Trước hết, có thể khẳng định các tác giả đã không xác định được đây là sách viết về lịch sử Đảng bộ hay viết về nhân dân Nam Cường (1930-2007).
Nếu làLịch sử nhân dân Nam Cường (1930-2007) thì xưa nay không ai viết được lịch sử nhân dân cả. Người ta chỉ có thể viết được lịch sử vấn đề nào đó của nhân dân mà thôi.
Nếu làLịch sử Đảng bộ xã Nam Cườngtức là sự ra đời và lãnh đạo nhân dân xã Nam Cường của Đảng bộ trong quá trình cách mạng từ 1930 đến 2007.
Nhập hai phạm trù lịch sử Đảng bộ và lịch sử nhân dân, các tác giả đã xác định sai đối tượng, do đó cuốn sách này đã không thực hiện được mục đích, ngay cả phần lịch sử Đảng bộ.
Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nam Cường(1930-2007) có 5 chương và Kết luận không kể Phụ lục vàTài liệu tham khảo.
Nhìn chung chỉ có một số sự kiện mang tính ghi chép sơ lược về lịch sử của Đảng bộ xã Nam Cường (hiện nay). Phần còn lại là mộtbản báo cáo thành tích hơn là một cuốn sách lịch sử.
Từ xưa đến nay chẳng có cuốn lịch sử nào lại có phần kết luận cả. Kể từ khi có lịch sử Việt Nam do người Việt Nam viết - An nam chí lược của Lê Tắc thế kỷ XIV (1307) đến các bộ sử do cơ quan nhà nước viết như: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư… chẳng thể tìm đâu có kết luận cho lịch sử. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất.
Các Chương I "Khái quát về vùng đất và con người Nam Cường" và Chương II "Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống phong kiến của nhân dân Nam Cường trước khi có Đảng", thực ra là nội dung của Địa chí văn hoá hơn là lịch sử.
Tất cả những vấn đề mà cuốn sách nêu ra về văn hoá (văn nghệ dân gian, hát phường vải, hát ví dặm), phong tục tập quán, cưới xin, tín ngưỡng… đến văn hoá vật thể nhà cửa, công cụ, đồ dùng, trang phục và tín ngưỡng thì bất cứ địa phương nào ở Nghệ Tĩnh đều giống nhau chứ đâu có phải riêng ở xã Nam Cường!
Phần lớn nội dung về các phong trào cách mạng mà sách này đề cập đều có thể đọc được ở vô số tài liệu đã được công bố. Nhiều chương, mục chỉ cần thay hai chữ Nam Cường bằng bất kỳ địa danh nào cũng được.
Ở đây chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề cụ thể:
I. Nam Cường là Nam Cường nào?
Do sự phân chia của địa hành chính mà xã Nam Cường từ năm 1930 đến nay đã có rất nhiều thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Các tác giả đã cho thấy( tr. 37-80) xã Nam Cường đã từng là một khu vực rộng lớn, có thời kỳ bao gồm các xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Kim,Nam Hưng, Nam Dương, Nam Phong, Nam Thịnh và cả xã Hưng Long của huyện Hưng Nguyên.
Như vậyLịch sử Đảng bộ xã Nam Cường phải là lịch sử từ năm 1930 vì "Ngày 25/5/1930 Chi bộ Phù Long - Nam Kim được thành lập" (tr.38)
Và sự lãnh đạo của Đảng bộ xã Nam Cường từ năm 1930 đến năm 2007 phải là ở các địa phương trên, nhưng cuốnLịch sử Đảng bộ và nhân dân Nam Cường (1930-2007) chỉ tập trung ở khu vực xã Nam Cường hiện nay (1969) là xã Nam Phong (gồm ba làng Thọ Toán, Phổ Đông, Dương Phố) và xã Nam Thịnh (gồm các làng Xuân Trạch, Mai Sơn, Long Xuyên). Hơn nữa người viết không biết rằng các làng này có nhiều chi bộ độc lập ở các xóm khác nhau: Xuân Trạch (Phú Xuân và Duy Tân), Long Xuyên (Kiều Thượng và Kiều Hạ), Lạc Thiện, Thanh Xuân (ở gần chân cầu Yên Xuân), Dương Phổ (Thọ Toán, Phổ Đông, Phổ Tứ). Nhiều chi bộ vắng bóng.
