Khác với các bài viết trước đó, trong bài viết vừa nói, Hồ Bá Thâm đã giới thuyết khái niệm, bằng cách đưa ra quan niệm về khái niệm tâm linh, sau khi đã trích dẫn và bình luận về quan niệm tâm linh của một số người, trong đó có quan niệm của cá nhân tôi. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi Hồ Bá Thâm đã thực hiện việc trích dẫn giữa dòng, một thao tác phi khoa học có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm trong thảo luận, chí ít là với bản thân tôi. Và ông vẫn cho rằng, chủ nghĩa duy vật tâm linh có thể là một tiếp cận đúng đắn, khi đưa ra các quan niệm duy vật về các hiện tượng tâm linh. Trước khi thảo luận với Hồ Bá Thâm về các vấn đề đã nêu trong bài viết nói trên, tôi đề nghị tác giả hãy thử dịch hai thuật ngữ “tâm linh” và “chủ nghĩa duy vật tâm linh” ra tiếng nước ngoài, chẳng hạn tiếng Anh. Có thể bạn đọc thắc mắc về đề nghị có vẻ vọng ngoại của tôi; tuy nhiên qua việc dịch như vậy, chúng ta có thể thấy quan niệm của Hồ Bá Thâm có tính khoa học và có sự khả dụng hay không.
Trong bài viết Không có cái gọi là chủ nghĩa duy vật tâm linh, cũng trên Văn hóa Nghệ An, tôi đã từng cho rằng Hồ Bá Thâm đã rơi vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”, khi không làm chủ được những gì cần trình bày. Và tôi nhận thấy tình trạng đó càng thêm nặng nề trong bài viết Tâm linh và hướng tiếp cận duy vật về tâm linh (Thông tin và bình luận), khi tác giả thừa nhận rất nhiều quan điểm đáng ngờ một cách thiếu phê phán, như tôi sẽ chỉ ra dưới đây.
Linh hồn và tâm linh là gì?
Hồ Bá Thâm viết: “ Nhận thức là một quá trình, có thể sai sót, nhất là vấn đề phức tạp, mù mờ như tâm linh, linh hồn”. Tôi đồng ý một phần với ông ở điểm này. Và do đó, điều cần làm trước tiên là đưa ra giới thuyết về hai khái niệm căn bản đối với quan điểm của Hồ Bá Thâm là linh hồn và tâm linh.
Nhiều bạn đọc từng hỏi tôi rằng, linh hồn có tồn tại hay không. Và tôi trả lời bằng cách hỏi lại rằng, vậy theo ông/bà/anh/chị/bạn, linh hồn là gì? Cho đến tận lúc viết bài này, tôi chưa nhận được một câu trả lời nào! Điều tôi muốn nói ở đây là tại sao chúng ta lại bàn về sự tồn tại của một cái mà chúng ta không biết nó là cái gì?
Theo tôi, quan niệm trong giáo lý Công giáo La Mã đáng để chúng ta xem xét. Theo đó, linh hồn là “vật sống không cơ thể, có lý trí và ý chí tự do” (nguyên văn tiếng Anh “the living being without an organism, having reason and free will”, dẫn theo sách Giả thuyết ngạc nhiên: Cuộc tìm kiếm khoa học về tâm hồn của nhà vật lý Crick, giải Nobel vì đồng khám phá cấu trúc ADN; tôi rất tiếc vì không tìm được định nghĩa gốc tiếng Latin). Nếu quan niệm như vậy thì theo sinh học hiện đại, không thể có linh hồn như một sự sống sau cái chết, vì cặp phạm trù cấu trúc - chức năng trong sinh học (chỉ tim mới bơm máu, chỉ não mới tư duy…) không cho phép điều đó xảy ra, như tôi đã nhiều lần khẳng định. Tôi lưu ý Hồ Bá Thâm rằng, tuyệt đại đa số nhà khoa học đồng ý với quan niệm này về linh hồn. Do đó nếu có quan niệm khác, tôi đề nghị ông hãy bác bỏ quan niệm này và đưa ra quan niệm riêng để mọi người cùng thảo luận. Bạn đọc đại chúng thường cho rằng, vấn đề linh hồn còn đang bỏ ngỏ, vì khoa học chưa bác bỏ hoặc chứng minh được sự tồn tại của linh hồn. Đó là một quan niệm sai lầm trên quan điểm sinh học. Bạn đọc cũng không nên dùng các quan niệm về hồn hoặc phách trong dân gian để so sánh với các quan niệm khoa học trong các khoa học sự sống, vì hồn phách chỉ là những quan niệm khi hiểu biết của cả loài người còn rất hạn chế. Theo quan niệm cá nhân, tôi cho rằng lấy các quan niệm cổ xưa để bác bỏ các quan niệm khoa học thực chứng là một hành vi phản tiến hóa.
Trở lại vấn đề chính, khi thấy Hồ Bá Thâm viết: “Không thể đồng nhất tâm linh với tâm vũ trụ, cũng như không thể đồng nhất với “linh hồn người sau khi chết”?, nếu có” (tại sao lại có dấu chấm hỏi ở đây nhỉ?), tôi cho rằng tác giả không nắm được vấn đề và đang tạo hiện trường giả. Nói cách khác, Hồ Bá Thâm tự tạo ra các mệnh đề sai và sau đó cố gắng chứng minh rằng chúng không đúng! Nếu không đồng ý với nhận định của tôi, đề nghị ông cho biết ai đồng nhất tâm linh với tâm vũ trụ và ai xem tâm linh đồng nhất với linh hồn. Mong ông trích dẫn thật chính xác và cụ thể các tài liệu gốc để bạn đọc xem xét. Tôi cũng xin nhấn mạnh lại rằng, không thể có cái gọi là “tâm vũ trụ” hay “ý thức vũ trụ”, vì khái niệm tâm trí (tiếng Anh là mind, bao gồm cả ý thức, tiềm thức và vô thức; thậm chí siêu thức) trong các khoa học tâm trí hoặc phạm trù ý thức trong triết học (sự phản ánh hiện thực trong tư duy; hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan; đặc trưng hợp trội của bộ não với mọi sắc thái tự nhiên và giáo dục, sinh học và môi trường) chỉ là đặc trưng hợp trội (emergent characteristics) của cấu trúc vật chất phức tạp nhất tự nhiên là bộ óc con người mà thôi. Đó là điều mà bất cứ ai xem mình là người theo duy vật luận phải ghi tâm khắc cốt. Xin lưu ý rằng khi nói về duy vật luận hoặc duy tâm luận, tôi chỉ nói về các quan điểm triết học khác nhau, chứ hoàn toàn không nói về sự đúng sai hoặc hơn thua. Nói cách khác, đối với tôi, ai tin có tâm vũ trụ hoặc ý thức vũ trụ thì đó là người theo duy tâm luận; chứ hoàn toàn không có nghĩa người đó không tốt hoặc phản động (như một số quan niệm quá khứ!). Nếu quan niệm như vậy thì có thể thấy, tìm cách xây dựng chủ nghĩa duy vật về tâm vũ trụ hoặc ý thức vũ trụ là một quan điểm rất kỳ quặc về mặt triết học. Như tôi đã viết trong bài Không có cái gọi là chủ nghĩa duy vật tâm linh, quan niệm về tâm vũ trụ hay ý thức vũ trụ là một quan niệm duy tâm (hoặc xem ý thức có trước và quyết định vật chất; hoặc xem vũ trụ tự có ý thức, tức phiếm thần luận). Và do đó chủ nghĩa duy vật tâm linh chỉ có thể là một quái thai giữa hai quan điểm triết học đối lập nhau cả về mặt bản thể và mặt nhận thức (duy vật luận và duy tâm luận). Một nhà triết học (như Hồ Bá Thâm) mà lại sinh ra một quái thai như thế thì cũng lạ!
Trước khi đưa ra quan niệm cá nhân về khái niệm tâm linh, Hồ Bá Thâm có dẫn ra và bàn luận quan niệm của một số tác giả trong nước, trong đó có tôi. Với người khác thì tôi không rõ, nhưng với riêng tôi, Hồ Bá Thâm đã thực hiện một thao tác phi khoa học là trích giữa dòng, khi chỉ đưa ra quan niệm của tôi về các hiện tượng tâm linh trong lĩnh vực dị thường học (trong bài Tất cả ngoại cảm tìm mộ đều là lừa đảo trên trang Văn hóa Thể thao online). Nếu muốn trao đổi với tôi về thuật ngữ tâm linh, Hồ Bá Thâm cần tìm bài Tâm linh là gì? in trên tờ Phụ san Văn nghệ Quân đội hơn 10 năm trước và đã được tôi đưa vào cuốn Hiện tượng tâm linh, NXB Trẻ ấn hành năm 2001. Chí ít thì ông cũng cần dẫn ra quan niệm của tôi trong bài Ngoại cảm là ngụy khoa học trên trang viet-studies.info của Trần Hữu Dũng.
Vậy về thực chất, tâm linh là gì? Đây là những gì mà tôi đã viết trong bài Ngoại cảm là ngụy khoa học:
“Theo Từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, tâm linh có hai nghĩa: tiên tri và tinh thần (ít dùng). Còn theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tâm linh là trí tuệ tự có bên trong lòng người. Có thể do nghĩa đầu tiên trong từ điển tiếng Việt (tiên tri) mà tâm linh được dùng theo nghĩa các hiện tượng dị thường. Tâm linh cũng được dùng theo nghĩa tín ngưỡng, có thể do các thuật ngữ tiếng Anh spiritism (thông linh luận) hoặc spiritualism (duy linh luận), một quan niệm xem hồn người chết có thể liên lạc với người sống qua giới đồng cốt. Về mặt khoa học, đó là giả thuyết cần bác bỏ”.
Tóm lại, tại nước ta thuật ngữ tâm linh đang được dùng theo các nghĩa sau: 1) Tinh thần, trí tuệ (thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là mind); 2) Tín ngưỡng (thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là spiritism hoặc spiritualism); và 3) Các hiện tượng dị thường, như ngoại cảm hoặc “sức mạnh tâm trí trên vật chất”, như nhìn cong thìa chẳng hạn (thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là psychic phenomena).
Cần nhấn mạnh rằng, trong ba nghĩa nói trên, nghĩa đầu tiên ít được dùng, còn hai nghĩa sau được dùng khá phổ biến. Chẳng hạn khi báo chí viết, đi thăm chùa Bái Đính (Ninh Bình) là một chuyến du lịch tâm linh, đó là việc sử dụng nghĩa thứ hai (tín ngưỡng); còn khi Hồ Bá Thâm muốn giải thích “tâm linh” như giấc mơ tiên tri hoặc luân hồi, đó là việc sử dụng nghĩa thứ ba (các hiện tượng dị thường).
