Diễn đàn

Vài điều thưa cùng tác giả Hồ Bá Thâm

Tác giả Hồ Bá Thâm đã viết một bài dài khoảng  9000 chữ -  Bí ẩn não bộ, trí nhớ, giấc mơ với vấn đề tâm linh (Thông tin tư liệu và vấn đề đặt ra) đăng trên VHNAonline tuần này, ngày 27.08.2014.

Tôi không đủ lý luận, không đủ kiến thức, không đủ thì giờ và thiếu cả kiên nhẫn, ... để hầu chuyện hay trả lời các quan điểm của tác giả. Chỉ xin đưa ra vài ba điều.

1.Trước nhất, cho tiền đề, xin được nhấn mạnh trên tinh thần khoa học. Chúng ta có tham vọng là hội nhập toàn cầu và làm sao cho cả toàn dân ta đều cùng chia sẻ ánh sáng của khoa học. Mà khoa học nói chung là những hiểu biết kết tinh được sau một quá trình nghiên cứu, trong đó vấn đề phương pháp rất quan trọng, và qua kiểm chứng.

Không bằng chứng thì không khoa học hay chỉ là tiền khoa học.

Kiểm chứng hôm nay cũng có thể hết giá trị hôm sau vì điều kiện, hoàn cảnh và hiểu biết của các khoa học gia thay đổi. Chính vì vậy phải dựa trên những kết quả cập nhật nhất.

2.Khoa học mặt khác dựa trên số nhiều. Khoa học phân biệt trường hợp của đa số và trường hợp ngoại biên.

Một thí dụ, con người trưởng thành trung bình ngủ mỗi ngày khoảɲg 6-8 giờ. Nhưng có 5% dân tình cần ít hơn 5 giờ hay 5% khác, trái lại,  phải ngủ trên 12 mới thấy đủ.

Đó là chưa nói đến các trường hợp chỉ có một không hai, trường hợp ngoại lệ.

Trong các bảo tàng viện Sinh học, ta có thể tìm thấy các dị dạng của các bào thai hay dị dạng của các não bộ. Thiên nhiên không là một nhà máy sản xuất những đồ vật rập cùng một khuôn. Ngay tới nhà máy cũng đôi khi có lỗi này lỗi nọ. Daily Mail lại là tờ báo chuyên «câu» người đọc bằng các tin «giật gân» dưới cái nhãn «khoa học». Ta không thể đem các trường hợp này ra làm chứng cớ cho các luật khoa học. Ông bà ta vẫn nói là «một cái cây không che hết cánh rừng» mà.

Chúng ta bàn ở đây là bàn chuyện khoa học cho số nhiều.

3. Đi vào nội dung

Đại học Liège có một số nghiên cứu về não bộ, giấc ngủ và giấc mơ. Những gì tôi viết dưới đây chẳng qua cũng là nhờ đọc các thành quả của Pierre Maquet, Stevens Laureys và vài khoa học gia khác của Đại học này.

Vấn đề ý thức

Ý thức là ý thức về một điều gì chứ không ý thức suông.

Não không sản xuất ra ý thức, não chỉ là cơ quan, là phương tiện, là nơi chốn địa lý của sinh hoạt ý thức.

Đúng thế, những hoạt động của não trong quá trình ý thức có thể quan sát được qua máy chụp cộng hưởng từ sinh hoạt - ta thấy não tiêu thụ nhiều đường hơn hay được phục vụ nhiều máu hơn, để có thêm dưỡng khí hơn là trong lúc não không sinh hoạt. Ta cũng biết được vùng nào của não sinh hoạt nhờ hình ảnh của các scan này.

Nhưng nội dung của ý thức thì chưa quan sát hay đong đếm được. Ở đây còn phải nhờ khoa tâm lý tiếp tay. Mà tâm lý học cũng đã đi những bước bảy dậm từ hai ba thập niên gần đây. Nhất là tâm lý về tri thức - psychologie cognitive - và tâm lý hành động - psychologie behavioriste - . Các nhà tâm lý này có những thang đo và trắc nghiệm đã được kiểm chứng (validé) để nghiên cứu về các sự kiện ý thức trong những hoàn cảnh nhất định.

Về giấc mơ

Hiện thời, các chuyên viên về giấc mơ đều bảo rằng ta chỉ mơ thấy những gì ta đã trải nghiệm trước đó. Cách bố cục của mỗi giấc mơ có thể rất là lạ lùng, không định trước mà aléatoire, nhưng các cấu thành là những gì mà người nằm mơ đã sống.

Đặt vào khung cảnh y khoa thực chứng, bí ẩn về điềm báo trong giấc mơ sẽ không còn bí ẩn nữa, bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trong bài này

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/115585/cau-cuu-bac-si-khi–diem-bao–trong-mo-linh-ung.html

cho một số giải thích.

Nhưng chưa đủ, chuyên viên về giấc ngủ sẽ cho ta những bằng cớ khoa học khác thêm vào, với điện não đồ hay với các kết quả sinh hoạt não qua máy quét xạ cộng từ kết hợp với những récits de vie - chuyện đời -  kể bởi những người ngủ mơ trong các nghiên cứu nói trên và thu thập được bởi các xã hội học gia.