Như vậy cuốn sách này không phải là lịch sử Đảng bộ xã Nam Cường (từ 1930 đến 2007).
II. Người viết thiếu kiến thức văn hoá, lịch sử và cẩu thả.
Các tác giả không hiểu thế nào là Làng, Xóm, Chòm, Thôn nên viết lộn xộn, dùng không thống nhất làm cho người đọc không phân biệt được địa danh, ngay cả ở xã Nam Cường đương đại. Làng Xuân Trạch gồm 2 xóm là Duy Tân và Phú Xuân; làng Long Xuyên gồm 2 xóm là Kiều Thượng (trên cầu) và Kiều Hạ (dưới cầu)[1]; Làng Lạc Thiện (có xóm Phúc Hậu) v.v…Làm gì có làng "Vạn Yên Xuân". Chỉ có làng Thanh Xuân, dân làm nghề sông nước - vạn chài, ở gần cầu Yên Xuân.
Các tác giả không biết vùng Nghệ - Tĩnh có tập quán gọi tên "nhường". Ấy là sau khi có con trai thì bố mẹ được gọi theo tên con trai, như phụ nữ lấy chồng thì gọi theo tên chồng. Vì không hiểu điều đó, lại cẩu thả, tắc trách nên đã viết:
"Ở Kiều Thượng cũng thành lập Hợp tác xã Phượng Hải do ông Lê Tiên Duyệt làm chủ nhiệm"(tr. 91). Xin thưa HTX Phượng Hải không có ông chủ nhiệm nào tên là Lê Tiên Duyệt mà chỉ có chủ nhiệm Lê Quốc Tiến, con trai út của cụ Lê Quốc Thuyết. Cụ Thuyết có con trai trưởng là Lê Quốc Duyệt (nên được gọi là cụ Duyệt). Như vậy ông Tiến là con cụ Thuyết, em cụ Duyệt.
Viết về khởi nghĩa Nam Kỳ và khởi nghĩa Bắc Sơn (tr.59), các tác giả khẳng định "Hai cuộc cách mạng đã thức tỉnh tinh thần nhân dân cả nước".
Về chiến tranh thế giới lần thứ 2 (tr.57) tác giả viết: …"đầu năm 1938 Đại chiến thế giới thứ hai xảy ra. Chính phủ nhân dân Pháp ngã về phái hữu". Xin thưa rằng Đại chiến thế giới thứ hai là (1939-1945) không phải nổ ra vào đầu năm 1938 và Chính phủ Pháp đầu hàng Hítle không phải là Chính phủ nhân dân. Viết bậy thế này người Pháp họ kiện cho đấy.
Phần Phụ lục, I. Danh sách liệt sĩ. Chỉ riêng phần liệt sĩ chống Mỹ, theo tôi biết còn thiếu rất nhiều người. Ở đây có lẽ chỉ là những liệt sĩ có tên và phần mộ ở nghĩa trang xã Nam Cường (hiện nay). Tiện thể, các tác giả bê vào mà không biết đến các liệt sĩ đang nằm rải rác khắp miền đất nước. Chỉ riêng làng Lạc Thiện còn có các liệt sĩ: Bùi Bảo (Chắt Đức), Phan Diễn (Phan Con), Lê Văn Sinh, Nguyễn Đình Hiền, Bùi Cường…Làng Kiều Thượng còn có các liệt sĩ: Lê Văn Hoà, Lê Phát, Lê Hồng Hưng... Làng Thanh Xuân còn có Hồ Quang (Hồ Bia) và 7 liệt sỹ nữa… chỉ ba làng còn để sót như vậy thì cả xã Nam Cường chắc chắn không chỉ có 107 liệt sĩ như cuốn sách này cung cấp.