Chính vì vậy tôi cho rằng quan niệm của Hồ Bá Thâm vừa phản khoa học vừa là sự vẽ rắn thêm chân: “Như vậy bản chất của tâm linh là linh thiêng hóa cái huyền bí thế giới vật chất - con người và niềm tin về cái thiêng liêng siêu nhiên đó. Tâm linh như vậy là thiêng liêng hóa cái huyền diệu chưa biết. Quan niệm về Thượng đế hay linh hồn bất từ từ đó mà ra. Có tâm linh tôn giáo, tâm linh tín ngưỡng dân gian, tâm linh về hiện tượng dị thường”. Cách lập luận vô cùng rắc rối cho thấy sự thiếu mạch lạc trong tư duy (tôi xin bạn đọc lưu ý quan niệm của nhà vật lý Anh Rutherford, tác giả của mẫu hành tinh nguyên tử nổi tiếng: chưa biết cách diễn đạt bằng ngôn ngữ đơn giản chứng tỏ chưa hiểu rõ vấn đề!), nhưng kết cục thì quan niệm của Hồ Bá Thâm cũng đâu thoát ra khỏi nội hàm của thuật ngữ tâm linh mà tôi vừa trình bày. Nếu tâm linh là linh thiêng hóa cái huyền bí của thế giới vật chất và niềm tin của con người về cái thiêng liêng siêu nhiên đó, thì đó chính là tín ngưỡng và tôn giáo (tôi xin nhấn mạnh). Tôn giáo rất quan trọng đối với xã hội loài người, nhưng về mặt nhận thức học, linh thiêng hóa những bí ẩn chưa giải thích được chính là một quan niệm duy tâm (theo nghĩa triết học). Nếu vậy thì làm gì có cái gọi là “chủ nghĩa duy vật tâm linh” như một triết thuyết!!! Đó không phải là phản khoa học và vẽ rắn thêm chân thì là cái gì, thưa vị tiến sỹ triết học?
Trích dẫn tài liệu một cách phản khoa học:
Tôi có thể dừng bài viết ở đây, sau khi đã kết luận về tính phản khoa học và vẽ rắn thêm chân của Hồ Bá Thâm. Tuy nhiên bạn đọc có thể thắc mắc rằng, tại sao một vị tiến sỹ triết học lại có những sai lầm không thể tưởng tượng nổi như vậy. Theo tôi, lý do căn bản là tác giả thiếu nền tảng triết học và khoa học, nhất là khoa học vật lý và các khoa học sự sống. Trong bài viết Tâm linh và hướng tiếp cận duy vật về tâm linh (Thông tin và bình luận), sự thiếu hụt đó thể hiện trong cách trích dẫn tài liệu thiếu tính phê phán, thậm chí phản khoa học. Để “nói có sách mách có chứng”, tôi xin dẫn ra ba trường hợp sau.
Trường hợp 1: Trích dẫn theo kiểu trích giữa dòng quan niệm của tôi về tâm linh.
Điều này đã quá rõ ràng, tôi không cần nhắc lại ở đây. Lời khuyên của tôi đối với Hồ Bá Thâm trong trường hợp này là cần tìm hiểu đầy đủ quan niệm của người đối thoại trong bất cứ cuộc trao đổi nào, dù trong khoa học hay trong cuộc sống hàng ngày.
Trường hợp 2: Trích dẫn Tịnh Tiến một cách thiếu phê phán và không có chính kiến của một người tự xem là duy vật.
Hồ Bá Thâm viết: “Theo Tịnh Tiến (những vấn đề về tiềm năng con người) ta hãy điểm lại hai trường phái về Tâm:
1) Trường phái Não Luận (cérébrocentriseme) chủ trương rằng tâm chỉ là hiệu ứng hay phương diện tác dụng của bộ não, của hệ thần kinh, của hệ nội tiết, nói gọn lại là hoạt động hóa - điện trong khuôn viên Thời - Không của một số mô tế bào có cấu tạo Hạt. Nếu có sự xộc xệch, "bệnh tật" của chúng thì tâm cũng hết hoạt động bình thường, thậm chí tâm chấm dứt hẳn hoạt động, tức là Chết. Tóm lại, thân chết là tâm chết, và chết là hết, không còn gì để bàn nữa. Não luận có sức thuyết phục mạnh mẽ ở chỗ mọi người đều thấy quả thật thân chết, ví dụ ngã vỡ sọ, thì tâm chết. Nhưng như thế là Hết chăng? Luận điểm cuối cùng này chỉ đủ vững chắc khi não luận bác bỏ được mọi hiệu ứng Linh của Tâm.
2) Trường phái Tâm Luận (psychocentriseme) lại cho Tâm, chẳng những có một vị thế độc lập với não mà lại còn xem Tâm là thực thể đầu tiên, còn não chỉ là công cụ thể hiện, hiệu ứng dẫn xuất hoặc kênh trào ra của Tâm. Có lẽ trong nguồn gốc sâu xa, Tâm Luận phát sinh từ thuyết "linh hồn vĩnh cửu” của Đạo Cơ Đốc, sau này được củng cố mạnh mẽ bởi những hiện tượng "linh" được trắc nghiệm chặt chẽ và nhiều lần.
Phải chăng, từ vị thế yếu hơn lúc đầu, Tâm Luận dần dần tiến lên vị thế áp đảo hơn so với Não Luận?”.
Tôi rất ngạc nhiên khi một nhà triết học như Hồ Bá Thâm phải dùng đến quan niệm của Tịnh Tiến, vì đó chính là bài toán duy vật - duy tâm mang tính abc trong triết học. Xem bộ não sinh ra ý thức là duy vật, còn xem tâm trí có trước bộ não là duy tâm. Về mặt khoa học, xem bộ não có trước là đúng, còn xem tâm trí có trước là sai. Tính duy vật trong quan điểm của ông ở đâu, thưa tiến sỹ triết học Hồ Bá Thâm?
Trường hợp 3: Trích dẫn và ủng hộ quan niệm ngụy khoa học về các cơ thể ether:
Cũng trong bài viết nói trên, Hồ Bá Thâm viết: “Theo các nhà khoa học, con người có bảy cơ thể vô hình đó là:
1) Cơ thể Ketheric, tại đây tâm thức thực hiện cá quan điểm cao cấp về tri thức (tổng hợp) và hệ thống đức tin;
2) Cơ thể Thiên, tâm thức biểu hiện cảm xúc cao cấp như tình thương bao la trùm lên mọi sự sống;
3) Cơ thể Eheric mẫu, tâm thức biểu hiện dạng ý thức cao cấp về sự vật xuyên qua bề ngoài của chúng;
4) Cơ thể Tinh tú, tâm thức ở đây là vượt qua từng người, mang tính nhân loại;
5) Cơ thể Tâm thần, ở đây tâm thức biểu hiện tư duy lý tính, phân tích giản đơn;
6) Cơ thể Cảm xúc, tâm thức biểu hiện những cảm giác như khoái lạc, sợ hãi buồn, giận, lo, vui, tình yêu…;
7) Cơ thể Vật lý, tâm thức ở đây ở dạng bản năng, phản xạ và điều khiển tự động của các cơ quan nội tạng”.
Đọc đến đây, tôi băn khoăn tự hỏi, không hiểu Hồ Bá Thâm đang sống trong thế kỷ XXI hay đang sống trong thời kỳ tiền khoa học nữa!
Tôi xin hỏi Hồ Bá Thâm, “các nhà khoa học” đó là ai, họ trình bày quan niệm đó ở đâu? Mong ông trích dẫn tài liệu thật rõ ràng để bạn đọc cùng phán xét. Khi trích dẫn không một chút nghi ngờ và phê phán như vậy, ông có chút kiến thức nào về vật lý và các khoa học sự sống hay không? Phải chẳng ông không biết “cảm xúc” là một bộ phận của “tâm thần”? Phải chăng ông đang sống trên hoang đảo, nơi ông độc thoại những ngôn từ, khái niệm của riêng ông, nên không cần quan tâm tới các hệ thống thuật ngữ, khái niệm, lý thuyết… mà khoa học và loài người đã thống nhất và đang dùng? Ông không biết rằng quan niệm về bảy cơ thể vô hình là một quan niệm cổ xưa, khi hiểu biết của nhân loại còn rất hạn chế, nên có quan niệm duy tâm về con số 7 hoặc con số 9? Ông không biết rằng, giới thần kinh học không mảy may quan tâm tới các quan niệm ngụy khoa học đó?
Thật buồn cho một người tự xem là có quan điểm duy vật chủ nghĩa!