Diễn đàn

Chủ nghĩa duy vật tâm linh hay "nồi thắng cố triết học"?

Văn hóa Nghệ An online ngày 21-8-2014 đăng tải bài viết Chủ nghĩa duy vật tâm linh, tại sao không? của Hồ Bá Thâm nhằm phản bác quan niệm của tôi và biện minh cho sự cần thiết của “triết thuyết” của ông. Như đã nhận xét trong bài Tiếp cận duy vật về tâm linh hay tiếp cận phản khoa học và vẽ rắn thêm chân (VHNA online, 28-8-2014), tôi cho rằng đó là một quan điểm phản khoa học, vì tâm linh theo nghĩa thiêng liêng hóa sự bí ẩn của vũ trụ và niềm tin vào sự thiêng liêng đó (theo Hồ Bá Thâm) là một quan điểm duy tâm về mặt triết học, nên không thể có sự kết hợp mang tính quái thai như vậy được. Ngay một bạn đọc bình thường như Phan Lan Hoa (tự nhận) cũng thấy việc ghép duy vật với tâm linh là không thể được trên quan điểm nhận thức (VHNA online, 27-8-2014); vậy mà một tiến sỹ triết học như Hồ Bá Thâm lại ra sức trích dẫn các nguồn tài liệu phi chính thống (tôi nhấn mạnh điều này) để bênh vực cái quái thai đó thì thật là kỳ quặc. Vậy chúng ta hãy xem xét  “nồi thắng cố triết học” của Hồ Bá Thâm thêm một lần nữa. Thắng cố (gồm tất cả các bộ phận của ngựa hoặc trâu bò nấu chung một nồi; có thể có thêm rau) là một món ăn truyền thống trong các ngày lễ của người dân tộc; vậy nồi thắng cố “duy vật tâm linh” của Hồ Bá Thâm có thể trở thành một món ăn trên bàn ăn triết học hay không?

Theo Hồ Bá Thâm, duy vật tâm linh có thể là một triết thuyết, vì theo ông, “chủ nghĩa duy vật tâm linh” tập trung nghiên cứu cấp độ (chiều dọc) vũ trụ - nhân sinh thì có ba vấn đề sau đây: i) Tâm vũ trụ - từ khái niệm của đạo Phật; ii) Tâm của con người, ý thức chiều sâu; iii) Cõi thiêng. Tâm linh theo nghĩa rộng là cả ba cấp độ ấy, còn theo nghĩa hẹp là cấp độ ba.

Còn nghiên cứu cấp độ khác (chiều ngang): thì i) nghĩa rộng của tâm linh là toàn bộ đời sống tinh thần, nhưng ở chiều sâu sự tâm diệu, linh diệu, cao cả của nó; ii) chiều trung/vừa là cấp độ linh diệu và thiêng hóa đời sống tinh thần; iii) hẹp nhất là nghiên cứu vấn đề sau cái chết, nhưng không chỉ vấn đề linh hồn mà cả tín ngưỡng thờ phụng”.

Có thể nhận xét gì về quan niệm đó? Có lẽ tác giả cũng không thật rõ mình đang nói gì. Còn tôi thì chỉ nhận thấy Hồ Bá Thâm tư duy lộn xộn, nhầm lẫn và phản khoa học, thể hiện ở các mặt như sau: 1) Xem “tâm vũ trụ” là một đối tượng để nghiên cứu (chứ không phải để phản bác) của chủ nghĩa duy vật; trong khi đó là một quan điểm duy tâm (tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau); 2) Xem “cõi thiêng” cũng là một đối tượng của duy vật luận, cho dù đi kèm với tính từ tâm linh; 3) Phải chăng “cõi thiêng” không phải là một cõi nằm trong tâm trí con người? 4) Cái mà tác giả gọi là cấp độ “chiều ngang” thì khác gì với “tâm của con người, ý thức chiều sâu” hoặc “cõi thiêng” theo cấp độ “chiều dọc”?; và 5) Tín ngưỡng thờ phụng là tín ngưỡng, tức chuyện tin hay không tin, tại sao lại mang ra bàn như một vấn đề khoa học mang tính thực chứng, tức chuyện đúng hay không đúng?

