Những góc nhìn Văn hoá

Hình ảnh Thăng Long - Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1945 - 1975

1. Thăng Long – Hà Nội là một địa chỉ quen thuộc trên bản đồ văn chương Việt Nam vì nhiều lẽ: Vì đó là thủ đô có chiều dài lịch sử 1000 năm, vì nét độc đáo của nền văn hóa kinh kỳ, vì sự gắn bó tha thiết và cả vì sự xa cách nhớ thương vùng đất ấy. Điều đặc biệt là ở giai đoạn 1954 - 1975, tại miền Nam, hình ảnh Hà Nội vẫn được thể hiện đậm nét trong nhiều tác phẩm văn xuôi.

2.   Năm 1954, hiệp ước Genève đã biến sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị thành một nhát cắt tàn nhẫn, ngăn đôi đất nước thành hai miền Nam và Bắc. Sự phân ly này tưởng chỉ hai năm nhưng đã kéo dài hơn hai mươi năm và mang theo nhiều hệ lụy bi thương mà không một dân tộc nào muốn có. Trong lịch sử, đây cũng là lần dân cư bị xáo trộn nhiều. Nguyễn Hiến Lê ghi chép rằng thời điểm 1954 có “140.000” người miền Nam ra miền Bắc tập kết và tới “860.000 đồng bào miền Bắc di cư vào Nam(1). Trong gần một triệu người Bắc vô Nam đó có gần một trăm nhà văn, nhà thơ (Tính theo cuốn Hai mươi năm – Văn học miền Nam 1954 - 1975 của Võ Phiến (2)).
Văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 phát triển trong bối cảnh chiến tranh và chia cách ấy. Tiếng nói và sự hoài niệm của những nhà văn gốc Bắc xa quê, dĩ nhiên góp phần đáng kể trong việc thể hiện hình ảnh Hà Nội; nhưng quan trọng hơn, đó còn là sự đồng vọng của cả dân tộc, đất nước hướng về cội nguồn.
Bây giờ, ngồi đọc những tác phẩm như Đêm giã từ Hà Nội của Mai Thảo, Ung thư của Thanh Tâm Tuyền, Áo mơ phai của Trần Đình Toàn, Nhớ Hà Nội của Nguyễn Mạnh Côn… chắc độc giả ít có tâm trạng, nỗi niềm như cách đây hơn 35 năm. Hà Nội chỉ có một, nhưng trong tâm hồn của những người xa Hà Nội lúc này có muôn vàn nỗi niềm khác nhau. Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Lê Tất Điều, Viên Linh, Duy Lam, Y Uyên, Thế Uyên, Phan Văn Tạo, Thanh Nam, Chu Tử, Tạ Tỵ, Duyên Anh…có thể khác với những tác giả khác ở quan điểm chính trị nhưng Hà Nội trong tình yêu và nỗi nhớ của họ không phải là không chân thành, da diết.Sau Đêm giã từ Hà Nội, Mai Thảo có nhắc đến Hà Nội trong một số tùy bút bằng một giọng văn mang âm vị Bắc rất đặc trưng, vừa giàu nhạc tính, vừa đài các, hoa mỹ; Viên Linh, Lê Tất Điều, Y Uyên, Nhật Tiến và nhiều nhà văn khác có khai thác bối cảnh Hà Nội và đưa vào tác phẩm một số chi tiết liên quan đến Hà Nội. Trong truyện ngắn có tên Thời niên thiếu của Thảo đăng trên tạp chí Văn, Viên Linh viết:
“Hà Nội, kinh thành mơ ước của chúng tôi, đêm đêm vẫn hiện ra trong tầm mắt bằng một vùng ánh sáng xanh mờ. Chúng tôi chưa từng đặt chân xuống cửa ngõ kinh thành, là Ngã Tư Sở theo đường từ quê tôi mà tới, nhưng mỗi đêm Hà Nội vẫn hiện ra bằng thứ ánh sáng huyền hoặc kia, rạng rỡ một góc chân trời, chiếu thẳng lên không trung những tia lân tinh ngọc thạch…” (3)
