- Tư duy bao cấp. Phương thức tổ chức kì thi quốc gia mang nặng tính chất bao cấp, bao biện, làm thay công việc của cơ sở. Việc đánh giá học sinh vốn là công việc, nhiệm vụ, chức năng bình thường của giáo viên và cơ sở giáo dục. Sau khi các giáo viên và cơ sở giáo dục đã hoàn tất việc đánh giá (dựa trên những tiêu chuẩn do Bộ GD – ĐT đề ra), Bộ GD – ĐT lại tiếp tục tổ chức một kì thi gọi là “Tốt nghiệp” với những môn thi và kiến thức - yêu cầu tương tự như trong chương trình mà học sinh đã được học, rồi mới chính thức cho phép Giám đốc Sở GD - ĐT kí cấp bằng Tốt nghiệp. Cách làm này nói một cách dân dã là Bộ “không tin” và “làm thay” cấp dưới. Việc tổ chức thi tốt nghiệp với tỷ lệ đậu xấp xỉ 100% rõ ràng là không cần thiết, chứng tỏ sự đánh giá của giáo viên và cơ sở giáo dục cơ bản đã trùng khớp với kết quả “sát hạch” của Bộ. Tổ chức một kì thi cồng kềnh, tốn kém và căng thẳng trong trường hợp này là hết sức lãng phí. Đối với kì thi tuyển sinh ĐH, bản chất là công việc riêng của từng trường, đáng ra chỉ cần quản lí qua ban hành cơ chế, thanh tra kiểm tra, giám sát…thì Bộ lại “nhảy vào” làm thay, “ôm việc” của các trường. Do chỉ nhăm nhăm vào công tác thi cử mà buông lỏng khâu kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng…nên hậu quả là đào tạo ra hàng vạn thạc sĩ, cử nhân nhưng khả năng thực hành kém, chất lượng thấp, không sát với thị trường lao động dẫn tới thất nghiệp tràn lan, hoặc cơ sở, DN phải đào tạo lại. Như vậy, xuất phát từ tư duy bao cấp của Bộ GD-ĐT, đã nảy sinh ra một nghịch lý là càng quản càng lỏng lẻo, càng cố làm cho chặt chẽ càng rối loạn, càng muốn cho tốt thì thực tế diễn biến theo hướng ngược lại.
-Tư duy chọn việc dễ, bỏ việc khó. Để tạo ra sự thay đổi của nền giáo dục, phải bắt đầu từ các yếu tố “gốc” gồm đội ngũ nhà giáo, nhà quản lí, cơ chế quản lí, chương trình, sách giáo khoa, điều kiện cơ sở vật chất, sự đổi mới về phương pháp, sự tích cực của môi trường giáo dục…Nhưng để thay đổi căn bản những yếu tố đó quá khó, quá sức nên Bộ GD - ĐT chọn việc dễ, dễ tạo nên sự thay đổi, đổi mới (về mặt hình thức) là khâu thi cử. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng kỳ thi quốc gia sẽ tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học (1). Nhiều người đã phân tích đây là cách làm ngược, cải cách từ ngọn chứ không phải từ gốc, vì bản chất của thi cử chỉ là khâu cuối cùng, đóng vai trò kiểm định của hệ thống giáo dục.