Lại nữa, Phụ lục VII.Danh sách tiến sĩ. Ở đây danh sách có 6 người được ghi lộn xộn và thông tin về chỗ ở không chính xác. Theo tôi biết, riêng làng Phổ Tứ (xóm 9 bây giờ) số tiến sĩ chắc gấp 3 lần danh sách này. Người viết sử không ai dại gì đưa các vị đang sống này vào sách lịch sử cả. Nói dại, có ai trong họ (sẽ) phạm tội, mua bán bằng cấp tiến sĩ, hối lộ chức tước, bị pháp luật xử lý thì sao.
Trong phần "Nam Cường là Nam Cường nào", không gian của xã theo sách này viết là có cả Nam Dương, Nam Trung, Nam Kim… thì lịch sử khoa bảng của xã cũng phải bao gồm thành tựu của cả vùng này. Nếu vậy sẽ có rất nhiều Thám hoa, Bảng nhãn, Phó bảng, Cử nhân… ở đây[2]. Chỉ tính Nam Cường hiện nay, thì riêng một dòng họ Từ, làng Xuân Trạch, thế kỷ XIX đã có các vị: Từ Đức Cường đậu cử nhân khoa Canh Ngọ - Tự Đức (1870), làm quan đến Bố chánh Sơn Tây. Từ Khắc Bình đậu khoa Tân Dậu - Tự Đức 14 (1861), làm quan đến Tri huyện: Từ Khắc Doãn đậu khoa Kỷ Mão - Tự Đức 32 (1879). Các vị đã thành danh, được sách sử ghi chép[3], thế nhưng các tác giả đãkhông biết lại không chịu nghiên cứu nên đưa ra một "Danh sách tiến sĩ" vừa thiếu lại vừa sai. Ở trang 98 lại còn viết "Số học sinh giỏi xuất sắc ngày càng nhiều, tiêu biểu như: Bành Tiến Long, Bành Đức Phú (xóm 9), Nguyễn Xuân Bình (xóm 10)". Các vị lấy tiêu chí nào để xếp các em học sinh này vào sách lịch sử?.
Ngay trước đó, tr.17, mục Giáo dục khoa cử, các tác giả nhận định: "Mặc dùkhông được đánh giá là vùng đất hiếu học…". Nhưng ngay trang sau (tr 18) lại viết: "Đội ngũ trí thức cách mạng của Nam Cường tăng lên nhiều lần, nhiều người trở thành tiến sĩ khoa học, giáo sư, phó giáo sư, con số tốt nghiệp đại học trong nước, ngoài nước phải lên đến hàng trăm". Sao lại tự vả vào mình thế này!.
Viết về lịch sử giáo dục khoa cử nhưng tác giả không hề nhắc đến hàng trăm công dân Nam Cường các thế hệ đã được học hành ở các trường Tân Dân, Huỳnh Thúc Kháng, cấp II Nam Dương (Chợ Rồng), cấp II Nam Phúc, cấp III Nam Đàn, cấp III Nam Đàn 2… là một thiếu sót.
Cũng trong sách này những sự kiện quan trọng, như cải cách ruộng đất, được viết hết sức sơ lược. Với giọng văn báo cáo, cuốn sách đưa ra con số "hơn 30 địa chủ" và cho đó là "Cải cách ruộng đất thắng lợi" nhưng đến công tác sửa sai thì không đưa ra con số nào cả. Những người bị oan sai, bị đấu tố và xử bắn cũng không được nêu lên.
Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt cũng chỉ được chép lại sơ sài. Các tổ chức quần chúng do Đảng bộ lãnh đạo như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Đội thiếu niên tiền phong đều vắng bóng. Trung đội dân quân tự vệ xã Nam Thịnh do ông Chu Tường làm xã đội trưởng, đã chiến đấu dũng cảm, bắn máy bay Mỹ trên bầu trời địa phương nhiều trận; Các trận địa ven sông Lam rải rác từ xóm Gát, Lạc Thiện. Bến đò Cố Xin, Bãi Sậy, Hội Hai, Bại Bói… nhiều lần cả ngày lẫn đêm nổ súng chiến đấu, nhưng "Lịch sử Đảng bộ…" không biết đến.
Ngay cả việc máy bay Mỹ nhiều lần ném bom giết hại nhân dân Nam Cường rất dã man cũng chỉ được chép lại sơ lược qua loa.
Vì thiếu kiến thức văn hoá và lịch sử, cộng với sự cẩu thả, vô trách nhiệm, dẫn đến việc ( tr 40) các tác giả trong phần viết về phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh có nhiều sai – sót. Tôi xin dẫn trường hợp Bài ca Cách mạng:
Sách viết: "Giai đoạn này (1930-1931), hoạt động sáng tác theo thể loại dân gian nhằm kêu gọi, thúc giục nông dân đứng lên được ra đời như:
…"Nam Đàn Nghi Lộc, Hưng Nguyên
Phủ Anh, Phủ Diễn, Quỳnh Yên dậy rồi
Không có lẽ ta ngồi chịu chết
Bảo cùng nhauta quyết một phen
Tổng nào xã ấykết liền
Ta hò ta hét ta lên thử nào
Trên gió cả cờ đào phất thẳng
Dưới đồng bằng giấy trắng tung ra
Phen này quyết chí xông pha
Nó tung đạn sắt ta ra gan vàng
(Những chữ in nghiêng là chữ vô nghĩa, ngớ ngẩn, sai.)
Chắc chắn đây không phải "thể loại dân gian" mà đây là tác phẩm của Đặng Chính Kỷ (Đặng Văn Chiêm, 1891-1931) quê ở xã Nam Hoành (Nam Đàn), con trai Thượng thư bộ Lễ, cụ Đặng Tế. Đồng chí Đặng Chính Kỷ là bí thư của Huyện uỷ Nam Đàn (10/1930). Ông bị giặc Pháp bắt, tra tấn và đã hy sinh ngày 27/5/1931 tại nhà lao Vinh. Tác phẩm của ông như sau:
Bài ca cách mạng
Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước
Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên
Nam Đàn Nghi Lộc Hưng Nguyên
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi
Không có lẽ ta ngồi chịu chết
Phải cùng nhau cương quyết một phen
Tổng này xã nọ kết liên,
Ta hò, ta hét, thét lên thử nào
Trên gió cả cờ đào phất thẳng
Dưới đất bằng giấy trắng tung ra
Giữa thành một trận xông pha
Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng[4]
* * *
Cuốn sách này viết ẩu, viết sai, có vô số lỗi về nội dung; Đó là chưa kể lỗi chính tả, câu, lỗi ngữ pháp và lỗi kỹ thuật mà hầu như trang nào cũng có. Cả nước có hàng trăm nghìn Đảng bộ, nếu Đảng bộ nào cũng có những "Tác phẩm" như thế này thì tốn kém, lãng phí biết bao nhiêu là tiền của, công sức mà chẳng mang lại kết quả, lợi ích gì. Hơn thế, sẽ sách vô cùng có hại cho thế hệ sau khi tra cứu nó.
Chính những cuốn sách này đã làm sai lạc, thậm chí là xuyên tạc lịch sử. Nhân đây, chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại việc viết sách lịch sử các địa phương hiện nay đang rất rầm rộ./.
[1]Đầu thế kỷ XX có một lạch nước rộng chảy từ làng Xuân Trạch xuống Đức Tùng (Đức Thọ - Hà Tĩnh). Để nối 2 xóm của làng Long Xuyên có 1 cây cầu (gần đường xe lửa bây giờ) tên là cầu Và, do đó làng phía trên (thượng) cầu có tên là Kiều Thượng, làng dưới( hạ) cầu là Kiều Hạ là hai xóm độc lập với nhau.
[2]Xem Lê Đình Cúc. Quê hương. Trưởng thành trong kháng chiến và đổi mới. NXB Văn hoá Thông tin, H. 2007, tr.274.
[3]Đào Tam Tỉnh,Khoa bảng Nghệ An (1075-1919), NXB Nghệ An, 2005, tr.309.
[4]Trưởng thành trong kháng chiến đổi mới, tập II. NXB Văn hoá Thông tin, H. 2009, tr.46.