Và tôi phải thú thực với bạn đọc rằng, mỗi khi đọc Hồ Bá Thâm, tôi lại mỏi tay vì phải giơ tay chào Rutherford, do luôn nhớ tới quan niệm về sự đơn giản trong lập luận của ông (chưa biết cách diễn giải đơn giản chứng tỏ chưa nắm được vấn đề cần diễn giải)!

Để tránh hiểu lầm, tôi thấy cần nói rõ một vấn đề. Đó là bàn luận (mang tính duy vật) về việc tại sao lại xuất hiện vấn đề “tâm vũ trụ” và bàn luận để biện minh và giải thích cho “tâm vũ trụ” (tuy cũng mang danh duy vật) là hai trường hợp khác hẳn nhau. Trường hợp đầu là duy vật; còn trường hợp sau là duy tâm (về mặt nhận thức luận). Trong các bài viết của mình, Hồ Bá Thâm luôn muốn chứng tỏ sự tồn tại của “tâm vũ trụ” (chẳng hạn cách diễn giải “còn tâm - vật vũ trụ là đồng thời” trong bài Tâm linh và hướng tiếp cận duy vật về tâm linh (Thông tin và bình luận),VHNA online, 16-8-2014). Xem vũ trụ cũng có tâm, đồng thời và song song với vật, đó chính là nhị nguyên luận duy tâm, thưa ông Hồ Bá Thâm. Và để giải quyết trường hợp đầu, thì chỉ cần chủ nghĩa duy vật hiện có là đủ, chứ không cần đến nồi thắng cố “duy vật tâm linh”!

Để thấy rõ sai lầm của Hồ Bá Thâm, tôi muốn trình bày một số vấn đề như sau. Nếu bạn đọc thấy chúng sơ đẳng đến mức nhàm chán thì tôi thành thực xin lỗi.

Duy vật và duy tâm như vấn đề trung tâm của triết học:

Đây là điều mà mọi bạn đọc bình thường đều biết. Chúng ta cũng đều biết rằng, nhất nguyên luận duy vật xem vật chất có trước và quyết định ý thức; còn nhất nguyên luận duy tâm xem ý thức có trước và quyết định vật chất. Nhất nguyên luận duy tâm có hai phiên bản, hoặc xem ý thức có trước và quyết định vật chất, hoặc xem vũ trụ tự có ý thức (phiếm thần luận). Ngoài ra còn có nhị nguyên luận duy tâm, xem vật chất và ý thức xuất hiện đồng thời với nhau.

Tôi xin lưu ý thêm một lần nữa rằng, duy vật và duy tâm là hai quan điểm triết học đối lập nhau như nước với lửa, nhưng chỉ theo nghĩa bóng (chấp nhận quan điểm này đồng nghĩa với bác bỏ quan niệm kia), chứ không theo nghĩa đen (nước và lửa triệt tiêu nhau!). Tôi từng nói trong một cuộc gặp mặt tại nhà riêng nhà văn Đỗ Viết Nghiệm (có mặt nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên, nhà văn Anh Đức và nhà văn Văn Lê) rằng, tôi là một người duy vật, nhưng tôi tôn trọng niềm tin của những người duy tâm và hy vọng niềm tin cá nhân của tôi cũng được tôn trọng như vậy. Vì thế quan niệm của Hồ Bá Thâm, xem chủ nghĩa duy vật cứ thấy ai khác mình là phang (!) là một quan niệm quá ư lạc hậu và thiếu biện chứng.

Nói chung về mặt tổng quát thì ai cũng đồng ý với cách phân biệt duy vật - duy tâm như trên. Tuy nhiên khi đi vào các vấn đề cụ thể, sự khác biệt có thể xuất hiện ngay lập tức. Chẳng hạn nhiều bạn đọc rất lưu tâm tới lý thuyết lượng tử của ý thức mà không biết rằng, lý thuyết của Penrose hoặc Hameroff chính là một kiểu nhị nguyên luận duy tâm, khi xem thế giới lượng tử có trước và sau đó sinh ra vật chất và ý thức đồng thời (xem Danah Zohar, Consciousness and Bose-Einstein condensates, in: Toward a Science of Consciousness: The First Tucson Discussions and Debates, Hameroff SR, Kaszniak AW, Scott A (editors), MIT, 1996, pp 439-450). Tôi từng vất vả thuyết phục một số sinh viên chuyên ngành vật lý lý thuyết tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, rằng đó là một quan niệm sai lầm (do sinh viên vật lý thiếu kiến thức thần kinh học, giống như trường hợp Hồ Bá Thâm). Hoặc khi bàn về then máy tạo hóa, với quan điểm vũ trụ cũng có ý thức (“tâm vũ trụ”), chính Hồ Bá Thâm cũng là một nhà duy tâm 100%, chứ không phải là nhà duy vật như ông tự nhận! (Tôi sẽ bàn về quan niệm tâm vũ trụ của ông sau).

