Nhà xuất bản Giải phóng ấy là cơ quan của Hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng cơ quan này tất nhiên không đóng ở miền Nam mà đóng ngay ở Hà Nội.
Muốn biết rõ hơn về hoạt động cụ thể của cơ quan ấn loát chuyên xuất bản tác phẩm của những nhà văn thuộc “Văn nghệ giải phóng” thời kỳ 1960-1975, có lẽ bạn đọc ngày nay phải chờ hồi ký của những người từng làm việc tại cơ quan này như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà thơ Ý Nhi, các cán bộ biên tập khác như Bích Tiên, Thái Thành Đức Phổ, v.v…
Có một điều hơi lạ đến mức khó giải thích là tất cả các giới tuyên huấn, văn hóa, nghệ thuật, khoa học xã hội, … cho đến nay hầu như đều nhất tề rủ nhau ‘quên’ cái đơn vị xuất bản cơ hữu một thời này! Chứng cứ là thử tìm trong các tài liệu sách báo vài chục năm nay, rất khó tìm thấy bài vở nào nói đến nó; may ra chỉ có vài chi tiết thoáng qua ở một vài hồi ức liên hệ đến cá nhân một vài văn nghệ sĩ là có nhắc tới NXB Giải phóng. "Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam" (4 tập sách giấy, cũng đã có trên internet) có 16 mục từ về 16 nhà xuất bản quốc doanh của VN (như Chính trị quốc gia, Khoa học xã hội, Văn học, v.v…) nhưng không có mục từ nào nói về NXB Giải phóng, một cơ quan xuất bản mà hiển nhiên đã từng có ý nghĩa và vai trò to lớn trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước!
Nhưng tại đây tôi tạm chưa bàn kỹ về tình trạng ‘quên’ kể trên. Tôi chỉ nêu một hiện tượng bất thường thuộc nghề nghiệp của các viên chức thư viện chuyên mô tả ấn phẩm, liên quan đến những cuốn sách cũ của nhà xuất bản Giải phóng hiện còn nằm trong các kho sách thư viện.
Người đương thời đều biết, các ấn phẩm của nhà xuất bản Giải phóng thời kỳ 1960-75, tuy được xuất bản ở miền Bắc, nhưng vì tuân theo kỷ luật bí mật nên hoàn toàn không ghi nơi đứng chân của nhà xuất bản là ở Hà Nội /cụ thể hơn là trong khuôn viên trường Mỹ thuật/; tên nhà in thì chỉ ghi chung chung là nhà in Giải phóng, cũng không ghi địa chỉ nhà in ở đâu.
Đối với những ấn phẩm không ghi tên địa phương đóng nhà xuất bản như trên, giới biên mục sách của thư viện đã có sẵn giải pháp là ghi rằng ấn phẩm này “không có địa chỉ”, hoặc “không có nơi xuất bản”, ví dụ:
‒Hoa dừa (tập thơ) của Lê Anh Xuân (Kđ. : Nxb. Giải phóng, 1969)
Khác với những ấn phẩm có ghi rõ nơi đóng Nhà xuất bản, ví dụ:
− Nhật ký vùng cao (truyện và ký) của Tô Hoài (Hà Nội : Nxb. Thanh niên, 1969)
Điều lạ lùng là hiện nay, nếu bạn truy cập vào mạng của Thư viện quốc gia Việt Nam (http://www.nlv.gov.vn) tìm những cuốn sách cũ của nhà xuất bản Giải phóng, bạn sẽ thấy trong số trên 300 tên sách gắn với NXB này (tất nhiên có những tên sách mà máy đưa kết quả trùng lặp nhau hoặc lẫn với sách của nơi khác) bên cạnh những thông tin cho biết nhà xuất bản này “không có địa chỉ” (K.đ. hoặc kđ.), “không nơi xuất bản” (k.n.x.b.) lại có những chỗ cho biết rằng Nhà xuất bản Giải phóng đóng ở thành phố Hồ Chí Minh!
Vài ví dụ (sao lại biên mục trên mạng internet của Thư viện quốc gia):
‒Bài ca khởi nghĩa : thơ / Hưởng Triều. – Tp. Hồ Chí Minh : Giải phóng, 1970. – 71tr; 19cm
‒Từ thế cao : Ký sự / Lê Văn Thảo. – Tp. Hồ Chí Minh : Giải phóng, 1970. – 95tr; 19cm
‒Khẩu súng hành quân / Liên Nam. – Tp Hồ Chí Minh : Giải phóng, 1970. – 67tr; 19cm
‒Rừng U Minh : Tiểu thuyết / Trần Minh Hiếu. – Tp. Hồ Chí Minh : Giải phóng, 1970. – 521tr; 19cm
‒Huế mùa xuân / Thanh Hải. – Tp. Hồ Chí Minh : Giải phóng, 1970. – 102tr ; 19cm
‒Bác còn sống mãi / Bảo Định Giang, Hải Châu, Nguyễn Hồ…. – Tp. Hồ Chí Minh : Giải phóng, 1970. -129 tr; 19cm
‒Mùa xuân chiến sĩ : Thơ (Phát hành cho các lực lượng võ trang nhân dân) / Đoàn Việt Bắc, Nguyễn Bá, Vũ Ngàn Chi…. – Tp. Hồ Chí Minh : Giải phóng, 1970. – 138tr; 19cm
Theo tôi, ở đây có một sai sót “kép”.
Thứ nhất, sai trong thao tác biên mục. Tôi có thể đoan chắc, trên mọi cuốn sách của NXB Giải phóng in ra từ 1969 đến tháng 4/1975 đều không bao giờ ghi nơi đóng NXB. Cho nên, việc ghi “Tp. Hồ Chí Minh” vào phiếu chỉ dẫn về cuốn sách là việc mà người biên mục của Thư viện đã tự ý thêm vào. Tự ý mô tả thêm những điều không có ở trang tên sách, ở bìa sách… là lỗi về chuyên môn của người biên mục.
Thứ hai, sai về sự thật. Các sách của NXB Giải phóng in ra hồi 1969-75 tuy không ghi địa danh nơi đóng NXB, nhưng người trong cuộc biết nó đóng ở Hà Nội; vậy, người biên mục ‘thật thà’ có thể ghi “Hà Nội” vào phiếu mô tả ấn phẩm, mặc dù như thế là phạm lỗi nghề nghiệp; nhưng tự ý ghi “Tp. Hồ Chí Minh” thì vừa mắc lỗi nghề nghiệp, vừa làm sai sự thật. Những năm trước 30/4/1975 ấy, làm sao NXB Giải phóng lại có thể đóng cơ quan tại Tp. Hồ Chí Minh được? Và lúc ấy trên thực tế đã có địa danh “Tp. Hồ Chí Minh” đâu? Chỉ sau 30/4/1975 mới có địa danh ấy trên thực tế kia mà!
Xin đừng coi thường những lỗi tưởng là nhỏ như thế này. Chỉ chừng dăm năm nữa, thậm chí ngay bây giờ, những biên mục chỉ dẫn ấy đã có thể gây ra nhận thức lầm lẫn thật sự cho người sử dụng, nhất là các bạn đọc trẻ, bạn đọc người nước ngoài.
Tốt nhất là ai có lỗi xin hãy sửa lỗi, đừng để những chỉ dẫn sai lầm kiểu này tồn tại dài ngày.
20/5/2010
LẠI NGUYÊN ÂN