuộc chuyển cư lớn, dần dần hình thành ba khối:

+ Khối chuyển xuống vùng châu thổ Sông Hồng sau đợt biển lùi, sáng tạo ra vùng Văn hóa Đông Sơn với trung tâm là làng Cả; một bộ phận khác ở đồng bằng Thanh Hóa tạo lập ra vùng Văn hóa Đông Sơn ở trong lưu vực sông Mã; một nhóm khác từ trung tâm làng Vạc tiến gần ra biển. Do môi trường sống thay đổi, sau đó chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, khối Việt Cổ này dần dần trở thành người Việt (Kinh) ngày nay.

+ Khối ở lại vùng núi, tập trung tại các thung lũng chân núi của tỉnh Hòa Bình và một phần tỉnh Thanh Hóa, không chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, tức người Mường hiện nay.

+ Khối ở lại khu vực đồi núi tỉnh Nghệ An và một phần Thanh Hóa, do địa bàn cư trú có nhiều khác biệt nên hình thành những yếu tố văn hóa riêng từ yếu tố Việt Cổ để trở thành người Thổ sau này với nhiều nhóm khác nhau (Mọn, Cuối, Kẻo…). Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nhóm Cuối là “ốc đảo“ còn sót lại của người Việt Cổ trong quá trình bước vào thời kỳ phân hóa Việt - Mường (Nguyễn Đình Lộc, 2000, tr. 48) mà bằng chứng là tiếng Cuối được một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ học coi là một ngôn ngữ độc lập, song song với tiếng Mường, tiếng Việt và tiếng Chứt, không thể là phương ngôn của tiếng Mường (Nguyễn Văn Tài, 1976, tr. 70).

 Về thời điểm chia tách khối Việt Cổ thành các tộc Việt, Mường, Thổ, Chứt, dưới góc độ ngôn ngữ học tộc người, Nguyễn Văn Tài cho rằng, tiếng Mường và tiếng Việt là gần nhau nhất và phát triển nhất trong 9 nhóm ngôn ngữ họ hàng thân thuộc phân bố ở Tây Trường Sơn (Tha Vung, Patatan) và Đông Trường Sơn (Aren, Mã Liền, Sách, Poọng, Cuối, Mường, Việt). Hai nhóm ngôn ngữ Việt và Mường được tách ra từ một khối Việt -Mường chung, vào khoảng thế kỷ VII - VIII sau Công nguyên (Nguyễn Văn Tài, 1978).

Dưới góc độ ngôn ngữ học lịch sử, Hà Văn Tấn và Phạm Đức Dương đưa ra một lược đồ về sự chia tách của hai ngôn ngữ Việt và Mường từ khối Việt - Mường chung, cũng như trước đó là Tiền Việt - Mường tách thành 2 nhóm Chứt - Poọng và Việt - Mường chung, từ giữa thiên niên kỷ I tr.CN đến khoảng thế kỷ II sau Công nguyên (Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương 1978).

Tuy nhiên, nghiên cứu hệ thống mộ Mường,mộ Việt, Phạm Quốc Quân cho rằng, phải đến đến thế kỷ XII-XIII, mộ táng hai nơi bắt đầu có sự khác nhau và đến thế kỷ XIV mới khác nhau hoàn toàn (Phạm Quốc Quân 1995). Điều này có thểlý giảithời điểm chia tách Việt và Mườngvề ngôn ngữ không cùng thời điểmvớisự chia tách về phong tục tập quán, văn hóa[trong khi trình bày tham luận, tôi có chua thêm một ý rằng, phong tục tang ma thường bảo thủ, bảo lưu lâu bền hơn so với các phong tục khác, nên có thể Việt - Mường đã tách ra thành hai tộc, song tục chôn cất thì vẫn giữ ]. Các nhà nghiên cứu dân tộc học đều thống nhất, Việt và Mường tách ra vào cuối thời Bắc thuộc (Viện Dân tộc học, 1978; Trần Quốc Vượng - Nguyễn Dương Bình, 1965)”.

Tóm lại, bài tổng thuật của tôi chỉ dựa vào những tham luận đã được gửi đến cuộc Tọa đàm khoa học quốc tế “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt” ; không tổng thuật đến các tư liệu, các cuốn sách, các ý tưởng “không có mặt” tại cuộc Tọa đàm. Để ông Phan Lan Hoa hiểu rõ hơn nữa ý tưởng tổng thuật cũng như quan điểm không thế thay đổi “Người Việt có nguồn gốc bản địa và các tộc người thuộc ngôn ngữ Việt - Mường là chủ nhân của VHĐS, tôi xin dẫn lại câu kết trong bài tổng thuật của tôi:”  Tóm lại, VHĐS có nguồn gốc bản địa, có nền tảng cơ sở từ thời đại đồ đồng và xa hơn là thời đại đá mới ở Việt Nam; chủ nhân của VHĐS chính là các tộc người thuộc ngôn ngữ Việt -  Mường hiện nay. Đó là sự khẳng định lại một lần nữa từ cuộc tọa đàm khoa học quốc tế “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt”. VHĐS là đề tài lớn, hấp dẫn. Cuộc tọa đàm nhỏ này chưa thể giải quyết được các vấn đề còn đang tranh luận…”.

Xin được thưa lại với tác giả Phan Lan Hoa. Một lần nữa xin cảm ơn ông (bà) và chúc ông (bà) sức khỏe.

                        Viết xong lúc 5 h 20” ngày 14 tháng 8 năm 2014

                                                Bùi Xuân Đính  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512975

Hôm nay

276

Hôm qua

2436

Tuần này

2912

Tháng này

219848

Tháng qua

121356

Tất cả

114512975