Dãy non Hồng nhấp nhô trùng điệp
Dòng Lam giang uốn khúc quanh quanh
Một màu nước biếc non xanh
Một miền sơn thủy như tranh họa đồ
Cũng không chỉ nói về một bề dày lịch sử với những dấu tích bi thương & oai hùng qua những thử thách gian nan chống chọi với thuỷ- hoả- đạo - tặc. Quê hương còn là những khúc dân ca mộc mạc mà ân tình, mênh mang mà sâu lắng, đằm thắm mà dung dị, nó gắn bó mật thiết với con người qua bao thăng trầm lịch sử. Dầu vật đổi sao dời, dầu đi xa nơi chân trời góc bể, nhưng mỗi khi nghe những âm điệu dân ca gần gũi thân quen nơi quê nhà vang vọng, hẳn trong sâu thẳm cõi lòng những người con xa xứ lại trào lên bao nỗi niềm thương nhớ, với những ký ức buồn vui ngọt bùi cay đắng. Phải chăng dân ca là tinh hoa của đất mẹ, là hồn nước là tình quê:
Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa là tình ai ơi!
Câu ví giặm quê ta như người bạn đồng hành qua bao thăng trầm lịch sử và toả rộng không gian mênh mông đất trời xứ sở, mặc cho gió dập mưa vùi, mặc cho nắng thiêu lửa đốt vẫn thuỷ chung son sắt với người. Tuy nay, người và đời đó cú nhiều đổi thay, nhưng người và đời vẫn quyện chặt với dân ca, bởi dân ca chỉ bồi đắp cho tâm hồn người trong sáng hơn, tâm tính người thánh thiện hơn, phẩm chất người cao đẹp hơn, cuộc sống đời tươi vui hơn - cuộc sống yêu thương và tranh đấu.
Câu ví giặm quê mình, vừa ân tình sâu lắng, vừa trang trải mênh mang, vừa đượm đà dung dị. Nó không có cái dáng vẻ kiêu sa lộng lẫy như nàng công chúa nơi lầu son gác tía, hay yểu điệu thướt tha như cac tiểu thư chốn phồn hoa tráng lệ. Nó chỉ như cô thôn nữ thoang thoảng gió nội hương đồng, thoáng nghe tưởng không có gì rung động, nhưng nghe lâu lâu mới thấm đượm tình người. Tình trong câu ca cũng như :
“Tình xứ Nghệ không mau
Nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ, quen lâu
Càng tình sâu nghĩa nặng”... (Thơ Huy Cận)
“Khúc dân ca sâu lắng quê nhà” (trong bài hát An Thuyên), mỗi khi nghe những âm điệu gần gũi thân quen ấy vang lên, bỗng dưng trong ta - những người con xứ Nghệ như được khơi dậy những tình cảm bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình, lòng ta thêm yêu mến quê hương non nước và con người xứ Nghệ. Phải chăng cái tinh tuý trong hồn nhạc dân ca, chính là sự thăng hoa của tâm hồn và cốt cách người Nghệ Tĩnh, được tích tụ từ xa xưa mà Huy Cận đã từng thổ lộ:
“Nghe câu hò ví giặm
Càng lắng lại càng sâu
Như sông Lam chảy chậm
Đọng bao thuở vui sầu” (Thơ Huy Cận)
Bác Hồ muôn vàn kính yêu lúc sinh thời, sau nửa thế kỷ xa cách quê hương tìm đường cứu nước, Người đã tiếp cận với nhiều nền văn hoá Đông Tây kim cổ, thế nhưng khi trở về cố hương, Bác vẫn không quên một câu phường vải, một điệu đò đưa. Phải chăng :
“Thuở ấu thơ Bác đã đi
Suốt chiều dài câu ví giặm
Thuở ấu thơ Bác đã sống
Suốt chiều rộng câu dân ca” (Ca từ trong bài hát của An Thuyên).