Nhưng trong số những nhà văn gốc Bắc hay viết về Hà Nội thì Vũ Bằng là trường hợp nổi bật. Ông không chỉ viết nhiều mà còn viết rất hay về Hà Nội, đặc biệt là ở phương diện văn hóa. Vũ Bằng không chỉ viết về Hà Nội bằng những ký ức lấp lánh của thời thơ ấu. Những trang văn của ông là sự chiêm nghiệm, thao thức của một người Hà Nội với vùng đất - vùng văn hóa mà mình đã được sinh ra, được nuôi dưỡng. Hầu hết các tác phẩm lớn của Vũ Bằng đều đề cập đến Hà Nội: Miếng ngon Hà Nội, Bốn mươi năm nói láo, Thương nhớ mười hai, Phù Dung ơi vĩnh biệt, Nhà văn lắm chuyện… Trong đó, tập Thương nhớ mười hailà bằng chứng xác đáng nhất về tình yêu Hà Nội của Vũ Bằng. Nhà văn Triệu Xuân đã từng nhận xét rất trân trọng rằng:
Thương nhớ mười hai là một trong những áng văn bất hủ viết về đất nước quê hương. Phải là một con người nặng lòng yêu thương Tổ quốc, yêu thương quê hương, yêu thương Hà Nội hơn ai hết thì mới viết được một cuốn sách hay như thế!”(4)
Hà Nội trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng là niềm thương nhớ, là sự thăng hoa của ký ức, cảm xúc; nhưng sức hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm chính là ở chỗ Hà Nội vừa rất riêng vừa là tình yêu non nước Việt nói chung. Khái niệm “quê hương” trong Thương nhớ mười hai là “quê nhà” với đúng nghĩa của nó. Suốt mười hai tháng, suốt trong những trang văn, Vũ Bằng luôn tha thiết gọi tên Hà Nội:
“… Chiều chiều đứng ở nhà Khai Trí, Tiến Đức nhìn lên cầu Thê Húc sơn đỏ ở giữa đám cây xanh đông đảo người đi lễ trong đền Ngọc Sơn trắng toát, anh cảm thấy có những lúc nước lộn lên trời, trời rơi xuống đất khi nhìn những bóng người hiện ra huyền ảo dưới làn nước xanh mơ.
Qua Ngõ Hồ là đền Hàng Trống có tiếng là “hương ngát của trời”, quá ra đến Hàng Hài là đền Quan Phước (…), ra lối Tòa Án là chùa Quán Sứ. - Ờ, chắc bây giờ mấy cây thông bách tán ở trước chùa đã lớn rồi đấy nhỉ! Thế rồi chùa Dâu, chùa Kim Cổ, đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc thờ ông thánh đồng đen, chùa Bà Đá, chùa Liên…”(5).
Với nhà văn, Hà Nội không chỉ hóa tâm hồn mà thực sự đã là những giá trị tinh thần không thể thiếu. Nhân vật xưng “tôi” trong Thương nhớ mười hai không quay về hoàn toàn với ký ức mà vẫn mang Hà Nội theo mỗi bước đi của mình. Trong tác phẩm, thời gian quá khứ đan xen với thực tại; không gian văn hóa miền Bắc thường được đem ra đối sánh với miền Nam và trung tâm điểm của không gian ấy là Hà Nội cũng nằm trong mối tương quan với thành phố Sài Gòn. Nói khác hơn, trong Thương nhớ mười hai, tác giả luôn đặt các sự vật trong hệ qui chiếu Bắc - Nam, quá khứ - thực tại. Rất nhiều đoạn văn trong tác phẩm mô tả Hà Nội từ điểm nhìn hiện tại như:
“…bây giờ nghe tiếng ve kêu ở trên rừng, trong núi hay giữa đô thành ngọc ngà này, bất cứ lúc nào, tôi cũng nhớ lại tiếng ve kêu rền rền đặc biệt ở Hà Nội ngày xưa (…). Đã nhớ như thế là nhớ tất cả: nhớ ánh đèn lung linh ở phía Tràng Tiền rung động trong nước hồ, nhớ Bút Tháp, Nghiên Rùa, nhớ những cây liễu xanh mơn mởn nằm nghiêng trên mặt nước chỗ cạnh trấn Ba Đình…”
“Những ngày Tết ở đất Bắc xa xưa, dưới nhang khói chùa Trấn Vũ, đền Ngọc Sơn hay là đền Bạch Mã, tôi đã trông thấy người ta lễ thành khẩn, lễ xuýt xoa và cảm thấy lòng thích thú vì thấy người ta tin tưởng. Nhưng ở chùa Phổ Quang trong Bắc Việt Nghĩa Trang ở Sài Gòn Tết ấy, thấy đồng bào chen nhau lễ,…”(6).
Có lẽ do sống ở miền Nam, do chia ly, cách biệt với quê hương xứ Bắc; nên trong Thương nhớ mười hai, Hà Nội càng đẹp lấp lánh, càng đậm đà, da diết bởi vị nhớ thương (Điều này Vũ Bằng giống với những nhà văn gốc Bắc khác). Vũ Bằng gần với Thạch Lam, Nguyễn Tuân (giai đoạn trước 1945) vì cảm hứng của ông thiên về sự khám phá, thưởng ngoạn nét đặc trưng của văn hóa kinh kỳ; chỉ khác ở chỗ Hà Nội trong Thương nhớ mười hai còn có sự cộng hưởng của tình cảm gia đình và sự gián cách về điểm nhìn.
Nhưng Vũ Bằng cũng như các nhà văn gốc Bắc vẫn nhìn Hà Nội bằng con mắt của người Hà Nội. Trong văn xuôi miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, viết về Hà Nội còn có nhiều nhà văn gốc gác miền Nam.
3.  Trong số các nhà văn miền Nam, Võ Hồng là người dành nhiều cảm tình cho Hà Nội. Các truyện ngắn có nhắc đến Hà Nội của ông không chỉ mô tả bờ hồ, góc phố, những con đường, món ăn đặc trưng của Thăng Long xưa mà còn ghi nhận chân thực nhiều đặc điểm lịch sử giai đoạn trước 1945. Ví dụ như trong truyện Ngày xưa, tác giả viết rất cụ thể mốc thời gian:
“... Ngày 10 và 14 tháng 10 năm 1943, phi cơ Mỹ thả bom xuống Hà Nội. Lệnh tản cư đưa ra. Những chuyến tàu chở người tản cư kéo hàng hai mươi toa rầm rộ chạy suốt đêm. Tôi không thể còn ở lại Hà Nội nữa. Gửi lại tất cả đồ đạc, gửi lại cả một hy vọng rộng rãi về tương lai, tôi xách va-li nhỏ lên ga Hà Nội, lên tàu xuôi Nam.
... Tôi nhớ rõ, ngày 16 tháng 10, một buổi chiều xám, lạnh. Xung quanh mọi vật đen và buồn...”(7).
Trong truyện Hoài cố nhân, Hà Nội cũng gắn với sự kiện lịch sử Nhật đảo chính Pháp:
“… khoảng đầu năm 1942. Nước Pháp bại trận ở Âu châu đã mở đường cho Nhật tràn vào Đông dương (…). Những cô đầm cong cớn không còn đi nghênh ngang trên phố Tràng Tiền mà được thay bằng những anh lính Nhật lùn, đi lạch bạch với vỏ gươm dài lê thê…”
Còn trong truyện ngắn Hà Vi, nhân vật là một người Hà Nội di cư vào Nam, viết bức thư cho người yêu cũ mà nội dung chủ yếu là nhắc lại những kỷ niệm về Hà Nội:
“…Anh sẽ nhắc em nhớ đến “những ngày Halais” như hồi ở Hà Nội anh thường nói. Những ngày Halais! Anh còn nhớ những ngày chúng mình đi chợ Hôm mua hoa loa kèn, những lúc mình ngồi uống nước chanh quả vừa ngồi đợi tàu điện trước mặt nhà thuốc Tây Nguyễn Đình Hoằng không? Anh còn nhớ ngày nào anh ở số 11 ngõ Tràng An cạnh nhà chị Tố và bà Tham Huệ (…). Anh còn nhớ những ngày đông lạnh chúng mình đi ăn chả cá ở phố Hàng Cân và khi đi ngang qua phố Chợ Hôm anh lè lưỡi nhìn những con chó nạo lông sạch bị treo ngược ở mấy cái móc sắt trước quầy hàng không? Anh còn nhớ hàng cháo lòng ở phố Hàng Lọng, hàng xôi “chuối tiêu trứng cuốc” ở phố Cửa Nam, hàng bánh cốm ở phố Hàng Than không? Em muốn nhắc anh nhớ hết, con đường Cổ Ngư, bờ hồ Hoàn Kiếm, phố Sinh Từ, ga Hàng Cỏ, vườn hoa Con Cóc… cho đến Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy…”(8).
Bình Nguyên Lộc cũng như Sơn Nam là người viết về văn hóa Nam Bộ đậm đà nhất. Nhiều truyện của ông có các nhân vật là người Hoa gốc Triều Châu, người Quảng Nam, Quảng Ngãi hay là người Hà Nội, người Bắc nói chung. Trong truyện ngắn Quyển gia phổ, Bình Nguyên Lộc xây dựng nhân vật Thụ làm nghề khai thác lâm sản: ngày Tết, Thụ đến nhà Tồn để tìm không khí gia đình ấm cúng. Thụ sống ở miền Nam nhưng vẫn giữ các phong tục, nếp sinh hoạt của người Bắc, mặc “chiếc áo dài bằng the thâm, đầu bịt khăn chữ nhứt chớ không phải chữ nhơn” như người miền Nam, vẫn nói giọng Bắc, thích ăn bánh chưng hơn bánh tét và đặc biệt là cho dù ăn Tết rất đầy đủ vẫn cứ thấy thiếu, “thấy nhơ nhớ cái lạnh, nhơ nhớ bình thủy tiên và rất nhiều thứ lặt vặt khác…” (9).
Không chỉ Võ Hồng hay Bình Nguyên Lộc mới chú trọng đến việc ghi nhận lịch sử và tính xác thực của bối cảnh; các nhà văn miền Nam khi viết về Hà Nội dường như đều cố gắng “tả chân”. Xét về đặc trưng thể loại, các tác phẩm có đề cập nhiều đến hình ảnh Hà Nội thường gần với các thể văn như hồi ký, tùy bút hay cũng có thể là sự pha trộn của truyện, tiểu thuyết với hồi ký, ký sự. Võ Hồng viết về Hà Nội bởi chính ông đã có những năm tháng học ở Hà Nội và hồi ức về “ngày xưa” ấy vẫn còn sống động trong ông. Những hoài niệm, liên tưởng thường xuyên của các nhân vật trong truyện Võ Hồng khiến người đọc có thể cảm nhận được Hà Nội gắn với hiện thực đất nước qua dòng chảy thời gian. Tùy bút của Vũ Bằng cũng khác với các nhà văn khác ở chỗ có sự tham gia của thể hồi ký, ký sự. Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng thường được gọi bằng những tên thể loại khác nhau như tùy bút, hồi ký hay ký sự trữ tình là vì vậy.
Dĩ nhiên không nhất thiết cứ phải gọi tên Hà Nội, tả thực quang cảnh Hà Nội hay viết về kỷ niệm của chính tác giả với Hà Nội thì mới gọi là văn xuôi thể hiện hình ảnh Hà Nội. Nếu sự sáng tạo trong văn chương – nghệ thuật là cơ chế phức tạp, thì việc phân tích hình ảnh Hà Nội trong văn xuôi cũng không đơn giản chỉ là thống kê, nhận xét về những trang văn có nhắc đến địa danh, sự vật, con người có liên quan đến Hà Nội. Trong Bếp lửa, Thanh Tâm Tuyền hiếm khi nhắc đến hay mô tả Hà Nội nhưng dường như đâu đó vẫn có phảng phất không khí, phong vị của Hà Nội; cũng như nhiều truyện của Túy Hồng dù không nói gì đến Huế nhưng người đọc vẫn nhận ra chất Huế đậm đà. Vấn đề hư cấu nghệ thuật của nhà văn xin được bàn tới ở chuyên mục khác; ở đây chúng tôi tự giới hạn hình ảnh Hà Nội qua mô tả trực tiếp, xác nhận và gọi tên cụ thể trong tác phẩm. Đề cập đến hình ảnh Hà Nội từ góc độ đề tài (phạm vi hiện thực được phản ánh) và sự nhất quán trong cảm hứng sáng tác cũng là để có chỗ dựa mang tính xác tín về mối liên hệ giữa văn học và văn hóa.
4.  Như vậy, Hà Nội là một địa chỉ có thực đồng thời là một không gian – bối cảnh nghệ thuật được nhiều tác phẩm văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 quan tâm đến. Hình ảnh chung nhất của Hà Nội qua các truyện ngắn, truyện dài và tùy bút là:
Hà Nội đẹp vì Hà Nội là thủ đô, là thành phố lớn, là nơi hội tụ thu hút nhiều người, là nơi tỏa sáng vì sự sang trọng, giàu có của nó. Cũng như Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ đã từng nói đến tâm trạng của hai nhân vật nhỏ tuổi Liên và An cố thức khuya để đợi tàu đi qua, chỉ để nhìn ngắm ánh sáng lấp lánh và sự chuyển động ồn ào của nó. Hà Nội trong một số tác phẩm văn xuôi giai đoạn sau 1954 cũng được mô tả như vậy: là nơi rất lộng lẫy trong giấc mơ trẻ thơ; là nơi đông đúc, nhộn nhịp, sung sướng của nhiều người. Sự thanh lịch, duyên dáng của Hà Nội được tả trong các tác phẩm viết về Hà Nội như điều tất yếu và khiến cho những gì thuộc về Hà Nội cũng đều trở nên xinh đẹp: đẹp từ góc phố, hàng cây, bờ hồ, nhà cửa đến cả những hàng ăn và chùa chiền, miếu mạo; con người đẹp đến cả phong tục, giọng nói, cách ứng xử cũng đẹp. Hà Nội không chỉ hào hoa, tráng lệ mà còn cổ kính, linh thiêng (Vũ Bằng nhắc rất nhiều đến những ngôi chùa, đền miếu của Hà Nội trong tác phẩm).
Như vậy, sau Nguyễn Tuân kỳ khu với cái đẹp, cái độc đáo “vang bóng một thời”; sau Thạch Lam viết về “Hà Nội - 36 phố phường” và vườn nhà yên tĩnh, thơ mộng; Vũ Bằng và nhiều nhà văn khác của miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 vẫn tiếp tục dòng văn xuôi khám phá văn hóa đất Kẻ Chợ-Kinh kỳ. Và trong những trang văn viết về Hà Nội giai đoạn 1954-1975, cảm hứng ngợi ca, yêu mến vẫn là chủ đạo. Nó che phủ hoặc có khi làm mờ đi cảm hứng phê phán (nếu có) trong một số ít tác phẩm.
Ngoài cảnh đẹp và những đặc tính của một thành phố lớn, một thủ đô lâu đời; Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn trước 1975 được nhấn mạnh ở chiều sâu văn hóa. Đó là nguyên nhân chính để Hà Nội tồn tại da diết trong cảm xúc của người đọc. Thử hỏi ai đọc Thương nhớ mười hai, Món ngon Hà Nội của Vũ Bằng mà không rưng rưng; ai đọc Hoài cố nhân, Ngày xưa, Hà Vi của Võ Hồng mà không thấy mình cũng có chút liên hệ với nơi cội nguồn ấy. Cho dù ra đi không phải với tư cách “mang gươm đi mở cõi”, vì chính trị hay tôn giáo, thì con người trong các tác phẩm viết về Hà Nội vẫn có nỗi niềm “ngàn năm thương nhớ” đất Thăng Long. Viết về lịch sử giai đoạn này có thể khó, viết về văn hóa ẩm thực hay phong tục ngày Tết, lối sống của người Hà Nội cũng không phải để được dễ dàng phổ biến hơn. Thực tiễn tác phẩm viết về Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 có thể cắt nghĩa bằng những nguyên nhân sau:
5.  Thứ nhất là điều kiện chiến tranh và sự xung đột, va chạm giữa văn hóa phương Đông và phương Tây khiến cho nhu cầu nhận thức về văn hóa và nhu cầu khẳng định bản sắc riêng của dân tộc gia tăng. Đặc biệt từ 1963 trở đi, sau sự kiện đảo chính Ngô Đình Diệm, Mỹ đổ quân và đô-la vào miền Nam với một kỷ lục chưa từng thấy. Sự xáo trộn ghê gớm về tinh thần và vật chất trong đời sống thường nhật ở các đô thị miền Nam khiến cho con đường tìm về với văn hóa dân tộc nhận được sự quan tâm của nhiều người. Và Hà Nội trong văn xuôi là một hình ảnh tượng trưng cho cội nguồn.
Thứ hai là tác động của sự giao lưu, tiếp biến của văn hóa vùng miền. Sau 1954, không chỉ có sự xâm nhập của văn hóa Bắc vào Nam, mà bom đạn chiến tranh còn khiến cho người dân ở các vùng quê phải ly hương, xiêu tán, đổ dồn về các thành phố, thị tứ. Khi con người từ các vùng miền Bắc-Trung-Nam cùng gần gũi, chung sống thì giữa họ không chỉ khác về giọng nói mà tập tục, nếp sinh hoạt, cách ứng xử cũng có nhiều điểm khác biệt thú vị. Và Hà Nội không chỉ là đại diện cho cội nguồn chung mà còn tiêu biểu cho văn hóa khu vực Bắc Bộ.
Thứ ba là sự đồng cảm chung, sự quan tâm chung của nhiều người về văn hóa dân tộc hay ý thức về giá trị văn hóa truyền thống. Trong giai đoạn 1954-1975, có nhiều công trình khảo cứu về văn hóa dân tộc viết trước 1945 được in lại, văn chương của Thạch Lam, Nguyễn Tuân và các tác giả tiền chiến (trước 1945) cũng được tái bản. Ngoài ra, các sách nghiên cứu về văn hóa của Toan Ánh, Nguyễn Hiến Lê, Kim Định…cũng được đón nhận nhiệt tình;  các bài viết tranh luận về văn hóa dân tộc hay “văn hóa – mạo hóa” của Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Lữ Phương… thường xuyên xuất hiện trên các báo, tạp chí. Nhiều tờ báo, tập san trong đó cả tờ Khởi Hành của Viên Linh cũng có chuyên mục “Văn hóa dân tộc”; tờ Trình bày của Thế Nguyên và nhiều báo khác thường in lại các loại tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ…
Tóm lại, trong đời sống văn hóa-nghệ thuật giai đoạn trước 1975, các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương… đã từng có chung mối quan tâm đến văn hóa dân tộc hay các biểu hiện của văn hóa. Vậy nên, việc thể hiện hình ảnh Hà Nội trong văn xuôi gắn với đặc trưng văn hóa, cũng là xu thế tất yếu.
6. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Bách Khoa số ra ngày 15/01/1972, Nguyễn Mộng Giác đã từng nhận xét rằng văn học đô thị miền Nam giai đoạn sau 1954 bắt đầu từ một cái cầu bị cấm(10). Cũng như lịch sử đất nước bị chia cắt; trong hơn hai mươi năm, văn chương hai miền đã có những chỗ rẽ khác biệt nhau. Nhưng như nước dưới chân cầu Hiền Lương không thể chia hai, con người ở hai miền vẫn hướng về nhau (Dĩ nhiên với tâm trạng và mong muốn không hoàn toàn giống nhau). Nếu đề tài miền Nam và đấu tranh thống nhất đất nước là chính yếu, xuyên suốt trong văn học giai đoạn 1954-1975 ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa; thì văn học đô thị miền Nam dù đa dạng, phức tạp nhiều chiều hơn, vẫn có những tác phẩm hướng về Hà Nội, về cội nguồn ở phía bên kia giới tuyến. Không chỉ là điều kiện chính trị mà chính sự cách biệt về không gian, thời gian cũng là nguyên nhân để ký ức hóa thân thành mạch nguồn cảm xúc. Giả sử như Đoàn Giỏi viết Đất rừng phương Nam tại miền Nam và Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai tại Hà Nội thì liệu tác phẩm có mang những nội dung như đang có không? Viết và kể chân thực về Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn trước 1975 vừa là tình cảm chủ quan của con người đối với quê hương, bản quán; vừa như qui luật khách quan của đời sống văn học: xu hướng bù trừ, cân bằng với cái đã mất. Hà Nội không mất, nhưng sự cách biệt với Hà Nội có thể khiến cho việc ngóng trông, đồng vọng trở nên tha thiết hơn. Đây cũng là điểm giống nhau hay là sự tiếp nối giữa giai đoạn văn học trước 1975 với tình hình sáng tác của người Việt ở hải ngoại sau 1975. Trong áp lực của nỗi nhớ quê hương, đất nước; trong sự khác biệt giữa hai nền văn hóa; một số lớn người Việt có xu hướng lấy ký ức cá nhân làm nguồn cảm hứng cho các sáng tác của mình. Nhiều truyện và tiểu thuyết tiếng Việt ra đời ở nước ngoài được xem như những dòng hoài niệm về quê hương, xứ sở. Xét ở phương diện văn hóa, đó cũng là cách ứng xử của nhà văn với giá trị văn hóa truyền thống.
Vậy nên, hình ảnh Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 ngoài giá trị văn chương, còn là một giá trị văn hóa.
------------------------------
Chú thích
(1) Nguyễn Hiến Lê, Hồi ký Nguyễn Hiến Lê; Nxb Văn học, Hà Nội, 1993, tr.361.
(2) Võ Phiến, Hai mươi năm văn học miền Nam 1954 – 1975, Văn Nghệ, California
(3)Viên Linh: “Thời niên thiếu của Thảo”; Tạp chí Văn số 227 ra ngày 25/6/1973.
(4) Triệu Xuân: Lời giới thiệu Tuyển tập Vũ Bằng, tập 1; Nxb Văn học, H, tr.5.
(5), (6) Vũ Bằng: Tuyển tập Vũ Bằng, sđd; tr. 26, tr. 82…
(7) Võ Hồng, Tuyển tập Võ Hồng; Sđd, tr.48.
(8) Võ Hồng, Tuyển tập Võ Hồng; Sđd, tr.116.
(9) Bình Nguyên Lộc, Tuyển tập Bình Nguyên Lộc; tập 1; Nxb Văn học, tr.347-442.
(10) Nguyễn Mộng Giác, “Nhìn lại 15 năm văn học miền Nam”; Tạp chí Bách khoa số 361&362 ra ngày 15/1/1972.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114489422

Hôm nay

2299

Hôm qua

2310

Tuần này

21232

Tháng này

216734

Tháng qua

120271

Tất cả

114489422