Vật chất sinh ra ý thức như thế nào?

Sau khi đã thống nhất về bài toán duy vật - duy tâm như vấn đề trung tâm của triết học, quan điểm về bản chất của vật chất và ý thức, cũng như quan điểm về việc vật chất sinh ra ý thức (hoặc ý thức sinh ra vật chất) như thế nào, bắt đầu phân kỳ mạnh mẽ, tùy thuộc vào góc nhìn của từng học giả.

 Nếu xem ý thức có trước và quyết định vật chất (duy tâm luận), thì không cần đặt ra các câu hỏi khoa học về việc ý thức tạo ra vật chất như thế nào nữa. Khi đó một nguyên lý sáng tạo, một ý niệm tuyệt đối, hoặc một Đấng sáng tạo tối cao, toàn lực và toàn thức, có thể tạo ra mọi thứ dễ như lấy đồ trong túi (mặc dù nhà toán học Penrose, tác giả của thuyết lượng tử của ý thức, không đồng ý như vậy, khi tính được rằng, xác suất lựa chọn một vũ trụ như vũ trụ của chúng ta nhỏ đến mức ngay cả Thượng Đế cũng khó lòng thực hiện!). Và chúng ta cũng không cần đến khoa học nữa, khi chỉ cần nói “Trời sinh ra thế” mỗi khi đối mặt với một câu hỏi khó trả lời, giống như chàng rể nông dân trong chuyện dân gian.

Với phiếm thần luận (xem vũ trụ tự có ý thức) hoặc nhị nguyên luận duy tâm (vật chất và ý thức xuất hiện đồng thời từ thế giới lượng tử) thì sao? Thoạt nhìn thì thấy, về mặt triết học, do là các nguyên lý nguyên thủy, nên chúng ta chỉ có thể thừa nhận hoặc bác bỏ chúng mà thôi. (Khi công nhận hoặc bác bỏ một giả thuyết, chúng ta phải tìm hiểu và phân tích nó bằng các giả thuyết cơ bản hơn. Nhưng với một giả thuyết nguyên thủy, tức cơ bản nhất, chúng ta không thể phân tích nó, vì không có các giả thuyết cơ bản hơn để mà phân tích). Tuy nhiên, nếu thống nhất được quan niệm về vật chất và ý thức, chúng ta sẽ thấy hai quan niệm duy tâm này sai trên phương diện khoa học.

Vậy vật chất là gì? Cần phân biệt vật chất như một khái niệm vật lý học (tôi xin giới hạn ở 12 hạt cơ bản và 4 trường tương tác giữa chúng, cũng như toàn bộ vũ trụ xuất hiện do sự tương tác đó, kể cả bản thân con người với mọi sắc thái sinh học và môi trường) với vật chất như một phạm trù triết học. Rất nhiều người không phân biệt được điều này, chẳng hạn vị phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Rumani như tôi từng nhận xét. Nếu phân biệt như vậy, theo tôi quan niệm của Lenin là một chuẩn mực chưa bị/được vượt qua. Lenin xem vật chất là tồn tại khách quan, độc lập với ý thức và được phản ảnh trong ý thức. (Trong bài trước, tôi đã viết nhầm “đối lập” thay cho “độc lập”, thành thực xin lỗi độc giả).