Câu dân ca như là dòng sữa mẹ, đã nuôi ta từ tấm bộ mà lớn lên, bồi đắp cho ta trí tuệ và tõm hồn, tình yêu và lẽ sống, khoác cho ta đôi giày vạn dặm, chắp cho ta đôi cánh đại bàng tạo đà bay xa và bay cao mãi mãi...
Ví giặm quê ta đến với mọi nhà, khi trăng thanh gió mát, bạn bè giao du để tâm đắc tán thưởng văn chương chữ nghĩa, để thi thố tài năng ứng tác; đến bên những gốc đa giếng nước nơi trai gái trao tình; đến với những đêm trường khi mẹ dòng lệch gối; đến khi mùa gặt hái, khi thời vụ cấy cày, khi thuyền ngược thuyền xuôi, khi vào lộng ra khơi, khi vượt suối băng đồi, khi hội hè đình đám...
Dân ca xứ Nghệ cấu trúc tuy đơn giản nhưng giàu sức biểu cảm mang tính đa dùng. Sự đa dạng phong phú của nó không chỉ được biểu hiện ở tiết tấu sôi nổi lạc quan khoẻ khoắn ở các điêụ hò; đậm đà sâu lắng, trang trải mênh mang ở các điệu ví; kể lể khuyên răn, pha hài hước dí dỏm ở các điệu dặm, mà cái chính là bố cục của nó theo khúc thức mở nên chuyển tải được nhiêù nội dung văn học.
Để xây dựng một nền văn nghệ Việt nam đậm đà tính dân tộc, giàu sắc thái vùng miền, nhất thiết phải coi trọng việc sưu tầm, nghiên cứu và phát huy nguồn văn hoá văn nghệ dân gian nói chung, dân ca nói riêng. Việc này phải được tiến hành khẩn trương, bởi vì dân ca chỉ tồn tại đồng thời với sự tồn tại của các nghệ nhân dân gian, những người được vinh danh là báu vật nhân văn sống. Phần lớn những nghệ nhân đó đều đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm" gần đất xa trời, nếu không kịp thời khai thác thì e rằng vốn cổ quý báu ấy sẽ đi theo các cụ về thế giới bên kia, vậy là ta không chỉ mắc lỗi với cha ông, mà còn mắc lỗi với cả con cháu sau này.
Ý thức được điều đó, nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu VHDG nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng như các ông: Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Trần Hữu Thung, Lê Hàm, Đào Việt Hưng, Lê Quang Nghệ, Hoàng Thọ, An Thuyên... đã có nhiều đợt điền dã khắp các miền quê Nghệ Tĩnh để sưu tầm khai thác. Riêng Đoàn Dân ca tỉnh, ngay từ khi mới thành lập (đầu thập niên 70 – Thế kỷ XX), hầu hết các diễn viên và nhạc công đều đã thực hiện chế độ "3 cùng" với các nghệ nhân dân gian (cùng ăn + cùng ở + cùng học hát, học múa, học đàn) trong nhiều đợt điền giã, có những đợt "nằm vùng" suốt nhiều tháng liền. Những tư liệu sưu tầm khai thác được, qua nghiên cứu phân tích hệ thống hoá, ta có thể quy lại mấy thể hát sau đây:
I. Thể hát ví. Ví có những làn điệu tiêu biểu như: ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví trèo non, ví ghép, ví mục đồng... Nhưng chỉ có 4 điệu ví tiêu biểu nhất cho 4 không gian diễn xướng, ấy là: Ví đò đưa (môi trường sông nước), Ví đồng ruộng (môi trường đông quê), Ví trèo non (môi trường núi non), Ví phường vải (môi trương thôn xóm). Ví thuộc thể ngâm vĩnh, theo phương pháp phổ thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể. Ví thường là hát tự do, không có tiết tấu theo khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tuỳ thuộc vào vần thơ (ca từ) bằng hay trắc, câu ca nhiều từ hay ít từ. Tình điệu (tính biểu cảm) thì tuỳ vào môi trường bối cảnh, không gian thời gian và trạng thái tâm lý của người hát. Âm vực của ví thường không quá một quảng 8. Đặc tính chung của ví là trữ tình, âm điệu nghe trang trải mênh mang, sâu lắng ân tình, xao xuyến bâng khuâng tha thiết. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.
