Diễn đàn

Vài lời tạm với Hồ Bá Thâm

 Sau bài viết Tâm linh và hướng tiếp cận duy vật về tâm linh (Thông tin và bình luận) của Hồ Bá Thâm trên Văn hóa Nghệ An online ngày 16-8-2014, tôi đã bắt tay vào viết bài Tiếp cận duy vật về tâm linh hay chuyện vẽ rắn thêm chân? để trao đổi với tác giả. Tuy nhiên vì lý do cá nhân (chuẩn bị ra mắt hai website cá nhân), nên tôi đành phải tạm gác việc đó lại. Hôm nay vào trang Văn hóa Nghệ An thì thấy Hồ Bá Thâm công bố tiếp hai bài Một số luận giải về hiện tượng “tâm linh” theo duy vật hiện đạiChủ nghĩa duy vật tâm linh, tại sao không với nhiều thông tin và luận giải rất không ổn. Tôi sẽ trao đổi kỹ với Hồ Bá Thâm về tất cả mọi vấn đề ngay sau khi hoàn tất công việc cá nhân; tuy nhiên tôi xin nói trước sự không ổn của Hồ Bá Thâm thể hiện ở một số mặt như sau:

1.Nói vể chủ nghĩa duy vật, nhưng không nắm được nội hàm của phạm trù vật chất của duy vật luận biện chứng.

2.Bàn về tâm linh và linh hồn, nhưng không phân biệt được hai phạm trù triết học căn bản là vật chất và ý thức và quy luật lượng - chất của biện chứng pháp Hegel; do đó có nhiều ngộ nhận đáng tiếc về mối quan hệ giữa “hồn” và “xác”.

3.Quan niệm về tâm linh là sự vẽ rắn thêm chân (bạn đọc có thể thấy điều đó khi đề nghị Hồ Bá Thâm dịch thuật ngữ đó, chẳng hạn, ra tiếng Anh); không biết tuy cùng được dịch ra tiếng Việt là tâm linh, nhưng tiếng Anh dùng các thuật ngữ có nội hàm hoàn toàn khác nhau là spiritism (thông linh luận) spiritualism (duy linh luận) và psychic (các hiện tượng dị thường).

4.Hoàn toàn không quan tâm tới các khoa học sự sống như sinh học hiện đại, các khoa học tâm trí hoặc ngành tâm thần học, nên không hiểu vai trò của vô thức trong các hiện tượng dị thường.

5.Thiếu kiến thức vật lý nên nhầm tưởng mối tương quan giữa chất và trường (trong vật lý) giống như mối tương quan giữa thể xác và tinh thần (trong các khoa học sự sống).

6.Chỉ trích dẫn tài liệu của những người thuộc trường phái “chúng ta muốn tin” trong lĩnh vực dị thường, như Đoàn Xuân Mượu hoặc Đạo Trường, mà không trích dẫn quan điểm của những người nghi ngờ, như Crick (giải Nobel vì cấu trúc ADN), Kapitxa (nhà vật lý Nga đoạt giải Nobel vì các nghiên cứu nhiệt độ thấp) hoặc Randi (ảo thuật gia chuyên vạch trần “giới tâm linh”, người lập quỹ James Randi trị giá một triệu đô cho bất cứ ai thực hiện thành công một “hiện tượng tâm linh” với sự có mặt của ông). Cùng nhiều học giả uy tín thế giới khác, năm 1976, họ thành lập Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường CSICOP (Committee for the Scientific Investigation for the Claims of Paranormal), nay đổi tên thành Ủy bản yêu cầu nghi ngờ CSI (Committee for Skeptical Inquiry), với mục tiêu ngăn chặn cơn triều dâng của các hiện tượng mê tín mới (như ngoại cảm hoặc nhập vong) và sự thừa thận chúng một cách thiếu phê phán. Điều đó dẫn Hồ Bá Thâm tới sự phiến diện, thậm chí cực đoan trong cách nhìn nhận và đánh giá . Bạn đọc có thể vào trang www.scicop.orgđể tìm hiểu thêm về hai quan điểm đối nghịch (muốn tin và nghi ngờ) trong lĩnh vực dị thường học.

7.Chỉ trích dẫn các tài liệu ngoài dòng chính thống, chẳng hạn trích quan điểm Stevenson về luân hồi, mà không hề biết các thông tin chính thống xem đó là giả khoa học. Hồ Bá Thâm có thể cho rằng, trong các lĩnh vực nhiều tranh cãi, ngoài dòng chính thống chưa chắc đã sai. Tuy nhiên thời của Galilee đã qua lâu rồi; và trong các khoa học về bộ não và tâm trí, không thể có các khám phá kiểu Copernic, như Crick đã nhận xét trong bài tổng kết Suy nghĩ về bộ não trong số chuyên san Bộ não của tờ Scientific American, tháng 9-1979, với sự tham gia của các nhà thần kinh học và tâm lý học lừng danh thế giới.

 

Hồ Bá Thâm cho rằng, có thể có chủ nghĩa duy vật tâm linh (“chủ nghĩa duy vật tâm linh, tại sao không?”), nhưng tôi cho rằng đó chỉ là sự vẽ rắn thêm chân. Không tin ông hãy vui lòng dịch thuật ngữ đó ra tiếng Anh để giới học giả toàn thế giới thêm tỏ tường. Tôi muốn lưu ý Hồ Bá Thâm thêm rằng, tất cả các hiện tượng “tâm linh’ mà ông đang cố gắng giải thích đều chưa được khoa học thực chứng xem là có thật, vì toàn dựa trên lời kể của những người muốn tin (xin lưu ý con người là một động vật mê tín, theo quan điểm của thuyết tiến hóa!). Và do đó mọi lập luận nhằm tìm cách giải thích cho chúng đều là sự vẽ rắn thêm chân. Tôi đã nói điều đó một phần trong các bài Tất cả ngoại cảm tìm mộ đều là lừa đảo trên tờ Thể thao và Văn hóa và Ngoại cảm là ngụy khoa học trên trang viet-studies.info của Trần Hữu Dũng, cựu giáo sư kinh tế Mỹ (bạn đọc có thể truy cập hai bài này trên mạng); hoặc trong năm cuốn sách về các hiện tượng dị thường (psychic phenomena hoặc paranormal phenomena, theo tiếng Anh). Xin  nhấn mạnh lại rằng, cá nhân tôi cho rằng không một học giả Việt Nam nào có đủ khả năng trí tuệ bàn về những vấn đề to lớn như vậy. Cá nhân Hồ Bá Thâm lại càng không, do sự thiếu hụt tri thức triết học và các khoa học tự nhiên liên quan, như tôi đã và sẽ phân tích.

Hãy vui lòng dịch thuật ngữ tâm linhchủ nghĩa duy vật tâm linh ra tiếng Anh, thưa ông Hồ Bá Thâm! 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512972

Hôm nay

273

Hôm qua

2436

Tuần này

2909

Tháng này

219845

Tháng qua

121356

Tất cả

114512972