Tôi đã viết về sự chuẩn mực, đơn giản và rõ ràng của quan niệm này (xin hãy nhớ đến Rutherford!), nên không nhắc lại ở đây. Tôi chỉ muốn nhắc tới ý kiến của Hồ Bá Thâm: “Chính Đỗ Kiên Cường đã quên một vế (ĐKC đã hiểu không đầy đủ). nên có điểm sai lệch (vật chất đối lập với ý thức, cũng có nghĩa ý thức không thể là vật chất) khi giải thích định nghĩa vật chấtcủa Lênin, nên không thấy ràng, giữa vật chất và ý thức không chỉ đối lập/khác nhau mà còn thống nhất, đồng nhất với nhau.Hình như người ta chỉ nhấn mạnh sự đối lập, khác nhau là duy nhất (vật chất đối lập với ý thức, cũng có nghĩa ý thức không thể là vật chất- ĐKC) mà quên sự thống nhất, đồng nhất tương đối giữa vật chất và ý thức”.

Tôi cho rằng người hiểu không đầy đủ chính là Hồ Bá Thâm, chứ không phải tôi, thể hiện trên hai khía cạnh sau: 1) Khi cho rằng vật chất và ý thức đồng nhất với nhau, mặc dù có học vị tiến sỹ triết học, nhưng ông đã chứng tỏ mình không hiểu triết học. Khi vật chất và ý thức là một thì có còn bài toán duy vật - duy tâm như vấn đề trung tâm của triết học nữa hay không?; 2) Tính thống nhất giữa vật chất và ý thức thể hiện ở chỗ, vật chất sinh ra ý thức; và ý thức chỉ có thể tồn tại trong một cấu trúc vật chất thích hợp là bộ não đang hoạt động (với mọi sắc thái tự nhiên và giáo dục, sinh học và môi trường). Và điều này hoàn toàn phù hợp với cặp phạm trù cấu trúc - chức năng trong sinh học. Điều đó cũng có nghĩa, linh hồn như một sự sống sau cái chết là một quan điểm sai lầm cả về các mặt triết học (duy vật) và sinh học, thưa ông Hồ Bá Thâm! Và ông là nhà triết học kiểu gì mà cứ quan niệm ý thức chính là vật chất (!) như vậy?

Còn ý thức thì sao? Thật đáng tiếc là không có một quan niệm đơn giản và rõ ràng như quan niệm của Lenin về vật chất. Tuy nhiên theo tôi, có thể quan niệm ý thức là sự phản ánh hiện thực trong tâm trí, là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan, là đặc trưng hợp trội của bộ não con người, cấu trúc vật chất phức tạp nhất tự nhiên. Tôi xin nhấn mạnh quan niệm ý thức như đặc trưng hợp trội của bộ não, một quan niệm xuất phát từ lý thuyết các hệ thống phức tạp.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm bài viết của tôi Hợp trội luận và quy giản luận: Đối lập và song hành trên mạng để tìm hiểu thêm về hợp trội (emergence). Đây là những gì tôi đã viết trong bài viết đó:

Jeffrey Goldstein tại Khoa kinh doanh, Đại học Adelphi là người đưa ra quan niệm hiện đại về khái niệm trên tạp chí Emergence, năm 1999. Theo ông, có thể định nghĩa emergence là sự nổi lên của các cấu trúc, hình thái hay tính chất mới và cố kết trong quá trình tự tổ chức của các hệ thống phức tạp”.

Để làm rõ quan niệm của Goldstein, Peter A. Corning, 2002, viết cụ thể về các chất lượngcủa emergence như sau: Các đặc trưng chung là: 1) Tính mới triệt để (những đường nét chưa hề thấy trong hệ); 2) Sự cố kết hay mối tương quan (theo nghĩa một toàn thể duy trì trong một thời gian nào đó); 3) Một mức độ toàn cục hay vĩ mô (như một tính chất mang tính toàn cục); 4) Là sản phẩm của quá trình động lực (tiến hóa); và 5) Có tính thể hiện- (nên) có thể được cảm nhận.

Là người vẫn tin ở các nguyên lý căn bản của triết học duy vật biện chứng, người viết bài này cho rằng, quan niệm emergence không phải cái gì khác, mà chính là quy luật lượng - chất của phép biện chứng Hegel, theo đó những biến đổi về lượng sẽ dẫn tới những biến đổi về chất và ngược lại. Duy vật luận biện chứng cho rằng, vật chất vận động sẽ tạo ra các hình thái hay chất lượng mới mỗi khi có sự biến đổi vượt ngưỡng về lượng. Những phát triển mới trong khoa học về sự tự tổ chức, về các hệ thống phức tạp, về tiến hóa vũ trụ, sinh giới và xã hộicho thấy quan niệm như thế là đúng đắn.