II . Thể hát giặm . Giặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ/vè 5 chữ), nói cách khác thì giặm là thơ ngụ ngôn/vè nhật trình được tuyền luật hoá. Giặm có những làn điệu như: Giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm xẩm, giặm nối... Khác với ví, giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường một bài giặm có nhiều khổ hát, mỗi khổ có 5 câu (câu 5 điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ (không kể phụ âm đệm). Tuy vậy, cũng có những bài giặm/vè không phân khổ rõ ràng, mà cứ hát một lèo, có khi đến hàng chục câu, và mỗi câu cũng không nhất nhất 5 chữ mà có thể là 4 chữ hoặc 6, 7, 8 chữ (do lời thơ biến thể). Đặc tính chung của giặm là tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn phân trần bày giải, cũng có khi dí dỏm khôi hài châm biếm trào lộng, và cả trữ tình giao duyên.
III. Thể Hò. Hò có những làn điệu như : Hò dô, hò khoan đi đường, hò dật (xeo gỗ),, hò đầm đát, hò trên sông, hò tình tang... Điệu thức hò thường mang màu sắc trưởng với quảng 4 đúng đặc trưng nghe rất sáng và khoẻ. Khúc thức hò thường kết cấu 2 đoạn, đoạn I cho người "xướng" tự do theo thể thơ dân tộc, đoạn II cho tập thể "xô" bằng các phụ âm hò- dô- khoan, theo tiết tấu đều, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong lao động, đấy là cách thức “nhất hô bách ứng" rất có hiệu quả. Đặc tính chung của hò là mô phỏng các nhịp điệu lao động. Tuy vậy, vẫn có khi là hò hài hước và cả hò trữ tình giao duyên.
IV. Các thể hát khác. Ngoài 3 thể hát nêu trên, dân ca xứ Nghệ còn có những điệu hát khác như: Hát ru, hát đồng giao, hát sắc bùa, hát cầu đồng tế lễ, hát báo ân, làn dọc, làn tiên, ngâm thơ, lẩy Kiều, hát xẩm, hát ca trù, hát Tuồng - Chèo... Các thể hát này chỉ một số ít làn điệu có nguồn gốc Nghệ, còn phần nhiều là xuất xứ từ các vùng miền khác du nhập vào đây, qua sự giao thoa trong thời gian dài, dần dần được Nghệ hoá ít nhiều, do vậy mà gọi là "hệ lai". Nhìn chung hệ lai rất phong phú về chủng loại, đa dạng về kết cấu điệu thức, âm sắc có nhiều nét mới lạ.
V. Môi trường & tính chất diễn xướng của dân ca xứ Nghệ
Qua tìm hiểu và nghiên cứu về không gian môi trường và tính chất diễn xướng ta có thể nói rằng : Dân ca xứ Nghệ là một hình thái Văn hóa dân gian, chứ không hẳn là một hình thái nghệ thuật dân gian. Nó có nhữngtính phổ quát sau đây:
1. Hát gắn với không gian và môi trường lao động khi cấy cày gặt hái, đắp đập đào mương, chăn trâu cắt cỏ (môi trường đồng quê); tung chài kéo lưới, chèo chống thuyền bè, đánh bắt hải sản (môi trường sông nước); đốn củi đốt than, bứt tranh, kéo gỗ, bóc măng, làm rãy- khai thác lâm sản (môi trường rừng núi); ru con ru cháu, quay tơ dệt vải, đan lát, làm thủ công mỹ nghệ (môi trường xóm thôn, trong nhà).
2. Hát mang tính du hý vào những dịp hội hè tết nhất đình đám, hoặc những đêm trăng thanh gió mát bạn bè giao du thưởng ngoạn, thi thố tài năng ứng tác văn chương chữ nghĩa.
3. Hát mang tính giao duyên giữa những lứa đôi trai gái để thổ lộ tâm tình, để gửi gắm niềm thương nỗi nhớ, để kén chọn trai tài gái đảm, tìm bạn trăm năm.
4. Hát mang tính tự tình, nghĩa là mượn câu hát để bộc lộ nội tâm, những nỗi niềm sâu kín, những uẩn khúc cuộc đời, những mảnh tình dang dở, những số liếp long đong …
5. Hát mang tính tự sự.Tức là dùng hình thức kể vè để thuật lại những sự việc xẩy ra trong làng ngoài xã, hoặc kể về một sự tích, một giai thoại nào đó, hoặc để biểu dương người tốt việc tốt, hay là phê phán những thói hư tật xấu, hoặc là để biểu thị sự bất bình xã hội, lên án lũ cường quyền áp chế, bọn Đế quốc thực dân…
6. Hát mang tính chất tâm linh. Tức là hát trong thờ cúng, tế lễ, cầu vong, cầu đồng, phù thuỷ, làm chay làm đàn...
7. Tính chất giáo huấn. Thông qua câu hát để dạy bày khuyên nhủ người đời về những điều hay lẽ phải, về thuần phong mỹ tục, về đạo lý nhân nghĩa, về tôn sư trọng đạo, về tứ đức tam tòng, về lệ làng phép nước, về ái quốc trung quân, về anh hùng nghĩa khí…
8. Tính chất hành nghề (mưu sinh) đối với các phường trò chuyên nghiệp hoá, hoặc ở các gánh hát ca trù, các ông xẩm hát rong và các ông thầy cúng.
9. Tính bác học. Do các bậc nho sĩ trí giả tham gia vào chủ thể sáng tạo (như Nguyễn Du, Phan Bội Châu ... chẳng hạn)
10. Tính đa dùng. Nghĩa là nó giàu tính biểu cảm, cùng một cốt nhạc (một làn điệu) có thể chuyển tải được rất nhiều nội dung văn học, nhiều đối tượng miêu tả, nhiều sắc thái tình cảm. Đây có lẽ là một đặc tính nổi trội của dân ca hò ví dặm.
11. Tính phổ cập rông rãi. Hầu như khắp mọi miền quê, già trẻ trai gái ai ai cũng có thể hát được, bất kể không gian & thời gian nào.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY, PHÁT TRIỂN DÂN CA XỨ NGHỆ
I. Về bảo tồn. Xưa kia, sự trao truyền dân ca chủ yếu bằng phương thức truyền miệng, người già truyền cho người trẻ, người biết nhiều truyền cho người biết ít. Vả lại hò ví giặm là thể hát bình dân, là một hình thức văn nghệ tự cung tự cấp “cây nhà lá vườn”, nên ai cũng có thể hát, ai cũng có thể tự sáng tác ngẫu hứng, bởi thế mà nó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngoài phương thức truyền khẩu kể trên, hàng chục năm qua các nhà hoạt động VHVN dân gian xứ Nghệ đã cất công điền giã và đã sưu tập hầu hết các làn điệu dân ca, đã in ấn nhiều tập bản phổ, nhiều cuốn sách về dân ca (cả nhạc & văn - ca từ); đã giới thiệu trao đổi, phổ biến truyền dạy dân ca trên sóng PTTH của địa phương & TW; đã tập huấn dân ca cho toàn ngành giáo dục, tổ chức các cuộc thi hát dân ca giữa các trường phổ thông; thành lập nhiều câu lạc bộ dân ca ở cơ sở, tổ chức các liên hoan hội diễn dân ca trong toàn tỉnh; mở các khóa đào tạo diễn viên dân ca tại trường cao đẳng VHNT tỉnh và tại Nhà hát dân ca; thâu in và phát hành rộng rãi nhiều băng đĩa CD, VCD các chương trình dân ca...