Điềm báo mộng không có cơ sở khoa học, ta chỉ mơ thấy những gì ta đã trải nghiệm. Nhưng ta không nhớ hết các chi tiết của các giấc mơ. Những lổ hổng trong các truyện kể về giấc mơ được ta điền vào hay lấp đầy bởi những lo lắng, sợ hải, hỉ nộ ái ố, …của ta lúc thức.

Còn mơ về chuyện của cả ngàn năm trước thì có lẻ hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này.

Vấn đề giấc mơ, có thể xem thêm ở đây:

http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/khoa-hoc-cua-nhung-giac-mo
http://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/khoa-hoc-cua-nhung-giac-mo-ii

Chuyện em bé bốn tuổi được một chó sói cái nuôi dưỡngcó những điều «hợp lý»: bé không biết tiếng người, bé không ăn thức ăn của người, ...

Thế nhưng chi tiết Trên lưng, bắt đầu nhú mọc những mảng lông màu xám bạc để thích nghi với cái giá lạnh của rừng sâu thì hơi lạ vì da bì và lông không thuộc cấu trúc thích ứng mà thuộc về cấu trúc được thừa hưởng từ di truyền. Có tiến hóa đi nữa thì cũng cần thời gian, mà thời gian ở đây là tính trên nhiều thế hệ chứ không trong một thế hệ – biến đổi gen di truyền sau bốn năm sống trong rừng ?

Hiện tượng déjà vuđã thấy và cả đã biết, đã gặp hay đã nghe - khoa học cũng ... đã giải thích.

Nếu là bệnh thì là do épilepsie - bệnh động kinh – lúc lên cơn, người bệnh bị kích thích cực kỳ mạnh, kích thích đó để lại dấu vết nên sau này, nhiều khi người bệnh gặp lại một tình huống giản đơn hơn nhưng có vài trùng hợp nào đó, người bệnh có cảm tưởng đã trải nghiệm.

Còn nếu không do bệnh thì hiện tượng này là kết quả của hệ thống, sự phức tạp của sinh hoạt não bộ. Có những trung tâm sâu, với những liên hệ chằng chịt, lúc nào đó, cùng bị kích thích và thu hợp nhiều mẫu nhớ kết hợp với nhau – nên cho ra cảm tưởng là có vẻ quen, chứ không do tiền kiếp hay những giải thích huyền bí tương tự.

Đây là một hiện tượng khá phổ thông. Có thống kê nói đến 60% trong dân tình đã trải nghiệm, ít nhất là một lần trong đời, hiện tượng này. Nhưng dù nhận ra là đã thấy, đã gặp, các cá nhân này hoàn toàn mù tịt phần tiếp theo. Cảnh có vẻ quen nhưng họ không biết đường đi trong cảnh đó. Người có vẻ như đã gặp rồi nhưng họ hoàn toàn không biết gì hơn,... dù họ được giúp đở với cả chục chương trình trắc nghiệm, các stimuli – kích thích –  và các câu hỏi giúp gợi ý để cố tìm ra ánh sáng.

Nhưng cả não bộ không trả lời, không có phần nào «rực sáng» qua các hình ảnh của máy quét.

Tâm linh và năng lực tiềm ẩn Trường hợp về giác quan thứ sáu rất khó nghiên cứu hoặc chứng minh, và tâm lý người có thể chỉ là một phần của câu trả lời.

Đó là câu tác giả Hồ Bá Thâm viết. Cái may cho tôi là ở đây tác giả dẫn nguồn ở một địa chỉ mà tôi tiếp cận được trên mạng

[12]http://www.amitgoswami.org/scientific-proof-existence-god/

Nguồn này dẫn đến trang của một nhà Tiến sĩ Vật lý học nhưng là một trang đượm màu tôn giáo và đầy khẳng định. Ông viết dựa trên cái danh Tiến sĩ của ông, như một nhà khoa học. Trung Tâm nghiên cứu của ông,  Center for Quantum Activism, nghe như một viện khoa học thật – Nhưng đó chỉ là một Trung tâm khoa học rỡm.  Trong các nước tự do, ai cũng có quyền truyền bá các ý tưởng của mình và nhiều khi có những nhà khoa học ...huyền bí !

Kết luận ?

Tôi thì không truyền bá ý tưởng mình với tác giả Hồ Bá Thâm hay với độc giả của Văn Hóa Nghệ An. Chỉ xin kết luận là với một vài hiểu biết cá nhân, riêng tôi không tin ở tâm linh, ở kiếp trước hay kiếp sau. Khoa học thực chứng là đèn soi đường tôi đi.

Cũng như đại đa số loài người, một phần năm giấc ngủ của tôi mỗi đêm là ngủ mơ.

Ngủ mơ, nói ví von như một giáo sư ở Liège, là leo lên gác xó thu dọn cho ngăn nắp những vật dụng xếp đống ở đó, loại bỏ những thức không cần thiết, thỉnh thoảng tôi mừng vì tìm được một món đồ kỉ niệm của bà tôi, nhưng rốt cuộc, mơ là để củng cố trí nhớ và hài hoà cuộc sống tâm lý.

 

Nguyễn Huỳnh Mai

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512952

Hôm nay

253

Hôm qua

2436

Tuần này

2889

Tháng này

219825

Tháng qua

121356

Tất cả

114512952