Nói cách khác, ý thức không phải cái gì khác, mà là một đặc trưng hợp trội, xuất hiện do sự tự tổ chức của một hệ thống phức tạp nhất tự nhiên là bộ não con người, với mọi sắc thái tự nhiên và giáo dục, sinh học và môi trường (xin hãy nhớ lại hai minh họa về vị mặn của muối và thực tế ảo trong máy tính mà tôi từng nhiều lần nhắc tới). Nói cách khác, khoa học hiện đại ủng hộ quan điểm của duy vật luận biện chứng.

Đó là quan điểm của các khoa học hình thức hoặc kiểu hình thức (như triết học, logic học, toán học hoặc lý thuyết hệ thống, là các khoa học quan tâm chủ yếu tới các quy luật chung của sự vận động của vật chất và ý thức). Tuy nhiên trên phương diện các khoa học sự sống, như thần kinh học hoặc các khoa học tâm trí, ý thức xuất hiện như thế nào vẫn là một bài toán hết sức nan giải.

Tôi xin trình bày sơ lược sự nan giải của vấn đề qua trường hợp bộ não cảm nhận vị mặn của hạt muối. Khi chúng ta nếm muối, tinh thể NaCl sẽ tương tác với các thụ thể vị giác trên lưỡi, dẫn tới sự tạo thành các xung thần kinh, với các điện thế gợi (vị giác) cụ thể. Các nhà sinh lý học đã đo được chính xác các thế gợi giác đó. Các tín hiệu thần kinh đó sẽ tới trung khu vị giác trong não và được giải mã để chúng ta cảm nhận được vị mặn. Tín hiệu thần kinh, trung khu vị giác, sự tương tác và giải mã trong não thuộc đều phạm trù vật chất (nên có thể đo đạc được). Vấn đề ở đây là các quá trình vật chất đó (hình thành và giải mã xung thần kinh) biến thành ý niệm chủ quan (cảm nhận của chúng ta về vị mặn) như thế nào. Theo ngôn ngữ của nhà triết học Úc Chammers, nước biến thành rượu vang như thế nào? Theo Chammers, đó có thể là bí ẩn không có lời giải của khoa học; và nhiều học giả nổi tiếng đồng ý với ông.

Chammers cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề, có lẽ cần xem ý thức là một thuộc tính cơ bản của vật chất, giống như điện tích hay khối lượng, một quan niệm mang hơi hướm lý thuyết lượng tử của ý thức. Tôi cho rằng đó là một quan điểm sai lầm, vì các hạt cơ bản, như điện tử hoặc photon, không thể có các đặc trưng mang tính ý thức được (xin xem thêm bài Tôi chọn cả Thượng Đế và khoa học trên Tia Sáng, 2003; hoặc phiên bản online trên mạng).

Một số nhà khoa học, như triết gia Mỹ Dennet, cho rằng, bài toán đó không cần đặt ra, vì nước chính là rượu vang, rượu vang là nước. Mặc dù cuốn Ý thức đã được giải thích (Consciosness Explained) của ông bán được hơn 100.000 bản, thật khó đồng ý với ông. Nếu xem vật chất và ý thức đồng nhất với nhau, thì không còn bài toán trung tâm của triết học nữa, như tôi đã nhiều lần khẳng định khi trao đổi với Hồ Bá Thâm. Ở đây, duy vật luận hợp trội (emergent materialism) của Alwyn Scott mới là chuẩn xác. Tôi xin lưu ý bạn đọc thêm một lần nữa rằng, đó chính là quan điểm của duy vật luận biện chứng chứ không phải cái gì khác.

Quan niệm về tâm vũ trụ:

Khi nói về tâm vũ trụ, chúng ta không chỉ nói tới nhất nguyên luận duy tâm, mà còn nói tới giả thuyết của các nhà vật lý học cuối thế kỷ XX, như tôi đã viết trong bài Không có cái gọi là chủ nghĩa duy vật tâm linh. Tại sao lại mâu thuẫn như vậy? Lý do là giới vật lý từng ngạc nhiên khi thấy các hằng số vũ trụ dường như được lựa chọn thật cẩn thận để tạo ra con người, khi chỉ cần khối lượng hoặc điện tích của điện tử hoặc proton thay đổi vài phầm trăm thì vũ trụ đã diễn biến khác hẳn. Và con người đã không thể xuất hiện để mà băn khoăn tự hỏi, tại sao vũ trụ lại diễn biến như vậy. Quan điểm tâm vũ trụ hay ý thức vũ trụ đã ra đời trong vật lý hiện đại như vậy. Tuy nhiên, lý thuyết đa vũ trụ cho thấy, quan điểm mang hơi hướm tôn giáo như thế là một sai lầm, như tôi đã từng trình bày.

Lý thuyết đa vũ trụ ra đời nhằm chống lại xu hướng tôn giáo hóa khoa học của một số nhà vật lý, khi họ xem vũ trụ được thiết kế nhằm tạo ra con người như vừa nói ở trên (nhà vật lý thiên văn Anh nổi tiếng Martin Ree là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ đa vũ trụ, multiverse, đối ngược với các đơn vũ trụ, universe, như Thiên Hà của chúng ta). Theo đó, do nguyên lý bất định Heisenberg, từ chân không lượng tử, các bong bóng năng lượng luôn xuất hiện và biến mất không ngừng. Xin lưu ý bạn đọc, trong vật lý, vật chất và năng lượng là một, do hệ thức Einstein E = mc2 (và do đó đều thuộc phạm trù vật chất của Lenin). Mỗi bong bóng là một vũ trụ với các hằng số vật lý và hệ quy luật riêng. Trong vô vàn các vũ trụ sinh diệt không ngưng nghỉ đó, tình cờ có một vũ trụ có các hằng số vật lý và hệ quy luật phù hợp để sự sống có thể hình thành và phát triển. Đó chính là vũ trụ của chúng ta.

 Một số nhà khoa học, như Trịnh Xuân Thuận trong cuốn Giai điệu bí ẩn năm 1988, cho rằng giả thuyết đa vũ trụ trái với nguyên lý tiết kiệm Ockham, một dẫn dắt quan trọng trong nhận thức luận phương Tây (giữa hai lý thuyết cùng không biết đúng hay sai, cần chọn lý thuyết đơn giản hơn, vì tự nhiên không phát triển quá mức cần thiết). Theo họ, tại sao lại mất công tạo ra vô vàn vũ trụ, mà chỉ một vũ trụ phù hợp với sự sống (điều trái với nguyên lý tiết kiệm). Tuy nhiên như giới đa vũ trụ đã phản bác, thực ra việc tạo ra vô vàn các vũ trụ không chủ đích (với xác suất luôn bằng 1) lại dễ dàng và tiết kiệm hơn so với việc thiết kế một vũ trụ có chủ đích (với xác suất cực kỳ nhỏ, theo tính toán của Penrose). Đó là lý do trong các tác phẩm gần đây, Trịnh Xuân Thuận không nhắc tới sự lãng phí của tự nhiên trong lý thuyết đa vũ trụ nữa.

Đa vũ trụ ra đời như thế nào?

Về mặt triết học, đó là câu hỏi có thể trả lời tương đối dễ dàng. Vật chất như một phạm trù triết học luôn tồn tại, còn vật chất như một khái niệm vật lý thì có thể lúc có lúc không, theo nguyên lý bất định Heisenberg. Khi vật chất vật lý xuất hiện, chúng ta có một vũ trụ hiện hữu; còn khi vật chất vật lý mất đi, vũ trụ hiện hữu lại quay về chân không lượng tử như một trạng thái tiềm. Chỉ cần có chân không lượng tử và nguyên lý bất định là vũ trụ có thể tự sinh tự diệt, như tôi đã viết trong bài Vũ trụ ra đời như thế nào? trên An ninh thế giới cuối tháng năm 2004 (bạn đọc có thể tìm bản online trên mạng).

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi, tại sao lại có chân không lượng tử và nguyên lý bất định để vũ trụ tự sinh tự diệt? Đó có phải là “tâm vũ trụ” (Hồ Bá Thâm) hoặc ý thức vũ trụ hay không? Câu trả lời của triết học duy vật biện chứng là không, vì cả chân không lượng tử và nguyên lý bất định đều thuộc phạm trù vật chất, vì đều là “tồn tại khách quan, độc lập với ý thức và được phản ảnh trong ý thức”, theo quan niệm  vật chất của Lenin.

Thiên đường và địa ngục được sinh ra như thế nào?

 Câu trả lời thật đơn giản theo quan điểm duy vật biện chứng. Do sự tự tổ chức của vật chất mà ý thức xuất hiện như một hình thái hợp trội của bộ não. Và bộ não con người sản sinh ra tín ngưỡng và tôn giáo như sự thiêng liêng hóa những bí ẩn chưa được giải đáp của vũ trụ (tôi lưu ý quan niệm của Shermer, người giữ chuyên mục Nghi ngờ của tờ Người Mỹ khoa học, cho rằng khi cái biết gặp cái chưa biết là khi khoa học gặp tôn giáo). Nói cách khác, linh hồn bất tử, cõi thiêng, thiêng đường và địa ngục, thánh thần và ma quỷ,… nằm trong chính bộ não của chúng ta, chứ không phải trên đỉnh Olympus huyền thoại hay trong lòng dòng Hằng Hà hùng vĩ. Theo cách nói của Henri Bergson, lúc ông thì thầm trước khi nhắm mắt, “vũ trụ là một cỗ máy làm ra các thượng đế…”. Và chúng ta chỉ cần tiếp lời nhà triết học vĩ đạirằng, “….thông qua bộ óc con người” là thu được một bức tranh đầy đủ.

Về quan niệm của Hồ Bá Thâm:

Với những gì đã trình bày (và chưa trình bày), rất dễ dàng bác bỏ các quan niệm của Hồ Bá Thâm. Và theo tôi, chúng ta không cần phải phân tích chi tiết các bài viết của Hồ Bá Thâm, mà chỉ cần xem ông quan niệm về “tâm vũ trụ” như thế nào là đủ.

Trong bài Tâm linh và hướng tiếp cận duy vật về tâm linh (Thông tin và bình luận), VHNA, 16-8-2014, Hồ Bá Thâm viết: ““trí tuệ vũ trụ” (tâm vũ trụ) thực ra chính là lôgích (các qui luật), là kết quả các tương tác, phụ thuộc và tương sinh, là các dạng cấu trúc và năng lượng, phản ánh, cảm ứng, hiệu ứng, thông tin/hay siêu năng lượng, phản ánh, cảm ứng, hiệu ứng, thông tin, tức không chỉ là dạng vật lý, sinh học mà cả dạng cao sâu hơn, nó là năng lượng phản ánh, cảm ứng, hiệu ứng, thông tin, tâm bản”.

Bạn đọc có hiểu Hồ Bá Thâm định nói gì hay không? Tôi thì tôi chịu, tôi hoàn toàn không hiểu rốt cục tâm vũ trụ là cái gì, theo quan điểm của tác giả! Tại sao một vị tiến sỹ triết học, người đang muốn cải biến duy vật luận biện chứng, lại không biết cách trình bày để người khác hiểu ý mình như vậy? Theo tôi lý do căn bản là chính tác giả cũng không hiểu những gì bản thân đang nói, nên làm sao ông có thể giúp người khác hiểu được!

Chúng ta có thể thấy rõ sự lộn xộn và phản khoa học trong quan niệm của Hồ Bá Thâm. Tại sao lại xem logic, tức luận lý, là các quy luật? Tại sao lại ghép “các dạng cấu trúc”, chứ không phải các cấu trúc, với năng lượng? Tại sao thông tin lại là siêu năng lượng? Dạng cao sâu hơn dạng vật lý và sinh học là dạng gì? Sâu hơn và cao hơn không phải là trái ngược nhau sao, theo cách tổ chức theo thang bậc của vật chất, và do đó của các khoa học nghiên cứu chúng? Và đặc biệt, tại sao “tâm vũ trụ” hay “trí tuệ vũ trụ”, một khái niệm thuộc phạm trù tinh thần, lại chính là năng lượng, một khái niệm thuộc phạm trù vật chất (trong vật lý, năng lượng và vật chất là một, như tôi vừa nói ở trên) vv…và vv… Tôi nói quan niệm “duy vật tâm linh” của Hồ Bá Thâm là một nồi thắng cố triết học là vì vậy, khi trộn các phạm trù vật chất và tinh thần vào nhau. Và cuối cùng thì bạn đọc đã có thể hiểu tại sao tôi xem Hồ Bá Thâm đã và đang bị “tẩu hỏa nhập ma”!

Tuy nhiên chúng ta phải chấp nhận những gì tác giả viết; do đó tôi xin khảo sát xem Hồ Bá Thâm muốn nói gì đằng sau sự rắc rối, mù mờ, lộn xộn và khó hiểu đó. Với bạn đọc chưa có kiến thức cần thiết về triết học, vật lý học (từng được xem là triết học tự nhiên) và các khoa học sự sống, quan niệm của Hồ Bá Thâm có vẻ rất “cao siêu”. Tuy nhiên với tôi, do nắm được phần cốt yếu của hệ quan điểm duy vật biện chứng và các lý thuyết mới nhất về vũ trụ và về tâm trí, nên có lẽ tôi hiểu ý tác giả khi “đọc giữa hai hàng chữ”. Hồ Bá Thâm muốn nói tới hệ quy luật của vũ trụ, cái quy định cách thức vận động của vật chất trong vũ trụ, và cái then máy ẩn giấu sau sự biến hóa vô cùng đa dạng của tự nhiên. Tuy nhiên, do thiếu sức nặng trong hành trang kiến thức và sự bay bổng trong tâm hồn, nên ông không thể diễn đạt quan điểm của mình một cách rõ ràng và khoáng đạt. Để Hồ Bá Thâm có thể biết giới vật lý hiểu và diễn giải vấn đề một cách đơn giản và tường minh như thế nào, tôi xin giới thiệu cách trình bày của nhà vật lý thiên văn Martin Ree vừa nói ở trên.Đây là những gì ông viết trong bài Khám phá vũ trụ của chúng ta và các vũ trụ khác trên Người Mỹ khoa học, số 12-1999, trang 49: “Một ngày nào đó các nhà vật lý có thể tìm ra lý thuyết thống nhất mô tả mọi thực thể vật lý, nhưng họ có thể không bao giờ cho chúng ta biết cái gì đã thổi lửa vào các phương trình của họ và cái gì đã hiện thực hóa chúng trong vũ trụ hiện hữu”. (Nói một cách đơn giản thì ý của Martin Ree là cái gì đã buộc vũ trụ phải tuân theo các quy luật tự nhiên?). Và mặc dù cho rằng “trả lời chúng có thể là câu hỏi không bao giờ chấm dứt”, Martin Ree và các nhà khoa học như ông không bao giờ xem “cái gì đã thổi lửa vào các phương trình” là “trí tuệ vũ trụ” hoặc “tâm vũ trụ”, như Hồ Bá Thâm.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, tại phương Tây, khá nhiều học giả nổi tiếng, kể cả người đoạt giải Nobel, ủng hộ quan điểm vũ trụ được thiết kế (do nguyên lý sáng tạo tối cao, ý thức vũ trụ hoặc Thượng Đế). Và có hẳn một quỹ nổi tiếng là quỹ Templeton, với ngân quỹ khổng lồ (hơn ba tỷ đô la Mỹ vào năm 2013) và giải thưởng hấp dẫn (1.800.000 USD), tự đặt ra nhiệm vụ truy tìm mục đích của loài người và hiện thực tối hậu, trên cơ sở những “thông tin tâm linh mới” (new spititual information). (Thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin và thuyết đa vũ trụ xem sự sống và vũ trụ không có mục đích tính. Nói cách khác bản thân sự xuất hiện của vũ trụ và sự sống cũng chỉ là các sự biến ngẫu nhiên). Tuy nhiên họ đủ trí tuệ để không tự xem mình là một nhà duy vật như Hồ Bá Thâm.

 Để kết thúc bài viết, xin nhấn mạnh rằng, tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn cá nhân của Hồ Bá Thâm. Nhưng tôi trân trọng đề nghị ông hãy chấm dứt việc tự xem mình là một người duy vật chủ nghĩa.

                                                                                               TP Hồ Chí Minh, 1-9-2014

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512950

Hôm nay

251

Hôm qua

2436

Tuần này

2887

Tháng này

219823

Tháng qua

121356

Tất cả

114512950