Tuy nhiên, phương cách bảo tồn dân ca chân xác nhất vẫn là duy trì các hình thức diễn xướng trong môi trường dân dã tự nhiên nguyên bản, thế nhưng hiện nay hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội đã có nhiều biến đổi không còn như xưa nữa. Thực hiện điều đó không phải dễ. Để bảo tồn hình thái văn hóa dân gian này, một mặt cần tìm cách duy trì hình thức diễn xướng cổ xưa, mặt khác phát triển các câu lạc bộ dân ca cơ sở trong toàn tỉnh, phục dựng lại nguyên dạng các hình thức diễn xướng dân gian trên sông nước, trên ruộng đồng, trên núi non, trong thôn xóm & trong nhà. Chẳng hạn như: tổ khúc hò lao động (hò đắp đê, hò bơi thuyền trên sông, hò xeo gỗ, hò đi đường…), cảnh hát ví giao duyên, cảnh hát giặm xẩm, hát giặm ru (Mẹ giòng than thở cùng con), hát giặm kể (Phụ tử tình thâm), đặc biệt là hát phường vải, một hình thức diễn xướng có lề lối bài bản rất đặc sắc. Ngày xưa hát phường vải không hẳn là để khoe giọng các “ca sĩ”, cũng không phải để khoe nhạc điệu hay, cái chính là để thử tài đối đáp, thi thố tài năng ứng tác văn chương chữ nghĩa, kiến thức điển tích giữa đôi bên trong cuộc hát. Vả lại trai thanh gái lịch đi hát phường vải không chỉ là để bộc lỗ tài năng, thỏa mãn nhu cầu văn hóa mà còn do nhu cầu trao đổi tâm tình kết bạn giao duyên. Bởi vậy mà nó có sức lôi cuốn đến kỳ lạ, chỉ có vài làn hát đơn điệu thôi, thế mà họ đối đáp với nhau thâu đêm suốt sáng vẫn không nhàm chán. Cũng từ cái nôi dân ca ví giặm này đã nảy nở nhiều nghệ nhân danh tiếng, được Hội VNDGVN suy tôn phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho trên 50 cụ. Chỉ tính riêng Nam Liên - Nam Đàn có hơn chục cụ trên 90 tuổi được phong tăng như: Cụ Em, cụ Tam, cụ Ut, cụ Nhuận, cụ Tư, cụ Hào...
Dân ca Nghệ Tĩnh có những cái hay cái độc đáo về nhiều phương diện, song cũng có những mặt hạn chế, chẳng hạn như: các làn điệu hơi trùng lặp na ná nhau, khúc thức hơi đơn giản, nhạc điệu thiếu bay bổng trẻ trung sôi nổi, trong diễn xướng thì thiếu sự kết hợp giữa dân ca với dân nhạc và dân vũ. Tuy vậy, sức sống dân ca không chỉ nhìn vào số lượng làn điệu nhiều hay ít, khúc thức và điệu thức phức tạp hay giản đơn, điều cốt yếu là ở tính năng biểu cảm của nó. Chính nhờ lối cấu trúc mở rất đặc sắc nên dân ca hò ví giặm hàm chứa một tiềm năng to lớn cho sự khai thác ứng dụng rộng rãi. So sánh với dân ca các vùng miền khác như Quan họ hay Lý Nam bộ chẳng hạn, mỗi điệu hát chỉ có một lời ca duy nhất. Còn hò ví giặm thì có vô số ca từ trên một làn điệu. Điều đó nói lên tính năng biểu cảm đa sắc thái của nó. Cũng do tính năng đặc sắc ấy mà mấy chục năm qua hò ví giặm đã được khai thác phát triển rất phong phú & đa dạng (sẽ đề cầp ở mục dưới).