- Tư duy quan liêu, đại khái. Theo bà Nguyễn Huỳnh Mai, chuyên gia giáo dục tại Bỉ, thì bất cứ một dự án nào lúc soạn thảo phải đưa ra tuần tự: Tại sao cần dự án; Nội dung dự án; Nhân lực và phương tiện đã có; Nhu cầu cần thiết để thực hiện; Ngân quỹ và nguồn kinh phí; Lộ trình và lịch thực hiện; Khó khăn cần vượt qua và sau cùng kết quả dự trù(2). Trong khi đó, phương án kì thi quốc gia được Bộ GD - ĐT nêu ra một cách mơ hồ, không dựa trên những phân tích, khảo sát và dữ liệu tin cậy, chỉ nêu ra một cách chung chung là hai kì thi tổ chức liền nhau gây tốn kém, lãng phí; tổ chức kì thi với một trong 3 phương án theo đề xuất của Bộ là để chống học lệch, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh. Nhiều câu hỏi chưa có lời đáp và có thể không bao giờ có lời đáp: Thực trạng học lệch, thiếu kĩ năng của HS hiện nay ra sao? Thi tuyển sinh ĐH như trước đây thì các trường “khó khăn trong tuyển sinh” như thế nào? Hai kì thi có mục tiêu khác nhau, làm sao kết hợp thành một? Tại sao phải tổ chức ngay kì thi quốc gia trong năm 2015? Những khó khăn và hậu quả, hệ quả của kì thi quốc gia? Ai chịu trách nhiệm nếu kì thi này thất bại? Tại sao không tổ chức theo phương án bỏ kì thi tốt nghiệp và giữ kì thi tuyển sinh ĐH?... Do đó, hiện nay HS và GV đang rất hoang mang, không biết Bộ sẽ chọn phương án nào, để dạy và học cho phù hợp, khỏi bỡ ngỡ. Cũng xuất phát từ tư duy quan liêu, đại khái nên mới đây, vào ngày 28/8/2014, Bộ GD-ĐT đã bất ngờ rút đề xuất chương trình THCS 5 năm và THPT 2 năm (thay vì THCS 4 năm, THPT 3 năm như hiện nay), dù mới được đề xuất cách đó không lâu.
Vì quan liêu, đại khái nên thấy cái gì của nước ngoài có vẻ hay, tiến bộ là bê nguyên xi về áp dụng trong nước, không cần biết kết quả tốt hay xấu. Hết trắc nghiệm rồi công nghệ giáo dục, phương pháp “bàn tay nặn bột”, ra đề mở…được áp dụng theo kiểu “may thì tốt”, “sai thì sửa” để rồi không ai phải chịu trách nhiệm nếu có hậu quả.
-Tư duy dự án. Bản chất của dự án không có gì xấu, nhưng nói tư duy dự án là gắn liền với những tính toán mang tính chất vụ lợi về kinh tế, tiền nong trong việc thực hiện các mục tiêu, chương trình giáo dục. Người có tư duy dự án đề ra các kế hoạch, công việc chủ yếu với mục đích càng tiêu tiền ngân sách càng nhiều càng tốt, những tính toán cơ bản đều tập trung vào phương diện tiền nong, tiêu hết tiền là coi như xong việc. Trong khi đó, bản chất của giáo dục là tính phi vụ lợi, tính nhân bản. Đề án 34 nghìn tỷ của Bộ vừa bị phá sản từ trong trứng nước, thì mới đây Sở GD- ĐT TP HCM lại xây dựng đề án trang bị máy tính bảng cho HS với kinh phí lên tới 4 nghìn tỷ đang bị dư luận chỉ trích gay gắt. Những người có tư duy dự án rất thích dùng các từ ngữ có tính chất “đao to búa lớn” như kì thi “quốc gia”, “quốc tế” và vẽ ra nhiều mục tiêu rất to tát nhưng sáo rỗng.
Với những bất cập, hạn chế về tư duy như trên, dễ hiểu vì sao Bộ GD – ĐT trong nhiều trường hợp rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”, hoang mang không tự quyết định, dẫn đến nhiều chuyện bi hài là quyết định sớm ban hành, chiều sửa đổi hoặc bãi bỏ. Theo chúng tôi, cái cần đổi mới khẩn cấp là tư duy của những nhà quản lý giáo dục, bắt đầu từ cơ quan cao nhất là Bộ GD – ĐT.
(1). Báo Hải quan ngày 31/7/2014.
(2). Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/dien-dan38/34-000-ti-dong-cho-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa