Người xứ Nghệ

Nhà thơ Xuân Tửu [1925 - 1995]

Nhà thơ Xuân Tửu, tên đầy đủ là Đinh Xuân Tửu, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1925, quê ở xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông còn có những bút danh khác như Văn Lâm, Kì Phong, Thành Lễ, Tô Huyền An. Thuở nhỏ, ông học trường Tiểu học Đức Thọ, Trung học ở Vinh rồi tốt nghiệp bậc Thành chung. Ông vào làm công chức ở Nam Trung Bộ và tham gia hoạt động cách mạng thời tiền khởi nghĩa ở Buôn Mê Thuột. Sau ngày giành chính quyền, ông về quê nhận công tác Bình dân Học vụ và Thông tin Tuyên truyền của huyện Đức Thọ, đồng thời giảng dạy ở trường Trung học Trần Phú. Sau đó, ông được điều động ra làm cán bộ tuyên truyền của Liên khu IV, rồi về làm Phó Trưởng ti Tuyên truyền tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1957, ông ra Hà Nội làm Chánh văn phòng Hội Văn nghệ Việt Nam, công tác tại Tuần báo Văn nghệ, làm cho Ban Biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa), Biên tập viên của Nhà xuất bản Văn hóa cho đến khi nghỉ hưu (1995). Tiếp đó, ông còn vào thành phố Hồ Chí Minh cộng tác với báo Công giáo và Dân tộc, đồng thời tiếp tục sáng tác, dịch thuật. Các tác phẩm văn học của ông được xuất bản ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Xuân Tửu sống nhân hậu và khiêm nhường.Dù ông tên là “Xuân Tửu” nhưng cả đời ông sống cần kiệm, không uống rượu, không hút thuốc, cần cù làm việc, được mọi người yêu mến. Chính những đức tính đó đã rất thích hợp để ông trở thành một nhà thơ thiếu nhi. Ông lại là người rất yêu và biết chiều con trẻ. Với tình yêu đó và tài quan sát, Xuân Tửu đã phát hiện được những tứ thơ hay trong cuộc sống xung quanh các em, kể lại bằng những lời giản dị, trong sáng với các em, và được các em yêu mến. Có thể nói rộng ra rằng, với ông, mọi hoạt động làm thơ, viết truyện, phê bình, tiểu luận, dịch thuật… đều vì trẻ em, cho trẻ em. Hoàng Nguyên Cát(1918 - 1999), một nhà văn thiếu nhi nổi tiếng cùng quê Đức Thọ, viết về Xuân Tửu như sau: “Mỗi bài thơ của anh nếu được đọc qua lăng kính của lòng yêu trẻ, có thể được coi như một làn sữa vắt từ vú mẹ ra, có thể vừa, có thể nhạt, có thể loãng, nhưng vẫn mang hơi ấm của tình mẹ và chất dinh dưỡng thơm lành cần cho trẻ lớn lên, đáng được trân trọng và đánh giá thỏa đáng”. Có lẽ vì vậy, mảng văn học cho thiếu nhi, đặc biệt là thơ thiếu nhi của Xuân Tửu,được đánh giá là thành công nhất trong sự nghiệp văn chương của ông.

Về công việc của mình, ông có lời “tự bạch” như sau:

Kinh nghiệm lớn nhất của đời tôi là: Nhà văn phải học, học luôn không bao giờ chán. Kinh nghiệm thứ hai: Muốn dịch văn học tốt trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ. Kinh nghiệm thứ ba: Nhà văn Việt Nam nhất thiết phải biết (ít nhiều) chữ Hán (Hán Nôm). Kinh nghiệm sống: Cần kiệm (nhất là phải biết quý trọng thời gian), không uống rượu, không hút thuốc, phải có ít nhất hai người bạn thân (để thành thật góp ý cho mình). Tác phẩm tôi tự thấy vừa ý nhất là: Tập thơ Em vẫn là Em… đã được nhiều nhà phê bình, các bạn thơ và độc giả gửi thư khen”.

Trong quãng đời hoạt động văn học của mình, Xuân Tửu có trên 30 đầu sách được xuất bản, phần lớn là thơ văn dành cho thiếu nhi, một phần khác là dịch. Các tác phẩm chính của ông có: Đôi bạn Bình Hà(trường ca, 1956); Vợ chồng lửa và nước (dịch, 1957); Tarat Bunba (dịch, 1959); Dũng sĩ Hercule (truyện thần thoại, dịch, 1960); Đứa con (truyện, 1961); Mác - Ăngghen - Lênin và Văn học Nghệ thuật (lí luận, dịch, 1963); Kể chuyện Bác Hồ (truyện, 1965); Thời niên thiếu của Bút Chì (truyện, 1965); Trang sách Trung thu (thơ, 1970); Nhóm năm người và kho vàng trên đảo(dịch, 1984);Chuyện xảy ra trong đêm(truyện, 1987);Em vẫn là em (thơ, 1990); Văn học và tình yêu (tiểu luận, 1993);Anh chàng Tây Ban Nha (dịch, 1994); Nghệ thuật yêu thương (dịch, 1994)... Năm 2006, nhân kỉniệm 10 năm ngày mất của ông,Nhà Xuất bản Hội nhà văn đã cho ra đời cuốn Thơ văn Xuân Tửu, tập hợp những sáng tác tiêu biểu của ông.

Trong sự nghiệp sáng tác và dịch thuật của mình, Xuân Tửu đã được nhận giải Nhất về luận thuyết tại Trường Văn hóa Văn nghệ Kháng chiến Liên khu IV năm 1948 ở Thanh Hóa. Năm 1984, ông nhận Giải thưởng về Dịch thuật Văn học do Nhà xuất bản Cửu Long (Vĩnh Long) tặng cho cuốn Nhóm năm người và kho vàng trên đảo của tác giả Enid Blyton.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512062

Hôm nay

2388

Hôm qua

2337

Tuần này

22436

Tháng này

218935

Tháng qua

121356

Tất cả

114512062