II. Về phát huy & phát triển. Song song với việc duy trì các hình thức diễn xướng nguyên xi các bài bản cổ, chúng ta còn khai thác ứng dụng những cách thức kế thừa và phát triển sau đây:
a. Phát huy bằng hình thức"bình cũ rượu mới".Nghĩa là từ làn điệu gốc rồi soạn lời mới bằng các tiết mục đơn ca, đối ca, tốp ca, hoạt ca, hoạt cảnh có nội dung hiện thực. Chẳng hạn như: Ngô khoai tranh đấu, Chiếc xe đầu, Trước lúc lên đường, Giặt áo bên phà Bến Thủy, Thần sấm ngã, áo xanh càng thắm áo nâu càng bền, Dâng Người câu ví làng Sen, Đẹp lắm quê mình, Hành hương về quê Bác, Xứ Nghệ quê tôi, Vững một niềm tin... Phương cách này rất thịnh hành trong văn nghệ quần chúng suốt hàng chục năm qua, cần khuyến khích tiếp tục
b. Phát triển thành ca khúc mới.Tức là lấy chất liệu dân ca ví giặm rồi phát triển thành những ca khúc mang hơi thở và nhịp sống đương đại. Ta có thể kể ra hàng loạt những ca khúc nổi tiếng được đông đảo công chúng ưa thích như: Xa khơi, Đào công sự, chào em cô gái Lam Hồng, Cô dân quân làng Đỏ, Câu hò trên đất Nghệ an, Tiêng hát sông Lam, Trông cây lại nhớ đến Người, Từ làng Sen, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Người về thăm quê, Giữa Mạc tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ gỗ, Hương cau vườn Bác, Về hôi làng Sen, Ân tình xứ Nghệ, Mời bạn về thăm xứ Nghệ quê tôi... Nhiều ca khúc kể trên đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng, nay vẫn đang phát triển nhiều ca khúc loại này.
c. Phát triển bằng hình thức sân khấu hóa(kiểu như Cải lương, Ca kịch Huế, Ca kịch bài chòi khu 5).
Qua hàng chục năm nghiên cứu và thể nghiệm sân khấu hóa dân ca ví giặm, với hàng chục vở lớn nhỏ đủ các thể loại bi hài hùng như: Không phải tôi, Khi ban đội đi vắng, Cô gái sông Lam, Đầu bến sông, Hoa đất, Trắng hoa mai, Vụ án kỳ lạ, Đốm lửa núi Hồng, Mai thúc Loan, Bão táp cửa Kỳ Hoa, Ông vua hóa hổ, Linh hồn của đá, Lời thề thứ 9, Hai ngàn ngày oan trái, Quyền được hạnh phúc... Sau Hội diễn sân khấu 1985 kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã nghiễm nhiên trở thành một thành vỉên mớí trong đại gia đình kịch hát dân tộc Việt nam. Từ đó đến nay Nhà hát dân ca Nghệ an (và Hà Tĩnh) lại tiếp tục dàn dựng nhiều vở nổi tíêng khác, được công chúng rất mến mộ & được tặng nhiều giải thưởng cao tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp.
Như vậy, rõ ràng dân ca ví gịăm không những được bảo tồn nguyên bản mà còn có những bước phát triển về chất, đó là sự chuyển hoá từ hình thức ca hát dân gian, đến ca nhạc chuyên nghiệp, rồi ca kịch sân khấu. Từ những cách thức phát huy phát trển dân ca ví giặm nêu trên đã nẩy nở nhiều nghệ sĩ tài danh, được Chủ tịch nước phong tặng NSND, NSƯT cho hàng chục diễn viên chuyên nghiệp như: Hồng Lựu, Song Thao, Xuân Năm, Đức Duy, Hồng Năm, Danh Cách, Đình Bảo, Tiến Dũng, Lệ Thanh, Ngọc Hà, Hồng Dương, Đình Toàn, An Phúc, Minh Tuệ...
Chúng ta đều biết rằng dân ca thuần tuý chỉ tồn tại trong môi trường diễn xướng dân gian, âm điệu thường mang sắc thái trữ tình., nhưng khi đưa dân ca vào sân khấu kịch hát tức là sân khấu hóa dân ca, buộc dân ca phải chuyển tải một nội dung lớn hơn, sâu sắc hơn, đa dạng tính cách hơn, nhiều tâm trạng phức tạp hơn, tầm tư tưởng lớn hơn, khi ấy người hát không còn là cái “tôi” chính mình như diễn xướng dân gian nữa, mà là mang cái “tôi” của nhân vật, Hát sân khấu là hành động, là nội tâm, là tính cách. Vả lại nghệ thuật sân khấu, (nhất là sân khấu kịch hát dân tộc) là nghệ thuật tổng hợp, các thành tố tạo nên kịch chủng có mối quan hệ biện chứng. Để biểu đạt các hình tượng sân khấu một cách hài hòa nhất quán phong cách kịch chủng, người nghệ sĩ còn phải biết ứng dụng thành thục các yếu tố mang tính nguyên hợp (lời thoại - hát - múa - diễn xuất) trong các vai diễn, lớp diễn. Tuy nhiên, không phải dân ca nào cũng có thể sân khấu hoá được, mà chỉ có nền dân ca ít nhiều mang tính tự sự và tính đa dùng, với hình thức kết cấu mở, không định hình chốt chặt, dành những khoảng trống cho nghệ sĩ sáng tạo, vận dụng ngứ khí ngữ điệu để co dãn tiết tấu, bẻ làn chắp điệu, nhằm khắc hoạ tính cách và biểu đạt tâm trạng nhân vật kịch, mới hy vọng thành công. Trong quá trình sân khấu hóa, nếu ta chỉ giới hạn trong mấy làn điệu cổ thì không thể nào đáp ứng được tính đa dạng của sân khấu, do vậy ngoài việc ứng dụng các làn điệu gốc, các nhạc sĩ - nghệ sĩ còn phải sáng tạo thêm những bài bản mới theo các tiêu chí sau:
+ Chất liệu phải đậm đà âm hưởng dân ca ví giặm
+ Cấu trúc theo khúc thức dân gian
+ Biểu đạt được tâm trạng hoặc tính cách nhân vật
+ Ca từ dựa theo các hể thơ dân tộc.
Nhiều bài bản mới sáng tạo theo các tiêu chí trên rất có hiệu quả sân khấu. Xin nêu dẫn chứng:
- Biểu đạt tâm trạng nhân vật có các bài bản: Dận mà thương, Hát khuyên, Đại thạch, Tứ hoa, Xẩm Nghệ, Khóc cha, Một nắng hai sương, Nghe lúa reo, Em giữ lời nguyền, Chim ơi, Cay đắng tủi sầu, Cuộc đời nổi trôi, Chỉ còn phút giây, Tình sâu nghĩa nặng ...
- Biểu đạt tính cách nhân vật có các điệu: Con cóc, Xoay xở, Lập lờ, Lập loè, Trời khuya, Lý xạo, Đi rao, Khen thầy tài, To gan, Ngang ngược, Uất ức, Quan khoe võ, Chồng chềnh, Sinh sự - sự sinh ...
- Hát tạo không khí có: Nổi trống lên, Gốc lúa quầng trăng, Dậy mà xem, Hò vượt sông, Đứng thẳng người lên, Hò bơi thuyền...
Qua những điều kể trên, chứng tỏ rằng việc sưu tầm nghiên cứu, bảo tồn & phát huy dân ca xứ Nghệ trong hơn nửa thế kỷ qua đã đạt nhiều thành tựu rất đáng biểu dương, chúng ta chẳng những đã bảo tồn tốt di sản để trao truyền cho các thế hệ sau mà còn phát huy phát triển di sản ấy bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng đương đại, như vậy phương châm “Học xưa vì nay” là đúng đắn. Từ những thành tựu kể trên cho ta niềm tin để tiếp tục sự nghiệp đạt nhiều thành tựu mới. Sức sống bất diệt của dân ca Nghệ Tĩnh là niềm tự hào của chúng ta./.
*Nhạc sĩ, nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca Nghệ An. Người sáng lập Đoàn dân ca Nghệ An từ đầu thập niên 70, đồng thời là Trưởng đoàn - chỉ đạo nghệ thuật cho đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX.